Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Nghiên cứu đánh giá tác động đến tài nguyên và môi trường của hệ thống sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam

12/10/2022

    Tóm tắt

    Sản xuất giấy bao bì là một trong những ngành công nghiệp phụ trợ quan trọng cho nhiều ngành sản xuất, có quan hệ mật thiết với nền kinh tế quốc dân và với sự phát triển của xã hội, tuy nhiên hoạt động này cũng đã và đang gây ra các tác động tới môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Nghiên cứu áp dụng phương pháp Đánh giá tác động vòng đời của hệ thống sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam theo ba phạm trù tác động: Tổng tài nguyên thiên nhiên sử dụng, Tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP) và Tiềm năng gây độc tính sinh học nước ngọt. Kết quả đánh giá cho thấy tổng tài nguyên thiên nhiên được sử dụng trong hệ thống sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam là 12.68 - 28.31 GJex/tấn giấy, GWP là 265 đến 537 kg CO2-eq/tấn giấy và tiềm năng gây độc tính sinh thải nước ngọt là đến 3.75 - 11.58 kg1,4-DCB-eq/ tấn giấy. Tác động môi trường của hệ thống sản xuất phụ thuộc vào quy mô, trình độ công nghệ sản xuất và chủ yếu quyết định bởi hiệu quả cũng như loại năng lượng, nguyên nhiên liệu sử dụng.

    Từ khóa: Sản xuất giấy bao bì, tác động môi trường, đánh giá vòng đời.

    Nhận bài: 30/6/2022; Sửa chữa: 12/9/2022; Duyệt đăng: 20/9/2022.

    1Mở đầu

    Giấy carton, giấy bao bì đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực đóng gói vì độ bền, giá rẻ và đặc tính linh hoạt của nó. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, sự phát triển của thương mại điện tử và hoạt động xuất khẩu tăng trưởng nhanh đã thúc đẩy nhu cầu bao bì đóng gói tăng cao. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, năm 2020, tổng tiêu dùng giấy bao bì đạt 4,286 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2019 và xuất khẩu giấy bao bì đạt 1,526 triệu tấn, tăng 95,3% so với năm 2019 [7]. Hiện nay, giấy bao bì được sản xuất chủ yếu từ nguyên liệu giấy thu hồi đã đem lại những lợi ích lớn về kinh tế cũng như về môi trường do tận dụng được nguồn nguyên liệu là giấy phế liệu và giảm lượng chất thải là giấy phế thải ra môi trường. Tuy nhiên, quá trình sản xuất giấy vẫn sử dụng một lượng nhất định các tài nguyên khác như nhiên liệu, nước… đồng thời thải ra môi trường một lượng chất thải bao gồm khí thải, nước thải, chất thải rắn có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường. Để có thể đánh giá một cách định lượng các tác động đến TN&MT của quá trình sản xuất giấy bao bì làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động hướng đến một nền sản xuất bền vững, nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu nhận diện và ước tính mức độ tiêu thụ tài nguyên, tiềm năng gây ô nhiễm môi trường trong toàn bộ quá trình sản xuất giấy bao bì theo tiếp cận Đánh giá vòng đời (Life Cycle Assessment, LCA).

    2. Phương pháp nghiên cứu

    ​Đánh giá vòng đời là phương pháp đánh giá các tác động môi trường phát sinh trong toàn bộ vòng đời của một sản phẩm hay hệ thống sản phẩm, kể từ giai đoạn khai thác, chế biến, cung cấp nguyên vật liệu, năng lượng cho quá trình sản xuất sản phẩm, đến giai đoạn sản xuất, vận chuyển, phân phối sản phẩm, giai đoạn sử dụng và giai đoạn xử lý, thải bỏ cuối cùng [1]. Trong nghiên cứu này, tác động môi trường của hệ thống sản xuất giấy bao bì được đánh giá bằng phương pháp Đánh giá vòng đời (LCA), được thực hiện theo TCVN ISO14040:2009. Theo đó, nghiên cứu được tiến hành theo bốn giai đoạn: Xác định mục tiêu và phạm vi, phân tích kiểm kê, đánh giá tác động vòng đời và phân tích, diễn giải kết quả.

    2.1. Xác định phạm vi nghiên cứu

    Theo kết quả khảo sát sơ bộ về hiện trạng của ngành sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì trong nước không chỉ đa dạng về chủng loại sản phẩm mà còn về quy mô và trình độ công nghệ sản xuất. Dựa trên trình độ công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì có thể được phân chia thành ba nhóm với các mức công suất tương ứng như sau: Nhóm 1 với công suất >30.000 tấn/năm, là nhóm cơ sở sản xuất với công nghệ sản xuất hiện đại, với trang thiết bị đồng bộ, có đặc biệt đối với các nhà máy công suất > 50.000 tấn/năm còn có trang bị, lắp đặt hệ thống điều khiển tự động hoá (QCS); nhóm 2 với công suất 10.000-30.000 tấn /năm là nhóm các cơ sở sản xuất ở mức trung bình, có đầu tư thiết bị khá đồng bộ với hệ thống điều khiển phân tán DCS; và nhóm 3 với công suất < 10.000 tấn/năm là nhóm các cơ sở với trình độ công nghệ thấp, máy móc và trang thiết bị phần lớn là các loại máy móc đã qua sử dụng được nhập khẩu từ Trung Quốc, công nghệ thiết bị lạc hậu. Máy móc thiết bị chắp vá, không đồng bộ, không hoặc rất ít đơn vị có khả năng kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu ra. Nhìn chung, toàn bộ quá trình sản xuất giấy bao bì tại cả ba nhóm cơ sở được chia thành bốn giai đoạn chính bao gồm: (1) Giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu, (2) Chuẩn bị bột, (3) Xeo giấy và (4) Sấy. Để đánh giá một cách toàn diện các tác động môi trường của quá trình sản xuất giấy bao bì theo tiếp cận đánh giá vòng đời, phạm vi nghiên cứu được lựa chọn bao gồm toàn bộ quá trình sản xuất giấy bao bì của ba nhóm quy mô quy mô công suất. Ngoài ra, các quá trình cung ứng nguyên vật liệu, năng lượng cho quá trình sản xuất và các quá trình phụ trợ (như xử lý nước cấp, xử lý nước thải, khí thải) cũng được phân tích kiểm kê và đánh giá tác động (Hình 1).

    2.2. Phân tích kiểm kê

    Phân tích kiểm kê bao gồm quá trình thu thập dữ liệu và xử lý dữ liệu kiểm kê của các quá trình thuộc phạm vi nghiên cứu.

    Các dữ liệu kiểm kê được thu thập bao gồm: Các số liệu về các dòng vào (bao gồm điện, nước, nhiên liệu, nguyên liệu giấy loại, bột giấy, hóa chất…) và các dòng ra (bao gồm sản phẩm chính, sản phẩm phụ và các dòng thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn)) của các quá trình sản xuất.

    Dữ liệu dòng vào, dòng ra của quá trình sản xuất được thu thập từ quá trình khảo sát tại một số nhà máy sản xuất bao bì tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam, kết hợp kế thừa các nghiên cứu đã công bố. Bên cạnh đó, một số ước tính về thải lượng các chất ô nhiễm từ quá trình cháy của nhiên liệu được thực hiện dựa trên hệ số phát thải của AP42 của Hiệp hội bảo vệ môi trường Mỹ.

    Số liệu kiểm kê mô phỏng quá trình sản xuất và phân phối các nguyên vật liệu và năng lượng được trích xuất từ bộ dữ liệu nền Ecoinvent v.3.5.

    Toàn bộ các kết quả kiểm kê sau đó được xử lý và biểu diễn theo đơn vị chức năng (1 tấn giấy bao bì tạo thành từ quá trình sản xuất).

    2.3. Đánh giá tác động môi trường

    Để đánh giá các tác động môi trường do việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và phát thải các chất ô nhiễm môi trường của hệ thống sản xuất giấy bao bì, nghiên cứu sử dụng các phương pháp sau: (1) Phương pháp CEENE (Cumulative Exergy Extraction from the Natural Environment) được sử dụng để đánh giá các tác động liên quan đến việc khai thácvà sử dụng tài nguyên thiên nhiên và (2) phương pháp ReCiPe được sử dụng để đánh giá tác động liên quan đến các phát thải ra môi trường (cụ thể là Tiềm năng nóng lên toàn cầu (Global warming potential, GWP, đơn vị là kgCO2eq), Độc tính sinh thái nước ngọt (Freshwater ecotocxity), FETP, đơn vị là 1,4DCB-eq) [2].

    Trong phương pháp CEENE, tác động môi trường liên quan đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên được đánh giá thông qua ước tính tổng năng lượng hữu ích (biểu diễn bởi đơn vị: exergy, MJex, GJex) của tám loại tài nguyên thiên nhiên (năng lượng hóa thạch, năng lượng hạt nhân, quặng kim loại, khoáng sản, không khí, nước, đất và các nguồn năng lượng tái tạo) được sử dụng [3].

    3. Kết quả và thảo luận

    3.1. Các tác động môi trường liên quan đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên

    Kết quả tính toán mức độ tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên theo phương pháp CEENE cho thấy tổng lượng tài nguyên thiên nhiên được sử dụng tromg toàn bộ hệ thống sản xuất giấy bao bì dao động trong khoảng 12.68 - 28.31 GJex/tấn giấy. Trong đó lượng tài nguyên thiên nhiên được sử dụng chủ yếu trong chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu, năng lượng cho quá trình sản xuất giấy, cụ thể là 12.35 – 27.82 GJex/tấn giấy (chiếm đến 99% tổng lượng tài nguyên sử dụng), tiêu thụ trong chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu, năng lượng cho hệ thống phụ trợ (xử lý nước cấp, xử lý nước thải và xử lý khí thải) gần như không đáng kể 0.17-0.25 GJex/tấn giấy (Hình 2A).

 

  

 

Hình 2. Tổng lượng tài nguyên thiên nhiên sử dụng trong hệ thống sản xuất giấy bao bì

    Các số liệu tính toán cũng cho thấy, mức độ sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo các nhóm quy mô công suất là khác nhau. Trong đó, nhóm 3 - nhóm có trình độ công nghệ và năng suất sản xuất thấp nhất lại có mức sử dụng tài nguyên thiên nhiên thấp nhất. Điều này được giải thích là do mặc dù nhóm 3 có mức tiêu hao nguyên vật liệu (như nước cấp, mùn cưa, giấy loại) cao hơn hai nhóm còn lại, nhưng nhóm 3 sử dụng mùn cưa (chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất, sử dụng gỗ) làm nhiên liệu thay thế cho điện và than; phần tài nguyên thiên nhiên được tính cho quá trình sản xuất và cung ứng mùn cưa thấp hơn nhiều so với điện và than (11.3 MJex/kg mùn cưa so với 31.2 MJex/kg than) [4]. So sánh nhóm 1 và nhóm 2 có thể thấy mặc dù sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến và đồng bộ hơn nhóm 2, các sơ sở sản xuất nhóm 1 có mức tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên cao hơn, 28.31 GJex/tấn giấy so với 23.14GJex/tấn giấy. Nguyên nhân là do các cơ sở nhóm 1 có công suất cao hơn nhưng yêu cầu về chất lượng sản phẩm giấy cũng cao hơn, do vậy phải sử dụng thêm bột giấy, phụ gia và hóa chất bền khô để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

    Kết quả phân tích chi tiết lượng tài nguyên thiên nhiên sử dụng cho hệ thống sản xuất giấy bao bì được thể hiện ở Hình 2B. Có thể thấy quá trình sản xuất và cung cấp các loại nhiên liệu và năng lượng (điện) cho quá trình sản xuất giấy tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên nhất. Cụ thể đối với nhóm 1 và 2, quá trình sản xuất và cung ứng than, điện chiếm 65-68% tổng lượng tài nguyên thiên nhiên cần cho cả hệ thống. Các cơ sở thuộc nhóm 3 sử dụng gỗ/mùn cưa làm nhiên liệu thay thế cho than, với lượng sử dụng lớn (gấp 2 lần so với khối lượng than sử dụng bởi nhóm 1 và 2), do vậy quá trình sản xuất và cung ứng gỗ/mùn cưa tiêu tốn 61% tổng lượng tài nguyên thiên nhiên tiêu dùng trong toàn bộ hệ thống.

    Đứng thứ hai trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên là quá trình sản xuất và cung ứng nguyên liệu cho quá trình sản xuất giấy (bột giấy, giấy phế liệu). Cụ thể lượng tài nguyên cần sử dụng để sản xuất và cung ứng bột giấy cho các sơ cở của nhóm 1 và nhóm 2 lần lượt là 8.5 GJex/tấn giấy và 6.8 GJex/tấn giấy bao bì, chiếm tỷ lệ 30% tổng lượng tài nguyên sử dụng. Riêng đối với nhóm 3 do yêu cầu về chất lượng giấy thành phẩm thấp, do vậy, các cơ sở sử dụng đến 90% nguyên liệu đầu vào là các loại giấy phế liệu, do vậy lượng tài nguyên tiêu tốn cho cung ứng nguyên liệu đầu vào (giấy và bột giấy) là rất thấp, chủ yếu cho quá trình thu gom giấy phế liệu.

    Kết quả chi tiết các loại tài nguyên thiên nhiên cần sử dụng cho toàn bộ hệ thống sản xuất giấy bao bì được thể hiện ở Hình 3.

Hình 3. Các tài nguyên thiên nhiên sử dụng trong chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu, năng lượng, hóa chất cho quá trình sản xuất giấy

    Kết quả cho thấy, nhiên liệu hóa thạch là tài nguyên được sử dụng nhiều nhất trong hệ thống sản xuất của nhóm 1 và 2. Lượng nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong hệ thống sản xuất của hai nhóm tính theo CEENE lần lượt là 15.6 GJex/tấn giấy bao bì và 13.3 GJex/tấn giấy bao bì (chiếm 56% - 58% tổng lượng tài nguyên thiên nhiên sử dụng trong hệ thống là 27.8 và 22.7 GJex/tấn giấy). Nguyên nhân là do việc sử dụng một lượng lớn than cho các lò hơi tại các cơ sở sản xuất của hai nhóm này. Đất là tài nguyên được sử dụng nhiều thứ hai trong hệ thống sản xuất của hai nhóm này. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng bột giấy nguyên sinh từ gỗ trong quá trình sản xuất giấy bao bì của các cơ sở thuộc hai nhóm này.

    Ngược lại đối với nhóm 3 đất là tài nguyên thiên nhiên sử dụng nhiều nhất với tổng lượng sử dụng là 7.2 GJex/tấn giấy bao bì (chiếm 57% tổng lượng tài nguyên thiên nhiên sử dụng là 12,4 GJex/tấn giấy), sử dụng nhiên liệu hóa thạch đứng thứ hai với tổng lượng sử dụng là 3.3 GJex/tấn giấy bao bì (chiếm 27% tổng lượng tài nguyên thiên nhiên). Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt giữa nhóm 3 với hai nhóm còn lại là do nhóm này có quy mô sản xuất nhỏ, quá trình sản xuất thủ công hơn, mùn cưa/gỗ do vậy được lựa chọn sử dụng thay thế cho than cám là nguồn nhiên liệu cung cấp năng lượng,

    Theo Bảng kết quả trên có thể thấy mức độ sử dụng các tài nguyên khác như tài nguyên nước và tài nguyên tái tạo phi sinh học chỉ chiếm khoảng 3 - 6% tổng lượng tài nguyên sử dụng, và mức độ sử dụng các tài nguyên như năng lượng hạt nhân, khoáng sản và quặng kim loại là rất nhỏ.

    3.2. Tiềm năng nóng lên toàn cầu (Global warming potential, GWP)

    Kết quả tính toán GWP cho thấy tiềm năng nóng lên toàn cầu của hệ thống sản xuất giấy bao bì dao động trong khoảng 265 đến 537 kg CO2-eq/tấn giấy, tùy thuộc vào công suất sản xuất. GWP cũng giảm dần từ nhóm 1 đến nhóm 3. Nguyên nhân là do lượng tiêu thụ nhiên liệu và năng lượng điện của các hệ thống sản xuất giảm dần từ nhóm 1 đến nhóm 3 (Hình 4A).  

    Kết quả tính toán cũng cho thấy lượng khí nhà kính phát sinh từ chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, năng lượng cho quá trình sản xuất đóng góp phần lớn vào GWP của toàn bộ hệ thống. Cụ thể GWP của lượng KNK phát sinh trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, năng lượng là 231 - 510 kg CO2-eq/tấn giấy, chiếm từ 87% - 95% tổng lượng KNK phát sinh trong toàn bộ hệ thống. Sự phát sinh các KNK trong chuỗi cung ứng hóa chất cho các hệ thống phụ trợ (xử lý nước cấp, xử lý nước thải và xử lý khí thải lò hơi) là không đáng kể, chỉ chỉ đóng góp từ 5% - 14% vào tổng GWP của toàn hệ thống.

  

 

Hình 4. Tiềm năng nóng lên toàn cầu của toàn bộ hệ thống sản xuất giấy bao bì

    Phân tích chi tiết lượng KNK phát sinh từ chuỗi cung ứng cho sản xuất cho thấy trên 50% KNK phát sinh từ quá trình sản xuất và phân phối điện. Nguồn gây phát sinh KNK lớn thứ hai là từ quá trình sản xuất và cung ứng nhiên liệu (than, vỏ/mùn cưa) (Hình 4B). Tổng GWP của các KNK phát sinh từ quá trình này đối với nhóm 1 là 161 kg CO2-eq/tấn giấy bao bì, nhóm 2 là 150 kg CO2-eq/tấn giấy bao bì và nhóm 3 là 21 kg CO2-eq/tấn giấy bao bì.

    3.3. Tiềm năng gây độc tính sinh thái trong nước ngọt (Freshwater ecotoxicity, FETP)

  

 

Hình 5. Tiềm năng gây độc tính sinh thái nước ngọt của toàn bộ hệ thống sản xuất giấy bao bì

    Kết quả tính toán tiềm năng gây độc tính sinh học đối với các hệ sinh thái nước ngọt thấy tiềm năng gây độc tính sinh thái nước ngọt của toàn bộ hệ thống sản xuất giấy bao bì giảm dần từ nhóm 1 đến nhóm 3, cụ thể là từ 11.58 kg1,4-DCB-eq/tấn giấy đến 3.75 kg1,4-DCB-eq/tấn giấy (Hình 5A). Lượng chất thải gây độc tính chủ yếu phát sinh từ chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu, năng lượng cho quá trình sản xuất dao động từ 3.55 kg1,4-DCB-eq/tấn giấy đến 11.40 kg1,4-DCB-eq/tấn giấy, chiếm 99% tổng tiềm năng của cả hệ thống. Trong đó, chủ yếu là do các phát thải từ quá trình sản xuất, cung ứng điện và than với tổng mức phát thải tương ứng là 3.31 - 19,48 kg1,4-DCB-eq/tấn giấy (chiếm 90% tổng FETP của toàn bộ chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu, năng lượng của ba nhóm) (Hình 5B). Điều này được giải thích do than và điện là hai nguồn cung cấp năng lượng chính trong quá trình sản xuất và tiềm năng gây độc tính sinh thái khi sản xuất 1 kWh điện và 1kg than lớn gấp từ 3-6 lần quá trình sản xuất 1 kg phụ gia và hay nguyên liệu bột giấy [4]. Các phát thải từ chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu, năng lượng cho các hệ thống phụ trợ cũng như các phát thải trực tiếp từ hệ thống là rất thấp do hiệu quả của hệ thống xử lý nước thải, khí thải của các cơ sở cao, giúp xử lý hầu hết các chất ô nhiễm trong nước thải và khí thải của quá trình sản xuất giấy.

    4. Kết luận

    Áp dụng phương pháp đánh giá vòng đời, nghiên cứu đã thực hiện đánh giá các tác động môi trường của hệ thống sản xuất giấy bao bì của các cơ sở sản xuất thuộc ba quy mô sản xuất khác nhau. Kết quả đánh giá cho thấy, để tạo ra 1 tấn giấy bao bì, hệ thống sản xuất cần sử dụng 12.68 - 28.31 GJex tài nguyên thiên nhiên, đồng thời gây phát thải 265 - 537 kg CO2-eq KNK và gây ra tiềm năng gây độc tính sinh thải nước ngọt là 3.75 - 11.58 kg1,4-DCB-eq. So sánh với quá trình sản xuất giấy thùng carton với công nghệ tương tự tại một số nước đang phát triển cho thấy kết quả khá tương đồng [4]. So sánh với các công nghệ hiện có trên thế giới [5, 6] thì định mức tiêu thụ nước và sự kiểm soát phát thải nước thải và chất thải rắn của hệ thống sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam đạt mức độ trung bình so với thế giới, tuy nhiên hiệu quả xử lý/kiểm soát khí thải là chưa cao mặc dù khí thải sau xử lý đáp ứng QCVN 19:2009/BTNMT. Kết quả đánh giá trên ba phạm trù tác động (tổng tài nguyên thiên nhiên sử dụng, tiềm năng nóng lên toàn cầu và tiềm năng gây độc sinh thái nước ngọt) cũng cho thấy tác động chủ yếu phát sinh từ chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu, năng lượng cho quá trình sản xuất đóng, trong đó quá trình sản xuất và cung ứng, sử dụng năng lượng điện, than và mùn cưa là quá trình gây ra tác động môi trường lớn nhất. Trong xu hướng hạn chế sử dụng các loại nhiên liệu như than, gỗ, dịch đen, việc sử dụng các năng lượng xanh thay thế trong quá trình sản xuất là một trong những giải pháp được đề xuất nhằm giảm tác động của hệ thống sản xuất giấy bao bì. Bên cạnh đó, việc sử dụng các nguồn giấy phế chất lượng cao, nâng cao phần trăm giấy phế liệu trong nguyên liệu đầu vào cũng là những giải pháp tiềm năng cho ngành sản xuất bột giấy tại Việt Nam.

Trần Phương Hà1, Văn Diệu Anh1Đào Thành Dương2, Đặng Tùng Lâm1 , Phạm Phương Hạnh3Trần Thị Thu Lan4, Võ Thị Lệ Hà*1

1Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

2Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội

3Trường đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ Tài nguyên và Môi trường

4Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2022)

Tài liệu tham khảo

1. STAMEQ. TCVN/ISO 14040:2009. Quản lý môi trường - Đánh giá vòng đời của sản phẩm - Nguyên tắc và khuôn khổ. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Bộ Khoa học và Công nghệ; 2009. Hanoi

2. PRé Sustainability. ReCiPe report:A harmonized life cycle impact assessment method at midpoint and endpoint level. National Institute for Public Health and the Environment,; 2016. The Netherlands

3. Dewulf J, Van der Vorst G, Denturck K, Van Langenhove H, Ghyoot W, Tytgat J, Vandeputte K. Cummulative Exergy Extraction from the Natural Environment (CEENE): a comprehensive Life Cycle Impact Assessment method for resource accounting. Environmental Science and Technology 2007, 41:8477 - 8483.

4. Ecoinvent. Ecoinvent Database. Swiss Centre for Life Cycle Inventories; 2022.

5. European Comission. Best Available Techniques (BAT) Reference Document for the Production of Pulp, Paper and Board, . Joint Research Centre, Institute for Prospective Technological Studies, Sustainable Production and Consumption Unit, European IPPC Bureau.; 2015.

6. KIRWAN MJ. Handbook of paper and paperboard packaging technology. Wiley Online Library; 2013.

Study on the impact of the packaging paper production in Vietnam on natural resource

and environment

Tran Phuong Ha1, Van Dieu Anh1, Dao Thanh Duong2, Dang Tung Lam1, Pham Phuong Hanh3, Tran Thi Thu Lan4, Vo Thi Le Ha*1

1School of Environmental Science and Technology (INEST), Hanoi University of Science and Technology (HUST)

2University of Science and Technology of Hanoi (USTH)

3Institute of Natural Resource and Environment Training (InNET)

4Institute of Chemistry, Vietnam Academy of Science and Technology (VAST)

    Abstract:

     Production of packaging paper is one of the important supporting industries for many manufacturing industries and thus has been closely related to the national economy and the development of society. However, this industry has caused different impacts on the environment and natural resources. In this study, Life cycle impact assessment (LCA) method has been applied to assess the potential environment impacts of the packaging paper production in Vietnam in three perspectives: total natural resources consumption, global warming potential (GWP) and potential freshwater ecotoxicity. The assessment results show that the total natural resources used in the packaging paper production system in Vietnam is 12.68 - 28.31 GJex/ton of paper. Its GWP and freshwater ecotoxicity potential is approximately 265 -537 kg of CO2-eq/ton of paper and 3.75 - 11.58 kg 1,4 - DCB-eq/ton of paper, respectively. The environmental impact of the production system depends on the scale and level of production technology and is mainly determined by the efficiency as well as the type of energy and fuel used.

    Keywords: Production of packaging paper, environmental impact, Life cycle impact assessment.

Ý kiến của bạn