Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Mối liên quan của nhiệt độ và số lượng bệnh nhân mắc một số bệnh lý tim mạch thường gặp nhập viện tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2021

06/12/2022

TÓM TẮT

    Sự thay đổi của nhiệt độ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đối với người già, người mắc bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, dị ứng… Nghiên cứu sử dụng thiết kế sinh thái nhằm mô tả mối liên quan giữa nhiệt độ và số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc một số bệnh tim mạch thường gặp. Kết quả cho thấy có mối quan hệ yếu giữa số lượng bệnh nhân nhập viện do một số bệnh lý tim mạch và nhiệt độ. Tỉnh Nghệ An cần xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người dân trước những thay đổi của nhiệt độ.

    Từ khóa: Nhiệt độ, bệnh tim mạch.

Nhận bài: 17/10/2022; Sửa chữa: 24/10/2022; Duyệt đăng: 28/10/2022.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

    Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày và khó dự đoán. Những sự thay đổi này ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa sự thay đổi nhiệt độ và bệnh tim mạch. Thay đổi nhiệt độ trong thời gian ngắn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch; nguy cơ nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp tăng 10% ở nhiệt độ thấp (19,0 0C) và tăng 30% ở nhiệt độ quá thấp (17,30C). Khi nhiệt độ môi trường thay đổi thì nguy cơ nhập viện tim mạch tăng 2,8% đối với tiếp xúc lạnh, 2,2% đối với tiếp xúc với sóng nhiệt và 0,7% cho sự gia tăng nhiệt độ ban ngày (1 - 3).

    Nghệ An là nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu sự tác động trực tiếp của gió mùa Tây - Nam khô và nóng; gió mùa Đông Bắc lạnh và ẩm ướt. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 23 - 24 0C. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm khá cao. Từ năm 2015 - 2020, Nghệ An có 59 đợt nắng nóng. Đáng chú ý là đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 4 - 30/6/2019 với nhiệt độ cao từ 38,5 - 41,5 0C, ngày 22/6 có một số nơi cao hơn 42 0C, nhiều nơi có nhiệt độ vượt mốc lịch sử (4).

    Việt Nam có ít nghiên cứu về mối liên quan giữa nhiệt độ và số lượng bệnh nhân nhập viện do bệnh tim mạch. Riêng Nghệ An chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này. Vì vậy, nhóm nghiên cứu tiến hành nghiên cứu về mối liên quan giữa sự thay đổi nhiệt độ và số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc một số bệnh lý tim mạch tại Nghệ An trong giai đoạn 2017 - 2021.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

    Đối tương nghiên cứu: Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch điều trị tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An.

    Tiêu chí lựa chọn: Bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch được mã hóa bằng hệ thống mã bệnh tật ICD 10 bằng mã bệnh. Cụ thể: bệnh lý tăng huyết áp (I10–I15), hội chứng động mạch vành (I20 với I25), nhồi máu cơ tim cấp (I21) và suy tim (I50) có địa chỉ thường trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhập viện tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2021.

2.2. Phương pháp nghiên cứu: Sử dụng thiết kế nghiên cứu sinh thái theo chuỗi thời gian.

2.3 Xử lý và phân tích số liệu: Số liệu được trích xuất từ phần mềm quản lý bệnh viện sang file Microsoft Excel, số liệu thời tiết được tổng hợp sang file Microsoft Excel sau đó được làm sạch và tiến hành phân tích trên phần mềm thống kê STATA phiên bản 16.0.

2.4. Đạo đức nghiên cứu: Nghiên cứu đã được Hội đồng Đạo đức trường Đại học Y tế công cộng thông qua theo quyết định số 436/2021/YTCC-HD3 ngày 14/12/2021. Nghiên cứu chỉ thu thập các thông tin cơ bản của bệnh nhân, không tiến hành can thiệp và không tác động đến điều trị. Các thông tin cá nhân được giữ bí mật và chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 1: Số ca nhập viện do mắc một số bệnh tim mạch thường gặp tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2017-2021

Giới tính

Tổng

Tăng huyết áp

Hội chứng động mạch vành mạn

Nhồi máu cơ tim cấp

Suy tim

n

%

n

%

n

%

n

%

n

%

Tổng cộng

30496

100

3091

100

10202

100

5412

100

11791

100

Nam

15431

50,6

1336

43,22

5420

53,13

3265

60,33

5410

45,88

Nữ

15065

49,4

1755

56,78

4782

46,87

2147

39,67

6381

54,12

< 65 tuổi

12167

39,9

1180

38,18

4470

43,81

1865

34,46

4652

39,45

≥ 65 tuổi

18329

60,1

1911

61,82

5732

56,19

3547

65,54

7139

60,55

 

    Trong tổng số 30946 ca nhập viện, nam giới có 15431 ca (chiếm 50,6%) và nữ giới là 15065 ca (chiếm 49,4%). Trong hội chứng động mạch vành mạn và nhồi máu cơ tim cấp thì nam giới có số lượng nhập viện nhiều hơn nữ giới (53,13% so với 46,87% và 60,33% so với 39,67%); ngược lại tại nhóm bệnh tăng huyết áp và suy tim thì nữ giới có số lượng nhập viện nhiều hơn nam giới (56,78% so với 43,22% và 54,12% so với 45,88%).

    Số lượng bệnh nhân có độ tuổi lớn hơn hoặc bằng 65 tuổi chiếm hơn 56% tổng số bệnh nhân nhập viện (hội chứng động mạch vành mạn 56,19%; nhồi máu cơ tim cấp 65,54%; suy tim 60,55% và tăng huyết áp là 61,82%).

Biểu đồ 1. Mối tương quan giữa nhiệt độ trung bình tháng và số ca nhập viện tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2017-2021

    Có mối tương quan nghịch biến giữa nhiệt độ trung bình tháng và số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc một số bệnh lý tim mạch thường gặp với hệ số tương quan Spearman là r = -0,069 (p<0,05).

 

Biểu đồ 2. Mối tương quan giữa nhiệt độ trung bình tháng và số ca nhập viện tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2017-2021

    Có mối tương quan nghịch có ý nghĩa thống kê giữa nhiệt độ trung bình tháng và số lượng bệnh nhân nhập viện do tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim với hệ số tương quan Spearman lần lượt là là r = -0,096, r = -0,062, r = -0,145 (p<0,05).

    Có mối tương quan thuận có ý nghĩa thống kê giữa nhiệt độ trung bình tháng và số lượng bệnh nhân nhập viện do hội chứng động mạch vành mạn với hệ số tương quan Spearman là r = 0,053 (p<0,05).

4. BÀN LUẬN

    Hiện nay, bệnh lý tim mạch đang dần trở thành gánh nặng cho xã hội, kéo theo nhiều hệ lụy trong đời sống.  Kết quả nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2019 cho thấy, tổng số ca bệnh tim mạch phổ biến tăng gần gấp đôi từ 271 triệu năm 1990 lên 523 triệu vào năm 2019, và số ca tử vong do bệnh tim mạch tăng đều đặn từ 12,1 triệu vào năm 1990, đạt 18,6 triệu vào năm 2019. Xu hướng toàn cầu đối với số năm sống được điều chỉnh theo khuyết tật và số năm sống bị mất cũng tăng đáng kể và số năm sống với khuyết tật đã tăng gấp đôi từ 17,7 triệu lên 34,4 triệu trong khoảng thời gian đó (5). Tại các nước đang phát triển tỷ lệ bệnh tim mạch đang ngày càng tăng cao trong đó có Việt Nam. Chi phí khám và chữa bệnh tim mạch đã trở thành gánh nặng kinh tế cho xã hội. Tại Hội nghị tim mạch Việt Nam được tổ chức vào năm 2017, các chuyên gia cho biết, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong do các bệnh tim mạch, cao hơn cả số tử vong do ung thư. Bệnh tim mạch hiện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và số người mắc căn bệnh này ở lứa tuổi trẻ ngày càng tăng (6). Trong giai đoạn 2017-2021, trong số 30.496 ca nhập viện do bệnh lý tim mạch, nhiều nhất là suy tim (11.791 ca), tiếp theo là hội chứng động mạch vành mạn (10.202 ca), nhồi máu cơ tim cấp (5.412 ca) và thấp nhất là tăng huyết áp (3.091 ca).

    Số bệnh nhân có bệnh tim mạch nhập viện với độ tuổi ≥ 65 tuổi chiếm hơn 56% do tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh và mức độ bệnh tim mạch tăng lên(7).  Nghiên cứu của Sarink về các xu hướng về tỷ lệ mắc bệnh tim mạch theo độ tuổi và giới tính tại Tây Úc cũng cho kết quả tương tự là phần lớn bệnh tim mạch xảy ra ở người lớn tuổi (8). Càng lớn tuổi, các yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch càng tăng dần theo tuổi, hoạt động của tim càng kém hiệu quà. Thành tim dày lên, các động mạch xơ cứng, khiến cho quá trình bơm máu cũng trở nên khó khăn, đó là lý do vì sao nguy cơ mắc bệnh tim mạch gia tăng theo tuổi.

    Nghiên cứu sử dụng hệ số tương quan Spearman để đánh giá mối liên quan giữa nhiệt độ và số lượng bệnh nhân nhập viện. Kết quả cho thấy, số lượng bệnh nhân mắc một số bệnh lý tim mạch nhập viện và nhiệt độ có mối quan hệ yếu.

* Mối liên quan giữa nhiệt độ và số lượng bệnh nhân nhập viện do tăng huyết áp

    Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, giữa số lượng bệnh nhân nhập viện do bệnh tăng huyết áp với nhiệt độ trung bình tháng có mối tương quan nghịch biến có ý nghĩa thống kê với hệ số tương quan Spearman là r = -0,096 (p = 0,0000). Kết quả này tương tự với kết quả của nghiên cứu về nhiệt độ ngoài trời và duy trì nhiệt độ liên quan đến huyết áp ở 438.811 người lớn Trung Quốc của Shuojia Wang và cộng sự là nhiệt độ tỷ lệ nghịch với huyết áp (9).

* Mối liên quan giữa nhiệt độ và số lượng bệnh nhân nhập viện do hội chứng động mạch vành mạn

    Nghiên cứu cho thấy có mối tương quan thuận có ý nghĩa thống kê giữa số lượng bệnh nhân nhập viện trung bình tháng với nhiệt độ trung bình tháng với hệ số tương quan Spearman là r = 0,053 (p = 0,024 < 0,05). Kết quả nghiên cứu của Lampouguin Bayentin và cộng sự cho thấy, hầu hết các khu vực của Quebec, nhiệt độ lạnh trong những tháng mùa đông và những đợt nóng trong những tháng mùa hè có liên quan đến việc tăng tỷ lệ nhập viện hàng ngày cho bệnh tim thiếu máu cục bộ lên tới 12% nhưng cũng cho thấy nguy cơ giảm ở một số khu vực. Nguy cơ nhập viện cao hơn đối với nam giới và phụ nữ từ 45 - 64 tuổi và thay đổi theo không gian (10).

* Mối liên quan giữa nhiệt độ và số lượng bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp

    Kết quả nghiên cứu chỉ ra có mối tương quan nghịch biến có ý nghĩa thống kê giữa số lượng bệnh nhân nhập viện trung bình theo tháng với nhiệt độ trung bình tháng với hệ số tương quan Spearman là r = -0,062 (p = 0,008). Kết quả này tương tự với kết quả nghiên cứu tại miền nam Brazil, trong giai đoạn 2009-2018 cho thấy có mối tương quan nghịch có ý nghĩa giữa nhiệt độ và số lần nhập viện nhồi máu cơ tim cấp (11). Nghiên cứu của tác giả Đặng thị Anh Thư và cộng sự cho thấy có mối tương quan nghịch biến giữa nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp và nhiệt độ ở vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ (12).

* Mối liên quan giữa nhiệt độ và số lượng bệnh nhân nhập viện do suy tim

    Kết quả nghiên cứu chỉ ra có mối liên quan nghịch biến có ý nghĩa thống kê giữa số lượng bệnh nhân nhập viện trung bình theo tháng với nhiệt độ trung bình tháng với hệ số tương quan Spearman là r = -0,145 (p=0,0000). Tương tự với kết quả nghiên cứu của Israel Gotsman, nghiên cứu của CN Nganou-Gnindjio và cộng sự là có mối tương quan tuyến tính nghịch biến giữa nhiệt độ hàng tháng và tỷ lệ nhập viện do suy tim (13) (14).

    Nghiên cứu của nhóm có hạn chế là sử dụng những số liệu đã có nên có những sai số của hệ thống ghi nhận tình trạng bệnh nhân và thông tin cá nhân của đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu giả định những sai số này là ngẫu nhiên nên không ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.

5. KẾT LUẬN

    Kết quả nghiên cứu của nhóm tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An đã chỉ ra sự liên quan ít hay nhiều giữa biến đổi nhiệt độ trong năm với số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc một số bệnh tim mạch. Sự liên quan này có thể được tham khảo cho việc hoàn thiện chính sách và phương pháp theo dõi, chẩn đoán và điều trị những bệnh nhân bị bệnh tim mạch ở Nghệ An, một vùng có những đặc điểm khí hậu khác biệt so với các vùng khác ở Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tian Y, Liu H, Si Y, Cao Y, Song J, Li M, et al. Association between temperature variability and daily hospital admissions for cause-specific cardiovascular disease in urban China: A national time-series study. PLoS Med. 2019 Jan;16(1):e1002738.

2. Thư ĐTA, Wraith D, Dunne M. Mối liên quan giữa nhiệt độ môi trường và sự nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp ở Tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam: Kết quả một nghiên cứu theo chuỗi thời gian. 1. 2019;(50):54–54.

3. Phung D, Thai PK, Guo Y, Morawska L, Rutherford S, Chu C. Ambient temperature and risk of cardiovascular hospitalization: An updated systematic review and meta-analysis. Sci Total Environ. 2016 Apr 15;550:1084–102.

4. http://kttvqg.gov.vn/kttv-voi-san-xuat-va-doi-song-106/dai-khi-tuong-thuy-van-khu-vuc-bac-trung-bo-tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-du-bao-canh-bao-thien-tai-9354.html.

5. Roth GA, Mensah GA, Johnson CO, Addolorato G, Ammirati E, Baddour LM, et al. Global Burden of Cardiovascular Diseases and Risk Factors, 1990–2019: Update From the GBD 2019 Study. Journal of the American College of Cardiology. 2020 Dec 22;76(25):2982–3021.

6. Mỗi năm, Việt Nam có 200.000 người tử vong do các bệnh tim mạch - Tin liên quan - Cổng thông tin Bộ Y tế [Internet]. Available from: https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/moi-nam-viet-nam-co-200-000-nguoi-tu-vong-do-cac-benh-tim-mach?inheritRedirect=false

7. Lugun J, Ghosh D, Anand A, Chakraborty B, Ghosh S. Prevalence of CVD risk factors among some tribal and nontribal populations of Jharkhand - A comparative survey. Spat Spatiotemporal Epidemiol. 2021 Jun;37:100419.

8. Sarink D, Nedkoff L, Briffa T, Shaw JE, Magliano DJ, Stevenson C, et al. Trends in age- and sex-specific prevalence and incidence of cardiovascular disease in Western Australia. Eur J Prev Cardiol. 2018 Aug;25(12):1280–90.

9. Wang S, Li M, Hua Z, Ye C, Jiang S, Wang Z, et al. Outdoor temperature and temperature maintenance associated with blood pressure in 438,811 Chinese adults. Blood Press. 2017 Aug;26(4):246–54.

10. Bayentin L, El Adlouni S, Ouarda TBMJ, Gosselin P, Doyon B, Chebana F. Spatial variability of climate effects on ischemic heart disease hospitalization rates for the period 1989-2006 in Quebec, Canada. Int J Health Geogr. 2010 Feb 8;9:5.

11. da Silva GAP, Kock K de S. Effect of seasonality in hospitalizations and deaths from acute myocardial infarction in southern Brazil from 2009 to 2018. Am J Cardiovasc Dis. 2021;11(1):148–54.

12. Thu Dang TA, Wraith D, Bambrick H, Dung N, Truc TT, Tong S, et al. Short - term effects of temperature on hospital admissions for acute myocardial infarction: A comparison between two neighboring climate zones in Vietnam. Environ Res. 2019 Aug;175:167–77.

13. Gotsman I, Zwas D, Admon D, Lotan C, Keren A. Seasonal variation in hospital admission in patients with heart failure and its effect on prognosis. Cardiology. 2010;117(4):268–74.

14. Nganou-Gnindjio CN, Awah Epoupa RA, Wafeu Sadeu G, Tchapmi Njeunje DP, Endomba Angong FT, Menanga AP. Seasonal variation of decompensated heart failure admissions and mortality rates in sub-Saharan Africa, Cameroon. Ann Cardiol Angeiol (Paris). 2021 Jun;70(3):148-52.

Lê Thị Trang*, Nguyễn Thành Lợi, Nguyễn Thị Ngọc Bích

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An

Nguyễn Thị Trang Nhung

Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội

Trần Văn Thảnh

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt 4/2022)

 

 RELATIONSHIP OF TEMPERATURE AND THE NUMBER OF PATIENTS WITH SOME CARDIOLOGY DISEANSES UNDERSTANDED AT NGHE AN GENERAL HOSPITAL, 2017-2021

Le Thi Trang1, Nguyen Thi Trang Nhung2, Tran Van Thanh3, Nguyen Thanh Loi1, Nguyen Thi Ngoc Bich1

 1 NgheAn Center for Disease Control

2 Hanoi University of Public Health

3 NgheAn General Hospital

SUMMARY

    The change in temperature causes negative effects on human health, increasing the risk of diseases for the elderly, people with cardiovascular disease, respiratory disease, allergies. The study used a time-series ecodesign to describe the relationship between temperature and the number of patients hospitalized for some common cardiovascular diseases. The results showed that there is a weak relationship between the number of patients hospitalized for some cardiovascular diseases and temperature. Nghe An province needs to develop a health care plan for the people against changes in temperature.

Keywords: Temperature, cardiovascular disease.

 

Ý kiến của bạn