Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác quặng bauxite Tây Nguyên

26/10/2020

TÓM TẮT

    Nghiên cứu đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác quặng bauxite, hướng tới đảm bảo hài hòa lợi ích và phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên. Nhóm các giải pháp về quy hoạch, kỹ thuật và cơ chế chính sách trong công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường và trả lại đất cho địa phương đã được đề xuất trên cơ sở khoa học thực tiễn. Theo đó, khuyến nghị doanh nghiệp khai thác bauxite tại các tổ hợp Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường đất theo quy hoạch và đúng kỹ thuật. Đồng thời, xuất phát từ đặc điểm phân bố quặng bauxite, tính chất của hoạt động khai thác lộ thiên và vai trò quan trọng của tài nguyên đất đỏ bazan đối với phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên, kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp hoàn trả lại đất đã phục hồi cho địa phương theo tiêu chí đảm bảo chất lượng. Các giải pháp này vừa giảm thiểu được gánh nặng thuê đất trong thời gian dài cho doanh nghiệp, vừa nâng cao hiệu quả hoàn thổ và góp phầnổn định cuộc sống cho người dân bản địa khi trả lại đất sản xuất, tạo nên sự đồng thuận và chia sẻ giữa doanh nghiệp và cộng đồng trong hoạt động khai thác khoáng sản bauxite tại Tây Nguyên.

Từ khóa:Giải pháp, hoàn thổ, phục hồi môi trường, bauxite, Tây Nguyên.

Nhận bài: Ngày 27/7/2020

1. Đặt vấn đề

    Khai thác khoáng sản là hoạt động liên quan đến sử dụng đất tạm thời, do vậy sau khi kết thúc quá trình khai thác mỏ, cần tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường, góp phần hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường của khu vực sau khai thác và cải tạo, trả lại diện tích đất cho xã hội để phục vụ các mục tiêu phát triển tiếp theo. Mục tiêu chung của công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường là đảm bảo sự an toàn về môi trường và sức khỏe của người dân địa phương tại khu vực khai thác khoáng sản [6]. Tuy nhiên, đối với mỗi khu vực và loại hình khai thác khoáng sản khác nhau, sẽ có những mục tiêu cụ thể về hoàn thổ, phục hồi môi trường khác nhau như: Hoàn trả lại diện tích đất với điều kiện tự nhiên có đầy đủ các giá trị môi trường như ban đầu; Tái tạo lại các giá trị sinh thái và việc sử dụng đất gần giống với trước khi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản; Xây dựng các mục đích sử dụng hoàn toàn khác so với hiện trạng sử dụng đất ban đầu trước khi khai thác; Chuyển đổi các khu vực có giá trị năng suất cây trồng thấp thành các khu vực an toàn và ổn định hơn.

    Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định vấn đề hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác là nội dung bắt buộc khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án khai thác khoáng sản [2-5]. Các dự án khai thác khoáng sản thuê đất trong suốt vòng đời (thông thường 10 - 30 năm tùy loại hình khoáng sản) và tiến hành hoàn trả lại đất đã hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khi kết thúc dự án. Nội dung này phù hợp với các loại quặng có diện tích chiếm dụng đất ở quy mô nhỏ hoặc vừa phải, ở những vùng đất có chất lượng kém, cằn cỗi, đất không được sử dụng cho mục đích nông nghiệp hoặc không có nhiều mâu thuẫn trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên đất.

    Quặng bauxite ở nước ta có quy mô và trữ lượng tầm cỡ thế giới, được đánh giá là có tiềm năng lớn và là động lực phát triển của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới. Theo các báo cáo địa chất Việt Nam, trữ lượng quặng bauxite laterite ở Việt Nam được đánh giá và dự báo khoảng 5,4 tỷ tấn, tập trung ở khu vực Tây Nguyên, có thể chế biến thành 2,3 tỷ tấn quặng tinh, phân bố chủ yếu tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông [10].

   Hoạt động khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên đã được tiến hành ở quy mô nhỏ từ năm 1976 tại mỏ Bảo Lộc – Lâm Đồng. Tuy nhiên, khai thác quặng bauxite ở quy mô công nghiệp mới chỉ được tiến hành cách đây 10 năm thông qua hai dự án tổ hợp bauxite – alumina thí điểm Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) theo kết luận của Bộ Chính trị [1]. Tổng công suất khai thác của hai tổ hợp này là 8,8 triệu tấn quặng nguyên khai/năm, tương đương với diện tích khai thác khoảng 200ha/năm. Do đặc điểm quặng bauxite phân bố trải dài trên diện rộng, diện tích chiếm dụng đất của các dự án này là rất lớn, khoảng 6.300 ha trong 30 năm [7].Trong những năm gần đây, công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác bauxite được xác định là một trong những vấn đề môi trường cần đặc biệt quan tâm trong ngành công nghiệp khai thác bauxite. Đồng thời, đây cũng là thách thức lớn đối với việc mở rộng hoạt động khai thác, chế biến quặng bauxite ở nước ta. Do vậy, việc nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác quặng bauxite, hướng tới đảm bảo hài hoà lợi ích và phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

2. Phương pháp nghiên cứu

    Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn lọc, kế thừa tư liệu về địa hình, địa chất, thuỷ văn, thổ nhưỡng, tài nguyên nước, tài nguyên bauxite, các tư liệu về kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, kết hợp với điều tra khảo sát thực địa, tham vấn cộng đồng khu vực tổ hợp bauxite - alumina Tân Rai tại Lâm Đồng vào tháng 2/2015 và 9/2019, khảo sát thực địa tổ hợp bauxite – alumina Nhân Cơ tại Đắk Nông vào tháng 12/2019.

3. Kết quả nghiên cứu và bình luận

3.1. Điều kiện tự nhiên, các yếu tố chi phối và thực trạng hoạt động hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác quặng bauxite tại Tây Nguyên

    Địa hình cao nguyên là dạng đặc trưng nhất, tạo nên bộ mặt chủ yếu của Tây Nguyên với nhiều bậc địa hình có độ cao khác nhau: 200-300 m, 500-600 m, 800-900 m, 1000-1200 m, 1500-1600 m và >1600 m. Vai trò của địa hình khu vực là rất quan trọng đối với sự hình thành vỏ phong hoá chứa bauxite. Không phải ngẫu nhiên mà các mỏ bauxite có chất lượng cao và quy mô lớn tập trung nhiều tại tỉnh Đắk Nông. Đó là do yếu tố địa hình chi phối. Tại đây hiện diện một cao nguyên rộng lớn tên gọi là Mơ Nông, có thể nhận rõ trên mô hình số độ cao (DEM) lãnh thổ Tây Nguyên (Hình 1). Cao nguyên Mơ Nông nằm ở góc Tây Nam của khu vực Tây Nguyên, là một trong những cao nguyên lớn, bao trùm diện tích tỉnh Đắk Nông và một phần lấn sang đất nước Campuchia, cấu thành từ đá bazan, với bề mặt địa hình nhiều bậc, có cao độ từ 500 đến 1.500m, là nơi đầu nguồn của nhiều nhánh sông suối chảy về tứ phương. Đặc điểm bề mặt địa hình của cao nguyên: dạng đồi, diện rộng, độ dài và độ dốc sườn, độ phân cắt sâu,… là rất thuận lợi cho quá trình phong hóa nhiệt đới ẩm và tạo quặng bauxite với chất lượng cao, trữ lượng lớn. Cùng với điều kiện khai thác mỏ thuận tiện, vùng này là tiền đề để phát triển ngành công nghiệp bauxite - nhôm đầy triển vọng của Việt Nam.

 

Hình 1. Vị trí địa lý và mô hình số độ cao (DEM) lãnh thổ Tây Nguyên [9]

 

    Bên cạnh đó, Tây Nguyên có tài nguyên đất phong phú, nổi tiếng với đất đỏ bazan màu mỡ, đây là đặc điểm nổi bật so với các vùng lãnh thổ khác của Việt Nam. Đất Tây Nguyên ít dốc, tương đối bằng phẳng và thuận lợi cho các loại cây trồng phát triển. Đất đỏ bazan Tây Nguyên là loại đất tốt nhất về thành phần hoá học, cấu trúc, tầng đất trong các loại đất đồi núi, thích hợp với các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, điều, tiêu…Nhóm đất này phân bố tập trung ở các cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng, Đắk Nông, Di Linh, Đức Trọng…

    Tại Tây Nguyên, hầu như cứ nơi nào có đất đỏ bazan thì nơi ấy có quặng bauxite. Chính vì vậy, việc khai thác quặng bauxite gây nên mâu thuẫn với việc sử dụng tài nguyên đất cho hoạt động nông nghiệp tại đây. Bên cạnh đó, nguy cơ suy thoái tài nguyên đất bazan là rất dễ xảy ra nếu đất sau khai thác không được hoàn thổ và chăm sóc cải tạo kịp trước mùa mưa.

 

Hình 2. Mặt cắt tổng hợp vỏ phong hóa trên đá bazanở Tây Nguyên[10]

 

    Do đặc điểm quặng nằm gần mặt đất (Hình 2), nên sau khi khai thác bauxite, địa hình bị hạ thấp, lớp đất mặt bị xáo trộn, mất dinh dưỡng, rất khó để canh tác cây trồng trở lại. Khu vực các tỉnh Tây Nguyên có khí hậu phân chia 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, đỉnh mưa thường xuất hiện vào tháng 8-9, với cường độ mưa lớn, tập trung 85-90% lượng mưa của cả năm, dễ gây xói mòn với những khu vực đất bị mất lớp phủ thực vật do khai thác bauxite mà chưa kịp hoàn thổ. Đã có nhiều nghiên cứu về hoàn thổ, phục hồi thảm thực vật sau khai thác bauxite tại Tân Rai, tuy nhiên kết quả cho thấy chỉ có cây keo là phát triển tương đối chậm [8, 11].

    Nếu như hiện trạng đất ban đầu có chất lượng thấp, chỉ có cây keo và thông phát triển trên bề mặt như tại một số mỏ than ở Quảng Ninh, thì việc trồng keo phục hồi môi trường sau quá trình khai thác khoáng sản là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, đất đỏ bazan ở Tây Nguyên là đất có chất lượng tốt, cho năng suất cây trồng cao và là tư liệu sản xuất đem lại giá trị kinh tế phục vụ cuộc sống của người dân khu vực này.

 

 

Hình 3. Một số hình ảnh thực địa khu vực trồng thử nghiệm phục hồi môi trường sau khai thác bauxite tại mỏ Tân Rai

 

    Kết quả khảo sát thực địa cho thấy, thực tế hiện nay trên đất sau khai thác bauxite tại Tân Rai và Nhân Cơ chỉ có thể trồng keo, một số nơi trồng xen thông, giá trị sử dụng đất còn rất thấp. Diện tích đất đã được hoàn thổ đến nay mới chỉ khoảng 20ha/tổ hợp/năm, tương đương 20% diện tích đất khai thác bauxite trong 1 năm. Trong đó, tổ hợp Tân Rai khai thác bauxite đã được 7 năm (từ năm 2013), đã trồng hoàn thổ được diện tích 18,5ha năm 2014, 16,3ha năm 2915 và 22ha năm 2016 (Hình 4). Các cây trồng chủ yếu là keo, có trồng xem thông, tốc độ phát triển chậm. Khu vực Nhân Cơ khai thác bauxite từ năm 2017 và đến nay đã trồng keo hoàn thổ được 20ha. Như vậy, có thể thấy công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường tại khu vực sau khai thác bauxite hiện nay chưa thực hiện đúng tiến độ và quy trình đặt ra là khai thác đến đâu, hoàn thổ đến đó. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất mà còn ảnh hưởng tới sinh kế của người dân vì sau cùng đất sẽ được trả lại cho họ để khai thác phục vụ cuộc sống.

 

Hình 4. Công trình hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác bauxite mỏ Tân Rai

 

   Đất là tư liệu sản xuất đối với người dân địa phương, nếu chất lượng đất không đảm bảo để có thể canh tác nông nghiệp thì cuộc sống của họ sẽ trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh xu hướng mở rộng hoạt động khai thác bauxite tại Tây Nguyên trong tương lai, cần có các giải pháp kịp thời để nâng cao hiệu quả của công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác quặng, góp phần phục vụ sự phát triển của ngành công nghiệp bauxite – nhôm ở Việt Nam.

3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác quặng bauxite

3.2.1. Quy hoạch phục hồi môi trường đất sau khai thác bauxite

    Quá trình hoàn thổ theo quy hoạch là cách tiếp cận tối ưu, đó là bước đi đầu tiên và rất cần thiết trong công tác bảo vệ môi trường các khu vực mỏ sau khai thác. Do vậy, cần lập quy hoạch hoàn thổ, phục hồi môi trường đối với từng khu khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Trong đó, tại mỗi khu xác định rõ mục đích sử dụng, loại cây trồng và tổ chức thực hiện theo dạng mô hình như (1) trồng rừng lâm nghiệp; (2) cải tạo đất phục vụ phát triển các cây công nghiệp như chè, cà phê, hồ tiêu…; (3) trồng các cây nông nghiệp ngắn ngày như ngô, sắn, rau, củ, quả... để cung cấp thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Đất được quy hoạch hoàn thổ, phục hồi môi trường theo các khu với mục đích sử dụng khác nhau phù hợp với điều kiện từng khu vực không chỉ góp phần làm cho quá trình hoàn thổ được tiến hành dễ dàng và hiệu quả, mà còn thuận tiện hơn cho quá trình đánh giá chất lượng đất và hoàn trả đất cho địa phương sau này.

3.2.2. Kỹ thuật hoàn thổ phục hồi môi trường

    Quá trình hoàn thổ cần được tiến hành đồng thời với quá trình khai thác để đạt hiệu quả tối ưu và thực hiện theo mô hình hoàn thổ cuốn chiếu thân thiện với môi trường, khai thác đến đâu tiến hành hoàn thổ đến đó (Hình 5).

 

Hình 5. Quy trình sản xuất tận dụng bùn thải quặng đuôi để thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác bauxite

 

    Một số giải pháp kỹ thuật được đề xuất nhằm nâng cao chất lượng của công tác hoàn thổ phục hồi môi trường sau khai thác quặng bauxite. Theo đó, bùn thải quặng đuôi sau khi tuần hoàn nước để sử dụng cho Nhà máy tuyển có thể được tận dụng để thực hiện hoàn thổ, tạo địa hình mới cho các moong sau khai thác. Quá trình hoàn thổ đề xuất gồm các bước:

(1) Sau khi khai thác quặng bauxite, lớp quặng đuôi được đổ xuống moong khai thác. Dùng các bao chứa vật liệu để bao xung quanh thành moong, vừa tránh rửa trôi đất lại tạo địa hình dốc cho khu vực hoàn thổ.

(2) Quặng đuôi được đổ xuống moong theo từng lớp, khi lớp đất khô đi thì co hẹp các bao chứa vật liệu lại, rồi đổ thêm lớp quặng đuôi mới. Như vậy địa hình sau khi hoàn thổ sẽ có xu hướng giống với ban đầu.

(3) Cuối cùng, đổ lớp đất thổ nhưỡng ban đầu, tiến hành làm tơi, cuốc sâu, bón phân để cải tạo đất rồi trồng cây giống đã ươm lên trên.

    Trong thời gian đầu, có thể lựa chọn các loại cây chịu hạn và sinh trưởng nhanh như cây keo, kết hợp với trồng cỏ VA06, cây dâm bụt, và các cây họ đậu để cải tạo đất. Sau một chu kỳ có thể căn cứ vào chất lượng đất được cải thiện để thực hiện trồng tiếp một chu kì cây nữa hoặc chuyển sang trồng các cây nông nghiệp, công nghiệp khác.

    Quy trình này sẽ tiết kiệm được diện tích đất xây dựng thêm hồ chứa quặng đuôi, giảm rủi ro sự cố phát sinh từ hồ chứa này, đồng thời tạo ra địa hình mới, giảm được hiện tượng xói mòn và tăng hiệu quả của quá trình hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác quặng bauxite.

    Đất trước khi khai thác bauxite có thể trồng cà phê, chè, tiêu, điều, hướng dương và các cây nông nghiệp, công nghiệp khác. Do vậy, cần đa dạng hoá các loài động, thực vật trong khu vực hoàn thổ phục hồi trường để tăng tính đa dạng sinh học và nâng cao giá trị sử dụng của đất. Để thực hiện được công việc này, chi phí cho công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sẽ tăng lên, nhưng sẽ đảm bảo được hiệu quả của đất sau quá trình khai thác quặng. Việc phân phối hiệu quả này là rất cần thiết để tạo việc làm, thu nhập và an sinh xã hội cho người dân bản địa sinh sống tại Tây Nguyên.

    Với đặc điểm khí hậu ở khu vực Tây Nguyên mưa lớn kéo dài trong mùa mưa, việc hoàn thổ, phục hồi môi trường cần được tiến hành xong trước mùa mưa, đồng thời kết hợp với các biện pháp kè bờ, che chắn để bảo vệ cây con và đất, chống xói mòn, rửa trôi khi mưa lớn.

3.2.3. Hoàn trả đất sau khai thác cho địa phương 

    Khai trường quặng bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ vốn là khu vực có bề mặt địa hình dạng đồi, trên đó có lớp đất đỏ bazan với thảm thực vật chủ yếu là thông và cây công nghiệp cà phê, chè, tiêu, cao su… đã có người dân chủ sở hữu. Hiện nay, người dân đã di dời đến khu ở mới và các doanh nghiệp khai thác bauxite đã được cấp phép sử dụng đất trong vòng 30 năm. Doanh nghiệp đã tiến hành trồng và chăm sóc cây keo tại các khu đất sau khai thác. Khi hết vòng đời dự án, doanh nghiệp khai thác gỗ đã trồng trước khi trả lại đất cho địa phương hoặc địa phương cân nhắc tiếp nhận đất theo diện rừng trồng trong chương trình bảo vệ và phát triển rừng của địa phương với mức chi trả theo quy định.

    Tuy nhiên, với đặc điểm của đồng bào dân tộc Tây Nguyên cũng như người Việt nói chung là dù đi đâu, ở đâu cũng luôn mong muốn quay về với mảnh đất ông cha để lại, với tình làng nghĩa xóm, tuy cuộc sống bình dị nhưng bền vững. Hơn nữa, đất đỏ bazan có chất lượng tốt thích hợp để phát triển nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, chè, tiêu, điều, bơ… Do vậy, nếu chỉ để trồng keo trong những năm còn lại của vòng đời dự án thì rất lãng phí, cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp sớm trả lại đất cho người dân canh tác, nâng cao giá trị sử dụng của đất, nhưng cần đảm bảo các tiêu chí về chất lượng và hiệu quả của đất sau hoàn thổ.

    Nếu khai thác quặng bauxite theo quy trình cuốn chiếu theo lô, thân thiện môi trường đã trình bày ở trên, thì bề mặt địa hình dạng đồi tại các khai trường của tổ hợp Tân Rai và Nhân Cơ sẽ trở lại gần giống với địa hình ban đầu trước khi khai thác, nhưng cao trình tuyệt đối của bề mặt xuống thấp trung bình 4 - 6m do đới quặng có chiều dày tương tự đã bị khai đào bốc xúc, vận chuyển về xưởng tuyển. Tuy nhiên, bề mặt địa hình không mềm mại như vốn có của tự nhiên trước đó, mà đã hình thành những bãi đất cao thấp khác nhau. Do vậy, doanh nghiệp cần phải san ủi, tôn tạo lại bề mặt địa hình trước khi bàn giao diện tích đất sau khai thác cho địa phương, để bước tiếp theo là trả lại đất - tư liệu sản xuất chính cho người nông dân.

    Trong quá trình khai thác quặng bauxite, lớp phủ thổ nhưỡng bị xáo trộn mạnh, chất lượng đất bị thay đổi nhiều, vì vậy doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần thống nhất bộ tiêu chí đánh giá chất lượng đất sau phục hồi môi trường để phục vụ cho quá trình ban giao, hoàn trả đất sau khai thác. Đất sau khi hoàn thổ được đánh giá các tiêu chí trên và so sánh với chất lượng đất ở những khu vực lân cận, nếu phù hợp với mục tiêu sử dụng đất sau này thì có thể chấp nhận được. Chính quyền địa phương thực thi nguyên tắc chỉ tiếp nhận lại đất khi các tiêu chí về chất lượng đất được đảm bảo và đáp ứng yêu cầu. Như vậy, quá trình hoàn trả đất sau khai thác không tiến hành theo vòng đời dự án như trước đây, mà căn cứ vào chất lượng đất sau khi đã tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường. Để thực hiện được giải pháp này, cần sớm xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện hoàn thổ, phục hồi môi trường đất sau khai thác quặng bauxite.

    Nhằm đáp ứng nguyện vọng của cư dân địa phương về sử dụng đất hợp lý, đồng thời rút ngắn thời hạn trả lại đất cho địa phương và giảm thiểu mâu thuẫn xã hội, doanh nghiệp cần tránh thiết kế khai thác quặng bauxite theo từng diện tích riêng lẻ, manh mún. Khuyến nghị doanh nghiệp phân chia đất mỏ thành các khu có quy mô diện tích phù hợp với quy trình khai thác bauxite bằng phương tiện cơ giới, tiến hành khai thác liên hoàn các khu, rồi hoàn thổ, phục hồi môi trường càng nhanh càng tốt, đồng thời tiến hành chăm sóc và cải tạo đất phù hợp với mục đích sử dụng sau này để sớm hoàn trả lại đất đã phục hồi cho địa phương.

4. Kết luận

    Khai thác bauxite là hoạt động khoáng sản đã, đang và sẽ diễn ra tại các tỉnh Tây Nguyên. Trong thời gian tới, khi quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên bauxite được phê duyệt, hoạt động khai thác khoáng sản bauxite sẽ được đầu tư mở rộng, hướng tới phát triển ngành công nghiệp bauxite – nhôm quy mô lớn tại khu vực này. Do vậy, công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác quặng bauxite là vấn đề cần được quan tâm và nâng cao hiệu quả để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

    Nhóm các giải pháp về quy hoạch, kỹ thuật và cơ chế chính sách trong công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường và trả lại đất cho địa phương đã được đề xuất cụ thể và chi tiết. Theo đó, khuyến nghị doanh nghiệp khai thác bauxite tại các tổ hợp Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường đất theo quy hoạch và đúng kỹ thuật. Đồng thời, xuất phát từ đặc điểm phân bố quặng bauxite, tính chất của hoạt động khai thác lộ thiên và vai trò quan trọng của tài nguyên đất đỏ bazan đối với phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên, kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp hoàn trả lại đất đã phục hồi cho địa phương theo tiêu chí đảm bảo chất lượng. Các giải pháp này vừa giảm thiểu được gánh nặng thuê đất theo vòng đời dự án cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo công tác hoàn thổ phù hợp với đặc điểm phân bố quặng bauxite và góp phần sớm ổn định cuộc sống cho người dân bản địa khi trả lại tư liệu sản xuất cho họ.

    Các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác quặng bauxite đã được đưa đề xuất trên cơ sở khoa học thực tiễn, góp phần tạo nên sự đồng thuận và chia sẻ giữa doanh nghiệp và cộng đồng trong hoạt động khai thác khoáng sản bauxite, hướng tới đảm bảo hài hoà lợi ích và phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên.

 

Trịnh Phương Ngọc1, 3*, Đặng Trung Thuận2, Hoàng Xuân Cơ3

1 Trường Đại học Tân Trào

2 Hội Địa hóa Việt Nam, Tổng hội Địa chất Việt Nam

3 Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt III/2020)

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ Chính trị (2009), Thông báo số 245-TB/TW Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.

[2] Bộ TN&MT (2015), Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT: Về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, ngày 30/06/2015.

[3] Bộ TN&MT (2019), Thông tư 25/2019/TT-BTNMT: hướng dẫn Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật BVMT và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, ngày 31/12/2019.

[4] Chính phủ (2019), Nghị định số 40/2019/NĐ-CP: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành LuậtBVMT, ngày 13/05/2019.

[5] Chính phủ (2015), Nghị định Số 19/2015/NĐ-CP: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, ngày 14/2/2015.

[6] Mai Văn Định (2015), “Nghiên cứu xây dựng quy trình hoàn thổ phục hồi môi trường tại một số mỏ khai thác khoáng sản lộ thiên”, Luận văn Thạc sĩ Khoa học trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN.

[7] Trịnh Phương Ngọc (2020), “Ngành công nghiệp bauxite-nhôm Việt Nam và các vấn đề môi trường liên quan”, Tạp chí TN&MT 4(330) 18-20.

[8] Phạm Trọng Nhân, Nguyễn Thành Mến,Lưu Thế Trung (2015), “Sinh trưởng của keo lai trên các dạng bãi thải sau khai thác bauxite tại mỏ bauxite Lộc Phát, Bảo Lộc và Tân Rai, Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng”, Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp 4 4004-4011.

[9]  Đặng Trung Thuận and Trịnh Phương Ngọc (2016), “Tìm kiếm giải pháp trữ nước cho Tây Nguyên”, Hội thảo An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Pleiku, Gia Lai.

[10] Viện Tư vấn Phát triển (2010), Khai thác bauxite và phát triển bền vững Tây Nguyên, Nhà xuất bản Tri thức.

[11] Independent Institute for Environment Issues (2018), Cultivation of energy crops on former mining sites on a pilot scale in Vietnam, Berlin/ Hanoi.

 

SOLUTIONS TO IMPROVE THE EFFECTIVENESS OF LAND RESTORATION AFTER BAUXITE MINING IN THE CENTRAL HIGHLANDS OF VIETNAM

Trinh Phuong Ngoc1, 3*, Dang Trung Thuan2, Hoang Xuan Co3

1 Tan Trao University

2 Vietnam Association for Geochemistry, Vietnam Union of Geological Sciences

3 Faculty of Environmental Sciences, VNU University of Science, Vietnam National University, Hanoi

Abstracts

    This paper proposes solutions to improve the effectiveness of land restoration after bauxite mining, towards ensuring harmonization of benefits and sustainable development in the Central Highlands. The solutions on planning, techniques,  mechanisms and policies in the land restoration and return to the local residents has been proposed on the basis of practical science. Accordingly, it is recommended that the enterprise of Tan Rai and Nhan Co complexes conduct backfilling of soil, restoration of land according to the planning and proper techniques. At the same time, starting from the distribution characteristics of bauxite ore, the nature of open-cast mining activities and the important role of basalt soil resource for socio-economic development in the Central Highlands, it is recommended that the government needs a mechanism to allow enterprises to return recovered land to the locality according to quality assurance criteria. These solutions both reduce the long-term burden of land renting for businesses, improve the effectiveness of the land restoration and early stabilizate life for local residents. Also, creating consensus and sharing between businesses and communities in bauxite mining activities in the Central Highlands of Vietnam.

Keywords: Solutions, backfilling, environmental restoration, bauxite, Central Highlands.

 

Ý kiến của bạn