Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Đánh giá hiện trạng phát sinh và nhận thức của người dân về rác thải nhựa tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương

28/12/2021

TÓM TẮT

    Với mục tiêu đánh giá hiện trạng phát sinh và nhận thức của người dân về rác thải nhựa (RTN) tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, từ đó đề xuất giải pháp quản lý phù hợp, tháng 11/2020 - 4/2021, nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng phát sinh và nhận thức của người dân về RTN tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương” được thực hiện. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp điều tra xã hội học đối với 100 hộ gia đình để đánh giá nhận thức của người dân về RTN. Hiện trạng phát sinh RTN xác định từ 50 hộ gia đình lựa chọn ngẫu nhiên trong 100 hộ được điều tra xã hội học. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ số phát sinh RTN tại huyện Thanh Hà là 0,049 kg/người/ngày. Người dân có nhận thức rõ ràng về tác hại của RTN, tuy nhiên việc thay đổi thói quen hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa là một thách thức lớn đối với nhà quản lý.

Từ khóa: Nhận thức, RTN, quản lý, giải pháp giảm thiểu RTN.

Nhận bài: 29/11/2021; Sửa chữa: 8/12/2021; Duyệt đăng: 12/12/2021.

1. Đặt vấn đề

    RTN đang là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách hiện nay trên toàn cầu [9]. Tại Việt Nam, chỉ tính riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông mỗi ngày (Bùi Đức Hiển, 2019) [3]. Theo Nguyễn Thi (2019), nếu trung bình khoảng 10% RTN và túi ni lông không được tái sử dụng và thải bỏ hoàn toàn, thì lượng RTN và túi ni lông thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng” [7].

    Cùng với sự tăng trưởng của tỉnh Hải Dương nói chung, kinh tế của huyện Thanh Hà nói riêng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Các khu dân cư đang được mở rộng nhanh chóng, các hoạt động công nghiệp cũng được đẩy mạnh, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu về vật chất cũng tăng theo, dẫn tới lượng chất thải gia tăng. Nhằm đánh giá hiện trạng phát sinh và nhận thức của cộng đồng về RTN, từ đó đề xuất giải pháp quản lý phù hợp tại địa bàn huyện Thanh Hà, nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng phát sinh và nhận thức của người dân về RTN tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương” được lựa chọn thực hiện.

2. Địa điểm, phạm vi và phương pháp nghiên cứu

2.1. Địa điểm và phạm vi nghiên cứu

    Huyện Thanh Hà có 20 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thị trấn Thanh Hà và 19 xã. Quá trình lựa chọn địa điểm nghiên cứu được tiến hành như sau:

    Từ số liệu về điều kiện kinh tế - xã hội của các xã và huyện [8], kết hợp khảo sát thực địa, sắp xếp thu nhập bình quân của các xã theo thứ tự từ cao đến thấp, nghiên cứu chia thành 3 nhóm: Nhóm có mức sống cao nhất, nhóm có mức sống trung bình và nhóm có mức sống thấp trong huyện. Ba xã/thị trấn đứng đầu đại diện cho 3 nhóm được lựa chọn làm khu vực nghiên cứu đó là: Thị trấn Thanh Hà (nhóm 1) thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm i/năm; Xã Thanh Thủy (nhóm 2) thu nhập bình quân đầu người ước đạt 54,6 triệu đồng/người/năm; Xã Thanh Lang (nhóm 3) thu nhập bình quân đầu người ước đạt 53,5 triệu đồng/người/năm. Thu nhập của người dân xã Thanh Thủy và Thanh Lang chủ yếu từ nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Đối với thị trấn Thanh Hà có thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thương mại đạt giá trị cao nhất với 202,075 tỷ đồng/năm.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp

    Nghiên cứu thu thập các số liệu thứ cấp về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từ UBND huyện Thanh Hà [8]. Số liệu về quy mô dân số được thu thập từ Chi cục Thống kê [1].

    Trong quá trình thực địa, ghi lại những hình ảnh về thời gian, lực lượng và phương tiện thu gom, phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).

2.2.2. Phương pháp điều tra xã hội học

    Nguồn số liệu sơ cấp được thu thập từ điều tra xã hội học trên đối tượng là các hộ gia đình sinh sống tại thị trấn Thanh Hà, xã Thanh Thủy và xã Thanh Lang của huyện Thanh Hà. Tổng số phiếu điều tra được xác định dựa vào công thức:

                  (Glover, 2003) [2]

    Trong đó: n là số lượng phiếu điều tra; N là dân số của huyện tại thời điểm điều tra; e là mức sai số chấp nhận (e = 0,05 – 0,1).

    Với dân số của huyện Thanh Hà tính đến tháng 12/2020 là 145.131 người [1]. Áp dụng công thức tính cỡ mẫu phiếu với N = 145.131 và e = 0,1 (10%) thì số mẫu điều tra tối thiểu là 100. Trong nghiên cứu này đã điều tra ngẫu nhiên 100 hộ gia đình, trong đó thị trấn Thanh Hà 35 phiếu, xã Thanh Thủy 35 phiếu, xã Thanh Lang 30 phiếu. Kết quả điều tra nhằm đánh giá được nhận thức của cộng đồng về RTN tại khu vực nghiên cứu.

2.2.3. Phương pháp xác định khối lượng và hệ số phát sinh RTN

    Thu gom CTRSH của 50 hộ gia đình xác định ngẫu nhiên trong 100 hộ đã điều tra xã hội học. Quá trình thực nghiệm được thực hiện trong 2 đợt (trước và sau Tết nguyên đán) vào tháng 2/2021 (mỗi đợt 10 ngày liên tục). Các bước thực hiện theo quy trình:

    Bước 1: Xác định khối lượng RTN bằng cách thu gom và cân tổng khối lượng rác thải sinh hoạt của mỗi hộ trong ngày, sau đó tách riêng RTN ra khỏi rác thải sinh hoạt.

    Bước 2: RTN sau khi tách riêng khỏi CTRSH, cân khối lượng, sau đó phân chia theo 7 loại: PET, HDPE, PVC, LDPE, PP, PS và khác [10].

    Bước 3: Xác định hệ số phát sinh RTN

/ngày

    Dự báo khối lượng RTN phát sinh trên địa bàn huyện (kg/ngày) bằng cách lấy tổng dân số nhân với hệ số phát sinh RTN (kg/người/ngày).

2.2.4. Phương pháp phân tích và xử lý số liệu

    Các thông tin, số liệu điều tra xã hội học, khối lượng CTRSH và RTN được tổng hợp, phân tích và xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel 2007 và SPSS Statistics 22 để đánh giá hiện trạng phát sinh và nhận thức của người dân về RTN tại huyện Thanh Hà.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Đánh giá hiện trạng phát sinh RTN tại các hộ gia đình

3.1.1. Khối lượng và tỷ lệ phát sinh RTN tại khu vực nghiên cứu

    Kết quả thực nghiệm, thu gom, phân loại chất thải sinh hoạt của 50 hộ gia đình (tương ứng với 168 người) trong hai đợt, mỗi đợt là 10 ngày liên tiếp được thể hiện tại Bảng 1.

Bảng 1. Khối lượng và tỷ lệ phát sinh RTN tại khu vực nghiên cứu

Chất thải

Đợt 1 (từ ngày 1 - 10/2/2021)

Đợt 2 (từ ngày 17 - 26/2/2021)

Trung bình của 2 đợt

Tổng (kg)

Bình quân (kg/ngày)

Tỷ lệ (%)

Tổng (kg)

Bình quân (kg/ngày)

Tỷ lệ (%)

Tổng (kg)

Bình quân (kg/ngày)

Tỷ lệ (%)

CTRSH

1.024,8

102,48

100

1.046,5

104,65

100

1.035,65

103,57

100

RTN

81,47

8,15

7,95

83,4

8,34

7,97

82,44

8,25

7,96

    Kết quả Bảng 1 cho thấy, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt trung bình là 1.035,65 kg (tương đương với 103,57 kg/ngày), trong đó khối lượng RTN là 82,44 kg (tương đương với 8,25 kg/ngày). Tỷ lệ phát sinh RTN chiếm 7,96 % so với CTRSH.

3.1.2. Hệ số phát sinh RTN từ các hộ gia đình

    Kết quả nghiên cứu điều tra, xác định hệ số phát sinh CTRSH và RTN được thể hiện tại Bảng 2.

Bảng 2. Hệ số phát sinh CTRSH, RTN tại địa bàn nghiên cứu

Chất thải

Đơn vị tính

Hệ số phát sinh

CTRSH

kg/người/ngày

0,616

RTN

kg/người/ngày

0,049

    Hệ số phát sinh CTRSH trên địa bàn nghiên cứu là 0,616 kg/người/ngày, RTN là 0,049 kg/người/ngày. So sánh kết quả nghiên cứu với kết quả nghiên cứu của Hoàng Thị Huê và cộng sự (2020) [4] về hệ số phát sinh RTN tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội thấy, hệ số phát sinh RTN tại huyện Hoài Đức thấp hơn với 0,046 kg/người/ngày. So sánh với kết quả nghiên cứu của Phạm Thanh Nhàn và cộng sự (2021) [5] về hệ số phát sinh RTN tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội thấy, hệ số phát sinh RTN tại quận Hà Đông cao hơn với 0,089 kg/người/ngày.

    Như vậy, với hệ số phát sinh RTN là 0,049 kg/người/ngày, dân số tính đến ngày 31/12/2020 là 145.131 người [1], ước tính trung bình tổng lượng RTN phát sinh trên địa bàn huyện Thanh Hà là 7.111,419 kg/ngày. Với khối lượng RTN này, nếu không có biện pháp quản lý tốt sẽ là mối hiểm họa đến môi trường.

    So sánh hệ số phát sinh CTRSH, RTN tại các địa điểm nghiên cứu thấy, hệ số phát sinh RTN có sự khác nhau giữa các địa điểm nghiên cứu (Bảng 3).

Bảng 3. Hệ số phát sinh CTRSH, RTN tại các đại điểm nghiên cứu

Địa điểm nghiên cứu tại huyện Thanh Hà

Hệ số phát sinh CTRSH (kg/người/ngày)

Hệ số phát sinh RTN (kg/người/ngày)

Thị trấn Thanh Hà

0,629

0,052

Xã Thanh Thủy

0,619

0,049

Xã Thanh Lang

0,600

0,047

    Theo kết quả nghiên cứu tại Bảng 3, thị trấn Thanh Hà có hệ số phát sinh CTRSH là 0,629 kg/người/ngày, RTN là 0,052 kg/người/ngày; xã Thanh Thủy có hệ số phát sinh CTRSH là 0,619 kg/người/ngày, RTN là 0,049 kg/người/ngày; xã Thanh Lang có hệ số phát sinh CTRSH là 0,600 kg/người/ngày, RTN là 0,047 kg/người/ngày. Kết quả nghiên cứu kết hợp điều tra thực địa cho thấy, nhìn chung hệ số phát sinh CTRSH và RTN đều có mối liên hệ với mức thu nhập của các hộ gia đình. Nhóm có hệ số phát sinh CTRSH và RTN cao là nhóm có thu nhập cao đó là thị trấn Thanh Hà (nhóm 1), nhóm có hệ số phát sinh CTRSH và RTN trung bình là xã Thanh Thủy (nhóm 2) và nhóm có hệ số phát sinh CTRSH và RTN thấp là xã Thanh Lang (nhóm 3).

3.1.3. Tỷ lệ phát sinh RTN theo thành phần

    Kết quả thu gom RTN tại 50 hộ gia đình cho thấy, khối lượng RTN phát sinh là 8,25 kg/ngày, trong đó tỉ lệ cao nhất là LDPE với 25,3%, tiếp theo là nhựa PP với 19,8 %, tiếp theo là nhựa PS với 16,6 %, tiếp đến là nhựa HDPE với 14,3%, kế tiếp là nhựa PVC với 9,4 %, sau đó là nhựa PET với 9,0 %, thấp nhất là các loại nhựa khác với 5,6 %. Lượng LDPE phát sinh nhiều nhất là do loại nhựa này bao gồm túi ni lông, bao tải và hầu hết các loại bao bì nhựa, trong đó ni lông là sản phẩm phổ biến, được ứng dụng rộng rãi nhất.

3.2. Đánh giá nhận thức của người dân về RTN

    Nhận thức của người dân về hiện trạng RTN: Kết quả phỏng vấn cho thấy, 90% số người được hỏi cho rằng, các sản phẩm nhựa sau khi sử dụng khó tái sử dụng lại nên thường được thải ra môi trường cùng với các loại rác thải sinh hoạt khác; 100% số hộ phỏng vấn trả lời rằng, trong rác thải sinh hoạt của gia đình họ để lẫn RTN, đặc biệt đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi ni lông, cốc nhựa, hộp xốp, ống hút... được sử dụng thường xuyên; 81% hộ cho rằng, RTN có ở khắp mọi nơi trong khu vực đang sống; 14% cho rằng chúng có phát sinh nhưng rất ít; 5% cho rằng hiếm khi thấy các loại RTN. Kết quả điều tra cũng cho thấy, mức độ quan tâm của người dân đến vấn đề RTN xung quanh khu vực sinh sống là khác nhau. Có thể thấy rằng, người dân ở đây sử dụng các sản phẩm nhựa khá nhiều, đặc biệt là túi ni lông.

    Đánh giá nhận thức của người dân về nhựa sử dụng một lần: Nhựa dùng một lần khó tái sử dụng lại, nên lượng rác thải này thải ra môi trường. Mặc dù biết tác hại của nhựa một lần nhưng người dân vẫn sử dụng vì tính tiện lợi. Kết quả khảo sát mức độ sử dụng đồ nhựa một lần đối với người dân cho thấy, 95 % số người được hỏi thường xuyên sử dụng sản phẩm nhựa một lần do “nhựa dùng một lần quá tiện lợi, mặc dù biết trên sách báo, trang mạng về tác hại của nó”.

    Đánh giá sự sẵn lòng tham gia của người dân trong việc quản lý RTN: Có 86% người dân cho rằng đã nghe thấy việc phân loại và giảm thiểu RTN ít nhất 1 lần, nhưng họ lại không quan tâm và thờ ơ với các biện pháp xử lý chúng. Để tìm hiểu về nguyên nhân, khi được hỏi về mức độ thường xuyên tham gia các hoạt động phân loại, thu gom, xử lý RTN tại địa phương, có đến 83% câu trả lời là không và 17 % còn lại là có nhưng chỉ tham gia ở mức độ lồng ghép với hoạt động khác, chưa có chương trình riêng biệt cho chủ đề hoạt động riêng về RTN.

    Đánh giá mức độ sẵn lòng thay đổi hành vi sử dụng RTN: Kết quả điều tra người dân đối với chính sách cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, 61% người được hỏi không đồng ý với chính sách đó, 24% đồng ý, 15% không có ý kiến gì vì theo họ, chính sách này nên có, tuy nhiên không có tính thực tế cao. Khi được hỏi về mức độ sẵn lòng thay đổi thói quen sử dụng nhựa nếu có các chính sách hạn chế nhựa, người dân đa số đều đồng ý thay đổi thói quen sử dụng nhựa của mình. Kết quả trên cho thấy mức độ quan tâm tới việc giảm thiểu RTN cũng được phần lớn các hộ gia đình hưởng ứng. Tuy nhiên, để thay đổi thái độ và hành vi của người dân lại là một vấn đề rất khó, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa cộng đồng và nhà quản lý.

3.3. Đề xuất giải pháp giảm thiểu RTN bằng mô hình phân loại rác thải tại nguồn có sự tham gia của cộng đồng

    Hiện nay, hệ thống quản lý CTRSH nói chung và RTN nói riêng tại huyện Thanh Hà bao gồm UBND huyện cùng với Phòng TN&MT. UNBD huyện trực tiếp giao cho Phòng TN&MT huyện phối hợp cùng với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, chỉ đạo về các công tác quản lý môi trường trong đó có quản lý CTRSH. Việc thu gom, xử lý rác thải vẫn theo hướng một chiều, chưa đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong việc thực hiện quản lý RTN.

    Việc phân loại rác thải tại nguồn tại huyện Thanh Hà chưa được thực hiện. Các hộ gia đình, hộ kinh doanh vẫn còn tập trung rác tại một số nơi hay để trước cửa nhà đã gây khó khăn cho công tác quản lý, tái chế sau này. Do đó, việc xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn có sự tham gia của cộng đồng và kế hoạch quản lý phân loại rác tại nguồn là vô cùng quan trọng bởi con người đóng vai trò then chốt trong công tác BVMT. Nếu không có sự tham gia của cộng đồng thì công tác quản lý môi trường không thể thực hiện được.

    Nguyên tắc của mô hình phân loại rác thải tại nguồn có sự tham gia của cộng đồng là coi trọng vai trò của hộ gia đình trong việc thực hiện các cam kết/quy định của địa phương về sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, “nói không với túi ni lông”, đặc biệt là thực hiện cam kết về phân loại rác thải tại nguồn. Các hoạt động khen thưởng đối với các hộ gia đình thực hiện đúng cam kết, phạt đối với các hộ không thực hiện cam kết, tạo ra sự giám sát lẫn nhau ngay trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về quản lý, giảm thiểu RTN, túi ni lông mà địa phương đề ra.

4. Kết luận

    Hệ số phát sinh RTN tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương trung bình là 0,049 kg/người/ngày. Trong đó, nhựa LDPE chiếm tỷ lệ cao nhất với 25,3 %, thấp nhất là các loại nhựa khác 5,6 %. Với dân số 145.131 người, ước tính trung bình tổng lượng RTN phát sinh trên địa bàn huyện Thanh Hà là 7.111,419 kg/ngày. Người dân ở đây đều có nhận thức rõ ràng về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm nhựa, tuy nhiên việc sử dụng và thải bỏ chúng chưa được hợp lý. Mức độ người dân quan tâm và hưởng ứng đến các chương trình giảm thiểu RTN ở địa phương đã ở mức cao nhưng trên thực tế, việc thay đổi thói quen cũng như cách thu gom, phân loại tại nguồn là một thách thức rất lớn đối với nhà quản lý. Từ kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp mô hình phân loại rác thải tại nguồn có sự tham gia của cộng đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chi cục Thống kê huyện Thanh Hà (2020). Tổng hợp dân số theo đơn vị hành chính trên địa bàn huyện Thanh Hà (Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở tháng 12/2020).

2. Glover T (2003). Developing operational definitions and measuring interobserver reliability using house crickets (Acheta domesticus). In exploring animal behavior in laboratory and field, ed. B. J. Ploger and K. Yasukawa, 31 - 40, San Diego. Academic Press.

3. Bùi Đức Hiển (2019). Hoàn thiện pháp luật về quản lý RTN hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn - Giải pháp quan trọng để kiểm soát ô nhiễm RTN trên biển Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Ô nhiễm RTN trên biển Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, Hà Nội, 11/2019. 205 - 218.

4. Hoàng Thị Huê, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Màu Danh Huy, Phạm Hồng Tính (2020), Hiện trạng quản lý và nhận thức của người dân về RTN tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Tạp chí NN&PTNT, số 4/2020: 144 - 152.

5. Phạm Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Lê Đắc Trường (2021). Quản lý và nhận thức của người dân về chất thải nhôm, nhựa trong sinh hoạt hộ gia đình tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Tạp chí NN&PTNT, số 15/2021: 190 - 198.

6. Jambeck J. R., R. Geyer, C. Wilcox, T. R. Siegler, M. Perryman, A. Andrady, R. Narayan, K. L. Law (2015). Plastic waste inputs from land into the ocean. Science 347, 768 - 771.

7. Nguyễn Thi (2019). Dự báo hướng nghiên cứu pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong thời gian tới. Chuyên đề thuộc nhiệm vụ khoa học cấp Bộ: Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Hà Nội.

8. UBND huyện Thanh Hà (2020). Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021.

9. UNEP (united Nation Environmental Programme) (2019). Addressing Marine Plastics - A Systems Approach-Recommendations for Actions.

10. Vijaya S. Sangawar and Seema S. Deshmukha (2012). A short overview on
development of the plastic waste managementy: environmental issues and challenges, Scientific Reviews & Chemical Communications (SRCC).

Trịnh Văn Hoàng1, Nguyễn Thị Hồng Hạnh2,*,

 Nguyễn Khắc Thành2, Nguyễn Như Yến2

1,2Học viên Cao học CH5A.QM; 2Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2021)

ASSESSMENT OF THE CURRENT SITUATION OF PLASTIC WASTE IN THANH HA DISTRICT, HAI DUONG PROVINCE

Trịnh Văn Hoàng1, Nguyễn Thị Hồng Hạnh2,*,

 Nguyễn Khắc Thành2, Nguyễn Như Yến2

1,2Master student CH5A.QM; 2Hanoi University of Natural Resources and Environment

Abstract

    Whit the goal of assessing the current situation of generation and awareness of people about plastic waste in Thanh Ha district, Hai Duong province, thereby proposing appropriate management solutions, from November 2020 to April 2021, the study “Assessment of the current generation and awareness of people about plastic waste in Thanh Ha district, Hai Duong province” was conducted. The study used sociological survey method for 100 households to assess peoples awareness about plastic waste. Current status of plastic waste generation determined from 50 households randomly selected out of 100 households surveyed by sociologically. Research results show that the coefficient of plastic waste generation in Thanh Ha district, Hai Duong province is 0.049 kg/person/day, People have a clear awareness of the harmful effects of plastic waste, but changing the habit of limiting the use of plastic products is a big challenge for managers.

Keywords: Awareness, plastic waste, management, solutions to reduce plastic waste.

 

Ý kiến của bạn