Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại thị trấn Đông Anh và các xã Tiên Dương, Uy Nỗ thuộc huyện Đông Anh, TP. Hà Nội

05/12/2022

Tóm tắt

    Đông Anh là 1 huyện ngoại thành, ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch đã được Chính phủ và thành phố phê duyệt, là đầu mối giao thông quan trọng nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Trong đó, thị trấn Đông Anh và các xã Tiên Dương, Uy Nỗ là các địa phương phát triển nhất huyện với các tính chất đặc thù liên quan đến vị thế chính trị, hoạt động kinh tế. Cùng đà tăng trưởng kinh tế của các địa phương nghiên cứu nói riêng và của toàn huyện Đông Anh nói chung, vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt cũng ngày càng gia tăng. Nghiên cứu cho thấy, công tác quản lý môi trường của cơ quan chuyên trách trên địa bàn còn bộc lộ nhiều hạn chế, tỷ lệ thu gom rác mới chỉ đạt 85,6%, công nghệ xử lý rác chưa đáp ứng được yêu cầu vệ sinh môi trường, vấn đề nhận thức và sự quan tâm đến công tác quản lý, BVMT nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng tại địa bàn huyện còn yếu.

Từ khóa: Quản lý, chất thải rắn sinh hoạt, Đông Anh.

Nhận bài: 24/11/2022; Sửa chữa: 29/11/2022; Duyệt đăng: 1/12/2022.

1. Mở đầu

    Đông Anh là 1 huyện ngoại thành, ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch đã được Chính Phủ và thành phố phê duyệt, là đầu mối giao thông quan trọng nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Đời sống nhân dân được nâng cấp và cải thiện 1 cách đáng kể. Nhưng tồn tại bên cạnh đó là chất lượng môi trường ngày càng suy giảm, đặc biệt là ô nhiễm bởi rác thải. Rác của nhiều hộ gia đình trong khu dân cư bị vứt bừa bãi. Rác ở cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn xã chưa được thu gom triệt để. Thói quen ném các loại vỏ, chai thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngay bên lề đường, kênh mương… của người dân trong xã còn khá phổ biến. Đổ bỏ rác thải bừa bãi cùng với thải bỏ nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý làm cho đa số các kênh mương dẫn thải có màu đen, mùi hôi thối bốc lên gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh. Mặc dù vậy, sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng trên địa bàn còn yếu và chưa đồng bộ giữa các ban, ngành. Công tác quản lý môi trường của cơ quan chuyên môn trên địa bàn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn huyện, tỷ lệ thu gom rác mới chỉ đạt 85,6% lượng rác phát sinh vào thời điểm hiện tại, công nghệ xử lý rác chưa đáp ứng được yêu cầu vệ sinh môi trường.

2. Phạm vi và phương pháp nghiên cứu

2.1. Phạm vi nghiên cứu

    Thị trấn Đông Anh có diện tích 4,45 km2, dân số là 32.766 người, phía Đông giáp xã Tiên Dương, phía Tây giáp xã Uy Nỗ, phía Nam giáp xã Vĩnh Ngọc, phía Bắc giáp xã Nguyên Khê và Xuân Nộn. Đây là khu vực trung tâm kinh tế, chính trị, tập trung đông dân cư có đời sống tương đối cao trong huyện.

    Xã Tiên Dương có diện tích 10,09 km2 với số dân là 19.118 người, gồm 6 thôn là: Trung Oai, Cổ Dương, Lương Nỗ, Lễ Pháp, Tuân Lề, Tiên Kha; phía Đông giáp đường Quốc lộ 3 và Thị trấn Đông Anh, phía Tây giáp xã Vân Nội, phía Nam giáp xã Vĩnh Ngọc, phía Bắc giáp xã Nguyên Khê. Tiên Dương là xã thuần nông của huyện, là nơi cung cấp rau sạch cho trung tâm xã. Đây là khu vực có diện tích lớn thứ hai trong huyện nhưng mật độ dân số không cao. Trên địa bàn xã Tiên Dương còn có trung tâm y tế huyện Đông Anh, trạm Y tế xã cùng với 3 cấp trường học mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở.

    Xã Uy Nỗ có diện tích 7,72 km2 với số dân là 18.501 người, phía Đông giáp xã Việt Hùng, phía Tây giáp thị trấn Đông Anh, phía Nam giáp xã Cổ Loa, phía Bắc giáp xã Xuân Nộn và thị trấn Đông Anh. Là khu vực nằm sát với thị trấn Đông Anh nên nơi đây cũng khá sầm uất với các hoạt động kinh doanh, buôn bán. Trên địa bàn xã có khu chợ Tó - khu chợ lớn nhất trên địa bàn huyện.

Hình 1. Bản đồ hành chính huyện Đông Anh - TP. Hà Nội với vị trí các khu vực nghiên cứu

2.2. Phương pháp nghiên cứu

    Nghiên cứu thực hiện dựa vào các phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp, điều tra khảo sát thực địa, điều tra khảo sát xã hội học để tìm hiểu nhận thức, hiểu biết của người dân và cán bộ về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) cũng như hiện trạng và hoạt động quản lý CTRSH trên địa bàn huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

    Với phương pháp điều tra xã hội học, 150 phiếu khảo sát đã được thực hiện cho 3 địa phương nghiên cứu, áp dụng cho 3 đối tượng cần thu thập thông tin là: Cán bộ phụ trách môi trường (nhà quản lý môi trường): 3 phiếu; hộ gia đình: 39 phiếu và công nhân thu gom, vận chuyển: 8 phiếu.

    Nghiên cứu cũng thực hiện phương pháp xác định hệ số phát thải và khối lượng CTRSH (1), (2).

          Hệ số phát sinh rác =  (kg/người/ngày)              (1)                

                    (2)

    Ngoài ra, phương pháp dự báo tổng khối lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh đến năm 2025 của huyện Đông Anh cũng được sử dụng nhằm triển khai kế hoạch đầu tư cho việc thu gom, vận chuyển rác trong tương lai một cách hiệu quả và hợp lý.

    Dân số tương lai được tính theo mô hình Euler cải tiến:

N*i+1  = Ni + r.Ni. rt

    Trong đó:

       N*i+1:  Số dân sau 1 năm (người)

       Ni    : Số dân ban đầu (người)

       r      : Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên

       t  : Thời gian trung bình (năm)

- Khối lượng CTRSH phát sinh trong 1 ngày đêm = (hệ số phát sinh rác thải * tổng số dân của huyện)/1000 (tấn/ngày đêm).

- Tổng khối lượng CTRSH phát sinh trong 1 năm = Khối lượng CTRSH phát sinh trong 1 ngày đêm * 365 (tấn/năm).

3. Kết quả

3.1. Hiện trạng công tác quản lý CTRSH trên địa bàn huyện Đông Anh

3.1.1. Hiện trạng phát sinh CTRSH tại huyện Đông Anh

    Qua quá trình khảo sát thực địa tại các khu vực nghiên cứu cho thấy, các nguồn phát sinh CTRSH rất đa dạng, chủ yếu là từ khu dân cư, chợ, bệnh viện, trạm y tế; trường học, cơ quan nhà nước… Do đó, thành phần CTR cũng khác nhau và được phân thành các loại sau: chất hữu cơ dễ phân hủy, CTR tái chế, tái sử dụng và CTR khác.

Hình 2. Tỷ lệ CTRSH phát sinh tại huyện Đông Anh

    Tỷ lệ CTRSH phát sinh trên địa bàn huyện Đông Anh được thể hiện trên Hình 2. Trong đó, lượng rác thải phát sinh từ hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất đạt 83,2% tổng lượng rác (210,56 tấn/ngày). Rác thải từ chợ (18,47 tấn/ngày) với thành phần chủ yếu là rác thải hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa, rau, củ, quả bị hỏng…, ngoài ra còn có một lượng lớn bao bì, túi ni lông… Rác thải từ các cơ quan, trường học (14,17 tấn/ngày) đến từ các hoạt động văn phòng nên thành phần tương đối đơn giản. Trên địa bàn huyện có 4 bệnh viện lớn, 23 trạm y tế và hơn 200 các phòng khám chữa bệnh tư nhân. Lượng rác thải từ nguồn này chiếm 3,5% (8,86 tấn/ngày) bao gồm: rác thải thông thường (từ sinh hoạt của bệnh nhân và y tá bác sĩ, giấy báo tài liệu…) và rác thải nguy hại (kim tiêm, băng gạc đã sử dụng, dao kéo…). Rác thải từ nguồn khác phát sinh do người đi đường hoặc người dân sống hai bên đường xả ra.

    Nghiên cứu đã thông qua việc thực hiện cân rác của các hộ dân tại các khu vực nghiên cứu để tính toán lượng phát sinh CTRSH tại huyện Đông Anh,

    Kết quả lượng CTRSH của 3 khu vực nghiên cứu được thể hiện ở Bảng 1.

Bảng 1. Lượng CTRSH cân tại các hộ dân của 3 xã nghiên cứu

STT

Xã, thị trấn

Hệ số phát sinh CTRSH (kg/người/ngày)

Khối lượng CTRSH (tấn/ngày)

Tổng khối lượng CTRSH (tấn/năm)

1

Thị trấn Đông Anh

0,62

20,315

7.414,97

2

Xã Tiên Dương

0,58

11,088

4.047,12

3

Xã Uy Nỗ

0,56

10,36

3.781,4

    Khối lượng CTRSH của từng hộ gia đình là không giống nhau tùy thuộc vào thành phần các thành viên trong từng gia đình. Hoàn cảnh, số nhân khẩu bằng nhau nhưng do mức sống khác nhau nên lượng CTRSH khác nhau. Lượng CTRSH chênh lệch do thời gian sinh hoạt tại nhà của các hộ là khác nhau, mức độ tiêu dùng khác nhau. Lượng CTRSH thải ra từng ngày thay đổi theo nhu cầu và thói quen sinh hoạt của mỗi gia đình. Ngoài ra, khối lượng CTRSH phát sinh hàng ngày của người dân trong huyện phụ thuộc nhiều vào nghề nghiệp của họ. Những hộ gia đình có người làm công nhân viên chức hay các hộ nông nghiệp có lượng CTRSH ít hơn so với những hộ kinh doanh, dịch vụ. Sự khác nhau về hệ số phát thải trung bình của 3 khu vực nghiên cứu còn do nguyên nhân tại 2 xã Tiên Dương, Uy Nỗ có hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm nên một phần CTRSH chủ yếu là chất thải nhà bếp (thực phẩm dư thừa, hư hỏng…) được tái sử dụng.

    Dựa vào kết quả Bảng 1, hệ số phát thải trung bình trên địa bàn huyện là 0,59 kg/người/ngày. Tính đến hết năm 2020, dân số huyện Đông Anh là 399.162 người. Vì vậy, lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn huyện Đông Anh là 85.959,536 tấn/năm.

3.1.2. Thành phần CTRSH

    CTRSH sau mỗi ngày sẽ được tập trung tại một điểm để phục vụ cho hoạt động phân tích thành phần của chất thải. Bảng 2 thể hiện khối lượng với các thành phần CTRSH tương ứng.

Bảng 2. Khối lượng CTR từng loại trên địa bàn 3 xã nghiên cứu

STT

Thành phần CTRSH

Khối lượng (kg)

Thị trấn Đông Anh

Xã Tiên Dương

Xã Uy Nỗ

1

CTR hữu cơ dễ phân hủy

62,3

55,9

30,13

2

CTR tái chế, tái sử dụng

Giấy

6,1

2,16

1,68

Nhựa các loại

4,4

3,47

2,26

Ni lông

3,1

2,2

1,77

3

CTR khác

Gốm sứ

4,8

3,02

1,85

Các thành phần khác

6,3

5,22

2,7

 

Tổng

87,1

72

40,4

 

Hình 3. Thành phần CTRSH trên địa bàn nghiên cứu

    Như vậy, thành phần hữu cơ chiếm tỷ lệ cao nhất (xấp xỉ 75%), thành phần ít nhất là chất thải vô cơ, khoảng 12%. Chất thải tái chế đang có xu hướng tăng lên (xấp xỉ 14%) cho thấy, người dân đã có sự phân loại rác tuy nhiên chưa thực sự hiểu biết để thực hiện việc phân loại hợp lý và hiệu quả hơn.

3.2. Hiện trạng quản lý CTRSH trên địa bàn huyện Đông Anh

3.2.1. Quy trình quản lý CTRSH trên địa bàn huyện Đông Anh

Hiện trạng phân loại CTRSH

    Từ đầu 2021, UBND huyện Đông Anh đã phối hợp cùng Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng triển khai Chương trình thu gom, phân loại, xử lý rác tại nguồn. Bắt đầu thí điểm tại 3 xã Liên Hà, Dục Tú, Việt Hùng từ đầu năm 2021, Chương trình sau đó được nhân rộng và mang lại nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của Sở TN&MT TP. Hà Nội, tính đến cuối tháng 3/2022, trên địa bàn huyện Đông Anh đã có 23 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó, 3 xã là Liên Hà, Dục Tú, Việt Hùng đã triển khai tại tất cả các thôn trong xã; 20 xã, thị trấn còn lại triển khai đến ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn mang tính phong trào, cần thực hiện mạnh hơn để thay đổi hoàn toàn nhận thức và ý thức của người dân.

Hiện trạng thu gom, vận chuyển CTRSH

    Quy trình thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn huyện Đông Anh diễn ra như Hình 4. Trên địa bàn huyện, việc xử lý tổng thể CTRSH tại các khu vực tổ chức thu gom, vận chuyển do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đông Anh đảm nhiệm. Hiện nay, có 3 tuyến thu gom, vận chuyển chính trên địa bàn các xã nghiên cứu như sau:

- Tuyến 1 chạy dọc đường quốc lộ 3 qua thị trấn Đông Anh, xã Uy Nỗ.

- Tuyến 2 chạy dọc đường quốc lộ 23 xã Tiên Dương, thị trấn Đông Anh và xã Uy Nỗ.

- Tuyến 3 chạy dọc đường Uy Nỗ, Đản Dị đến thị trấn Đông Anh.

CTRSH → Thu gom bằng phương pháp thủ công và bằng các phương tiện chuyên dụng → Điểm tập kết rác tạm thời → Bãi xử lý rác

Hình 4. Quy trình thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn huyện Đông Anh

  

Hình 5. Hiện trạng tuyến thu gom của khu vực nghiên cứu

    Việc thu gom cơ bản đã đi hết được tất cả các ngõ xóm của huyện, mọi người dân đều đóng phí thu gom, vận chuyển theo mức phí đã thỏa thuận giữa gia đình với Công ty Môi trường. Hiện nay, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đông Anh chỉ tổ chức thu gom trên các tuyến đường chính và vận chuyển, đem đi xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội với 2 xe ép rác trọng tải 2,5 tấn. Hiện trạng tuyến thu gom của 3 xã khu vực nghiên cứu được thể hiện qua Hình 5. Số lượng xe đẩy tay và nhân công sử dụng để thu gom, vận chuyển rác thải được phân bố trên 3 xã nghiên cứu như sau:

- Tuyến 1: có 60 xe đẩy tay, 20 nhân công quét dọn, tần suất 1 ngày/lần.

- Tuyến 2: có 50 xe đẩy tay, 18 nhân công quét dọn, tần suất 2 ngày/lần.

- Tuyến 3: có 35 xe đẩy tay, 12 nhân công quét dọn, tần suất 2-3 ngày/lần.

    Tại các khu phố, xã lân cận, công nhân thu gom bằng xe đẩy tay và vận chuyển đến các điểm tập kết rác thải trên các trục đường chính để thuận tiện cho xe ép rác đến lấy rác rồi chở thẳng đến bãi rác.

    Cách thức thu gom: Tại các xã diễn ra hình thức thu gom hỗn hợp không có hoạt động phân loại tại nguồn. Rác ở chợ và các nơi khác được thu gom bằng xe đẩy tay rồi vận chuyển đến nơi tập kết rác. Ngoài việc thu gom rác đường phố, công sở và hộ gia đình, công nhân còn thu gom rác tại những thùng rác cố định được lắp trên các tuyến đường chính do xã lắp đặt.

    Tần suất và thời gian thu gom: Tần suất và thời gian thu gom được sắp xếp hợp lí để đáp ứng nhu cầu người dân. Do tuyến 1 là trung tâm thị trấn, nơi đây phát triển kinh tế - xã hội với lượng rác lớn phát sinh thường xuyên nên tiến hành thu gom với tần suất 1 ngày/lần. Còn 2 tuyến còn lại lượng CTR phát sinh thu gom từ 2 - 3 ngày/lần [2].

    Hiệu suất thu gom rác: Với lượng nhân công khá ít, nhìn chung khối lượng rác thu gom được đạt khoảng 86,5% tổng khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn.

    Lệ phí thu gom: Mức thu phí: 3.000 đồng/người/tháng. Đối với những nhà hàng, quán ăn từ 30.000 - 50.000 đồng/hộ/tháng.

Hiện trạng công tác xử lý CTRSH trên địa bàn huyện Đông Anh

    Hiện nay, rác thải của huyện Đông Anh được vận chuyển ra khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn để chôn lấp. Tuy nhiên, lượng CTRSH ngày càng gia tăng trong những năm 2000 đến nay, có những thời điểm khu xử lý rác phải đóng cửa ngưng tiếp nhận rác do quá tải. Điều này dẫn tới rất nhiều vấn đề phát sinh do rác ùn ứ, không được vận chuyển, xử lý gây mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị. 

    Trước tình hình đó, UBND huyện Đông Anh đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án xây dựng Nhà máy xử lý, tái chế CTR trên địa bàn xã Dục Tú, với diện tích khoảng 71.739 m2, tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án còn vẫn gặp nhiều vấn đề do chủ đầu tư xin điều chỉnh giấy phép bổ sung chức năng xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại.      .

3.2.2. Đánh giá công tác quản lý CTRSH trên địa bàn huyện Đông Anh

Ưu điểm của hệ thống quản lý CTRSH hiện nay

- Thực hiện khá tốt các điều luật, quy chế BVMT, công tác BVMT tạo những chuyển biến tích cực.

- Chính quyền địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn tới công tác BVMT thông qua việc sử dụng các công cụ truyền thông.

- Mỗi xã đã có 1 cán bộ kiêm nhiệm công tác quản lý môi trường nên vấn đề môi trường được quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn.

- Nhận thức về vấn đề BVMT của các cấp, ngành, nhân dân đã được nâng lên, nhiều phong trào BVMT, sáng kiến điển hình trong công tác BVMT, công tác quản lý nhà nước về BVMT từng bước được tăng cường.

- Bước đầu thành lập các tổ đội, hợp tác xã thu gom và xử lý CTRSH tại địa phương. Người dân đã có nhận thức về việc phân loại rác thải tại nguồn và xử lý hợp lý.

- Có sự phối hợp giữa các cơ quan đoàn thể trong công tác BVMT như: UBND với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…

- Quỹ đất tự nhiên trên địa bàn huyện còn khá nhiều, có điều kiện để xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh cho huyện.

Hạn chế của hệ thống quản lý CTRSH hiện nay

- Ý thức cộng đồng dân cư còn thấp nên vẫn còn tồn tại một số bãi rác tự phát, rác thải vứt chưa đúng quy định.

- Thiếu kinh phí đầu tư lâu dài cho các chương trình dự án, đề án trong công tác quản lý CTRSH tại địa phương.

- Sự phối hợp giữa các ngành, cấp trong công tác quản lý, BVMT chưa được nhịp nhàng và chặt chẽ. Hệ thống cơ quan quản lý môi trường chưa đáp ứng được nhu cầu công tác BVMT và chưa được phân cấp rõ ràng.

- Nhiều hoạt động vẫn mang tính chất phong trào.

3.3. Đánh giá nhận thức cộng đồng về công tác quản lý CTRSH trên địa bàn huyện Đông Anh

3.3.1. Nhận thức của người dân (hộ gia đình) trong công tác BVMT

Hình 6. Nhận thức của người dân trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn

    Tại các khu vực nghiên cứu, tỷ lệ người dân có nhận thức trong công tác BVMT là 79,6% và ý thức cũng như hiểu biết về phân loại rác thải tại nguồn chiếm 84%. Vẫn còn một số người dân vứt rác ra sông, suối hình thành bãi rác tự phát tại địa phương gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Bên cạnh đó, việc phân loại vẫn chỉ nhằm mục đích phân loại tái chế để bán là chính, rác hữu cơ chưa được phân loại tốt do rất nhiều gia đình không nuôi trồng hay không tham gia hoạt động nông nghiệp vẫn gom chung với rác thải khác để đổ bỏ.

Hình 7. Nhận thức của người dân trong việc tham gia công tác BVMT

3.3.2. Nhận thức của cán bộ môi trường

    Những năm trở lại đây, các vấn đề về môi trường nói chung cũng như vấn đề về CTRSH nói riêng cũng được chính quyền các cấp ngày càng quan tâm hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế: đội ngũ quản lý ở cấp độ xã hầu hết là các cán bộ không chuyên về môi trường hoặc kiêm nhiệm các công việc ở các lĩnh vực khác như: địa chính, xây dựng, giao thông, thủy lợi, tỷ lệ cán bộ chuyên trách môi trường chỉ chiếm 13%. Chính vì vậy mà công tác quản lý CTRSH chưa được quản lý chặt chẽ, hiệu quả công tác thấp.

3.3.3. Ý kiến của người thu gom

    98% nhân viên thu gom đều cho rằng mức lương như hiện nay là thấp, các đồ bảo hộ có được cấp nhưng không đầy đủ, không đảm bảo sức khỏe của họ trong quá trình làm việc. Vẫn còn một số hộ gia đình không chấp hành đúng quy định, đóng phí thu gom còn chậm hoặc không đóng.

3.4. Dự báo khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn huyện Đông Anh đến năm 2025

    Dựa trên phương pháp Euler để tính dự báo dân số của huyện Đông Anh cũng như của thị trấn Đông Anh và các xã Tiên Dương, Uy Nỗ, đến năm 2025 đều có xu hướng tăng cao (Bảng 3, 4, 5, 6).

    Hệ số phát sinh CTRSH trên địa bàn huyện qua các năm được trình bày qua Bảng 3.

Bảng 3. Bảng dự báo lượng CTRSH phát sinh tại huyện Đông Anh đến năm 2025

Năm

Dân số (người)

Hệ số phát sinh CTRSH (kg/người/ngày đêm)

Lượng CTRSH phát sinh (tấn/ngày đêm)

Tổng lượng CTRSH (tấn/năm)

2020

399.162

0.59

235,505

85.959,536

2021

403.552

0.6

242,131

88.378,059

2022

407.991

0.61

248,875

90.839,388

2023

412.479

0.62

255,737

93.344,173

2024

417.017

0.63

262,72

95.893,071

2025

421.604

0.64

269,826

98.486,75

 

Bảng 4. Dự báo dân số và tính toán lượng CTRSH phát sinh đến năm 2025 của thị trấn Đông Anh

Năm

Dân số (người)

Hệ số phát sinh CTRSH (kg/người/ngày đêm)

Lượng CTRSH phát sinh (tấn/ngày đêm)

Tổng lượng CTRSH (tấn/năm)

2020

32.766

0,62

20,314

7414,9

2021

33.126

0,63

20,869

7617,4

2022

33.490

0,64

21,434

7823,4

2023

33.859

0,65

22,008

8033,1

2024

34.231

0,66

22,592

8246,4

2025

34.608

0,67

23,187

8463,4

 

Bảng 5. Dự báo dân số và tính toán lượng CTRSH phát sinh đến năm 2025 của xã Tiên Dương

Năm

Dân số (người)

Hệ số phát sinh CTRSH (kg/người/ngày đêm)

Lượng CTRSH phát sinh (tấn/ngày đêm)

Tổng lượng CTRSH (tấn/năm)

2020

19.118

0,58

11,088

4047,2

2021

19.328

0,59

11,403

4162,3

2022

19.540

0,6

11,724

4279,4

2023

19.755

0,61

12,051

4398,6

2024

19.973

0,62

12,383

4519,9

2025

20.192

0,63

12,721

4643,3

 

Bảng 6. Dự báo dân số và tính toán lượng CTRSH phát sinh đến năm 2025 của xã Uy Nỗ

Năm

Dân số (người)

Hệ số phát sinh CTRSH (kg/người/ngày đêm)

Lượng CTRSH phát sinh (tấn/ngày đêm)

Tổng lượng CTRSH (tấn/năm)

2020

18.501

0,56

10,360

3781,6

2021

18.704

0,57

10,661

3891,4

2022

18.910

0,58

10,967

4003,3

2023

19.118

0,59

11,279

4117,1

2024

19.328

0,6

11,597

4232,9

2025

19.541

0,61

11,920

4350,8

 

    Như vậy, khối lượng CTRSH tăng lên theo các năm, giai đoạn 2020 - 2025 tăng lên 12.527 tấn/năm (từ 85.959,536 tấn/năm đến 98.486,75 tấn/năm). Sau 5 năm, dân số huyện Đông Anh tăng thêm 22.442 người. Dân số tăng thêm, nhu cầu trong tiêu dùng sinh hoạt sẽ tăng thêm, từ đó lượng rác thải phát sinh cũng tăng lên đòi hỏi một yêu cầu cấp bách là cần có biện pháp quản lý cũng như xử lý cụ thể.

4. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý CTRSH tại huyện 

- Tăng cường xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với các đối tượng theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.

- Tăng phụ cấp cho nhân viên vệ sinh môi trường để tạo điều kiện tốt nhất cho họ thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển RTSH.

- Các giải pháp về tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng cần được thực hiện thường xuyên và đẩy mạnh. Huy động toàn bộ lực lượng các tổ chức đoàn thể như: thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, tổ dân phố trên địa bàn tích cực tham gia vào công tác phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt để đạt hiệu quả cao nhất.

- Đưa tiêu chí BVMT vào việc đánh giá gia đình văn hóa.

- Tái triển khai và đẩy mạnh “Chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nguồn” đã từng được thực hiện năm 2021 trong người dân trên khắp địa bàn huyện.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý CTRSH cho cán bộ các cấp cơ sở của huyện nói chung và các cán bộ chuyên trách nói riêng.

- Đào tạo kiến thức cho công nhân vệ sinh môi trường, nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng của đội ngũ công nhân thu gom.

- Để đáp ứng với lượng rác thải gia tăng trong tương lai, cần tăng thêm số lượng xe thu gom, vận chuyển rác, cụ thể: đến năm 2025, cần có tất cả 882 xe đẩy tay và 25 xe tải. Mỗi điểm tập kết có khoảng 5 - 8 xe đẩy tay. Xe tải đi qua các điểm tập kết và thu gom rác ở bên phải đường đưa về nhà máy xử lý rác tại thôn Lý Nhân xã Dục Tú với tần suất 1 chuyến/ngày. Đối với 3 xã, thị trấn nghiên cứu ta được kết quả như trong Bảng 7.

Bảng 7. Bảng tính toán các thông số thực hiện 3 xã nghiên cứu

STT

Lượng rác thu gom năm 2025 (kg/ngày)

Số xe đẩy tay

Số xe tải

Số điểm tập kết

1

Thị trấn Đông Anh

23.187

76

2

2

2

Xã Tiên Dương

12.721

42

1

6

3

Xã Uy Nỗ

11.920

39

1

3

    Như vậy, theo tính toán và so với thực tế thì huyện Đông Anh đã có đủ xe đẩy tay song cần bổ sung thêm 8 xe tải để đảm bảo số lượng cũng như chất lượng thu gom. Về phía thị trấn Đông Anh, cần bổ sung thêm 16 xe đẩy tay và 2 xe tải; xã Tiên Dương bổ sung thêm 1 xe tải ép chuyên dụng; xã Uy Nỗ bổ sung 4 xe đẩy tay và 1 xe tải. Mỗi xã cần đảm bảo tần suất thu gom đúng thời gian là 1 ngày/lần.

5. Kết luận

    Qua quá trình điều tra, khảo sát rác thải sinh hoạt tại thị trấn Đông Anh, xã Tiên Dương và xã Uy Nỗ đề tài thu được một số kết luận sau:

- Lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn huyện Đông Anh là 235,505 tấn/ngày đêm với lượng rác thải phát sinh bình quân theo đầu người là 0,59 kg/người/ngày đêm. Đa số tại các địa phương mà nghiên cứu được thực hiện, lượng rác thải phát sinh đều lớn hơn khả năng thu gom, xe đẩy tay và xe tải chuyên dụng còn thiếu và phân bổ chưa hợp lý, các điểm tập kết còn ít khiến công tác thu gom gặp nhiều khó khăn.

- CTRSH từ các nguồn hộ gia đình là chiếm nhiều nhất, ngoài ra phải kể đến là các nguồn phát sinh từ các khu chợ và dịch vụ thương mại, cơ quan, trường học…

- Thành phần CTRSH rất đa dạng bao gồm: chất hữu cơ là chủ yếu chiếm gần 75%, các hợp chất khác: túi ni lông, nhựa, giấy, vải, sành sứ, kim loại và các chất khác.

- Các xã, thị trấn đều có lượng trang thiết bị và đồ bảo hộ cho các công nhân nhưng không đầy đủ. Sự quan tâm đến công việc còn chưa cao.

- Tần suất thu gom chưa đảm bảo, thống nhất. Các địa phương cần thực hiện tần suất thu gom giống nhau là 1 ngày/lần.

- Nhận thức và quan tâm đến vấn đề quản lý, BVMT nói chung và CTRSH nói riêng tại địa bàn huyện tuy có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng vẫn chưa toàn diện. Môi trường vẫn chưa được bảo vệ tốt, rác thải chưa được phân loại tại nguồn một cách hợp lý và hiệu quả như mong đợi.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ TN&MT, 2019, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia về CTR.

2. Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đông Anh, 2020, Báo cáo công tác quản lý CTRSH trên địa bàn huyện Đông Anh 2019 - 2020.

Nguyễn Mai Lan, Mai Hương Thảo

Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt 4/2022)

 

ASSESSMENT OF HOUSEHLOD SOLID WASTE MANAGEMENT IN DONG ANH TOWN AND TIEN DUONG, UY NO COMMUNES IN DONG ANH DISTRICT, HANOI

Nguyen Mai Lan*, Mai Huong Thao

Department of Environment, HUNRE

Abstract

    Dong Anh is a suburban district, located at the northern gateway of Hanoi capital. It is in the planning area for industrial, urban, service and tourism development approved by the Government and the City and it is an important traffic hub connecting Hanoi capital with the northern provinces. In which, Dong Anh town and Tien Duong and Uy No communes are the most developed localities in the district with specific characteristics related to political position and economic activities. Along with the economic growth of the studied localities in particular and of the Dong Anh district in general, the problem of environmental pollution caused by domestic waste is also increasing. Research shows that environmental management by specialized agencies in the ward still reveals many limitations. In the district, the rate of garbage collection only reaches 85,6%, and the waste treatment technology has not met the requirements of environmental sanitation. The issue of awareness and interest in the management and protection of the environment in general and domestic solid waste in particular in the district is still weak. The environment is still not well protected, classification activities at source are unstable in the long term.

Keywords: Management, dometics wastes, Đông Anh.

 

Ý kiến của bạn