Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Tri thức địa phương về di sản địa chất và vai trò của chúng đối với mô hình phát triển bền vững

05/08/2020

     Tóm tắt

     Tri thức địa phương (TTĐP) là những hiểu biết, kiến thức truyền thống, kinh nghiệm dân gian về môi trường, cả tự nhiên và xã hội, của riêng một nền văn hóa, hoặc một cộng đồng, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới hình thức truyền khẩu, hoặc các nghi lễ văn hóa, là nền tảng để duy trì các hoạt động thiết yếu của cộng đồng đó. Trong nghiên cứu này, sẽ trình bày khái quát về cách tiếp cận và vận dụng TTĐP trong phát triển bền vững (PTBV). Vai trò của TTĐP trong phương thức sống, quản lý tài nguyên bền vững và các mối quan hệ xã hội bền vững. Đặc biệt, TTĐP về di sản địa chất (DSĐC) vừa là đối tượng bảo tồn và phát huy giá trị, vừa là biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về khoa học Trái đất.

     Từ khóa: DSĐC, công viên địa chất, TTĐP và TTĐP về DSĐC.

     Nhận bài: 27/5/2020; Sửa chữa:28/5/2020; Duyệt đăng: 2/6/2020

     1. Mở đầu

     TTĐP được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường và xã hội; được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua trí nhớ, thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội. TTĐP có trong tất cả các lĩnh vực của đời sống như sản xuất nông nghiệp; thu hái, sử dụng cây thuốc và cách chữa bệnh; truyền thụ kiến thức qua các thế hệ trong giáo dục; bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tổ chức quản lý cộng đồng, giá trị xã hội, các luật lệ truyền thống trong làng bản... Hơn thế nữa TTĐP về DSĐC phản ánh nhận thức của cộng đồng về các đặc điểm tự nhiên, giúp họ thích ứng, chung sống bền vững, hài hòa với môi trường tự nhiên của vùng đất quê hương nơi họ sinh sống. TTĐP nói chung và TTĐP về DSĐC nói riêng có tầm quan trọng lớn trong việc thực hiện các dự án phát triển mang tính bền vững cho nên không những chỉ các nước đang phát triển mà các nước có nền khoa học phát triển cao cũng rất chú ý sưu tầm, phân tích và ứng dụng TTĐP, nhằm tìm kiếm những giải pháp quản lý bền vững cổ truyền cũng như giá trị của các tài nguyên mà khoa học hiện đại chưa biết tới. Trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu, phân tích tài liệu, trong bài viết này chúng tôi giới thiệu khái quát TTĐP về DSĐC và vai trò của chúng đối với mô hình PTBV.

     2. Khái quát về cách tiếp cận và vận dụng TTĐP và TTĐP về DSĐC

     2.1. Khái quát về cách tiếp cận và vận dụng TTĐP

     2.1.1. TTĐP qua các công trình quốc tế

     Các công trình quốc tế về TTĐP có khá nhiều, được đúc kết lại trong hai công trình tiêu biểu là [3,10]: 1) Chương trình đào tạo giáo viên đa phương tiện của UNESCO “Dạy và học vì một tương lai bền vững”, Modul 11 với chủ đề “TTĐP và sự bền vững”; và 2) Cẩm nang “Hướng dẫn nghiên cứu TTĐP” của Trung tâm nghiên cứu Phát triển Quốc tế (IDRC). Trong đó công trình thứ nhất đã đề cập một cách khá chi tiết đến một số nội dung như khái niệm, vai trò, các hình thức sử dụng TTĐP của người bản địa, sự khác biệt giữa TTĐP với kiến thức hàn lâm, đồng thời hướng dẫn cách vận dụng TTĐP trong dạy và học...

     Hưởng ứng “Thập kỷ Giáo dục vì sự PTBV của Liên hợp quốc”, UNESCO đã giới thiệu và khuyến khích áp dụng rộng rãi Chương trình đào tạo giáo viên đa phương tiện “Dạy và học vì một tương lai bền vững”. Chương trình gồm 27 modul, trong đó modul thứ 11 dành riêng cho chủ đề “TTĐP và sự bền vững”.Modul này [10] được biên soạn trong khuôn khổ Chương trình “Dạy và học vì một tương lai bền vững” do UNESCO-ACEID (Trung tâm Giáo dục Sáng tạo cho Phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương) khởi xướng.

     Modul nói trên cho rằng: “Kho tàng kiến thức phong phú về thế giới tự nhiên không chỉ giới hạn trong hệ thống kiến thức khoa học. Những cộng đồng dân cư trên khắp thế giới đã xây dựng và đúc kết được những cách lý giải và các kinh nghiệm phong phú liên quan đến môi trường sống của họ. ‘‘Những hệ thống tri thức khác (other knowledge systems)’’  này ngày nay thường được gọi là những kiến thức truyền thống về môi trường sống, những TTĐP, hoặc kiến thức địa phương. Chúng chính là những kho tàng thông tin, sự hiểu biết và các cách diễn giải phong phú về môi trường tự nhiên. Chính những kiến thức này đã dẫn dắt cho xã hội loài người trên Trái đất trong vô số những tương tác với môi trường tự nhiên: rồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, đánh cá và hái lượm, trong những nỗ lực của chúng ta chống lại bệnh tật và những thương tổn, trong việc đặt tên và đưa ra những lý giải cho các hiện tượng tự nhiên, cũng như trong việc đưa ra các chiến lược để đối phó với những sự thay đổi bất thường của môi trường tự nhiên”[1].

     TTĐP là những kiến thức của riêng một nền văn hóa hoặc cộng đồng. Nó có thể có những tên gọi khác như: “kiến thức địa phương”, “kiến thức dân gian”, “kiến thức truyền thống” hoặc “kiến thức khoa học truyền thống”. Những kiến thức này được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, thường là dưới hình thức truyền miệng hoặc các nghi lễ văn hóa. Chúng là nền tảng duy trì các hoạt động xã hội thiết yếu của cộng đồng như nông nghiệp, cách chế biến thức ăn, cách chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo tồn và nhiều hoạt động khác ở các vùng trên thế giới” [10].

     Nói về sự thông thái của người bản địa, tài liệu đào tạo nói trên (Modul 11) đã dẫn lời của Frederico Mayor - Nguyên Tổng giám đốc UNESCO giai đoạn 1987-1999 - rằng: “Các dân tộc bản địa trên thế giới sở hữu một khối lượng kiến thức khổng lồ về môi trường, dựa trên hàng thế kỷ sống gần gũi với tự nhiên. Sinh sống trong và dựa vào sự phong phú và đa dạng của các hệ sinh thái phức tạp, họ có sự am hiểu đặc biệt và kỹ càng về các đặc tính của các loài thực vật và động vật, am hiểu về chức năng của các hệ sinh thái và về những kỹ năng trong sử dụng và quản lý các tài nguyên này. Ở khu vực nông thôn tại các nước đang phát triển, người dân phải dựa vào rất nhiều - đôi khi là tất cả - các loài sinh vật địa phương để có thức ăn, thuốc chữa bệnh, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và nhiều thứ khác. Cũng tương tự như vậy, các kiến thức và nhận thức về môi trường và mối quan hệ của cộng đồng với thiên nhiên, thường là những yếu tố quan trọng của bản sắc văn hóa” [1].

     TTĐP không chỉ quan trọng vì sự đúng đắn của nó, mà còn bởi những lợi ích mà chúng đem lại cho:

  • Những người bản địa - là những người sở hữu và gìn giữ TTĐP;
  • Tất cả mọi người trên thế giới, những người có thể học về cách sống bền vững từ những tri thức này; và
  • Trái đất - sẽ được đối xử một cách đáng trân trọng hơn nếu TTĐP và những giá trị của nó được ứng dụng một cách rộng rãi hơn.

     Con người ngày nay ngày càng nhìn nhận và đánh giá cao giá trị của TTĐP đối với sự PTBV. Vì vậy, rất cần gìn giữ những kiến thức truyền thống trong các cộng đồng bản địa và tích hợp những TTĐP phù hợp vào các chương trình giảng dạy ở nhà trường. Theo đó, có năm cách mà TTĐP có thể nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy [1, 10]:

  • Học các thái độ và giá trị vì một tương lai bền vững.
  • Học qua văn hóa.
  • Học từ thế hệ này sang thế hệ khác.
  • Bắt đầu từ địa phương: từ cái ‘đã biết’ đến cái ‘chưa biết’.
  • Học tập bên ngoài lớp học.

     2.1.2. TTĐP qua các công trình trong nước

     Khái niệm “TTĐP” bắt đầu được sử dụng một cách phổ biến ở Việt Nam vào khoảng giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước và được một số nhà nghiên cứu quan tâm trong đó đáng chú ý có nhà nghiên cứu Pam McElwee với công trình “Việt Nam có TTĐP không?”. Công trình đã tập trung chủ yếu vào đối tượng là các tri thức truyền thống về quản lý môi trường, đặc biệt là ở các khu bảo tồn thiên nhiên trên dãy Trường Sơn ở một loạt địa phương như Đắk Lắck, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Hà Giang [6]. Trước đó các nhà nhân học và dân tộc học đã làm việc với khái niệm này mặc dù không gọi đó là TTĐP mà thường là truyền thuyết, thần thoại, truyện truyền khẩu, luật tục. TTĐP ở Việt Nam, cũng giống như nhiều khu vực khác trên thế giới rất phong phú. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu về chúng, cũng như về các tri thức truyền thống về môi trường, cho đến thời điểm đó, mới chỉ hướng đến một cách khá chọn lọc và hẹp, tập trung vào việc gọi tên và phân loại động thực vật hoặc vào việc quản lý TN&MT theo luật tục trong khi không có nỗ lực tìm hiểu thế giới nhận thức luận rộng lớn hơn của cộng đồng địa phương nơi TTĐP hình thành [11].

     Trong công trình nghiên cứu của Pam Mc Elwee [BM4] cho rằng [6], TTĐP cần được hiểu như là một hệ thống hoặc thế giới quan hoàn chỉnh, bao gồm tên hoặc hệ thống phân loại động thực vật và các hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng, lễ nghi. Hơn nữa, những tri thức này không phải là một cái gì đó lạc hậu, bất biến mà ngược lại, cần phải nhìn nhận chúng ở khía cạnh tích cực, là trước khi các kiến thức hàn lâm được giới thiệu vào cộng đồng, chính chúng đã giúp cho mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ giữa tự nhiên và con người tiến triển một cách hài hòa, bền vững. Việc không hiểu biết hết TTĐP như là cả một thế giới quan, một hệ thống “động”, coi chúng như là tàn tích “bất biến” của quá khứ lạc hậu tất yếu dẫn đến hệ quả sử dụng chúng sai và không hiệu quả trong các dự án bảo tồn liên quan đến cộng đồng.

     3. Những nội hàm cơ bản của TTĐP về DSĐC và vai trò của chúng đối với PTBV

     3.1. Khái niệm TTĐP về DSĐC

     TTĐP về DSĐC phản ánh nhận thức của cộng đồng về đặc điểm môi trường tự nhiên bao gồm cả thuận lợi lẫn không thuận lợi, các đặc điểm địa chất, các giá trị DSĐC, qua đó giúp họ thích ứng, chung sống bền vững, hài hòa với môi trường tự nhiên của vùng đất quê hương nơi họ sinh sống [1,5] như các sự tích, truyền thuyết, địa danh... về một ngọn núi, miệng núi lửa, dòng sông, hang động, truyền thống canh tác trên hốc đá, làm nhà trình tường, làm hàng rào từ đá, nuôi trồng các loại cây con phù hợp với môi trường tự nhiên...

     Kho tàng kiến thức phong phú về thế giới tự nhiên không chỉ giới hạn trong hệ thống kiến thức khoa học. Những cộng đồng dân cư trên khắp thế giới đã xây dựng và đúc kết được những cách lý giải và các kinh nghiệm phong phú liên quan đến môi trường sống của họ.

     3.2. Vai trò của TTĐP

      3.2.1. TTĐP trong phương thức sống

     Mối liên hệ tâm linh của người bản địa với vùng đất nơi họ sinh sống. Đối với người bản địa, đất đai là cội nguồn cuộc sống, là món quà từ đấng sáng tạo và là chủ thể nuôi dưỡng, hỗ trợ và răn dạy họ. Mặc dù mỗi dân tộc đều có sự khác nhau về phong tục, văn hóa và mức độ ảnh hưởng đến đất đai, nhưng tất cả đều tôn kính và coi Trái đất như cha mẹ. “Mẹ Trái đất” là trung tâm vũ trụ, là cốt lõi của nền văn hóa và là cội nguồn bản sắc dân tộc của họ. Trái đất liên kết họ với quá khứ (nơi tổ tiên họ từng sinh sống), với hiện tại (nơi đáp ứng những nhu cầu vật chất của họ) và với tương lai (di sản họ truyền lại cho con cháu). Linh hồn của mối liên hệ sâu sắc này chính là sự nhận thức và ý thức được rằng sự sống - từ những ngọn núi, các dòng sông, bầu trời, các loài vật, cây cối, côn trùng, đất đá và con người - có mối liên hệ không thể tách rời. Thế giới vật chất và thế giới tinh thần cùng đan xen lẫn nhau trong một mạng lưới phức tạp, và tất cả các dạng sống đều chứa đựng một ý nghĩa thiêng liêng [1, 4,10].

     Thuốc và những phương thức chữa bệnh tự nhiên. Ở nhiều vùng trên thế giới, cộng đồng bản địa có cách phân loại đất, khí hậu, các loài động, thực vật và nhận dạng được đặc tính từng loại. Họ thậm chí còn có tên gọi cho nhiều loài cây và côn trùng còn chưa được các nhà khoa học phát hiện. Thí dụ, người Hanuoo ở Philípin đã phân biệt được 1.600 loài thực vật trong rừng của họ, nhiều hơn 400 loài so với các nhà khoa học. Hơn 85% trong tổng số khoảng 250.000 - 500.000 loài thực vật trên Trái đất sinh trưởng ở những vùng từ bao đời nay đã là nơi cư ngụ của người bản địa. Gần 75% trong số 121 loài cây được chiết xuất để sản xuất những loại thuốc phổ biến trên thế giới hiện nay được phát hiện từ các loại thuốc bản địa. Các thầy lang truyền thống ở Đông Nam Á sử dụng đến 6.500 loài cây làm thuốc. Hầu hết tất cả các loài cây và rất nhiều loài thực vật khác đều có chỗ đứng trong kho tàng kiến thức y học bản địa [1,4, 10];

     TTĐP trong quản lý tài nguyên bền vững. Mặc dù thế giới hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sinh thái nhưng các nền kinh tế và công nghệ bản địa, truyền thống lại thường bị coi là “nguyên thủy”, “thuộc thời đồ đá” trong khi chính chúng mới chứng tỏ sự ổn định dài lâu. Người Inuit đã và đang sinh tồn được ở Bắc cực chỉ bằng săn bắt và đánh cá; Người dân ở khu vực Sahelian cằn cỗi ở châu Phi chỉ sống bằng chăn nuôi du mục trên đồng cỏ; Hàng trăm nền văn hóa bản địa ở các vùng sinh thái nhạy cảm ở Amazon và Đông Nam Á tồn tại nhờ phương thức canh tác theo thời vụ (du canh)... TTĐP về tự nhiên đảm bảo sự sinh tồn của con người trong những môi trường sống không ổn định. Các dân tộc bản địa sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có mà không làm suy kiệt chúng; quản lý tài nguyên một cách cẩn trọng, kiểm soát số lượng các loài, khai thác một lượng nhỏ nhưng đa dạng các loài động thực vật và ít xả rác ra môi trường nhất [1,3,5,10].

     Các mối quan hệ xã hội bền vững. Gắn kết xã hội là nhân tố quyết định cho sự sinh tồn của nhiều nền văn hóa bản địa, nơi rất cần sự hợp tác, giúp đỡ nhau. Trong nhiều nền văn hóa, đàn ông và phụ nữ đã phát triển những vai trò mang tính hỗ trợ nhau, thậm chí là ngang bằng; các quyết định chính trị được thông qua khi có sự đồng thuận, và tập tục truyền thống văn hóa bản địa thường duy trì những tổ chức, kết cấu xã hội có ích cho toàn thể cộng đồng [1, 4].

     3.2.2. TTĐP về DSĐC vừa là đối tượng bảo tồn và phát huy giá trị, vừa là biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng

     Một trong những biện pháp khá hấp dẫn là tìm cách liên hệ các khái niệm về DSĐC với các giá trị di sản văn hóa, với các phong tục, tập quán, kiến thức địa phương truyền thống; tìm kiếm, hoặc tạo mới những “geo-story” (câu truyện địa chất) tiêu biểu, đặc trưng cho từng CVĐC hay những giá trị DSĐC chủ đạo của chúng.

     Các Hội nghị quốc tế UNESCO về CVĐC năm 2014 ở Canađa , 2016 ở Vương quốc Anh, 2018 ở Italia hay các hội nghị Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APGN) các năm 2011, 2013, 2015, 2017, 2019 đều có những hội thảo chuyên đề về công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐC và DSĐC cùng với các giá trị tự nhiên, văn hóa khác. Và càng ngày người ta càng nhận thức rõ được hiệu quả của phương pháp kết hợp giữa các “kiến thức hàn lâm” với các “TTĐP”, “kiến thức dân gian” đã được tích lũy, gọt giũa dần qua nhiều thế hệ và ngày càng tiệm cận hơn với các “kiến thức hàn lâm” .

     Từ kết quả nghiên cứu, tập thể tác giả còn nhận thức rõ rằng: Thành lập CVĐC, bảo tồn và phát huy giá trị của các DSĐC một cách tổng thể cùng các giá trị di sản khác là sự nghiệp chung của cả chính quyền các cấp lẫn cộng đồng. Trong quá trình đó, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng, để họ hiểu được, qua đó bảo tồn và phát huy được giá trị của các loại hình di sản, là một trong những nội dung quan trọng nhất; Hiểu được, ít nhất cũng ở mức độ khái lược, đại cương, các khoa học về Trái Đất nói chung, khoa học địa chất nói riêng, và từng DSĐC cụ thể là một việc khó, không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nước phát triển, đặc biệt là các nước đang phát triển khác. Đây cũng là một trong những lý do chính mà các ngành khoa học này vẫn còn khá xa cách xã hội. Chính vì vậy, một trong những yêu cầu đầu tiên được Mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO đặt ra là phải làm sao chuyển tải đến cộng đồng những kiến thức, thông tin cần thiết, dưới dạng “giản lược, phổ thông hóa” bằng những phương thức đơn giản, hiệu quả. Thực tế rất nhiều CVĐC đã và đang nỗ lực tìm kiếm những phương thức này;

     Sử dụng “TTĐP” có lẽ là một trong những phương thức đó, đặc biệt là đối với những CVĐC có kho tàng “TTĐP” phong phú, còn được gìn giữ tốt. Hơn nữa, đối với những địa phương mà kho tàng “TTĐP”, dưới áp lực của cuộc sống hiện đại, đang có nguy cơ mất dần, thì việc sưu tầm, chọn lọc, đánh giá, bảo tồn và sử dụng chúng lại càng có ý nghĩa hơn, càng cấp thiết hơn. Việt Nam, cụ thể là các CVĐC ở Việt Nam, với truyền thống văn hóa hàng ngàn năm đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đang trong quá trình phát triển, dường như đang có cả hai, vừa là thế mạnh, vừa lại là áp lực đó.

 3.3. Một số đặc điểm cơ bản và quá trình hình thành TTĐP và TTĐP về DSĐC

     Khoa học Địa chất là một trong những chuyên ngành chính của các khoa học về Trái đất, chuyên nghiên cứu những hiện tượng, quá trình tự nhiên xảy ra trong lòng hoặc trên bề mặt Trái đất, thí dụ như phun trào núi lửa, động đất, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, xói mòn, tạo khoáng, các quá trình sông, biển, hồ, karst hóa, tạo núi, hình thành đất...

     DSĐC là những địa điểm, vị trí trên Trái đất, nơi hội tụ, lưu giữ những bằng chứng, dấu ấn của quá trình hình thành và phát triển hơn 4,6 tỷ năm của hành tinh Trái đất, lịch sử tiến hóa sự sống của một vùng, một khu vực trên hành tinh này. Chúng bao gồm các cảnh quan địa mạo, di chỉ hóa thạch cổ sinh, miệng núi lửa đã tắt, hoặc đang hoạt động, các hang động, hẻm vực sông, hồ tự nhiên, thác nước, diện lộ tự nhiên hay nhân tạo của đá và quặng, thành tạo, cảnh quan còn ghi lại những biến cố, bối cảnh địa chất đặc biệt, các địa điểm mà tại đó có thể quan sát được quá trình địa chất đã và đang diễn ra hàng ngày, thậm chí cả khu mỏ đã ngừng khai thác... Vì thế, TTĐP về DSĐC cơ bản sẽ tập trung vào nhận thức/cách lý giải truyền thống của cộng đồng địa phương về các hiện tượng, quá trình tự nhiên kể trên, hay những bằng chứng, dấu ấn chúng để lại, những yếu tố tâm linh liên quan, cũng như kinh nghiệm, tri thức khai thác, sử dụng, thích ứng và quản lý các hiện tượng, quá trình đó.

     Trên cơ sở tổng hợp những nhận thức hiện nay trên thế giới, Việt Nam, TTĐP có một số đặc điểm cơ bản và được hình thành trong một quá trình sau:

- Là những trải nghiệm thực tế chủ yếu mang tính trực quan của nhiều người, trải qua nhiều thế hệ;

- Là những trải nghiệm để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của cộng đồng địa phương. Các quá trình, hiện tượng tự nhiên được trải nghiệm vì thế cần:

  • Tác động một cách trực tiếp, đáng kể đến những khía cạnh thiết yếu nhất trong cuộc sống của cộng đồng địa phương (thí dụ cơm ăn, áo mặc, đói-no, bệnh tật-thuốc chữa, sống-chết, công cụ sản xuất... kể cả đời sống tâm linh, thẩm mỹ...);
  • Có quy mô đủ lớn, đủ sâu rộng;
  • Thường xuyên lặp lại; Nếu không thường xuyên lặp lại thì quy mô có thể rất lớn, rất sâu rộng, có thể chỉ xảy ra một lần nhưng đóng vai trò quyết định đến cuộc sống của cộng đồng địa phương (thí dụ liên quan đến sự sống và cái chết, đến việc họ buộc phải di canh, di cư...);

     - Được cộng đồng địa phương lý giải, kiểm chứng và đúc kết thành những bài học, giải pháp thích ứng, phát huy hiệu quả;

     - Được phổ biến rộng rãi cho cộng đồng cùng thế hệ và truyền lại cho các thế hệ sau;

     Có thể hiểu rằng, ngoài những tri thức liên quan đến quá trình nhận biết các yếu tố tự nhiên, các loại tri thức khác nảy sinh trong quá trình vận dụng hiểu biết về tự nhiên và kết hợp với các hiểu biết, mối quan hệ xã hội hiện có khác vào thực tế cuộc sống (canh tác, chọn vị trí định cư, làm nhà, sinh hoạt, trang phục, lễ nghi...). Từ những đặc điểm, cách phân loại, cách thức sử dụng TTĐP kể trên, có thể rút ra nhận xét rằng, chúng được đúc rút từ những khía cạnh chính yếu nhất của cuộc sống, đó là: 1). Thế giới quan, vũ trụ quan của người bản địa (mối liên hệ tâm linh với quê hương họ); 2). Nhân sinh quan (các mối quan hệ xã hội); 3). Quản lý tài nguyên bền vững, thích ứng với tự nhiên, giảm nhẹ thiên tai...; 4). Các vị thuốc và các phương thức chữa bệnh tự nhiên (tương tự như cách gọi ngày nay là đông y, hay y học dân gian).

4. Kết luận

     Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo, phân tích tài liệu trong và ngoài nước, bài viết này giới thiệu tổng quan về TTĐP và TTĐP về DSĐC, vai trò của chúng đối với PTBV. TTĐP về DSĐC là những khái niệm còn tương đối mới mẻ, việc nghiên cứu và sử dụng các khái niệm này ở nước ta mới chỉ là bước đầu, chủ yếu ở dạng một số phát hiện, gợi mở chứ chưa có hệ thống. Tuy nhiên, có điều thuận lợi là TTĐP về DSĐC cũng chỉ là một dạng của TTĐP nói chung với một số đặc thù nhất định. Vì thế, có thể kế thừa phần lớn những hiểu biết hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, trong việc điều tra, sưu tầm, đánh giá, phân loại, chọn lọc, xếp hạng TTĐP, từ các tiêu chí khoa học đến phương pháp thực hiện, vào công việc tương tự đối với các TTĐP về DSĐC, có thể với một số thay đổi nhỏ trên cơ sở những đặc điểm riêng có của DSĐC.

     Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ trong khuôn khổ đề tài: Nghiên cứu kiến thức bản địa về di sản địa chất, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch ở một số Công viên địa chất Việt Nam”. Mã số: ĐTĐL.CN-06/18. Tập thể tác giả xin trân trọng cảm ơn!

Đỗ Thị Yến Ngọc,Trần Tân Văn, Hoàng Xuân Đức, Phạm Minh Hải1

1Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 2/2020)

     Tài liệu tham khảo

  1. Douglas Nakashima, Lyndel Prott and Peter Bridgewater, July-August 2000.Tapping into the world’s wisdom. UNESCO Sources, Issue 125.
  2. Đỗ Thị Yến Ngọc và nnk 9/2017. Preliminary introduction on indigenouss knowledge of geoheritage in Non Nuoc Cao Bang Geopark. (The 5th Asia – Pacific Geopark Network (APGN) symposium in China, 2017)
  3. Louise Grenier, 1998. Working with Indigenous Knowledge - A Guide for Researchers. International Development Research Centre, Canada.
  4. Lương Văn Huy và nnk. Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2010.
  5. Nguyễn Danh Tiên, 2014. TTĐP. Tạp chí Lý luận chính trị số 6.
  6. Pam McElwee, 2007 “Việt Nam có “TTĐP” không?” Hội thảo Quốc tế Nhân học về Việt Nam (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Toronto (Canada) tổ chức tại Bình Châu, 12/2007.
  7. Trần Tân Văn, Đỗ Thị Yến Ngọc, Nguyễn Đại Trung, Hồ Tiến Chung và nnk, 2016. Hồ sơ trình UNESCO công nhận Non nước Cao Bằng là CVĐC Toàn cầu và các báo cáo chuyên đề kèm theo. Lưu trữ Viện ĐCKS.
  8. Tran Tan Van, May 12-15, 2012. Looking for Scientific Truth in Legends - Maybe an Attractive and Effective Way for Communicating Geoheritage? The 5th Int. UNESCO Conf. on Geoparks, Unzen Volcanic Area Global Geopark, Japan.
  9. Tran Tan Van, 2015. Stone Heritage - A Resource Worth Highlighting In The Existing And Aspiring Geoparks Of Vietnam. Proc. of the 4th Asia-Pacific Geoparks Network San’in Kaigan Symp. APGN, Japan.
  10. UNESCO “Teaching and Learning for a Sustainable Future” 2010.
  11. Nguyễn Thị Yên, Nguyễn Thị Thúy Loan, 2002. Tri thức dân gian của người Nùng An trong việc bảo vệ môi trường. Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1(79), tr 38-55. Hà Nội.

 

Indigenous knowledge of geoheritage and its role in the sustainable development model

Do Thi Yen Ngoc, Tran Tan Van, Hoang Xuan Duc, Phạm Minh Hải

Viet Nam Institute of Geociences and Mineral Resources (VIGMR)

     Abstract

     Indigenous knowledge is the traditional knowledge and folk experience about the environment, both natural and social, of a particular culture or community. It is passed down from generation to generation orally or in the form of cultural rituals and is the basis for maintaining the essential activities of that community. This study presents an overview of the approach and application of indigenous knowledge in sustainable development and its role in the ways of living, sustainable resource management and sustainable social relationships. Particularly, indigenous knowledge of geo-heritage is a subject of value conservation and promotion as well as a measure to improve the effectiveness of propaganda and promotion and to raise public awareness of earth sciences.

     Key: Geopark, geoheritage, Indigenous knowledge of geoheritage.

 

 

Ý kiến của bạn