Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

03/04/2020

     Ngày 14/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg Về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường (QTMT) quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiệm vụ này sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian 2 năm với sản phẩm là bản Quy hoạch tổng thể QTMT quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một trong những văn bản quan trọng trong lĩnh vực quan trắc, môi trường góp phần hoàn thiện mạng lưới QTMT quốc gia trên cơ sở các mạng lưới quy hoạch đã được xây dựng trước đây; thực hiện bổ sung, cập nhật để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Mạng lưới QTMT quốc gia được xây dựng trong quy hoạch sẽ nhằm góp phần định hướng cho các chương trình QTMT nhằm triển khai hoạt động quan trắc môi trường, cung cấp số liệu tổng thể hiện trạng môi trường quốc gia hiện nay.  

     Xây dựng quan điểm, mục tiêu và các nguyên tắc lập Quy hoạch

     Xây dựng Quan điểm lập quy hoạch

     - Tính kế thừa: Quan điểm đưa ra trong nội dung quy hoạch phải bao gồm tính kế thừa theo các Quy hoạch QTMT trước đây đã được phê duyệt tại các Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 90/2016/QĐ-TTg. Nội dung trong các quy hoạch trước đây đã được thực hiện phần lớn, tạo ra mạng lưới các trạm, điểm quan trắc rộng khắc đất nước. Các trạm, điểm quan trắc về khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước… đều đã được nghiên cứu, đánh giá để phù hợp với mục tiêu theo dõi diễn biến chất lượng môi trường. Do đó, trong quá trình xây dựng quy hoạch mới, việc kế thừa các nội dung của quy hoạch cũ là cần thiết, đảm bảo xây dựng từ nền tảng sẵn có để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới QTMT.

     - Tính độc lập: Quan điểm cần thể hiện rõ tính độc lập giữa nội dung quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch quan trắc tại địa phương. Quy hoạch cấp quốc gia phục vụ đánh giá chất lượng môi trường vùng, các khu vực liên vùng, liên tỉnh; quy hoạch cấp địa phương mang tính định hướng, tập trung quan trắc phục vụ đánh giá các tác động cục bộ trên địa bàn từng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;

     - Tính mở: Thể hiện được tính định hướng trong quy hoạch các trạm, điểm quan trắc. Không giống như các quy hoạch khác, quy hoạch QTMT nhằm phục vụ mục đích chính là theo dõi, giám sát chất lượng môi trường tại các điểm, khu vực, vùng mục tiêu; do đó, mạng lưới quan trắc càng dày sẽ càng phản ánh được chính xác chất lượng môi trường. Việc mở rộng mạng lưới quan trắc này về cơ bản không ảnh hưởng nhiều tới các quy hoạch khác, không gây ra các vấn đề xã hội khác. Trong khi đó, quy hoạch này cần được điều chỉnh khi các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đất đai hay các quy hoạch ngành khác được xây dựng để đảm bảo sự phù hợp với thực tế phát triển. Do đó, mạng lưới các điểm, trạm quan trắc cần được quy hoạch có tính mở để có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

     - Tính xã hội hóa: Thể hiện được quan điểm tăng cường công tác xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực triển khai các chương trình QTMT trong quy hoạch. Trong những năm qua, mạng lưới các phòng thử nghiệm có đủ năng lực thực hiện hoạt động QTMT đã được nâng lên đáng kể. Tính đến năm 2019 đã có hơn 200 phòng thí nghiệm được cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT. Các phòng thử nghiệm này đã được các đơn vị nhà nước, cũng như tư nhân đầu tư bài bản, do đó, có thể tận dụng các phòng thử nghiệm này trong mạng lưới các trạm QTMT quốc gia nhằm giảm bớt chi phí đầu tư máy móc, thiết bị ban đầu đối với các trạm do Nhà nước quản lý như hiện nay.

     Nguyên tắc lập quy hoạch

     Quy hoạch Áp dụng theo theo 8 nguyên tắc quy hoạch của Luật Quy hoạch:

     - Tính tuân thủ: Phải đảm bảo việc tuân thủ đầu đủ các quy định liên quan tới quy hoạch trong các Luật và Nghị định;

     - Tính đồng bộ, thống nhất: Phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch khác có liên quan;

     - Tính liên tục, kế thừa: Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia;

     - Đảm bảo tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân,

     - Tính khoa học: Đảm bảo tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch.

     - Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch

     - Bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cơ quan nhà nước.

     Cách tiếp cận và các phương pháp thực hiện

     Công tác QTMT được thực hiện đối với các thành phần môi trường khác nhau, bao gồm: Nước, không khí, đất, trầm tích, tiếng ồn, đa dạng sinh học (ĐDSH)... Đối với từng thành phần môi trường khác nhau thì mục đích, yêu cầu và việc thực hiện quan trắc có sự khác nhau, mang tính đặc thù riêng. Do đó, để xây dựng được quy hoạch tổng thể cần thiết phải xây dựng được các quy hoạch quan trắc riêng đối với từng thành phần môi trường. Các phương pháp lập quy hoạch tổng thể hệ thống QTMTquốc gia gồm:

     - Phương pháp thu thập, tổng hợp thông tin:

     + Rà soát, thu thập, tổng hợp thông tin về hiện trạng hệ thống QTMT của các Bộ, ngành, địa phương. Ứng dụng kết nối, xử lý và khai thác số liệu QTMT, công nghệ, thiết bị và giải pháp mới trong QTMT...

     + Thu thập các thông tin, tài liệu, có liên quan đến việc xây dựng cơ chế phối hợp, điều phối trong hoạt động QTMT (thu thập các thông tin liên quan đến các nội dung, quy định còn thiếu của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quan trắc).

     - Phương pháp khảo sát, kiểm tra thực tế:

     + Tổ chức làm việc với các cơ quan quản lý địa phương có liên quan nhằm cập nhật, bổ sung thông tin.

     + Tổ chức làm việc với trạm QTMT của các Bộ, ngành, địa phương (phỏng vấn, điều tra).

     - Phương pháp phân tích, đánh giá:

     + Phân tích, đánh giá cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương trong công tác QTMT hiện nay.

     - Phương pháp chuyên gia, tổ chức hội thảo:

     + Dựa trên kinh nghiệm của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực QTMT và hoạt động phòng thí nghiệm.

     + Thảo luận về một số nội dung cần có ý kiến góp ý, thống nhất trong nhiệm vụ.

     Một số nội dung chính của nhiệm vụ lập Quy hoạch

     Mục tiêu tổng quát chính của Quy hoạch nhằm xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống QTMT quốc gia bao gồm chương trình quan trắc chất lượng môi trường tại các lưu vực sông và hồ liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn tác động liên tỉnh, QTMT xuyên biên giới và chương trình quan trắc ĐDSH để đánh giá hiện trạng và theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý và công khai thông tin tới cộng đồng.

     Để triển đạt được mục tiêu chung, nhiệm vụ sẽ tập trung vào việc triển khai các mục tiêu cụ thể như:

      - Xây dựng được quy hoạch các trạm QTMT phục vụ việc QTMT nền và QTMT tác động tới năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu công tác theo dõi diễn biến chất lượng môi trường quốc gia;

     - Xây dựng mạng lưới các điểm quan trắc theo từng thành phần môi trường bao gồm QTMT nền và QTMT tác động, cung cấp thông tin, dữ liệu về chất lượng môi trường cho công tác quản lý; xây dựng hệ thống quan trắc ĐDSH và các thông số quan trắc chủ yếu về ĐDSH;

     - Tăng cường năng lực cho các trạm QTMT hiện có và các trạm QTMT địa phương;

     - Thiết kế hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về QTMT quốc gia, xây dựng cơ chế điều phối, chia sẻ thông tin QTMT giữa các mạng lưới/chương trình quan trắc.

     Các hoạt động chính sẽ triển khai trong quá trình lập quy hoạch gồm có:

     Xây dựng nội dung về phân tích, đánh giá hiện trạng mạng lưới QTMT quốc gia; hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu QTMT.

     Xây dựng quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án quy hoạch tổng thể hệ thống QTMT quốc gia phù hợp với phân vùng môi trường, định hướng quan trắc và cảnh báo môi trường trong quy hoạch BVMT.

     Xây dựng nội dung về bố trí mạng lưới QTMT quốc gia, bao gồm định hướng điểm, thông số, tần suất QTMT đất, nước, không khí trên phạm vi cả nước và các trạm quan trắc tự động; định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu QTMT.

     Định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu QTMT.

     Xây dựng định hướng liên kết mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu QTMT quốc gia với mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu QTMT cấp tỉnh và kết nối mạng lưới QTMT.

     Xây dựng danh mục dự án QTMT quốc gia.

     Xây dựng lộ trình và nguồn lực thực hiện quy hoạch.

 

Trương Mạnh Tuấn

Vụ Quản lý chất lượng môi trường

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 1/2020)

 

Ý kiến của bạn