Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Thiết kế và tích hợp thiết bị quan trăc bụi di đông nhằm xây dựng bản đồ ô nhiễm bụi cho một số tuyến giao thông chính tại Hà Nội

02/10/2017

     Tóm tắt

     Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu thiết kế, lắp ráp và tích hợp thiết bị quan trắc bụi di động kết hợp quan trắc một số yếu tố khí tượng và định vị GPS có thể lập trình được. Thiết bị này có thể quan trắc di động liên tục theo thời gian và không gian thực, tự động ghi số liệu sau mỗi bước thời gian là 5 giây. Thiết bị đã được áp dụng quan trắc bụi tại các khung giờ khác nhau trên một số tuyến giao thông chính của TP. Hà Nội vào các mùa khác nhau. Số liệu quan trắc đã được dùng để xây dựng bản đồ ô nhiễm bụi cho một số tuyến phố tại TP.Hà Nội. Phân tích kết quả quan trắc cho thấy có sự khác nhau rõ rệt về nồng độ bụi quan trắc được tại giờ cao điểm và giờ không cao điểm, giữa các tuyến đường khác nhau. Các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, đường vành đai 3, đường lên cầu Thanh Trì có nồng độ bụi tổng (TSP) cao hơn từ 1,5 - 2,5 lần so với giá trị cho phép tại QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 1h). Nồng độ bụi quan trắc tại một số tuyến đường thuộc các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa là thấp hơn so với các tuyến đường vành đai và trục giao thông chính. Kết luận của nghiên cứu là thiết bị quan trắc bụi di động kết hợp quan trắc một số yếu tố khí tượng và định vị GPS có thể lập trình được đã được thiết kế và thử nghiệm thành công. Bản đồ ô nhiễm bụi cho một số tuyến phố của TP.Hà Nội, được xây dựng dựa trên kết quả quan trắc.

     Từ khóa: Thiết bị quan trắc bụi di động, bụi tổng; bản đồ ô nhiễm bụi, TP. Hà Nội

     1. Mở đầu

     Hiện nay, để quan trắc môi trường người ta thường sử dụng các bộ cảm biến môi trường được gắn cố định tại các trạm quan trắc đặt tại các vị trí địa lý khác nhau để giám sát và thu thập thông số về chất lượng môi trường. Tại các thành phố lớn, với sự gia tăng mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên trầm trọng. Việc quan trắc chất lượng không khí, đặc biệt là nồng độ bụi trong không khí, là yêu cầu hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả giám sát chất lượng không khí. Thiết bị quan trắc bụi di động sẽ giúp giám sát ô nhiễm bụi theo thời gian và không gian thực tại các đô thị lớn. Mục tiêu của ghiên cứu là thiết kế, lắp ráp và tích hợp bộ thiết bị quan trắc bụi, một số yếu tố khí tượng khác nhỏ gọn, đa chức năng và thông minh.

     Thiết bị được thiết kế, lắp ráp có thể quan trắc di động các thông số bụi, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất và định vị GPS [1, 2, 3]. Số liệu quan trắc từ thiết bị nhằm phục vụ xây dựng bản đồ hiện trạng nồng độ bụi TSP trên các tuyến phố chính của TP. Hà Nội.

     2. Phương pháp

     2.1. Thiết kế và lắp ráp thiết bị quan trắc bụi di động

     Thiết bị quan trắc bụi di động có cấu hình như sau: Bộ cảm biến bụi, bộ định thời gian, bộ thu GPS, màn hình cảm ứng LCD, bộ xử lý trung tâm, định vị GPS, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, đầu đọc thời gian, và thẻ nhớ được kết nối với bộ xử lý trung tâm thông qua các giao diện để bộ xử lý trung tâm điều khiển hoạt động của các bộ phận này. Khi khởi động thiết bị, các bộ cảm ứng tiến hành thu thập các thông số về nồng độ bụi trong không khí và các thông số liên quan như độ ẩm, nhiệt độ, áp suất không khí, tọa độ, thời gian đo và lưu lại các thông số này trong bộ nhớ.

 

Hình 1. Sơ đồ nguyên lý tổng thể của thiết bị đo bụi di động

 

     (1) Cảm biến bụi

     Thiết bị đo bụi Haz-Dust HD 1100 đã được chọn cho nghiên cứu này. Đây là thiết bị đo hàm lượng bụi hiện đại, máy đo bằng phương pháp tán xạ hồng ngoại nên đảm bảo độ chính xác cao và tin cậy. Thiết bị có bộ nhớ ngoài để lưu trữ dữ liệu [4].

 

Hình 2. Thiết bị quan trắc bụi HD-1100

 

     (2) Bộ vi xử lý trung tâm

     Nghiên cứu lựa chọn vi điều khiển Arduino Mega 2560 bằng cách sử dụng ATmega2560. Vi điều khiển này bao gồm 54 chân digital (15 có thể được sử dụng như các chân PWM), 16 đầu vào analog, 4 cổng UARTs (cổng nối tiếp phần cứng), 1 thạch anh 16 MHz, 1 cổng kết nối USB, 1 jack cắm nguồn điện, 1 đầu ICSP và 1 nút reset [5].

 

Hình 3. Bộ vi xử lý Arduino Mega 2560

 

     (3) Màn hình hiển thị

     Màn hình LCD Nextion NX4832K035 đã được chọn để tăng khả năng hiển thị (GUI) trên màn cảm ứng một cách dễ dàng và trực quan nhất. Trên màn hình có một nút chạm cảm ứng để tương tác với người sử dụng [6].

 

Hình 4. Màn hình LCD Nextion NX4832K035

 

      (4) Thiết bị lưu trữ

     Bộ nhớ flash có dung lượng khoảng 4 GB có thể đáp ứng ghi và lưu trữ số liệu liên tục trong khoảng thời gian 12 tháng [7].

 

Hình 5. Thẻ nhớ SD và sơ đồ kết nối với vi xử lý Arduino Mega 2560

 

     (5) Định vị GPS

     Để định vị vị trí điểm quan trắc, nghiên cứu sử dụng IC L70-R [8].

 

 

Hình 6. Định vị GPS L70-R và sơ đồ kết nối

 

     (6) Cảm biết áp suất

     Để đo áp suất khí quyển, nghiên cứu sử dụng cảm biến BMP085 của Bosch [9].

.

 

Hình 7. Bộ cảm biến áp suất BMP085 và sơ đồ kết nối với vi xử lý Arduino Mega 2560

 

     (7) Cảm biến nhiệt độ và độ ẩm

     Trong nghiên cứu này sử dụng cảm biến nhiệt độ và độ ẩm DHT21/AM2301 [10].

 

  

Hình 8. Bộ cảm biến nhiệt độ và độ ẩm DHT21/AM2301 và sơ đồ kết nối với vi xử lý Arduino Mega 2560

 

     (8) IC thời gian

     Để có thời gian đo chính xác, thiết bị sử dụng một IC RTC (đồng hồ thời gian thực) DS1307.

 

 

Hình 9. Bộ đếm thời gian DS1307 và sơ đồ kết nối với vi xử lý Arduino Mega 2560

 

     (9) Kết quả nghiên cứu lắp ráp

     Thiết bị quan trắc bụi di động được thiết kế lắp ráp nhỏ gọn (kích thước 12cm x 7cm x 4cm) với chuỗi số liệu có thể dễ dàng sao chép vào máy tính từ tệp tin có định dạng file csv (tương thích với excel). Thiết bị quan trắc liên tục theo thời thực các thông số bụi TSP, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, định vị GPS.

 

Hình 10. Thiết bị sau khi được kết nối

 

     (10) Hiệu chuẩn thiết bị

     Để đảm bảo độ chính xác của số liệu quan trắc, thiết bị đo bụi di động do nhóm nghiên cứu thực hiện thiết kế lắp ráp đã được Viện Đo lường Việt Nam (số hiệu đăng ký DK 05) hiệu chuẩn và cấp tem hiệu chuẩn.

     2.2. Quan trắc bụi di động

     Phạm vi quan trắc: Các tuyến phố giao thông thuộc các quận nội thành của TP. Hà Nội.

    Thời gian quan trắc: Nhóm thực hiện đã tiến hành quan trắc bụi di động 3 lần vào các mùa khách nhau. Mùa đông năm 2016 (trong khoảng thời gian từ ngày 26/12/2016 đến ngày 9/1/2017), mùa xuân năm 2017 (trong khoảng thời gian từ ngày 25/3/2017 đến ngày 29/4/2017) và, mùa hè năm 2017 (trong khoảng thời gian từ ngày 16/6/2017 đến ngày 28/6/2017) với 2 khung thời gian trong ngày là giờ cao điểm và giờ không cao điểm, giờ cao điểm từ 6 - 9 giờ sáng và từ 17 - 20 giờ chiều, các khung giờ còn lại được xem là giờ không cao điểm.

    Tập tin số liệu quan trắc từ thiết bị quan trắc bụi di động có định dạng file Excel với các thông số: ID, thời gian, ngày, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, nồng độ bụi, kinh độ, vĩ độ. Số liệu được ghi liên tục sau mỗi bước thời gian 5 giây.

 

Hình 12. Cấu trúc dữ liệu được ghi từ thiết bị quan trắc bụi di động

 

     2.3. Xây dựng bản đồ ô nhiễm bụi

     Phần mềm ArcGIS cho máy tính để bàn (với phiên bản mới nhất là ArcGIS 10) đã được dùng để xay dựng bản đồ ô nhiễm bụi cho các tuyến phó được quan trắc.

    3. Kết quả và thảo luận

     Bản đồ ô nhiễm bụi được xây dựng từ kết quả quan trắc trong 3 đợt khảo sát vào các mùa đông, mùa xuân và mùa hè với các trường hợp bản đồ theo khung giờ cao điểm, bản đồ theo khung giờ không cao điểm và bản đồ tổng hợp cả 2 khung giờ.

    a. Bản đồ ô nhiễm bụi theo số liệu quan trắc lần 1 (mùa đông)

 

Hình 13. Nồng độ bụi TSP trên các tuyến giao thông đợt khảo sát lần 1

 

     Dựa trên kết quả thể hiện trên các bản đồ, có thể thấy các khu vực đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, đường Vành Đai 3, đường lên cầu Thanh Trì có nồng độ bụi tổng (TSP) khá cao (màu đỏ và màu da cam), nồng độ trong khoảng từ 0,45 - 0,75 mg/m3, cao hơn 1,5 - 2,5 lần so với giá trị cho phép tại QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 1h). Trong khi đó, các tuyến phố thuộc các Quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Đống Đa có nồng độ thấp hơn (các tuyến được thể hiện bằng màu xanh). Trên các tuyến phố nội đô thường có mật độ giao thông lớn hơn các tuyến gần đường vành đai, tuy nhiên, kết quả quan trắc bụi di động tại các tuyến gần đường vành đai có nồng độ bụi lớn hơn.

    Các tuyến đường gần các khu có các hoạt động xây dựng khu chung cư, cầu vượt, trung tâm thương mại, đường sắt đô thị… như Nguyễn Văn Cừ, Hồ Tùng Mậu, đường lên cầu Thanh Trì thường quan trắc được nồng độ bụi khá lớn, giá trị quan trắc được tại một số thời điểm lớn hơn 0,5 mg/m3, một số khu vực như nút giao thông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và nút giao thông Nguyễn văn Cừ - Quốc lộ 5 quan trắc được giá trị nồng độ bụi lớn hơn 0,7 mg/m3. Các khu vực nội đô thường quan trắc được nồng độ bụi có giá trị thấp hơn 0,45 mg/m3.

 

Hình 14. Nồng độ bụi TSP trong khung giờ cao điểm (trái) và khung giờ không cao điểm (phải) trên các tuyến giao thông đợt khảo sát lần 1

 

     Kết quả cho thấy, mức độ ô nhiễm bụi quan trắc trong khung giờ cao điểm có giá trị lớn hơn khung giờ không cao điểm. Trong khung giờ cao điểm, các giá trị nồng độ bụi quan trắc được chủ yếu trong khoảng 0,25 - 0,5mg/m3, trong khi đó, vào giờ không cao điểm, các giá trị nồng độ bụi quan trắc được trong khoảng 0,15 - 0,4mg/m3, nhiều vị trí vượt khoảng 1,5 lần QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 1h). Các khu vực có nồng độ bụi cao thường tập trung tại các tuyến đường gần khu vực có các hoạt động xây dựng hoặc khu vực có lượng bụi nền đường lớn. Qua kết quả quan trắc có thể nhận thấy ô nhiễm bụi chủ yếu từ bụi cuốn từ nền đường và bụi từ hoạt động xây dựng xung quanh các tuyến đường.

     b) Bản đồ ô nhiễm bụi khảo sát lần 2 (mùa xuân)

 

Hình 15. Nồng độ bụi TSP trên các tuyến giao thông đợt khảo sát lần 2

 

     Dựa trên bản đồ phân bố nồng độ bụi TSP vào mùa xuân, các tuyến đường Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương kéo dài thường quan trắc được nồng độ bụi khá cao, giá trị quan trắc được tại một số thời điểm lớn hơn 0,5mg/m3. Các khu vực nội đô thường quan trắc được nồng độ bụi có giá trị bé hơn 0,35 mg/m3. Mức độ ô nhiễm bụi trong hai khung giờ này không có sự chênh lệch đáng kể. Các khu vực có nồng độ bụi cao thường tập trung tại các tuyến đường gần công trường xây dựng. Tương tự như đợt khảo sát vào mùa đông, các kết quả quan trắc vào mùa xuân cho thấy, ô nhiễm bụi chủ yếu từ bụi cuốn từ nền đường và hoạt động xây dựng xung quanh các tuyến đường.

 

Hình 16. Nồng độ bụi TSP khung giờ cao điểm (trái) và giờ không cao điểm (phải) trên các tuyến giao thông đợt khảo sát lần 2

 

     c. Bản đồ ô nhiễm bụi khảo sát lần 3 (mùa hè)

     Dựa trên bản đồ phân bố nồng độ bụi TSP vào mùa hè, các tuyến đường vành đai 4 (đường 70), Hồ Tùng Mậu quan trắc được nồng độ bụi khá lớn, giá trị quan trắc được tại một số thời điểm lớn hơn 0,4 - 0,6 mg/m3, nhiều vị trí nhiều vị trí vượt khoảng 1,5 - 2 lần QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 1h). Các khu vực nội đô thường quan trắc được nồng độ bụi có giá trị bé hơn 0,3 mg/m3. Có thể nhận thấy nồng độ bụi quan trắc trên các tuyến giao thông vào mùa đông thường có giá trị cao hơn mùa hè.

 

Hình 17. Nồng độ bụi TSP trên các tuyến giao thông đợt khảo sát lần 3

 

     Với số liệu đợt 3 (mùa hè), nhóm nghiên cứu thực hiện xây dựng bản đồ cho 2 khung giờ cao điểm và không cao điểm.

     Kết quả quan trắc vào giờ cao điểm điểm và giờ không cao điểm được thể hiện tại hình 18. Kết quả cho thấy, mức độ ô nhiễm bụi trong khung giờ cao điểm lớn hơn khung giờ không cao điểm, nồng độ bụi lớn hơn trong khoảng từ 0,1 - 0,2 mg/m3. Các khu vực có nồng độ bụi cao thường tập trung tại các tuyến đường vành đai.

 

Hình 18. Nồng độ bụi TSP khung giờ cao điểm (trái) và khung giờ không cao điểm (phải) trên các tuyến giao thông đợt khảo sát lần 3

 

     4. Kết luận

     Nghiên cứu đã thiết kế và tích hợp thành công thiết bị quan trắc bụi di động có thể quan trắc các thông số về nồng độ bụi trong không khí và các thông số môi trường có liên quan như nhiệt độ, độ ẩm, tọa độ (vị trí) và thời gian quan trắc. Thiết bị được thiết kế nhỏ gọn, chạy bằng pin và có tích hợp bộ nhớ để lưu dữ liệu đo đạc và truyền về trung tâm dữ liệu. Ngoài ra, thiết bị còn được tích hợp màn hình LCD hiển thị các thông số đo được.

     Thiết bị đã được ứng dụng quan trắc bụi di động tại một số tuyến phố chính của TP. Hà Nội. Quá trình quan trắc cho thấy thiết bị hoạt động ổn định với độ chính xác cao.

     Số liệu quan trắc đã được dùng để xây dựng bản đồ ô nhiễm bụi theo 3 mùa; theo giờ cao điểm và giờ không cao điểm tại các tuyến giao thông chính của TP. Hà Nội.

     Kết quả phân tích số liệu cho thấy, khu vực đường vành đai, xa trung tâm Hà Nội như Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương kéo dài, Bưởi, Âu Cơ… có nồng độ bụi khá cao. Trong khi đó, các tuyến phố thuộc quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Đống Đa có mật độ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao hơn nhưng nồng độ bụi quan trắc được có giá trị thấp hơn. Nguyên nhân được cho là các khu vực đường vành đai, xa trung tâm tập trung nhiều công trình xây dựng phát thải lượng bụi lớn ra các khu vực xunh quanh. Bên cạnh đó, lượng bụi cuốn lên từ mặt đường khi các phương tiện lưu thông trên các khu vực này góp phần ô nhiễm bụi trên các tuyến giao thông.

     Qua 3 đợt khảo sát bằng thiết bị quan trắc bụi di động, giá trị nồng độ quan trắc vào thời điểm mùa xuân, mùa hè có giá trị thấp hơn vào thời điểm mùa đông. Nguyên nhân do độ ẩm không khí vào mùa đông thấp hơn làm tăng mức độ phát tán bụi trên các tuyến đường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

. Srinivas Devarakonda (2013), Real-time Air quality monitoring through mobile sensinh in metropolitan areas.

. M.I. Mead, O.A.M. Popola, G.B. Stewat, P.Landshoff, M.calleja, M.Hayes. The  use of electrochemical Sensors for monitoring urban air quality in low-cost, high-density networks, 2012.

.  Http://environmentaldevices.com/wp-content/themes/environmentaldevices/pdfs/hd-1100.pdf.

. Xiaoxiao (2013), “Understanding urban dynamics based on pervasive sensing: An experimental study on traffic density and air pollution”, Mathematical and Computer Modelling 58 (2013) 1328–1339.

. https://www.arduino.cc/en/Main/arduinoBoardMega2560.

.  https://nextion.itead.cc/.

.  https://www.allaboutcircuits.com/projects/reading-and-writing-files-from-an-sd-card-with-an-arduino/. 

. Quectel L70-R GPS Specification ver 1.0,  http://www.quectel.com.

.  http://wiring.org.co/learning/libraries/bmp085.html.

.  https://kropochev.com/downloads/humidity/AM2301.pdf.

 

Hardware idedign of mobile dust monitoring using prorammable IC technologies and applicatin for mobile dust measuring in Hanoi city

Lê Ngọc Cầu, Dương Hồng Sơn, Lê Văn Quy, Lê Văn Linh

Vietnam Institute of Meteorology, Hydrology and Climate change

Trần Hoài Linh

Hanoi University of Science and Technology

Nguyễn Anh Dũng

Department of Science and Technology, Ministry of Natural Resources and Environment

     ABSTRACT

    This paper presents a hardware design of an intelligent, portable device for mobile dust measurement using programmable IC technologies. The device will be able to collect real-time dust level in the air, the time and GPS location of the measurements, and other environment parameters such as temperature, humidity, atmosphere pressure. The mobile dust measuring device can conduct real-time monitoring of dust level in the air with data taken at every 5 second. The mobile dust monitoring device was used to monitoring dust concentration at different urban locations at different seasons in Hanoi. Obtained data was used to contruct dust pollution maps for some streets in Hanoi. Significant differences in dust concentrations were found between rush hours and no rush hours and also between different streets. The differences were related to traffic intensity and street characteristics. The dust concentration measured at outer ring roads was higher than the one measured at urban center streets. We concluded that a portable mobile dust monitoring device with programmable IC technologies was designed and applied for monitoring dust level in some streets in Hanoi. Dust pollution maps were created for inner urban areas of Hanoi city.

     Key words: Mobile dust monitoring device, Total suspended particles, Dust pollution map, Hanoi city.

 

Lê Ngọc Cầu1, Dương Hồng Sơn1, Lê Văn Quy1, Lê Văn Linh1,

Trần Hoài Linh2, Nguyễn Anh Dũng3

1 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH

2Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

3Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ TN&MT

(Tạp chí Môi trường số chuyên đề II năm 2017)

Ý kiến của bạn