Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải

23/01/2019

    Công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường (SCMT) đã được nước ta quy định từ những năm 1990 đối với vấn đề thiên tai tại các văn bản pháp luật như Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 1993; Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 2000; Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001; Luật Đê điều năm 2006, đặc biệt là Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh của Chính phủ, các Bộ/ngành, địa phương có liên quan đến phòng ngừa, ứng phó SCMT do thiên tai. Gần đây, vấn đề này được quan tâm và mở rộng hơn ở nhiều lĩnh vực khác nhau như sự cố hóa chất, sự cố dầu tràn...Tuy nhiên, các quy định pháp luật về phòng ngừa, ứng phó SCMT vẫn chưa đầy đủ, cụ thể, gây vướng mắc, khó khăn nhất định trong công tác quản lý, đặc biệt là SCMT do chất thải từ các công trình xử lý chất thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Do vậy, trong nghiên cứu này, chúng tôi đề xuất cơ chế phòng ngừa, ứng phó SCMT do chất thải nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng ngừa, ứng phó SCMT ở nước ta hiện nay.

1. Mở đầu

    Thực tế cho thấy, SCMT ở nước ta thường xảy ra với 3 nhóm, loại sự cố chính: Nhóm 1: SCMT do thiên nhiên gây thiên tai, lũ lụt, bão, hạn hán....; nhóm 2: SCMT do hoạt động của con người, như sự cố tràn dầu trên vùng biển Việt Nam, sự cố hóa chất và nhóm 3: SCMT do cả con người và thiên nhiên gây ra. Như vậy, SCMT thường bắt nguồn từ thiên nhiên và hoạt động của con người. Các nhóm, loại SCMT này có tính chất bất thường, khó dự báo và thường gắn liền với hậu quả nghiêm trọng. Khi xảy ra SCMT sẽ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, gây thiệt hại về kinh tế, chi phí khắc phục ô nhiễm, làm mất sinh kế của người dân, thậm chí là tính mạng của con người đặc biệt còn gây ra các bất ổn về chính trị, xáo trộn trong dư luận và tâm lý xã hội, trong một số trường hợp còn làm ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín của quốc gia trên trường quốc tế,...

    Hiện nay, về cơ bản pháp luật đã điều chỉnh khá đầy đủ các cơ chế phòng ngừa, ứng phó SCMT đối với từng nhóm, loại SCMT, như: cơ chế phòng, chống thiên tai; cơ chế phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, tràn dầu..., tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá thực tế về phòng ngừa, ứng phó SCMT theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay cho thấy đối với SCMT do chất thải từ sự cố xử lý chất thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ còn thiếu cơ chế, quy trình phòng ngừa, ứng phó, khắc phục phù hợp; năng lực phòng ngừa, ứng phó SCMT còn bất cập; trách nhiệm phối hợp trong ứng phó sự cố chưa rõ ràng giữa các cơ quan, giữa trung ương và địa phương; thiếu cơ chế huy động nguồn lực cho ứng phó sự cố môi trường mặc dù pháp luật về BVMT đã có quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và xử lý sự cố môi trường nhưng hệ thống pháp luật này chưa được cụ thể, đầy đủ, chưa có hướng dẫn chi tiết cho nên khi xảy ra sự cố thì hầu như không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả.

    Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế phòng ngừa, ứng phó SCMT do chất thải là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng trong việc xây dựng, thiết lập khung pháp lý thống nhất, rõ ràng về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hàng lang pháp lý đầy đủ, quan trọng cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong tương lai.

2. Phương pháp nghiên cứu

- Rà soát, phân tích, đánh giá các quy định pháp luật về phòng ngừa, ứng phó SCMT.

- Thống kê, tổng hợp thu thập tài liệu, số liệu thứ cấp;

- Điều tra khảo sát; Tham vấn ý kiến chuyên gia; xử lý số liệu.

    Việc thực hiện các phương pháp nêu trên nhằm phân tích, đánh giá những vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật về phòng ngừa, ứng phó SCMT hiện hành; kế thừa, tham khảo kết quả nghiên cứu điển hình hiện có về phòng ngừa, ứng phó SCMT; đánh giá những thuận lợi, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình tổ chức thực hiện phòng ngừa, ứng phó SCMT; tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đối với hiện trạng quy định pháp luật, thực tiễn công tác phòng ngừa, ứng phó SCMT hiện nay; xử lý số liệu, từ đó, đề xuất cơ chế phòng ngừa, ứng phó SCMT do chất thải gây ra.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Tổng quan pháp luật về phòng ngừa, ứng phó SCMT

    Đối với SCMT do thiên tai: Thời gian qua, công tác phòng ngừa, ứng phó SCMT do thiên tai đã được pháp luật quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật, gồm: Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 2000; Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi năm 2001; Luật Đê điều năm 2006; Luật Tài nguyên nước năm 2012; Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh của Chính phủ, các Bộ/ngành, địa phương có liên quan đến phòng ngừa, ứng phó SCMT do thiên tai, đặc biệt khi Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thực tế cho thấy, công tác phòng, chống thiên tai hay SCMT do thiên tai được các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nghiêm túc thực hiện và công tác này đã được điều chỉnh bằng hệ thống pháp luật đầy đủ, có cơ chế phối hợp chặt chẽ...

    Về cơ chế phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất. Trên cơ sở Bộ Luật Hàng hải Việt Nam, Luật BVMT, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Biển Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg về quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Các văn bản pháp luật này đã quy định nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu. Hiện nay, hầu hết các địa phương có biển đều xây dựng, ban hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn quản lý. Điều này cho thấy, hệ thống pháp luật về phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu đã được quy định cụ thể, chi tiết. Đây là các căn cứ pháp lý quan trọng trong việc phòng ngừa, ứng phó SCMT do tràn dầu gây ra.

    Đối với cơ chế phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Hiện nay, các quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Trong đó, Luật đã quy định chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Đồng thời, Luật quy định trách nhiệm quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan trực tiếp đến hoạt động hóa chất, UBND cấp tỉnh xây dựng, ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hầu hết các địa phương đã xây dựng, ban hành Kế hoạch này. Yêu cầu của Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó SCMT là đảm bảo công tác phòng ngừa đạt hiệu quả cao nhất; huy động mọi nguồn lực tham gia trong phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; ứng phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại khi xảy ra các sự cố về hóa chất và gồm một số nội dung chi tiêt về các hoạt động ứng phó sự cố hóa chất. Các quy định này cho thấy, công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được điều chỉnh bằng pháp luật, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến hóa chất.

    Như vậy, pháp luật về phòng ngừa, ứng phó SCMT do thiên tai, hóa chất, tràn dầu về cơ bản đã được quy định cụ thể, đầy đủ và có cơ chế phòng ngừa, ứng phó đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

    Về phòng ngừa, ứng phó SCMT do chất thải gây ra. Hiện nay, để phòng ngừa SCMT, tại Điều 108 của Luật BVMT năm 2014 đã quy định về trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phòng ngừa SCMT với các biện pháp như:  lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó; lắp đặt thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó; đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó SCMT; thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật; có biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra SCMT khi phát hiện có dấu hiệu SCMT. Ngoài ra, Luật BVMT năm 2014 còn có các quy định khác về biện pháp phòng ngừa SCMT như quy hoạch BVMT, ĐMC, ĐTM, quản lý chất thải, đánh giá sức chịu tải của môi trường; công bố các đoạn sông, dòng sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải; xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông; phương án BVMT; bảo hiểm môi trường, ký quỹ cải tạo và phục hồi môi trường, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; quan trắc môi trường; công khai thông tin môi trường; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động BVMT. Có thể thấy, đây là những quy định quan trọng có vai trò quyết định địa điểm, công nghệ của dự án, kiểm soát việc xả thải, giám sát quá trình hoạt động của cơ sở, để hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường hoặc SCMT. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa cụ thể và chưa bao quát hết các biện pháp phòng ngừa SCMT. Do vậy, các biện pháp phòng ngừa SCMT cần được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, ứng phó SCMT do chất thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ chế, quy trình phòng ngừa, ứng phó, khắc phục SCMT; trách nhiệm phối hợp trong ứng phó sự cố giữa các cơ quan, giữa Trung ương và địa phương; cơ chế huy động nguồn lực ứng phó SCMT...

3.2. Đề xuất cơ chế phòng ngừa, ứng phó SCMT do chất thải

    Từ các nghiên cứu, phân tích, đánh giá nêu trên, chúng tôi đề xuất cơ chế phòng ngừa, ứng phó SCMT do chất thải gây ra, gồm các nội dung chính sau: Phân loại SCMT (4 loại: Mức độ rủi ro thấp; mức độ rủi ro trung bình; mức độ rủi ro cao; mức độ thảm họa); Chuẩn bị ứng phó SCMT (xây dựng kế hoạch, kịch bản, diễn tập và nguồn lực); Tổ chức ứng phó SCMT (tiếp nhận thông tin về SCMT; xử lý SCMT tại cơ sở; trách nhiệm ứng phó theo từng mức độ SCMT; đội điều tra SCMT; mạng lưới phòng thí nghiệm hỗ trợ SCMT; cơ chế tài chính cho ứng phó SCMT; công bố thông tin, truyền thông về quá trình ứng phó SCMT; tham gia của cộng đồng trong ứng phó SCMT; khắc phục sau SCMT).

    Cơ chế phòng ngừa, ứng phó SCMT do chất thải được khái quát theo mô hình sau:

 

Mô hình cơ chế phòng ngừa, ứng phó SCMT do chất thải

 

4. Kết luận

    Thực tế, các quy định pháp luật về phòng ngừa, ứng phó sự SCMT, đặc biệt là phòng ngừa, ứng phó SCMT do chất thải gây ra hiện nay chưa đầy đủ và cụ thể gây khó khăn, vướng mắc trong áp dụng thực hiện hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về phòng ngừa, ứng phó SCMT. Do đó, vấn đề này cần rà soát, đánh giá đầy đủ để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT và góp phần ngăn ngừa, hạn chế SCMT.

    Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT như: Hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng ngừa, ứng phó SCMT do chất thải gây ra, trong đó, quy định rõ, đầy đủ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phòng ngừa, ứng phó SCMT do chất thải; quy định rõ, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cộng đồng dân cư về phòng ngừa, ứng phó SCMT; quy định rõ cơ chế thông tin, truyền thông về ứng phó, khắc phục SCMT; quy định cụ thể nguồn lực ứng phó, khắc phục SCMT; cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục SCMT; quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân ứng phóm, khắc phục SCMT.

Tài liệu tham khảo                                                                                   

1. Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP thực hiện, được Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam xuất bản tháng 2/2015.

2. Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

3. Quyết định số 1002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/7/2009. phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

4. Sổ tay Hướng dẫn phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương.

5. Phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường - Vấn đề quan trọng trong sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, ThS. Nguyễn Thi, BộTN&MT, Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017.

6. Tài liệu hướng dẫn Đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, do Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai biên soạn, hỗ trợ bởi: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Hà Nội, 4/2014.

7. Defra (2009), The environmental damage (prevention and remediation) regulations 2009: Guidance for England and Wales.

 

Nguyễn Hồng Quang

Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt IV năm 2018)

Ý kiến của bạn