Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Mối quan hệ hữu cơ giữa công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và công tác bảo vệ môi trường

11/02/2020

     Sau gần 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, tích cực tham gia; đời sống của người dân nông thôn được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo và giữ vững, diện mạo khu vực nông thôn có chuyển biến và đổi mới rõ nét. Đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

     Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường ở khu vực nông thôn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) trong sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác tài nguyên khoáng sản… Tình trạng vi phạm pháp luật về BVMT trong các làng nghề có xu hướng gia tăng, mức độ ÔNMT ngày càng nghiêm trọng; vấn đề vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở một số địa phương đang gây bức xúc trong xã hội như tình trạng giết mổ lợn chết, lợn bệnh để chế biến thực phẩm tại Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Hưng Yên; vứt xác động vật gây ÔNMT và làm lây lan dịch bệnh tại Hưng Yên, Cao Bằng, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Thuận… Bên cạnh đó, tình trạng nước thải chăn nuôi không được xử lý, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp không đúng kỹ thuật gây ÔNMT không khí và môi trường nước; việc sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp một cách tràn lan, chưa đúng kỹ thuật gây tác động xấu đến môi trường và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xả nước thải có chứa các chất độc hại gây ÔNMT.

     Việc khai thác trái phép vàng sa khoáng, quặng, đất, đá, cát, sỏi lòng sông diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, gây thất thoát tài nguyên thiên nhiên, thay đổi dòng chảy, ÔNMT, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Vi phạm chủ yếu là khai thác trái phép, khai thác ngoài khu vực được cấp phép, khai thác không đúng nội dung đề án, không hoàn thổ sau khi khai thác. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng kẽ hở pháp luật để xin cấp phép khai thác, lợi dụng quy định về phục hồi môi trường sau khi khai thác để khai thác khoáng sản trái phép trên diện tích đã được cấp phép; lợi dụng việc cải tạo mặt bằng vườn đồi, nạo vét luồng lạch để khai thác trái phép.

     Trước tình hình trên, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực BVMT như: Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 31/12/2009 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT và Nghị định số 72/NĐ-CP ngày 8/7/2010 về phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường. Mặt khác, Bộ cũng chủ động xây dựng Chương trình phòng, chống tội phạm về môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và xây dựng triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường”.

     Trong thời gian qua, lực lượng Công an kịp thời phát hiện và kiến nghị với các ngành chức năng chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường như các vi phạm về quản lý, xử lý chất thải nguy hại, hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm, vi phạm về sử dụng hóa chất bị cấm trong chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm; triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm liên quan đến khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép; tăng cường phát hiện, đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp “bảo kê” cho tội phạm. Tập trung tham mưu, giải quyết sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung năm 2016.

 

Lực lượng Cảnh sát Môi trường kiểm tra, thu thập mẫu nước thải tại một cơ sở sản xuất

 

     Từ năm 2010 đến tháng 6/2019, lực lượng Cảnh sát môi trường cả nước đã phát hiện 115.333 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, xử phạt vi phạm hành chính thu nộp ngân sách nhà nước 1.503 tỷ đồng. Đến nay, đã có khoảng 42 tỉnh, TP có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh...); có 22 địa phương đã phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh; có 3.210 xã và 19.500 thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt (chiếm 35,8% tổng số xã và 24,4% tổng số thôn). Tỷ lệ xã có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% năm 2018; tỷ lệ thôn có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 25,8% lên 47,3%. Một số địa phương (Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, An Giang…) đang triển khai thí điểm các mô hình cánh đồng lớn không sử dụng thuốc BVTV. Một số huyện có mô hình phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ tương đối thành công, đạt tỷ lệ trên 30% số hộ trên địa bàn (Nghị Xuân, Can Lộc, Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị…). Tỷ lệ xã có điểm thu gom bao bì thuốc BVTV cả nước đạt 21%; ô nhiễm của các làng nghề đang từng bước được khắc phục (một số làng nghề trước đây trong danh mục ô nhiễm nghiêm trọng thì đến nay đã được xử lý dứt điểm như Làng nghề Phúc Lâm ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Một số địa phương như Hà Tĩnh, Thái Nguyên, An Giang đã thí điểm mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn quy mô hộ gia đình, liên hộ theo hình thức phân tán hoặc bán tập trung.

     Nhiều hoạt động trồng cây xanh, thắp sáng đường quê, BVMT đã được cộng đồng dân cư tích cực tổ chức thực hiện, tạo nên những miền quê đáng sống với cảnh quan, môi trường trong lành, sáng, xanh, sạch, đẹp. Các phong trào “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Thắp sáng làng quê”… đang dần nâng cao ý thức của người dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái. Ngày càng có nhiều các tổ thu gom rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc BVTV… do cộng đồng thành lập, hoạt động theo hình thức tự nguyện như mô hình “Cánh đồng không vỏ bao thuốc BVTV” tại Yên Khánh (Ninh Bình). Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như (trồng hoa, cây xanh “Từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông; mô hình con đường bích họa, làng bích họa)… đã góp phần tạo nên một diện mạo mới ở nông thôn. Một số địa phương như: Huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Nam Đàn (Nghệ An), Yên Khánh (Ninh Bình), Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định), Kiến Xương (Thái Bình), Cam Lộ (Quảng Trị), Bình Minh (Vĩnh Long), Vị Thanh, Châu Thành A (Hậu Giang), Tiểu Cần (Trà Vinh), Việt Yên (Bắc Giang), Mỹ Hào (Hưng Yên) có trên 50% chiều dài tất cả các tuyến đường trên địa bàn huyện đã được trồng cây xanh, cây hoa.. Từ phong trào khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu của tỉnh Hà Tĩnh, đến nay cả nước đã có 42 địa phương ban hành tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, góp phần làm đẹp nông thôn và từng bước hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan.

     Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của các chương trình mục tiêu quốc gia, chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ xây dựng NTM. Nhận thức về mối quan hệ hữu cơ giữa công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và công tác BVMT của một bộ phận quần chúng nhân dân khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền pháp luật về BVMT và thực hiện chức năng về quản lý nhà nước về BVMT khu vực nông thôn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư đúng mức; hình thức tuyên truyền chưa phong phú về nội dung, chưa gắn kết chặt chẽ  phong trào BVMT nông thôn với các phong trào thi đua khác. Cán bộ làm công tác BVMT khu vực nông thôn còn thiếu về số lượng, thường là cán bộ địa chính kiêm nhiệm, chưa đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 -2020. Các văn bản quy phạm pháp luật BVMT làng nghề còn chưa cụ thể, chưa có các văn bản  hướng dẫn thực hiện về BVMT làng nghề đã gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về BVMT nông thôn của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế, chưa được chú trọng và tiến hành thường xuyên, chủ yếu mang tính nhắc nhở, hướng dẫn. Việc xử lý các vi phạm pháp luật về BVMT nông thôn làng nghề còn gặp nhiều khó khăn vì đặc điểm làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt phát triển hộ cá thể nhỏ lẻ, chế tài xử lý khó áp dụng ở khu vực nông thôn. Mặt khác, nguồn chất thải từ công nghiệp, đô thị và từ các nguồn thải của nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong các làng nghề, sản xuất chăn nuôi, thủy sản gia tăng gây ÔNMT. Vấn đề môi trường nông thôn còn đặt ra nhiều thách thức do sự phát triển thiếu cân đối giữa kinh tế - xã hội - môi trường.

     Để tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BVMT, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung:

     Phát triển nông nghiệp, nông thôn cần gắn chặt với quá trình chuyển đổi cấu trúc của cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và những thay đổi nền tảng về kinh tế, xã hội, môi trường nói chung. Xây dựng NTM cần gắn chặt với việc tăng cường phát triển bền vững và BVMT nông nghiệp, nông thôn. Phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa phải không làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, đến môi trường sinh sống và kinh tế - xã hội của cư dân nông thôn. Chú trọng đầu tư, phát triển nền kinh tế nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, có khả năng tái tạo và phục hồi về tài nguyên, có năng lực đối phó chủ động và thích nghi hợp lý với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro về thiên tai, dịch hại. Áp dụng nguyên tắc chỉ thực hiện các dự án, các giải pháp đầu tư phát triển đảm bảo an toàn, tránh gây ra các tác động có thể làm mất cân bằng sinh thái, vượt ra khỏi năng lực xử lý của con người, không gây thiệt hại cho các thế hệ tương lai.

     Lực lượng Công an cần chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an về công tác BVMT trong xây dựng NTM.

     Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là công tác BVMT. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa lực lược Công an nhân dân với Quân đội nhân dân và các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an  ninh, trật tự; thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT.

     Đổi mới hình thức, nội dung phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; gắn kết chặt chẽ các phong trào về BVMT với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào "Cả nước chung sức xây dựng NTM", thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh"… nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

     Tập trung đẩy nhanh thực hiện việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã để khắc phục tình trạng Công an xã bán chuyên trách hiện nay chưa đủ mạnh, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; chế độ, chính sách còn thấp chưa tương xứng với nhiệm vụ, dẫn đến trách nhiệm đối với công việc của nhiều Công an xã bán chuyên trách chưa cao, một số vụ, việc về an ninh, trật tự xảy ra nhưng chưa được phát hiện và giải quyết kịp thời, nhất là các vi phạm pháp luật về môi trường, gây bức xúc trong nhân dân tạo điểm nóng về an ninh nông thôn.

     Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên trang bị phương tiện, đảm bảo kinh phí và các điều kiện phục vụ công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, góp phần giữ gìn ổn định an ninh, trật tự địa bàn nông thôn, phục vụ thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

 

Bùi Quang Chi

Bộ Công an

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)

 

Ý kiến của bạn