Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Kinh nghiệm thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

24/02/2020

     Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên hơn 5.900 km2, với dân số trên 3 triệu người trong đó hơn 60% dân cư sống vùng nông thôn, có 37 dân tộc và 10 tôn giáo. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (9 huyện, 2 thành phố); 171 đơn vị hành chính cấp xã (có 133 xã xây dựng nông thôn mới - NTM).

     Qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Đồng Nai đã đạt được những kết quả nổi bật như: Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 51,59 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,8 lần so với đầu năm 2011 (năm đầu thực hiện Chương trình NTM); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,22% năm 2011, đến nay chỉ còn 0,09%, an ninh trật tự chính trị được giữ vững. Đến nay toàn tỉnh đã có 133/133 xã đạt chuẩn NTM (100%), trong đó có 31 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (100%). Tỉnh đang lập hồ sơ trình Trung ương xem xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về trước 2 năm so với mục tiêu ban đầu. Kết quả Chương trình đạt được đã tạo dấu ấn phát triển mới trong cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương. Đồng Nai giữ vững là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng NTM.

     Trong xây dựng NTM, xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó hoàn thành nhất nên tỉnh Đồng Nai đã chú trọng xây dựng môi trường NTM, sau đây là một số kinh nghiệm của tỉnh rút ra trong quá trình thực hiện, cụ thể:

     Tỉnh luôn xác định BVMT là bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình phát triển; đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững, bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Trong công tác thu gom, xử lý chất thải, tỉnh đã quy hoạch các khu xử lý rác thải rắn đủ đáp ứng nhu cầu xử lý rác cho địa bàn các huyện và các địa phương lân cận; trên địa bàn tỉnh hiện có 9 khu xử lý, với tổng diện tích quy hoạch 438,6 ha; đồng thời trên địa bàn các huyện xây dựng các điểm tiếp nhận rác hàng ngày với quy mô xã, liên xã. Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh chỉ đạo các huyện đã xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, kế hoạch  BVMT đến năm năm 2020; đồng thời đề ra các giải pháp, lộ trình thực hiện, phương hướng giảm thiểu các tác động môi trường cụ thể cho từng năm và giao cho các đơn vị chủ trì thực hiện và kiểm tra, đánh giá từng mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

     Cùng với đó, tỉnh huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư cho công tác BVMT. Trong các năm qua, đã có hàng trăm hợp tác xã và tổ chức dịch vụ môi trường thực hiện thu gom, xử lý rác thải  cho tất cả các xã xây dựng NTM trên địa bàn, trong đó công tác phân loại rác tại nguồn đạt 68%. Việc hình thành các tổ thu gom rác vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tạo công ăn việc làm người lao động nông thôn. Đồng thời, tỉnh đã khuyến khích, huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, đầu tư các nhà máy xử lý rác thải tập trung tại một số huyện nhằm bảo vệ tốt môi trường nông thôn (huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Trảng Bom…). Qua đó, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn. Đối với các hộ dân sống những nơi xa khu dân cư, tổ chức vận động và hướng dẫn người dân phân loại và xử lý chôn lấp hợp lý; Rác thu gom được đưa về xử lý tại các khu xử lý rác tập trung.

     Là tỉnh có các khu, cụm công nghiệp (CCN) lớn nhất cả nước, trên cơ sở quy hoạch, tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng và đầu tư hệ thống xử lý chất thải tập trung trong các khu, CNC. Hiện nay toàn tỉnh có 31/32 Khu công nghiệp có dự án đi vào hoạt động và 31/31 KCN đang hoạt động về cơ bản đều đã xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải.

     Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cộng đồng, doanh nghiệp, người dân về BVMT trong xây dựng NTM, tỉnh đã thực hiện nghiêm việc đăng ký bản cam kết BVMT đến từng hộ dân; Tích cực hưởng ứng các ngày lễ về môi trường như: “Ngày nước Thế giới 22/3”; “Giờ trái đất”; “Ngày Quốc tế đa dạng sinh học”. “Ngày Môi trường Thế giới 5/6”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”…Thực hiện tốt những phong trào, mô hình BVMT tự quản trong dân cư. Từ năm 2007, tỉnh đã tổ chức hơn 100 lớp tập huấn với khoảng 18.700 lượt người tham dự; phát hành trên 75.000 tờ rơi, 746 đợt ra quân với hơn 12 triệu người tham gia, trồng trên 13 triệu cây xanh…; tổ chức các buổi khơi thông cống rảnh, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, trồng cây hoa cảnh các trục đường giao thông cho từng xóm ấp trên địa bàn, góp phần tạo diện mạo mới cho môi trường NTM.

     Nhằm giảm thiểu và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tỉnh đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình. Từ năm 2017 đến nay, đã lặp đặt được 1.149 bể thu gom thuốc bảo vệ thực vật; Thu gom được 12.256,5 kg bao gói thuốc BVTV; sử dụng giống tốt, xây dựng chuồng trại tiên tiến, xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi, hầu hết các điểm chăn nuôi đều sử dụng hệ thống biogaz, đệm lót sinh học…

     Đặc biệt, tỉnh thực hiện tốt công tác theo dõi, kiểm tra, nhằm ngăn ngừa và xử lý kịp thời, triệt để với các sai phạm về công tác môi trường, nhất là việc ngăn ngừa; khách quan trong công tác đánh giá công nhận tiêu chí môi trường (không du di, không cho nợ). Tổ chức hậu thẩm tra đối với các địa phương đã được công nhận và đang trong quá trình công nhận xã/huyện đạt chuẩn NTM. Khuyến khích các cơ sở tận thu, tái chế, tái sử dụng và xử lý tại chỗ các loại chất thải (cơ sở xử lý chất thải Thanh Tùng - huyện Vĩnh Cửu đã tái chế các loại chất thải đề làm gạch, can nhựa...).

     Như vây, theo đặc thù kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của từng vùng, địa phương, tỉnh đã có các hình thức tổ chức, triển khai thực hiện các quy định về BVMT phù hợp, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM. Đấy cũng là những kinh nghiệm thực tiễn để các địa phương khác học tập, tham khảo.

 

Lê Văn Gọi

Văn phòng điều phối Nông thôn mới - tỉnh Đồng Nai

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)

 

Ý kiến của bạn