Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Giới thiệu một số mô hình tiêu biểu trong phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vùng nông thôn Việt Nam

13/02/2020

     Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Môi trường năm 2019, lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh trung bình trên địa bàn khảo sát dao động từ 126 – 657,5 tấn/ngày. Thành phần hữu cơ dễ phân hủy chiếm từ 55 – 65% trong lượng CTRSH nông thôn phát sinh.

     Mô hình kết hợp sản xuất phân hữu cơ vi sinh, tái chế và đốt chất thải rắn

     Sơ đồ công nghệ

 

     Sau khi rác được chuyển đến, bộ phận kỹ thuật sẽ phun các chế phẩm vi sinh phân hủy, khử mùi và được chuyển đến hệ thống tách lựa để phân loại. Thành phần hữu cơ được chuyển đến các hầm ủ, sau khoảng 25 - 30 ngày thì chuyển đến bãi ủ chín, giảm ẩm và chuyển đến phân xưởng để sản xuất mùn tinh, từ đó sản xuất phân hữu cơ vi sinh theo đơn đặt hàng của khách. Thành phần vô cơ được chuyển đến phân xưởng sản xuất hạt nhựa, phôi nhựa, bao bì, gạch cao su. Thành phần vô cơ lớn: Đất, cát, ni lông,… tách đất, cát (chiếm từ 5 - 10%) chuyển đến bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Công nghệ này có ưu điểm là giảm khối lượng chất thải chôn lấp; Tăng lượng chất thải có thể tái chế, tái sử dụng ; Công nghệ đơn giản; Xử lý chất thải thành sản phẩm có thể mang lại lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, rác thải tại hộ gia đình chưa được phân loại tại nguồn, việc phân loại phải được thực hiện tại các nhà máy, do vậy, khối lượng rác thu gom lớn, tồn đọng gây mất vệ sinh tại nơi tập kết; Phân phân loại rác vẫn chủ yếu là thủ công, do công nhân thực hiện do vậy ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.

     Hiện nay, trên địa bàn 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có 2 nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải sinh hoạt, 1 nhà máy của Công ty Nam Thành (ở tỉnh Ninh Thuận) và 1 nhà máy của Công ty Đa Lộc (ở Bình Thuận). Đồng thời, mô hình này đã được triển khai tại một số địa phương tại tỉnh Thái Bình như xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ hay Thanh Tân, Vũ Tây, huyện Kiến Xương...

     Mô hình xử lý chất thải hữu cơ bằng thùng composite hoặc thùng nhựa tại hộ gia đình

     Sơ đồ công nghệ

Chế phẩm sinh học

    

     Với mô hình này, rác hữu cơ được phân loại cho vào thùng ủ và phun chế phẩm vi sinh. Thùng ủ phân compost làm bằng nhựa, hình tròn, dung tích 160-220 lít, vách thùng khoan nhiều lỗ nhỏ cách nhau 10 cm -15 cm đều nhau. Hai bên thành thùng gần mép đáy thùng được khoan 2 cửa vuông khoảng 20 – 30 cm2 để lấy phân. Thùng ủ phân compost được đặt cách xa nguồn nước sinh hoạt, nơi cao ráo, gần các lối đi cho thuận tiện việc bỏ rác. Mô hình đơn giản, dễ thực hiện; Thùng dễ mua, dễ gia công có độ bền cao niên hạn sử dụng lâu 5-10 năm, dễ sử dụng; Giải quyết tại chỗ, giảm tối đa lượng rác thải sinh hoạt hữu cơ dễ phân hủy của các hộ gia đình. Hạn chế sự sinh sôi và phát triển của các bệnh truyền nhiễm; Việc lấy phân dễ dàng, phân tạo ra từ rác thải hữu cơ có thể sử dụng cho việc cải tạo đất, trồng cây trong vườn. Tuy nhiên, chi phí mua thùng cao; Không xử lý được mùi triệt để, dễ bị côn trùng tấn công, bị hỏng chốt cửa lấy phân do bị o xi hóa; Thải ra lượng chất thải nhựa lớn khi thùng hỏng.

 

 

Mô hình ủ phân tại xã Ông Đình, Khoái Châu, Hưng Yên

 

     Hiện các địa phương đang áp dụng gồm huyện Khoái Châu (Hưng Yên), xã Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định), tỉnh Hậu Giang, Long An, Trà Vinh...

     Mô hình xây dựng bể/hố xử lý

     Sơ đồ thực hiện

 

 

     Mô hình này cũng giống như mô hình dùng thùng composite nhưng thay vì dùng thùng để ủ thì người dân xây bể ủ 2 ngăn. Các loại rác thải có khả năng phân hủy sinh học được phân loiạ tại hộ gia đình sẽ được đem đi ủ phân hữu cơ tại các bể hoặc hố xử lý và được bổ sung chế phẩm vi sinh (Emic, Hatimic, ...). Bể/hố xử lý được xây bằng gạch làm 2 ngăn, trát vữa chống thấm và làm mái che mưa, kích thước mỗi hố ủ: D x R x H = 1,0 x 1,0 x 1,0 m. Mỗi hố ủ có nắp đậy hoặc phủ bạt để tránh ruồi, muỗi và hạn chế mùi phát tán ra môi trường. Ưu điểm của mô hình là phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn để sản xuất phân bón; giảm khối lượng vận chuyển và khối lượng rác cần xử lý tại địa phương; Có thể xử lý được cả phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, là cây; Chất lượng phân hữu cơ khá tốt. Tuy nhiên, chi phí đầu tư, xây dựng khá cao, (khoảng 1 - 1,5 triệu/1 hố ủ); Cần có vị trí và diện tích phù hợp để xây dựng hố ủ. Mô hình này đã được áp dụng tại Hà Tĩnh.

     Mô hình đào hố xử lý, có nắp đậy và có sử dụng chế phẩm sinh học

     Sơ đồ công nghệ

 

 

     Rác thải sinh hoạt tại các hộ dân được phân làm 2 loại: Loại có khả năng phân hủy sinh học được như: vỏ cây, rau, thức ăn thừa... và loại không có khả năng phân hủy sinh học như túi nilong, chai lọ, thủy tinh... Các loại rác thải có khả năng phân hủy sinh học được sẽ được đem đi xử lý (ủ phân hữu cơ) tại các hố xử lý và được bổ sung chế phẩm vi sinh (Emic, Hatimic, ...). Hố xử lý được có kích thước: D x R x H = 0,7 x 0,7 x 1,0 m và có nắp đậy bằng tôn hoặc thép. Nắp đậy được thiết kế có gờ để tránh chuột và nước mưa xâm nhập, đồng thời có lắp di động để dễ dàng bỏ rác vào thùng. Mỗi gia đình chỉ cần đào 1 hố ủ để ủ rác, khi rác đầy cần đào 1 hố khác, nhấc nắp chuyển sang hố mới. Với mô hình này, chi phí đầu tư ban đầu cho nắp đậy, mua chế phẩm sinh học, duy trì và vận hành thấp; Giảm khối lượng vận chuyển và khối lượng rác cần xử lý tại địa phương; Có thể tận dụng được các vi sinh vật trong đất để phân hủy rác; Diện tích nhỏ, gọn, dễ dàng bố trí tại các hộ dân có vườn hoặc ruộng trước nhà; Không phát sinh mùi, không có ruồi muỗi... Tuy vậy, mô hình này có thể phát sinh nước rỉ rác và thấm ngấm xuống đất; Nắp đậy làm bằng tôn hoặc thép kém chất lượng sẽ dễ bị ăn mòn; Chỉ phù hợp với các hộ có vườn hoặc ruộng trước nhà. Hện nay, mô hình này đang được áp dụng phổ biến tại các tỉnh như: Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Nghệ An...

     Trên đây là một số mô hình tiêu biểu trong việc phân loại, thu gom và xử lý CTR sinh hoạt. Các mô hình trên bước đầu đã đem lại kết quả tốt, giảm tối đa chất thải hữu cơ, nâng cao ý thức người dân về vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, để lựa chọn một mô hình áp dụng phù hợp cần phải nghiên cứu kết hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của từng địa phương. 

 

TS. Nguyễn Thị Phương Mai, ThS. Lưu Thị Hương

Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)


 

 

Ý kiến của bạn