Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Du lịch nông nghiệp - Giải pháp cho sự phát triển bền vững xã nông thôn mới ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

11/02/2020

     Tóm tắt

     Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm với nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp nhưng đời sống người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của vùng đã thay đổi diện mạo mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nâng chất các tiêu chí và đảm bảo tính bền vững của xã nông thôn mới đang là thách thức lớn đối với các địa phương. Trước bối cảnh đó, du lịch nông nghiệp được xem là một trong những giải pháp góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng nông thôn đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái, đảm bảo tính bền vững của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

     Từ khóa: Du lịch nông nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long, nông thôn mới.

  1. Mở đầu

     Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 1.284 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (chiếm 14% tổng số xã của cả nước), với mục tiêu đến năm 2020, toàn vùng có 51% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 30% xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Nhờ việc triển khai tích cực chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn của khu vực, khi kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng phù hợp; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn không ngừng nâng cao. Tuy nhiên, sau 8 năm xây dựng NTM, đúc kết kinh nghiệm của nhiều địa phương cho thấy việc hoàn thành 19 tiêu chí và được công nhận xã chuẩn NTM đã khó, nay việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo tinh thần văn bản số 14/BCĐTW-VPĐP của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ngày 25 tháng 8 năm 2015 lại càng khó khăn hơn, và đó đang là thách thức lớn đối với xã chuẩn NTM, vì nhiều tiêu chí về NTM có khả năng biến động như: thu nhập, hộ nghèo, môi trường,...

     Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất đặt ra trong quá trình xây dựng và nâng chất các tiêu chí trong xây dựng NTM là các địa phương phải tìm cho mình hướng phát triển kinh tế phù hợp, cần dựa trên những thế mạnh, những nét riêng và độc đáo của địa phương nhằm đem lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người dân. Trước bối cảnh đó, nhiều hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã xuất hiện tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân bản địa. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động du lịch nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn du khách,… Với những lý do nêu trên, việc nhận thức đúng đắn nội hàm của du lịch nông nghiệp cùng với việc phân tích những đặc trưng và vai trò của phương thức kinh tế này đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, sẽ phát huy được tính liên kết, sự tương trợ lẫn nhau, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM, đồng thời đáp ứng được yêu cầu duy trì và nâng chất các tiêu chí, đảm bảo xây dựng NTM bền vững trong tương lai ở vùng ĐBSCL.

     2. Khái quát về du lịch nông nghiệp

     2.1. Định nghĩa về du lịch nông nghiệp

     Du lịch nông nghiệp (DLNN) được mô tả là hoạt động thăm viếng nông trại hoặc bất cứ hoạt động làm vườn, canh tác hay kinh doanh nông nghiệp nào nhằm để được thưởng lãm, học hỏi và tham gia vào các hoạt động đó. Theo từ điển Wikipedia: “Du lịch nông nghiệp hiểu một cách rộng nhất là loại hình du dịch liên quan đến các hoạt động nông nghiệp hoặc dựa vào nông nghiệp, từ đó đưa du khách đến với các nông trại, trang trại hoặc nông trường”. Theo Cục bảo tồn tài nguyên thiên nhiên thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (2004) đã định nghĩa “du lịch nông nghiệp là hoạt động mời công chúng vào một trang trại để tham gia vào những hoạt động khác nhau và trải nghiệm những hoạt động nông nghiệp. Những hoạt động du lịch nông nghiệp bao gồm ăn ở, câu cá, săn bắn, tự hái hoa quả, trồng lúa, trồng ngô,...”. Theo tác giả Ramiro Lobo nghiên cứu về lợi ích của du lịch nông nghiệp ở San Diego - California (1999) thì “du lịch nông nghiệp là khái niệm chỉ hoạt động đến tham quan một trang trại hoặc bất kỳ một cơ sở nào trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm mục đích thư giãn, giải trí, nâng cao nhận thức, có thể chủ động tham gia vào hoạt động của nông trại hay cơ sở đó”.

     Thông qua những định nghĩa trên, ta thấy DLNN là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Việc phát triển DLNN góp phần bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể cũng như các ngành nghề truyền thống.

     Điểm đặc biệt của DLNN chính là sự kết hợp giữa các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống tại khu vực nông thôn. Các giá trị này như là điều kiện khí hậu tự nhiên, sông nước, thảm thực vật, động vật hoang dã, thực phẩm địa phương, phong tục tập quán, hình thức canh tác nông nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ,... Xét về những giá trị này, ĐBSCL là đồng bằng lớn thứ ba trong tổng số 34 đồng bằng châu thổ lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau đồng bằng  Amazon (Nam Mỹ) và đồng bằng sông Hằng (Ấn Độ). Vùng đất này được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu, với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặt nên du lịch trải nghiệm cuộc sống trên sông nước bằng ghe, tàu rất hấp dẫn du khách. Trong đó, khai thác du lịch dựa trên các hoạt động sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng - vựa lúa lớn nhất cả nước; với những vườn cây trái trĩu quả quanh năm cùng với những Lễ hội trái cây, hoa kiểng; ĐBSCL còn được biết đến là vùng nuôi trồng, sản xuất thủy hải sản lớn nhất cả nước; cùng với các các yếu tố văn hóa của cộng đồng nơi miệt vườn sông nước qua những phiên chợ nổi nhộn nhịp vào các buổi sáng như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), Phụng Hiệp (Hậu Giang), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng); cùng với các làng nghề truyền thống như đan lát, dệt chiếu, thảm (Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ), nghề thủ công mỹ nghệ từ cây dừa, mây, tre, trúc (Bến Tre, Cần Thơ),… sẽ là những giá trị làm nên những loại hình du lịch nông nghiệp đặc trưng cho vùng ĐBSCL.

     2.2. Đặc trưng của du lịch nông nghiệp

     Tuy có nhiều định nghĩa khác nhau về DLNN, song trong nội hàm của các định nghĩa trên cùng phản ánh những đặc trưng cơ bản của DLNN. Du lịch nông nghiệp có những đặc trưng chủ yếu sau đây:

     2.2.1. DLST là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp

     Tài nguyên của loại hình du lịch này là tất cả những gì phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Từ tư liệu sản xuất, đất đai, sông ngòi, ao hồ, con người, quy trình sản xuất, tập quán canh tác, sản phẩm sản xuất,… cho đến những yếu tố tự nhiên liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp như khí hậu, thời tiết,… đều là cơ sở tài nguyên cho DLNN. Phần lớn DLNN hướng đến trải nghiệm một nền văn hóa mới, đó là thưởng ngoạn một khung cảnh thiên nhiên với sông nước hữu tình, được trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động dân dã của nhà nông như mò cua, bắt óc, câu cá, trồng rau, tát nước, gặt lúa,…

     2.2.2. DLNN là hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các vùng đô thị và nông thôn.

     Khi tham gia du lịch nông nghiệp, du khách sẽ đến các vùng quê, cùng trải nghiệm cuộc sống dân dã, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nguời dân địa phương. Ở đó, du khách sẽ được hòa mình cùng với thiên nhiên, với lối sống bình dị mà chân tình, với những phong tục tấp quán giàu bản sắc văn hóa các vùng miền nông thôn. Và ở đó, không có sự khác biệt giữa người thành thị với người nông thôn, không có sự khác biệt về văn hóa, tất cả như giao hòa vào nhau, cùng nhau trải nghiệm những nét độc đáo ở làng quê, nơi mà cuộc sống thanh bình đang đón chào những du khách.

     2.2.3. DLNN có đối tượng chủ yếu là khách đô thị.

     Loại hình DLNN thu hút nhiều du khách khác nhau nhưng chủ yếu là du khách đến từ các thành thị. Vì nhịp sống hối hả, tấp nập, môi trường bị ô nhiễm, không gian chật hẹp,… làm cho những người sống ở đô thị có nhu cầu tìm đến nơi có môi trường sống với bầu không khí trong lành, yên tĩnh tránh xa những tiếng ồn, không gian rộng lớn, thoải mái, cùng với sự thân thiện trong lối sống của bình dị của người dân quê. Họ mong muốn được trải nhiệm, được khám phá những hoạt động sản xuất nông nghiệp, như muốn chính tay mình trồng cây rau, tưới nước, gặt lúa, tát mương, bắt cá,... là những hoạt động mà trước đây họ chỉ được biết qua sách vở.

     2.2.4. DLNN mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho người dân địa phương.

     DLNN góp phần mang lại lợi ích kinh tế, phát huy các giá trị văn hoá, xã hội của người dân bản địa, khuyến khích người dân gìn giữ và phát triển những nghề truyền thống của địa phương để du khách được chiêm ngưỡng, trải nghiệm và mua sắm các sản phẩm nơi họ đến tham quan. Rất nhiều điểm DLNN tổ chức tổ chức cho du khách lưu trú ngai trong nhà dân, du khách được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân bản địa. Khách du lịch có thể tham gia vào một số khâu sản xuất hàng hóa truyền thống ở địa phương, được thưởng thức các món ăn ngon, tìm hiểu các phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân bản địa. DLNN sẽ mang lại nguồn thu để phục vụ trở lại công tác bảo tồn cũng như giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, khi DLNN phát triển, địa phương sẽ thoát khỏi cảnh đói nghèo, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện đáng kể.

     2.2.2.5. DLNN có sự tham gia của cộng đồng địa phương

     DLNN là loại hình du lịch trải nghiệm, du khách được hòa mình với thiên nhiên, sông nước và cuộc sống của người dân bản địa. Để góp phần thành công cho DLNN, sự tham gia của cộng đồng địa phương có vai trò vô cùng to lớn. Chính mỗi người dân địa phương sẽ là một hướng dẫn viên du lịch, sẽ giới thiệu những quy trình canh tác, kỹ thuật bón phân, tưới nước, thu hoạch nông sản,... giới thiệu những nét độc đáo ở địa phương mình đến với du khách về những danh lam thắng cảnh, những món ăn ngon, những lễ hội, làng nghề truyền thống, điệu múa dân gian,… Bên cạnh đó, người dân địa phương còn có thể hỗ trợ du khách trong các hoạt động lưu trú, du khách sẽ được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với sự hiếu khách và chân thành của của người dân bản địa.

     3. Vai trò của du lịch nông nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương

     3.1.2. Vai trò của DLNN với tăng thu nhập và cải thiện phúc lợi cho người dân

     Để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân vùng nông thôn, DLNN như là một trong những giải pháp tích cực nhất giúp phát triển cộng đồng bằng cách cung cấp nguồn sinh kế thay thế cho cộng đồng địa phương bền vững hơn, trên cơ sở phát huy những tiềm năng, thế mạnh, nét độc đáo về điều kiện tự nhiên, loại hình canh tác nông nghiệp, nét văn hóa đặc thù,… Từ đó, thông qua hoạt động DLNN sẽ cung ứng việc làm cho người dân, họ sẽ có cơ hội phát huy những kỹ kỹ năng, tay nghề của mình, góp phần gia tăng thu nhập, ổn định cuộc sống ở vùng nông thôn.

     Như vậy, DLNN là một giải pháp tốt để phát triển kinh tế, xã hội góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân địa phương và nâng cao phúc lợi cho cộng đồng cư dân bản địa, giải quyết được tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong xây dựng NTM ở vùng ĐBSCL: “Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020: ít nhất là 50 triệu đồng/người/năm” và “tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020: không quá 4%”. Đây là những thách thức không nhỏ với các địa phương, song nếu các địa phương xây dựng thành công mô hình DLNN, với những cơ hội mà DLNN mang đến cùng với những nỗ lực của các ban, ngành địa phương, với sự vươn lên mạnh mẽ từ ý chí, sự cần cù, sáng tạo,… của người nông dân thì đời sống của họ sẽ có bước chuyển mình to lớn.

     3.1.3. Vai trò của DLNN với giữ gìn môi trường tự nhiên

     DLNN không những mang lại sự vui chơi giải trí, phục hồi sức khỏe cho con người mà còn là hoạt động giáo dục du khách ý thức bảo vệ môi trường, thấy được vai trò của môi trường đối với sự sống, từ đó không làm hoặc ít làm tổn hại đến môi trường nhất, đảm bảo duy trì các nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dang và phong phú cho thế hệ mai sau. Bản thân những cư dân bản địa, khi DLNN phát triển, cùng với các hoạt động dịch vụ ăn uống, mua bán, nghỉ dưỡng, trải nghiệm,… DLNN sẽ là nguồn mang lại thu nhập chính cho họ, tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương, từ đó góp phần tích cực trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực của cộng đồng địa phương tới các giá trị cảnh quan môi trường thiên nhiên, qua đó góp phần bảo tồn tài nguyên, môi trường, đảm bảo điều kiện cho sự phát triển du lịch một cách bền vững. Thông qua hoạt động du lịch, DLNN sẽ giúp con người tiếp xúc nhiều hơn với môi trường tự nhiên, hiểu thêm về thiên nhiên, từ đó góp phần nâng cao được sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

     Gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái cũng là một trong những tiêu chí xây dựng NTM, xây dựng một nông thôn trong lành, giàu sức sống, từ đó giúp người dân có thể nâng cao chất lượng cuộc sống với tiêu chí “xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn” và khi môi trường tự nhiên được gìn giữ thì “Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh là trên 95%” ở vùng ĐBSCL như trong yêu cầu của Chương trình xây dựng NTM là hoàn toàn khả thi đối với các địa phương trong khu vực.

     3.1.4. Vai trò của DLNN với thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn

     Khi DLNN phát triển, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ gắn liền với nông nghiệp nông thôn phát triển. Thu nhập của người dân bản địa chuyển từ nông lâm nghiệp thuần túy sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, trong đó thu nhập từ các hoạt động dịch vụ ăn uống, lưu trú, các sản phẩm truyền thống của địa phương,… sẽ chiếm tỷ trọng lớn; một bộ phận lao động nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tiến bộ. DLNN làm thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, từng bước chuyển sang nền kinh tế hàng hóa, kinh tế dịch vụ với tỷ trọng trong tổng sản phẩm trong nước của các ngành nghề phi nông nghiệp ngày một gia tăng.

     Tập trung phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, rút bớt lao động nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn là những tiêu chí trong đề án xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Như vậy, khi DLNN phát triển sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ở vùng ĐBSCL theo hướng tiến bộ, giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp - đây là xu thế tất yếu trong quá trình xây dựng NTM bền vững.

     3.1.5. Vai trò của DLNN với gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

     Văn hóa cộng đồng địa phương đóng một vai trò quan trọng trong DLNN. Mối quan hệ giữa DLNN với văn hóa là một mối quan hệ có tính tất yếu khách quan. Với những du khách mà nhất là du khách nước ngoài, khi tham gia các hoạt động DLNN, họ không chỉ có nhu cầu muốn tận hưởng không khí trong lành, thiên nhiên hoang dã mà họ còn có nhu cầu tìm hiểu và được trải nghiệm những giá trị văn hóa, những nét độc đáo trong phong tục, tập quán sinh hoạt của người người dân vùng quê. Vì thế để phát triển DLNN, cần phải khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa, những nét văn hóa riêng về phong tục tập quán sinh hoạt, canh tác nông nghiệp độc đáo của mỗi vùng miền mà du khách rất quan tâm.

     Xây dựng một “xã hội nông thôn giàu bản sắc văn hóa dân tộc” cũng là một trong những tiêu chí khi xây dựng NTM. Với vai trò của DLNN đối với việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cũng như văn hóa vùng miền, chúng ta nhận thấy rằng khi DLNN phát triển sẽ góp phần xây dựng NTM với những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng mỗi vùng miền và giàu bản sắc dân tộc.

     3.1.6. Vai trò của DLNN với thúc đẩy đào tạo con người phục vụ nhu cầu phát triển

     DLNN là loại hình du lịch trải nghiệm nên du khách có mối quan hệ tương tác rất lớn với cư dân bản địa. Để nâng cao sự hài lòng của du khách cũng như để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển DLNN bền vững, đòi hỏi người dân bản địa phải được đào tạo nâng cao trình độ, đào tạo để có thể trở nên chuyên nghiệp hơn trong phong cách phục vụ, đa dạng hơn các loại hình dịch vụ, nâng cao hơn nữa sự hài lòng của du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương. Trình độ dân trí cao tạo ra cho mỗi người ý thức bảo vệ môi trường, ứng xử lịch sự, nhã nhặn, đúng mực với du khách, thể hiện rõ bản sắc văn hóa đặc trưng mỗi vùng miền, đây chính là những điều mà du khách rất quan tâm và muốn khám phá.

      Chính yêu cầu thúc đẩy đào tạo con người để đáp ứng yêu cầu phát triển DLNN bền vững, cũng như chính người nông dân thấy được sự cần thiết phải nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu du khách mà nhất là du khách nước ngoài, đây sẽ là tiền đề để giúp các địa phương vùng ĐBSCL hoàn thành tiêu chí về “tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo: ít nhất 25%” trong xây dựng NTM.

     4. Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng ĐBSCL

     Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là một chương trình tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng ở các địa phương. Xây dựng NTM với mục tiêu “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững”.

     Trên cơ sở phân tích nội hàm của DLNN, những đặc trưng cũng như vai trò của DLNN với mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM, các địa phương ở vùng ĐBSCL cần nghiên cứu và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để có thể huy động được nhiều nguồn lực hơn cho sự phát triển, đồng thời để tạo bước đột phá trong tư duy sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM cần thấy được mối quan hệ tương trợ lẫn nhau cùng phát triển giữa phát triển DLNN và xây dựng NTM. Việc phát triển DLNN gắn với xây dựng NTM là hoàn toàn phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1819 ngày 16/11/2017, và phù hợp mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Khóa XII đã ban hành ngày 16/01/2017.

     Thông qua việc phân tích nội hàm của DLNN, những đặc trưng và vai trò của nó, cùng với những giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc trưng, ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng phát triển DLNN. Và khi DLNN phát triển sẽ có tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương; thúc đẩy bảo tồn và phát triển nền văn hóa đậm chất miền Tây sông nước và góp phần quan trọng đối với công tác gìn giữ và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường, sẽ giải quyết được những khó khăn trong quá trình xây dựng NTM. Vì vậy, khi DLNN phát triển sẽ góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM và là giải pháp đáp ứng được yêu cầu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo tính bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

     5. Kết luận

     Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đầy biến động, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi về nông nghiệp như chính sách tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ liên kết sản xuất… và nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã làm cho đời sống người nông dân đang dần được cải thiện, nhưng khó đảm bảo yêu cầu nâng chất các tiêu chí và sự phát triển bền vững của chương trình xây dựng NTM trong tương lai. Phát triển DLNN ở vùng ĐBSCL được xem là một giải pháp hàng đầu để có thể tạo thêm nhiều việc làm hơn ở khu vực nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho người dân trong vùng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giảm hộ nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, bảo tồn và phát huy được nét đặc sắc văn hóa địa phương, giảm thiểu tác động đến môi trường tự nhiên,… Từ đó, DLNN không những góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân vùng ĐBSCL mà còn đáp ứng được yêu cầu nâng chất các tiêu chí xây dựng NTM và đảm bảo sự phát triển bền vững, đúng với tinh thần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

 

Ngô Thanh Phong

Trường Đại học Tiền Giang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 3/2019)

 

 

AGRICULTURAL TOURISM - SOLUTIONT FOR THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF NEW RURAL COMMUNE IN MEKONG DELTA

Ngô Thanh Phong

Tien Giang University

     Abstract: The Mekong Delta is a key economic region with many advantages for agricultural development but the lives of farmers still face many difficulties. Implementing the National Target Program on building new rural areas, the rural face of the region has changed its new face, people's material and spiritual life has been constantly improved. However, to meet the requirements of raising the criteria and ensuring the sustainability of new rural communes is a major challenge for localities. This context, agricultural tourism is considered one of the solutions that contribute to increasing income, improving the material and spiritual life of rural people while protecting the ecological environment and ensuring the sustainability of the National Target Program for new rural construction.

     Keywords: Agricultural tourism, Mekong Delta, new rural commune.

 

     Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, 2017. Nghị quyết 08 - NQ/TƯ Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  2. Lobo, R.,1999.  Agricultural tourism benefits in San Diego County – California Agriculture, Volume 53, No.6, 10-12/1999.
  3. Thủ tướng Chính phủ, 2016. Quyết định số 1600/QĐ - TTg, ngày 16/8/2016 Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
  4. Thủ tướng Chính phủ, 2016. Quyết định số 1980/QĐ - TTg, ngày 17/10/2016 Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020.
  5. Thủ tướng Chính phủ, 2017. Quyết định số 1819/QĐ - TTg, ngày 16/11/2017 về việc Phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2017 - 2020.

       6. Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực xây dựng nông thôn mới, truy cập tại: http://thongtinchuyende.vietnamplus.vn/tin-tuc/dbscl-no-luc-xay-dung-nong-thon-moi/04A40ECC-3C21-48F6-BFDB-AD343908B16F (ngày truy cập: 26/12/2017).

       7. “Ngày Chủ nhật Nông thôn mới” - đòn bẩy đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, truy cập tại: http://nongthonmoi.bentre.gov.vn/noi-dung/-/cms-icbt/10180/bai-viet/ 343485 (ngày truy cập: 4/01/2019).

 

Ý kiến của bạn