Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Đẩy mạnh xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất bột mì xã Hoài Hảo, Hoài Nhơn, Bình Định

13/02/2020

     Xã Hoài Hảo nằm về phía Tây Bắc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, với 6 thôn: Tấn Thạnh 1, Tấn Thạnh 2, Phụng Du 1, Phụng Du 2, Hội Phú và Cự Lễ, có 3.670 hộ với 14.151 nhân khẩu. Sản xuất bột mì trên địa bàn xã Hoài Hảo là một nghề đã có từ lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn phát triển và là một trong những nghề thu hút số hộ dân tham gia đông nhất, tập trung ở 4 thôn: Tấn Thạnh 1, Tấn Thạnh 2, Phụng Du 1, Phụng Du 2, trong đó số hộ hoạt động sản xuất bột mì tại 2 thôn Tấn Thạnh 2 và Phụng Du 2 chiếm đa số. Ngành nghề đã đem lại thu nhập cho nhiều hộ dân ở nơi đây và giải quyết công ăn việc làm cho nguồn lao động tại địa phương. Tuy nhiên, hệ lụy ô nhiễm môi trường ở làng nghề đang ở mức báo động.

     Năm 2006, xã có 230 hộ sản xuất bột mì thủ công, quy mô nhỏ lẻ với công suất mỗi hộ chỉ khoảng 1-3 tấn nguyên liệu/ngày. Năm 2015, số hộ sản xuất còn khoảng 145 hộ, đồng thời người dân cải tiến, áp dụng cơ giới hóa vào các công đoạn sản xuất được hỗ trợ bằng máy móc, thiết bị công suất tăng lên mỗi cơ sở khoảng 7- 10 tấn nguyên liệu/ngày, nhiều hộ sản xuất lên tới 20 tấn nguyên liệu/ngày và chi phí lao động giảm xuống còn lại mỗi hộ khoảng 2-3 người /hộ. Ngành nghề sản xuất bột mì hoạt động theo mùa, vụ, bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Trong khi đó, nguồn phát sinh chất thải rắn sản xuất gồm rễ cứng tách ra khỏi củ khoai mì trước khi cho vào hố gom; Đất và vỏ tách ra từ quá trình rửa củ khoai mì; Bã mì sau khi tách hết tinh bột mì. Chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu phát sinh từ hoạt động của công nhân, như: bao bì ni lông và chất thải khác… Mặt khác, có 2 nguồn phát sinh nước thải sản xuất chính, gồm: Nước thải từ khâu tách vỏ và rửa củ khoai mì; Nước thải phát sinh từ công đoạn lắng bột. Trung bình khi sản xuất 1 tấn nguyên liệu (củ khoai mì) thải ra môi trường khoảng 3,6 m3 nước thải sản xuất, như vậy, mỗi hộ sản xuất khoảng 5 tấn nguyên liệu bột mì, bình quân 1 ngày có 145 hộ sản xuất bột mì, thì tổng nước thải ra môi trường khoảng 2.610m3 nước thải/ngày đêm.

     Kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc TN&MT, Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho thấy, từ năm 2011 - 2015, xung quanh nhà ở, nhà xưởng và khu dân cư đều bị ô nhiễm bởi mùi chua nồng, hôi đặc trưng do nước thải sản xuất bột mì. Ngoài ra, tiếng ồn phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất cũng làm ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt của người dân xung quanh. Kết quả phân tích chất lượng nước mặt tại cầu Nước mặt thôn Phụng Du 2, được so sánh với QCVN 08:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (nay là QCVN 08-MT:2015/BTNMT), cho thấy, từ năm 2011 - 2015, ô nhiễm hữu cơ thể hiện khá rõ, hầu hết các chỉ tiêu như: TSS, COD, NH4+, NO2-, PO43-, Coliform đều có hàm lượng tăng dần qua các năm đồng nghĩa với việc mức độ ô nhiễm đang tăng dần qua từng năm. Kết quả quan trắc tháng 10/2015, hàm lượng COD vượt 3,53 lần và hàm lượng Amoni vượt 25,6 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Theo kết quả phân tích mẫu nước thải sau xử lý của 40 hộ sản xuất bột mì tại xã Hoài Hảo, được so sánh với QCVN 40:2011/BTNMT (cột B) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, một số chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần, như: BOD5 vượt từ 8 - 200 lần; COD vượt từ 4 - 150 lần; Amoni vượt từ  12 - 90 lần; Xi-a-nua (CN-) vượt từ 12 - 50 lần.

 

Hồ lắng bột tại các hộ sản xuất bột mì (công đoạn phát sinh nước thải sản xuất)

 

     Để giải quyết vấn đề ô nhiễm do nước thải sản xuất bột mì, năm 2005 - 2010, các hộ sản xuất bột mì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí khoảng 898 triệu đồng xây dựng công trình xử lý nước thải sản xuất bằng công nghệ xử lý sinh học. Đồng thời, tất cả các hộ sản xuất bột mì đã đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sản xuất. Theo khảo sát thực tế cho thấy, khoảng 80% số hộ sản xuất tại làng nghề đều thải nước thải sau xử lý ngay trong khu vực vườn nhà bằng hình thức xây các bể lắng nhiều ngăn, thu gom nước thải và cho ngấm trực tiếp vào lòng đất; 20% còn lại thải nước thải vào nguồn nước mặt. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, các hộ sản xuất bột mì chạy theo lợi nhuận kinh tế đã không ngừng tăng quy mô sản xuất lên gấp nhiều lần so với công suất của công trình xử lý nước thải ban đầu; không quan tâm đến môi trường chung quanh như: không vận hành công trình xử lý nước thải sản xuất hoặc vận hành công trình xử lý nước thải sản xuất một cách đối phó khi có cơ quan nhà nước kiểm tra; lén lút đấu nối đường ống xả thải trực tiếp nước thải sản xuất chưa xử lý ra môi trường (kênh mương Lại Giang). Bên cạnh đó, đa số các hộ sản xuất nằm trong khu dân cư, diện tích chật hẹp không đủ phục vụ cho việc sản xuất cũng như nơi tiêu thoát nước thải, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất xuống cấp và thời gian hoạt động liên tục kể cả vào giờ nghỉ ngơi của người dân xung quanh… Do đó làm môi trường trong khu dân cư ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt và gây bức xúc trong nhân dân.

     Trước tình trạng trên, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND xã Hoài Hảo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với hộ sản xuất bột mì vi phạm các quy định của pháp luật. Mặc dù, được tuyên truyền, vận động, kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần và bị xử phạt nhưng các hộ không chấp hành mà vẫn tiếp tục vi phạm và làm cho môi trường trong khu dân cư ngày một ô nhiễm hơn (thông qua các kết quả phân tích chất thải, khí thải, nước mặt). Để chấm dứt tình trạng này, ngày 30/12/2016, UBND huyện có Tờ trình số 622/TTr-UBND gửi UBND tỉnh về việc xin chủ trương và hỗ trợ kinh phí thực hiện Phương án chuyển đổi nghề và khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường đối với các cơ sở sản xuất bột mì trong khu dân cư trên địa bàn huyện.

     Ngày 11/7/2017, UBND tỉnh Bình Định có Văn bản số 3557/UBND-KT cho chủ trương ngừng hoạt động sản xuất bột mì trong khu dân cư trên địa bàn huyện Hoài Nhơn và hỗ trợ đối với các cơ sở đã ngừng sản xuất với mức 5 triệu đồng/cơ sở. Sau đó, UBND huyện có Văn bản số 861/UBND-TNMT ngày 7/8/2017 về chủ trương ngừng hoạt động sản xuất bột mì trong khu dân cư và tạm ứng ngân sách chi hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở để chuyển đổi ngành nghề (tổng số tiền đã hỗ trợ cho các hộ sản xuất bột mì trên địa bàn xã Hoài Hảo 970.000.000 đồng). Theo đó, UBND xã Hoài Hảo đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và lập thủ tục xử lý theo thẩm quyền các hộ sản xuất bột mì vi phạm Luật BVMT; Tuyên truyền, vận động và thông báo trên Đài truyền thanh xã chủ trương của UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện về việc nghiêm cấm sản xuất bột mì trong khu dân cư để người dân biết và tạo sự đồng thuận trong dân; Lập danh sách các cơ sở hoạt động ngành nghề sản xuất bột mì đã có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện lập thủ tục rút Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Đối với cơ sở hoạt động sản xuất, chế biến bột mì nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì lập danh sách gửi Điện lực Bồng Sơn đề nghị cắt điện phục vụ sản xuất bột mì theo đúng quy định. Đồng thời, thông báo đến nhân dân và các hộ sản xuất bột mì trên địa bàn biết chủ trương của UBND tỉnh về việc đồng ý ngừng hoạt động sản xuất bột mì trong khu dân cư, hỗ trợ kinh phí đối với các cơ sở đã ngừng sản xuất bột mì. Lập danh sách, niêm yết công khai các hộ sản xuất bột mì để người dân biết, kiểm tra, giám sát. Chi hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề cho các hộ sản xuất bột mì theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện. Để các hộ sản xuất bột mì không tái diễn việc sản xuất bột mì, UBND xã Hoài Hảo đề nghị các hộ sản xuất bột mì có bản cam kết không hoạt động sản xuất bột mì sau khi UBND tỉnh có chủ trương chấm dứt hoạt động và nhận kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề; Tiếp tục theo dõi tình hình các hộ sản xuất bột mì chấp hành chủ trương UBND tỉnh, huyện và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi nghề.

     Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban liên quan và UBND xã Hoài Hảo trong việc xử lý dứt điểm các hộ sản xuất bột mì trong khu dân cư, hiện nay, tất cả các hộ sản xuất bột mì đã chuyển đổi ngành nghề và chấm dứt hoạt động sản xuất bột mì trong khu dân cư theo chỉ đạo của cấp trên.

     Có thể nói, nghề sản xuất bột mì đi vào hoạt động đã giải quyết nhu cầu việc làm cho một số lao động tại địa phương góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống; Cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào để thúc đẩy phát triển những ngành nghề khác. Tuy nhiên, nghề sản xuất bột mì tồn tại và phát triển trong khu dân cư đã lâu, nhưng các hộ sản xuất bột mì chạy theo lợi nhuận kinh tế, không quan tâm đến công tác BVMT trong quá trình hoạt động sản xuất, đã gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là chất lượng nước thải sản xuất sau xử lý của các hộ sản xuất bột mì không đảm bảo vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép nhiều lần. Do đó, việc UBND tỉnh, huyện có chủ trương chấm dứt hoạt động sản xuất bột mì trong khu dân cư là phù hợp và cấp bách. Đến nay, các hộ sản xuất bột mì đã chuyển đổi sang nghề khác như: Làm công nhân tại tại Cụm công nghiệp Tam Quan và Hoài Hảo, tráng bánh tráng, kinh doanh... Đặc biệt, người dân trong xã Hoài Hảo và khu vực lân cận đồng tình và phấn khởi, vì đã trả lại môi trường trong lành cho làng quê.

 

Nguyễn Viết Hiệp

UBND xã Hoài Hảo

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)

 

           

 

Ý kiến của bạn