Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Đánh giá hiện trạng và các chức năng hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước đô thị (ao, hồ, đầm) tại phường Quảng An - Quận Tây Hồ, Hà Nội

01/04/2015

   Hà Nội được xây dựng trên địa hình đặc biệt bao quanh bởi sông Hồng, sông Tô lịch và hồ Tây. Điều kiện thủy văn đã tạo nên nhiều vùng đát ngập nước (ĐNN) nhỏ như các hồ, ao, đầm, đầm lầy, các bãi bồi, nằm ven và trong đô thị Hà Nội.

   Hồ Tây và hệ thống hồ lớn nhỏ, các khu đầm, ao từng là nguồn chính cung cấp thủy sản, rau, hoa và các loại sản phẩm khác cho Hà Nội trước đây. Các ao hồ đầm này có chức năng điều hòa lũ lụt nhưng các hồ ao đầm này đang đối diện với nguy cơ bị ô nhiễm, bỏ hoang và san lấp.

   Nghiên cứu "Đánh giá hiện trạng và các chức năng hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước đô thị (ao, hồ, đầm ) tại  phường Quảng An - quận Tây Hồ, Hà Nội’’ được thực hiện nhằm cung cấp các số liệu về hiện trạng chất lượng nước, hệ sinh thái và các chức năng của các vùng ĐNN tại  phường Quảng An, quận Tây Hồ - một phường có nhiều ao, hồ, đầm nhất quận.

 

   Located in a special topography, Ha Noi is surrounded by Red River, To Lich River and West Lake. As a result of hydrological conditions, a large number of wetlands such as ponds, lake, swamps and alluvial spots have been formulated in its suburban areas.

   West Lake and the other wetlands used to be the main sources for fisheries, vegetables, flowers and other food for Ha Noi. These wetlands also have flood regulating functions. However, they are facing risks of being polluted, abandoned and filled up.

   A study on assessing a current status and ecosystem functions of wetlands in Quang An, Tay Ho, Ha Noi was conducted to provide data on water quality, ecosystems and their functions in Quang An commune, a location with the most lakes, ponds and swamps in Ho Tay District.

   I. MỞ ĐẦU

   Hà Nội được xây dựng trên địa hình đặc biệt bao quanh bởi sông Hồng, sông Tô Lịch và hồ Tây. Điều kiện thủy văn đã tạo nên nhiều vùng đát ngập nước(ĐNN) nhỏ như các hồ, ao, đầm, đầm lầy, các bãi bồi, nằm ven và trong đô thị Hà Nội.Những vùng ĐNN có vị trí rất quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội. Hệ thống các hồ, ao, đầm của Hà Nội này ngoài chức năng điều hòa nước mưa, giảm thiểu ngập úng, còn là các điểm nhấn danh lam thắng cảnh, vui chơi, giải trí, lễ hội. Trước những thách thức của quá trình đô thị hóa, tăng tưởng dân số và biến đổi khí hậu, hiện nay, nhiều hồ ao đầm ở Hà Nội đang phải đối mặt với áp lực phát triển rất lớn và hệ sinh thái (HST) đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không được bảo tồn và quản lý, khai thác khôn khéo thì các vùng đất ngập nước tự nhiên độc đáo trong lòng Hà Nội sẽ bị tổn thương và có nguy cơ mất hẳn.

   Quận Tây Hồ, Hà Nội có một địa thế hết sức đặc biệt: nằm trên địa bàn quanh hồ Tây và tuyến đê giữa sông Hồng và hồ Tây, tức là giữa hai vùng ĐNN rất lớn. Hồ Tây và hệ thống hồ lớn nhỏ, các khu đầm, ao từng là nguồn chính cung cấp thủy sản, rau, hoa, và các loại sản phẩm khác cho Hà Nội trước đây. Các ao, hồ, đầm này có chức năng điều hòa lũ lụt nhưng các hồ ao đầm này đang đối diện với nguy cơ bị ô nhiễm, bỏ hoang và san lấp.

Nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng và các chức năng hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước đô thị (ao, hồ, đầm) tại phường Quảng An - quận Tây Hồ, Hà Nội’’ được thực hiện nhằm cung cấp các số liệu về hiện trạng chất lượng nước, HST và các chức năng của các vùng ĐNN tại phường Quảng An, quận Tây Hồ- một phường có nhiều ao, hồ, đầm nhất quận.

   II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

   2.1. Đối tượng nghiên cứu

   Đối tượng nghiên cứu: Các HST và dịch vụ HST hệ thống hồ, ao, đầm phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

   Địa điểm nghiên cứu: Các hồ, ao, đầm thuộc địa phận phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

   2.2. Phương pháp nghiên cứu

   Phương pháp nghiên cứu phân tích tổng quan tài liệu; Phương pháp điều tra, phỏng vấn: phỏng vấn qua mẫu phiếu và phỏng vấn sâu; Phương pháp lấy mẫu nước ở hồ ao, tự nhiên và nhân tạo theo TCVN 5994: 1995 (ISO 5667-4: 1987); Phương pháp phân tích và xác định các thông số chất lượng nước thực hiện theo hướng dẫn các tiêu chuẩn quốc gia:TCVN 6492-2011 (ISO 10523-2008) - Chất lượng nước - Xác định Ph; TCVN 7324-2004. Chất lượng nước - Xác định oxy hòa tan - Phương pháp iod; TCVN 6001: 1995 (ISO 5815: 1989) - Xác định BOD5.

   III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

   3.1 Hiện trạng các vùng ĐNN tại phường Quảng An

   Phường Quảng An là một phường có nhiều ao, hồ, đầm lớn nhỏ nằm xen kẽ giữa các khu dân cư. Tiến hành điều tra diện tích và phỏng vấn cộng đồng về hiện trạng của 10 ao, hồ, đầm lớn kết quả được trình bày ở bảng 1.

Bảng 1. Diện tích và kết quả tham vấn cộng đồng về hiện trạng các vùng ĐNN phường Quảng An - quận Tây Hồ

 

TT

Tên hồ

Diện tích (m2)

Kết quả tham vấn cộng đồng

1

Đầm Trị

59350

Diện tích Đầm Trị bị thu hẹp khoảng một phần năm so với trước đây. Đầm có nguy cơ bị lấn chiếm bởi các nhà hàng ở xung quanh. Bờ ngăn giữa Đầm Trị và ao chùa Phổ Ninh bị đổ vật liệu xây dựng, gạch đá ra để lấn chiếm.

2

Ao chùa phổ Ninh

25341

Ao chùa Phổ Linh chỉ được kè một phần. Phần còn lại ao có nguy cơ bị lấn chiếm nhiều do cỏ mọc hoang và đổ vật liệu xây dựng ra ven bờ.

3

Ao trước khách sạn Fraser Suites 1

3.250

Tên thường gọi là ao Dệt Lụa. Từ năm 1996, ao bị lấp một nửa để xây khách Fraser suites 22 tầng. Từ năm 2005, khi quận Tây Hồ sát nhập Phường Quảng An, ao được lấp một phần để xây Ủy ban. Hiện nay ao Dệt Lụa chỉ còn là hai ao nhỏ trước khách sạn Fraser Suites.

4

Ao trước KS Fraser Suites 2

2.159

5

Khu ao chéo

4.538

Trước đây ao Chéo thuộc ao chùa Phổ Linh, sau đó hợp tác xã tách ra thành ao riêng. Ao đã bị lấn chiếm nhiều, hiện nay chỉ còn lại là một ao hình tam giác.

6

Ao đình Tây Hồ

4.538

Trước diện tích ao đình Tây Hồ rất lớn, khoảng 8.500 m2. Diện tích ao giảm gần một nửa so với trước đây do bị lấp, lấn chiếm.

7

Khu ao Láng

7.832

Đã có quyết định san lấp nhưng hiện tại cấm không san lấp, trong kế hoạch sẽ được kè. Trước ao Láng thông với hồ Tây qua mương, thuyên nan đi lại được. Sau này bị các hộ gia đình lấp dần, nước không được lưu thông. Ao rất sâu. Diện tích ao còn lại khoảng 1/3 so với trước đây.

8

Khu hồ Quảng Bá

55555

Theo kết quả điều tra phỏng vấn, 100 % các gia đình cạnh hồ đều lấn chiếm hồ, làm diện tích hồ giảm. Có gia đình lấn 100m. Hồ Quảng Bá rất sâu, nên khả năng tự làm sạch tốt.

9

Khu đầm sen Quảng Bá 1

36299

Trước ao kéo dài ra tận sát giếng đình. Từ năm 1960, diện tích đã bị thu giảm do lấn chiếm và qui hoạch. Hiện nay diện tích giảm một nửa.

Trước thông với hồ Tây, trong bến có giếng tập kết thuyền. Sau đó hợp tác xã đắp bờ ngăn với hồ Tây để thả cá.

10

Khu đầm sen Quảng Bá 2

38512

 

   Kết quả khảo sát hiện trạng các ao, hồ, đầm ở phường Quảng An cho thấy, bị thu hẹp diện tích từ 1/2 - 1/3 so với diện tích ban đầu, do tác động của con người (lấn chiềm hoặc san lấp để xây dựng các công trình công cộng).

   Bảng 2.Chất lượng nước các ao, hồ, đầm phường Quảng An

STT

Tên hồ

pH

DO

(mg/l)

BOD5

(mg/l)

COD

(mg/l)

1

Hồ Quảng Bá

7,7

7,97

18

39

2

Ao trước Fraser Suites 1

7,48

6,30

24

37

3

Ao trước Fraser Suites 2

7,46

6,24

46

56

4

Ao Chéo

6,77

1,98

37

45

5

Ao chùa Phổ Ninh

7,68

7,08

23

36

6

Hồ Đầm Trị

7,90

4,64

33

48

7

Ao Láng

7,54

6,64

23

36

8

Đầm sen Quảng Bá 1

7,86

2,95

25,33

37

9

Đầm sen Quảng Bá 2

7,29

3,20

16

39

10

Ao đình Tây Hồ

7,02

0,60

42

55

QCVN 08:2008 (B1)

5,5 ÷ 9

≥ 4

≤ 15

≤ 30

Thông tư 43/2011/TT-BTNMT

6,5- 8,5

≥ 4

-

-

 

   Phân tích chất lượng nước mặt tại hệ thống ao hồ đầm thuộc phường Quảng An năm 2011 cho thấy: Các thông số BOD5 và COD tại các ao, hồ, đầm đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Các hồ đều có dấu hiệu bị ô nhiễm như nước có màu đen, mùi khó chịu, bề mặt có nhiều rác thải.Các thông số về PH đều nằm trong giới hạn cho phép cả theo QCVN và thông tư 43/2011/TT-BTNMT về giá trị giới hạn các thông số trong nước mặt dùng để bảo vệ đời sống thủy sinh.Thông số DO: một số hồ lớn, rộng như hồ Quảng Bá, Đầm Trị có giá trị thông số DO nằm trong giới hạn cho phép, còn lại các hồ, ao nhỏ và gần khu vực dân cư đều có thông số DO rất thấp. Cá biệt ao Đình Tây Hồ giá trị này gần như bằng 0.

   3.2. Hiện trạng hệ sinh thái

  Bảng 3. HST các hồ, ao, đầm tại phường Quảng An

TT

Tên hồ ao đầm

Động thực vật

Động vật

Thực vật

1

Hồ Quảng Bá

Cá rô phi, cá mè, cá trôi)

Mặt hồ sạch ít thực vật nổi, có bèo và rau muống ở ven bờ gần các hộ dân.

2

Đầm sen Quảng Bá 1

cá chép, cá mè, rô phi và các động vật thủy sinh khác (hồng trần, thủy trần…).

Toàn mặt hồ bao phủ bởi loài thực vật cắm rễ nổi là cây sen. Ngoài ra, theo quan sát không thấy có các loại thực vật trôi nổi (bèo tấm, bèo dâu…) và các loài thực vật chìm (rong rêu…).

3

Đầm sen Quảng Bá 2

cá chép, cá mè, rô phi và các sinh vật nước khác.

Thực vật chủ yếu là cây hoa sen bao phủ 100% mặt hồ.

4

Đầm Trị

cá chép, rô phi, trắm, cá trôi

Thực vật trên hồ chủ yếu là sen, súng, rau muống, chiếm khoảng 70% diện tích mặt hồ. Ngoài ra còn có rong, rêu.

5

Ao chùa Phổ Ninh

Cá rô phi, tôm nhỏ và nhiều động vật thủy sinh khác.

Thực vật chủ yếu là bèo dâu, rau muống và ngổ dại.

6

Ao Chéo

Nhện nước, bọ gậy, cá.

Thực vật gồm có bèo tây kết bè, rau muống mọc dại trên mặt nước, rong rêu, tảo che phủ mặt ao.

7

Ao Láng

Ao có nhiều cá và các loài động vật thủy sinh khác.

Theo quan sát không có thực vật trong ao.

8

Ao Đình Tây Hồ

Trong ao có cá và các động vật thủy sinh khác (hồng trần, thủy trần…).

Thực vật trên mặt hồ chủ yếu là rau muống (chiếm khoảng 80% diện tích mặt hồ), ngoài ra có bèo tấm (khoảng 10%), không có các loài thực vật chìm (rong, rêu…).

9

Ao trước khách sạn Fraser suites 1

Cá, rùa

Các loài thực vật trôi nổi trên mặt hồ có bèo tấm, bèo cái, bèo hoa dâu được thả bè nuôi trong các ô hình thoi chiếm khoảng 25% diện tích mặt hồ. Ngoài ra không thấy có các loài thực vật cắm rễ nổi (sen, sung…) và các loài thực vật chìm (rong rêu…).

10

Ao trước khách sạn Fraser suites 2

Cá rô phi

Các loài thực vật trôi nổi trên mặt hồ có bèo tấm, bèo cái, bèo hoa dâu được thả bè nuôi trong các ô hình thoi chiếm khoảng 15% diện tích mặt hồ; ngoài ra, ven bờ có cây rau muống. Theo quan sát không thấy có các loài thực vật cắm rễ nổi (sen, súng…) và các loài thực vật chìm (rong rêu…).

   Kết quả bảng 3 cho thấy, hệ động thực vật tại các hồ, ao, đầm khá nghèo nàn thể hiện của HST không khỏe mạnh. Hệ động vật chủ yếu là cá rô phi, cá mè và cá trắm là các loài được thả nuôi. Các loài tự nhiên điển hình cho HST nước đứng bị suy thoái, đặc biệt là các loài động vật đáy. Đặc biệt loài chim sâm cầm hay xuất hiện ở khu vực này trước đây không còn nữa.Các loài thực vật chủ yếu là sen do được trồng tại một số hồ ao lớn (Đầm sen Quảng Bá, Đầm Trị) để kinh doanh nên rất phát triển. Các ao hồ khác chủ yếu là rau muống hoặc bèo hoa dâu được thả kín (ao đình Tây Hồ, ao chùa Phổ Ninh).Một số ao, hồ khác có nhiều bèo tấm, tảo lục, rong rêu. Sự suy thoái của thực vật thủy sinh có thể do con người chặt bỏ trong quá trình lấn chiếm tác động đến hồ. Còn sự suy thoái của động vật bám đáy do nước bị ô nhiễm (DO phần lớn các ao, hồ này dưới 4 mg/l không đủ tiêu chuẩn giá trị giới hạn các thông số trong nước mặt dùng để bảo vệ đời sống thủy sinh - kết quả bảng 2).

   3.3. Giá trị chức năng chính của các hồ, ao, đầm

Bảng 4.Giá trị chức năng chính của các hồ, ao, đầm tại phường Quảng An

TT

Tên hồ ao đầm

Các giá trị chức năng chính

Tạo cảnh quan

Điều hòa không khí

Khai thác kinh doanh

Cung cấp nước tưới

Giá trị tâm linh, văn hóa

Tiếp nhận nước thải,
nước mưa, rác thải

1

Hồ Quảng Bá

 

 

Bơi thuyền

 

 

x

2

Đầm sen Quảng Bá 1

x

x

Nuôi cá

Trồng sen

 

 

 

3

Đầm sen Quảng Bá 2

x

x

Nuôi cá

Trồng sen

 

 

 

4

Đầm Trị

 

x

Rau muống

Sen

 

 

x

5

Ao chùa Phổ Ninh

 

x

Nuôi cá

 

 

 

6

Ao Chéo

 

 

 

 

 

x

7

Ao Láng

 

 

 

 

 

x

8

Ao Đình Tây Hồ

 

 

Trồng rau muống

 

 

x

9

Ao trước khách sạn Fraser suites 1

x

 

 

 

 

x

10

Ao trước khách sạn Fraser suites 2

x

 

Trồng rau muống

 

 

x

 

   Trên cơ sở khảo sát điều tra cho hầu hết các ao hồ đều đóng vai trò chứa nước thải sinh hoạt thậm chí một số hồ bị quá nhiều nước thải sinh hoạt thải vào như ao Chéo hay ao Láng. Một chức năng quan trọng khác đó là cung cấp sen và dịch vụ du lịch.Một số hồ sen lớn vào mùa sen nở chủ đầm thu rất nhiều nguồn lợi từ sen như bán hoa, hạt, lá sen, mở quán bán trà sen, cho thuê đầm sen để chụp ảnh hay đóng phim. Về mùa không có sen chủ đầm nuôi thả cá và mở dịch vụ câu cá đem lại lợi ích không nhỏ. Ngoài ra, các ao, hồ, đầm nơi đây còn có chức năng điều hòa không khí tốt, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát chính vì thế đã thu hút được nhiều khách du lịch và những người đến thăm quan, giải trí.

    IV. KẾT LUẬN

   Các vùng ĐNN tại phường Quảng An bị thu hẹp nhiều so với trước đây và có những dấu hiệu ô nhiễm như nước có màu đen, mùi khó chịu, bề mặt có nhiều rác thải... Các chỉ số ( BOD5, COD) tại các vùng đất ngập nước này đều vượt quá so với QCVN 08:2008 (B1); chỉ số pH, DO nằm trong giới hạn cho phép về giá trị giới hạn các thông số trong nước mặt dùng để bảo vệ đời sống thủy sinh trừ một số vùng ĐNN lớn có khả năng tự làm sạch như hồ Quảng Bá

   HST hệ động thực vật tại các hồ ao đầm khá nghèo nàn, không khỏe mạnh, ngoài một số hồ trồng sen còn các ao, hồ khác hầu như không có các loài đặc trưng, các loài động vật chủ yếu là cá rô, chép, trắm do nuôi thả, không có động vật bám đáy. Đặc biệt loài vật thường xuất hiện trước đây là chim sâm cầm hồ Tây hiện nay hầu như không còn xuất hiện nữa.

   Các chức năng của các ao, hồ, đầm tại đây là điều hòa không khí, tạo cảnh quan và là nơi chứa nước thải sinh hoạt trong vùng, một số còn được sử dụng để cung cấp hạt sen, dịch vụ du lịch và chụp ảnh.

Nguyễn Ngọc Lý, Nguyễn Trâm Anh

Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2015)

Ý kiến của bạn