Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) tại một số thành phố châu Á

22/05/2019

Tóm tắt

    Hiện nay, ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) là vấn đề nhận được sự được quan tâm của nhiều quốc gia, trong đó có các nước ở châu Á. Kết quả đánh giá số liệu quan trắc bụi PM2.5 từ các thiết bị đo đặt tại 15 Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ ở các thành phố (TP) châu Á trong giai đoạn 2016 – 2018 cho thấy mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 tại nhiều TP lớn của châu Á là khá nghiêm trọng. Kết quả quan trắc tại 15 TP đều có giá trị thông số PM2,5 trung bình năm vượt quá giới hạn do WHO đưa ra (Mục tiêu 2). Tại một số TP, tỉ lệ số ngày có giá trị thông số PM2,5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn của WHO cũng ở mức cao. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 tại các TP rất khác nhau, TP Hồ Chí Minh có mức độ ô nhiễm thấp nhất, New Delhi là TP có mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 lớn nhất, Hà Nội xếp thứ 10 và 11 trên tổng số 15 TP. Theo dõi diễn biến trong giai đoạn 2016 - 2018 cho thấy, một số TP như Bắc Kinh, Thẩm Dương, Thành Đô, Thượng Hải (Trung Quốc) và Hà Nội (Việt Nam), nồng độ bụi PM2.5 đã có xu hướng giảm. Do giới hạn của nguồn số liệu vì vậy các đánh giá trong bài báo chỉ phù hợp với các khu vực trung tâm thành phố, đối với các vùng ven đô và ngoại thành mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 có thể thấp hơn.

Từ khóa: AQI, chất lượng không khí, PM2.5, không khí các TP châu Á.

1. Đặt vấn đề

    Đầu năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra 10 vấn đề nghiêm trọng nhất có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của con người trên thế giới, trong đó vấn đề số 1 là “Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu”[1]. Cũng theo WHO có đến 97% các TP ở các nước có thu nhập thấp và trung bình với dân số trên 100.000 dân không đáp ứng theo hướng dẫn của WHO về chất lượng không khí. Các TP có mức độ ô nhiễm không khí cao tập trung chủ yếu tại khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam [2].Trong các chất gây ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) đã và đang là vấn đề nghiêm trọng nhất ở nhiều TP lớn tại châu Á. Chính vì vậỵ thông số bụi mịn (PM2.5) là thông số được quan tâm nhất hiện nay. Bài báo dưới đây sẽ đánh giá ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) tại 15 TP châu Á dựa trên số liệu quan trắc của Đại sứ QuánMỹ/Lãnh sứ quán Mỹ trong giai đoạn 2016 đến 2018.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.2. Thu thập số liệu

    Từ năm 2008, Cục BVMT Hoa Kỳ kết hợp với Bộ Ngoại giao bắt đầu tiến hành lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động (thiết bị đo bụi PM2.5) tại các Đại sứ quán (ĐSQ) và Lãnh sự quán (LSQ) Mỹ ở nước ngoài (đa số tại khu vực châu Á). Mục đích để cung cấp thông tin cho công dân Hoa Kỳ về chất lượng không khí tại nước sở tại, tuy nhiên các số liệu này đều được công bố công khai, vì vậy những người quan tâm đến chất lượng không khí tại các khu vực đó đều có thể truy cập. Năm 2008, thiết bị đo bụi PM2.5 đầu tiên được lắp đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, đến năm 2019 đã có 30ĐSQ và LSQ trên thế giới được lắp đặt thiết bị đo bụi PM2.5, trong đó tại khu vực châu Á là 23, một số ít các ĐSQ và LSQ được lắp đặt thêm thiết bị đo khí O3. Số liệu sử dụng trong báo cáo này là số liệu trung bình 1 giờ được lấy từ trang WEB công bố chất lượng không khí của Cục BVMT Hoa Kỳ[3].

 

Hình 1: Bản đồ 15 TP lắp thiết bị đo bụi PM2.5 của Hoa Kỳ

 

2.3. Xử lý số liệu

    Thiết bị đo bụi PM2.5 là thiết bị đo tự động liên tục, tuy nhiên có một số khoảng thời gian số liệu bị thiếu hoặc thiết bị báo lỗi, bảng bên dướitrình bày tỉ lệ số liệu sử dụng được tại 15/23 ĐSQ và LSQ. Các địa điểm còn lại thiết bị đo bụi PM2.5 được lắp đặt sau năm 2016 vì vậy chuỗi số liệu chưa đủ 3 năm.

 

Bảng 1: Tỉ lệ số liệu sử dụng được đối với thông số bụi PM2.5 tại các ĐSQ và LSQ Mỹ

Đơn vị: %

STT

Thành phố

Quốc gia

2016

2017

2018

1

Calcutta

Ấn Độ

96,64

94,84

86,59

2

Chennai

Ấn Độ

80,19

92,56

74,22

3

Hyderabad

Ấn Độ

94,39

94,06

82,57

4

Mumbai

Ấn Độ

89,33

85,89

76,70

5

New Delhi

Ấn Độ

96,48

92,41

94,54

6

Dhaka

Bangladesh

83,38

96,74

74,29

7

Jakarta

Indonesia

98,65

90,46

89,61

8

Ulaanbaatar

Mông Cổ

89,29

76,23

83,53

9

Bắc Kinh

Trung Quốc

99,41

97,93

97,57

10

Quảng Châu

Trung Quốc

92,35

93,56

95,49

11

Thẩm Dương

Trung Quốc

93,25

86,22

96,15

12

Thành Đô

Trung Quốc

98,60

97,60

95,27

13

Thượng Hải

Trung Quốc

96,53

96,04

59,03

14

Hà Nội

Việt Nam

94,46

98,68

91,21

15

TP. Hồ Chí Minh

Việt Nam

86,92

96,11

96,72

 
Ghi chú: Tỉ lệ số liệu sử dụng được tính bằng tỉ số giữa số lượng số liệu sử dụng trên số lượng số liệu thiết kế (ví dụ số lượng số liệu thiết kế 1 năm là 365x24=8.760 giá trị trung bình 1 giờ).
 

2.4. Đánh giá mức độ ô nhiễm không khí

   Tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá chất lượng không khí được lấy từ “Hướng dẫn của tổ chức y tế thế giới (WHO) về chất lượng không khí”[4].

 

Bảng 2. Hướng dẫn của WHO về chất lượng không khí và các mục tiêu

Đơn vị: µg/m3

Các mục tiêu cho PM2.5 theo Hướng dẫn của WHO về chất lượng không khí

Trung bình năm

Trung bình 24 giờ

Mục tiêu 1

35

75

Mục tiêu 2

25

50

Mục tiêu 3

15

37.5

Mức hướng dẫn về chất lượng không khí

10

25

 

    Mục tiêu 2 được lựa chọn cho các so sánh, đánh giá trong phạm vi bài báo này vì nó phù hợp với các TP lớn tại châu Á hiện nay, trong bối cảnh mục tiêu 3 sẽ rất khó đạt được trong một vài năm tới. Ngoài ra, giá trị quy định trong “Mục tiêu 2” đúng bằng giá trị giới hạn trong QCVN 05:2013/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh của Việt Nam.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

   Đối với mỗi một TP chỉ có 01 vị trí quan trắc đặt tại các ĐSQ và LSQ Mỹ, vì vậy số liệu quan trắc sẽ đại diện cho chất lượng không khí xung quanh khu vực đó. Các khu vực này là các khu vực trung tâm TP, nơi thường có chất lượng không khí kém nhất, các khu vực vùng ven đô thị và ngoại thành chất lượng không khí có thể tốt hơn.

3.1. Kết quả quan trắc theo trung bình 1 giờ

    Phân bố nồng độ bụi PM2.5 rất khác nhau giữa các TP, điều đó thể hiện mức độ khác biệt về ô nhiễm bụi PM2.5giữa các đô thị này. New Delhi có nồng độ bụi PM2.5trung bình cao nhất trong các thành phố. Cũng tại đây, trong năm 2017 và 2018 bách phần thứ 95 là 300 µg/m3, có nghĩa là 5% giá trị quan trắc trung bình 1 giờ lớn hơn 300µg/m3.Các khoảng thời gian nồng độ bụi PM2.5rất cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người[5]. Tại TP. Hồ Chí Minh nồng độ bụi PM2.5 cũng như khoảng phân bố là thấp nhất.

 

Hình 2: Biểu đồ dạng hộp giá trị quan trắc trung bình 1 giờ thông số PM2.5

 

Ghi chú:

- Vạch nằm giữa hộp là giá trị trung vị

- Hai đầu hộp là bách phần thứ 25 (là giá trị mà 25% số liệu thấp hơn giá trị này) và bách phần thứ 75 (là giá trị mà 75% số liệu thấp hơn giá trị này).

- Vạch trên cùng và vạch dưới cùng là bách phần thứ 5 và 95.

♦: Giá trị trung bình

*: Bách phần thứ 1 và 99

-: Giá trị tối đa và tối thiểu

3.2. Kết quả quan trắc theo trung bình 24 giờ

   Số ngày trong năm có giá trị quan trắc trung bình 24 giờ vượt quá mức giới hạn của WHO (Mục tiêu 2) tại 15 TP châu Á ở mức khá cao. TP. Hồ Chí Minh có từ 13-18 ngày trong năm chất lượng không khí không đạt “Mục tiêu 2” của WHO, đây là TP có số ngày không đạt thấp nhất. Các TP có số ngày vượt cao nhất là Mumbai, Dhaka, Bắc Kinh và đặc biệt là New Delhi có trên 2/3 số ngày trong năm giá trị quan trắc trung bình 24 giờ vượt quá mức giới hạn của WHO (Mục tiêu 2).

 

Bảng 3. Số ngày cógiá trị quan trắc bụi PM2.5  trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn của WHO (Mục tiêu 2) tại các TP châu Á

Thành phố

Quốc gia

2016

2017

2018

 

 

Số ngày đo

Số ngày vượt

Số ngày đo

Số ngày vượt

Số ngày đo

Số ngày vượt

Calcutta

Ấn Độ

362

173

362

171

348

199

Chennai

Ấn Độ

337

85

364

61

299

55

Hyderabad

Ấn Độ

360

179

362

201

326

199

Mumbai

Ấn Độ

350

148

340

180

317

206

New Delhi

Ấn Độ

362

248

350

254

360

262

Dhaka

Bangladesh

306

150

360

198

289

187

Jakarta

Indonesia

366

104

354

41

342

128

Ulaanbaatar

Mông Cổ

366

144

302

117

340

112

Bắc Kinh

Trung Quốc

366

196

365

151

363

146

Quảng Châu

Trung Quốc

361

54

356

72

354

53

Thẩm Dương

Trung Quốc

360

176

332

114

360

105

Thành Đô

Trung Quốc

365

241

364

179

354

137

Thượng Hải

Trung Quốc

363

125

363

104

228

40

Hà Nội

Việt Nam

356

143

365

101

354

88

TP. Hồ Chí Minh

Việt Nam

329

17

360

13

361

18

 

Ghi chú:

+ Số ngày đo: Tổng số ngày có kết quả quan trắc trong năm

+ Số ngày vượt: Số ngày có giá trị quan trắc vượt quá giới hạn trung bình 24 giờ (so với Mục tiêu 2 trong hướng dẫn của WHO)

+ Tỉ lệ vượt: Tỉ lệ số ngày có giá trị quan trắc vượt quá giới hạn (%).

 

Hình 3. Tỉ lệ số ngày giá trị bụi PM2.5 TB 24 giờ vượt quá giới hạn của WHO (Mục tiêu 2)

 

Hình 4. Bản đồ phân bố PM2.5 theo tỷ lệ % số ngày vượt chuẩn năm 2018

 

3.3. Kết quả quan trắc theo trung bình năm

    Toàn bộ 15 TP tại châu Á đều có giá trị quan trắc trung bình năm vượt quá giới hạn do WHO đưa ra (Mục tiêu 2). Tùy thuộc và từng TP, mức độ vượt quá giới hạn từ 1,1 đến 4,9 lần. Trong giai đoạn từ 2016 - 2018, một số TP như Mumbai (Ấn Độ) , Dhaka (Bangladesh) nồng độ PM2.5 có xu hướng tăng. Tuy nhiênmột số TP như Bắc Kinh, Thẩm Dương, Thành Đô, Thượng Hải (Trung Quốc) và Hà Nội (Việt Nam) là những thành phố thường được nhắc tới với mức độ ô nhiễm cao thì đã thấy có xu hướng giảm của bụi PM2.5. Một số TP như Quảng Châu (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia), TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) nồng độ bụi PM2.5 không thể hiện xu hướng biến động hiện rõ.

 

Hình 5: Biểu đồ kết quả quan trắc PM2.5 trung bình năm trong giai đoạn 2016-2018

 

3.4. So sánh mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 tại một số TP châu Á

    Từ các đánh giá ở phần trên cho thấy, ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) đã và đang xảy ra tại các TP lớn ở châu Á, tuy nhiên mỗi TP lại có mức độ ô nhiễm rất khác nhau. Trong giai đoạn 2016-2018, TP. Hồ Chí Minh có mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 thấp nhất. Tùy theo từng năm, Hà Nội xếp thứ 10 hoặc 11 trên tổng số 15 TP. TP. New Delhi có mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 cao nhất.

 

Bảng 4. Xếp hạng mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 tại một số TP châu Á

Thành phố

2016

2017

2018

New Delhi

1

1

1

Dhaka

6

2

2

Calcutta

2

3

3

Mumbai

9

4

4

Ulaanbaatar

5

6

5

Thành Đô

4

5

7

Hyderabad

8

7

6

Bắc Kinh

3

8

8

Thẩm Dương

7

9

10

Hà Nội

10

10

11

Jakarta

12

14

9

Thượng Hải

11

11

12

Quảng Châu

14

12

13

Chennai

13

13

14

TP. Hồ Chí Minh

15

15

15

 

Ghi chú: Xếp hạng mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 dựa trên giá trị quan trắc trung bình năm

4. Kết luận

    Kết quả quan trắc trong giai đoạn 2016 - 2018 cho thấy, ô nhiễm bụi mịn (PM2.5)ở nhiều TP lớn của châu Á là khá nghiêm trọng. Kết quả quan trắc PM2.5 tại 15 TP đều có giá trị PM2.5 trung bình năm vượt quá giới hạn do WHO đưa ra (Mục tiêu 2). Tỉ lệ số ngày có trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn của WHO tại nhiều thành phố cũng ở mức cao. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 tại các TP cũng khác nhau, TP. Hồ Chí Minh có mức độ ô nhiễm thấp nhất, New Delhi là TP có mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 lớn nhất, Hà Nội xếp thứ 10 và 11 (tùy theo từng năm) trên tổng số 15 TP. Theo dõi diễn biến trong giai đoạn 2016 – 2018 cho thấy, một số TP như Bắc Kinh, Thẩm Dương, Thành Đô, Thượng Hải (Trung Quốc), Hà Nội (Việt Nam), nồng độ bụi PM2.5 đã có xu hướng giảm.

 

Vương Như Luận1, Mạc Thị Minh Trà1

1Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt 1 năm 2019)

 

Tài liệu tham khảo

  1. Ten threats to global health in 2019. https://www.who.int/emergencies/ten-threats-to-global-health-in-2019.

  2. WHO ambient (outdoor) air quality  database Summary results, update 2018.

  3. https://airnow.gov/index.cfm?action=airnow.global_summary.

  4. WHO Air quality guidelines for particulate matter, ozone, nitrogen dioxide and sulfur dioxide, Global update 2005.

  5. Claire L.Leiser, Heidi A. Hanson, Kara Sawyer, Jacob Steenblik, Ragheed Al-Dulaimi, Troy Madsen, Karen Gibbins, James M.Hotaling, Yetunde Oluseye Ibrahim, James A.Van Derslice , Matthew Fuller, “Acute effects of air pollutants on spontaneous pregnancy loss: a case-crossover study” , Fertility and Sterility. 2018.

 

A study of Fine dust pollution (PM2.5) in Asian cities

Vuong Nhu Luan, Mac Thi Minh Tra

Northen Centre for Environmental Monitoring

Vietnam Environment Administration

Abstract

    Recently, fine dust pollution (PM2.5) is one of the problems attracted by many countries, including Asian countries. Monitoring data devices located at 15 US embassies and consulates in the period 2016-2018 shows results of assessment of PM2.5 dust in numbers of mega Asian cities, which is quite serious. Researching monitoring results in mentioned 15 mega Asian cities indicates all of those have the average annual PM2.5values ​​exceeding the limits set by the WHO (Goal 2). In some mentioned cities, the percentage days of which average PM2.5 parameter in 24-hour exceeding the WHO limit appears high. However, the level of PM2.5 dust pollution in those cities is quite different: Ho Chi Minh City owns the lowest pollution level, New Delhi is the city with the highest level of PM2.5 dust pollution, Hanoi ranked 10th and 11th out of 15 cities. Tracking developments in the period 2016 - 2018 shows some cities such as Beijing, Shenyang, Chengdu, Shanghai (China) and Hanoi (Vietnam), there has been reducing tendency of PM2.5 dust concentrations. Due to the limitation of data sources, the assessments in this article are only suitable for assessing the fine dust PM2.5 in center of those cities, while suburban and suburban areas have lower level of PM2.5 dust pollution.

Keyword: AQI, air quality, PM2.5, PM10, Asian cities ambient air.

 

Ý kiến của bạn