Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Ðánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp cải tạo, thay thế cây xanh một số tuyến phố khu vực nội đô Hà Nội

06/07/2017

     Tóm tắt

     Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đô thị và đang là mối quan tâm lớn của chính quyền địa phương cũng như người dân TP. Hà Nội. Trong nghiên cứu này, hiện trạng cây xanh trên 7 tuyến phố chính thuộc 3 quận nội đô Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông đã được điều tra, khảo sát. Kết quả cho thấy, bên cạnh những loại cây phù hợp như bằng lăng, phượng,… còn xuất hiện nhiều cây không phù hợp với đặc điểm cây xanh đường phố như trứng cá, ổi… do đặc điểm các loài cây này là cây gỗ nhỏ, rễ nông, dễ gãy đổ khi gặp mưa gió. Từ đó, danh mục một số loại cây xanh cần cải tạo, thay thế và các loại cây xanh có tuổi thọ cao, khả năng chống chịu mưa bão tốt… phù hợp với các tuyến phố khảo sát đã được đề xuất, ví dụ như ưu tiên trồng cây phượng vàng trên đường Cầu Giấy, Xuân Thủy… làm cơ sở khoa học cho các nhà quản lý địa phương trong việc ra các quyết định liên quan đến cải tạo, thay thế cây xanh đô thị tại Hà Nội. 

     Từ khóa: Hiện trạng, cây xanh đô thị, Hà Nội.

ASSESSING THE STATUS AND PROPOSING THE IMPROVEMENT AND REPLACEMENT OF GREEN TREES AT SOME ROADS IN THE INNER AREA OF HA NOI

     Phạm Thị Thu Hà, Trần Văn Thụy

     Faculty of Environmental Sciences, VNU University of Science

     Lê Hồng Chiến

     Ha Noi Institute for Socio - Economic Development Studies

     Lê Hà Phương

     Environment Faculty, Hanoi University of Natural Resources and Environment

     Dương Ngọc Bách

     Research Centre for Environmental Monitoring and Modeling, VNU University of Science

     Abstract

     Trees play an important role in urban development and are major concerns of local governments as well as people in Hanoi. In this research, the tree status at 7 main roads in 3 districts of Hai Ba Trung, Cau Giay, Ha Dong was investigated. The result showed that besides appropriate trees such as bằng lăng (Lagerstroemia speciose), phượng (Delonix regia), etc., there are other trees that are inappropriate with street tree characteristics, e.g. trứng cá (Muntingia calabura), Guava trees,… due to their characteristics of small trees, shallow roots, breaking and falling down during rain and wind. Based on the result, the list of trees needs to be improved and replaced and trees which have longevity, resistant ability with storms,… and accordant with the investigated roads are proposed, such as phượng vàng (yellow Poinciana) in Cau Giay, Xuan Thuy streets…, The study provides the scientific basis for local managers in making decisions related to the improvement and replacement of urban trees in Hanoi.

     Keyword: Status, urban trees, Hanoi.

     1. Mở đầu

     Cây xanh đóng một vai trò quan trọng, không chỉ có tác dụng cung cấp oxy, hấp thụ khói bụi ô nhiễm, cây xanh còn là một phần trong kiến trúc cảnh quan. Một hàng rào cây xanh có khả năng làm giảm 85% chất chì và một hàng cây rộng 30 m có thể hấp thụ hầu như toàn bộ bụi và một ha cây xanh có thể lọc từ không khí 50 - 70 tấn bụi/ năm [1]. Cây xanh đô thị có thể làm giảm từ 40% - 50% cường độ bức xạ mặt trời và hấp thụ 70% - 75% năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, vỏ cây, tán cây, thảm cỏ đều có tác dụng như vật liệu xốp, lá cây và thân cây chia cắt nhỏ sóng âm thanh từ đó làm giảm được tiếng ồn [1]. Cây xanh cũng là một trong những yếu tố tạo nên kiến trúc cảnh quan của một khu vực, cây xanh sử dụng trong việc trang trí cho khuôn viên rất đa dạng từ mảng rừng, khóm cây, mảng hoa,… tất cả đều mang những giá trị thầm mỹ cao, ảnh hưởng đến sự cảm nhận của con người về cảnh quan thiên nhiên [2].

     Nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của cây xanh trong quá trình phát triển đô thị, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách, văn bản về cây xanh như Luật Thủ đô [3], Quyết định số 6816/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội [4], Quyết định số 1495/QĐ-UBND về quy hoạch hệ thống cây xanh trên địa bàn TP [5], Kế hoạch số 134/KH-UBND với mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống cây xanh giai đoạn đến năm 2015 [6]… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của Thủ đô, hệ thống cây xanh đặc biệt là cây xanh đường phố đã xuất hiện một số các vấn đề: nhiều cây cong, nghiêng, phát triển không đều ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân; một số cây không được trồng theo đúng quy cách cây đô thị; một số cây được lựa chọn trồng chưa đúng chủng loại cây xanh đường phố... Do vậy, việc đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp cải tạo, thay thế cây xanh một số tuyến phố khu vực nội đô Hà Nội có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá tính phù hợp của hệ thống cây xanh so với quy định và trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp để lựa chọn cây trồng phù hợp.

     2. Đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu

     2.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

     Đối tượng nghiên cứu là cây xanh đường phố.

    Phạm vi nghiên cứu: Một số tuyến phố chính thuộc các quận: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông.

    Cụ thể: Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Minh Khai: (quận Hai Bà Trưng); Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trần Thái Tông: quận Cầu Giấy; Trần Phú: (quận Hà Đông).

     Việc lựa chọn các tuyến phố chính của 3 quận nội đô như trên nhằm so sánh, đánh giá hiện trạng cây xanh ở các tuyến phố thuộc khu vực nội đô lịch sử (đây là những cây đã được trồng nhiều năm thuộc các phố Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Minh Khai) và các khu phố mới thuộc khu vực nội đô mở rộng (các khu phố có cây xanh được trồng mới những năm gần đây thuộc các phố Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trần Thái Tông, Trần Phú). Đây là cơ sở để lựa chọn những cây trồng phù hợp cũng như đưa ra các giải pháp thích hợp nhằm quản lý, bảo vệ cây xanh tại các khu phố mới sau này. Ngoài ra, việc lựa chọn thí điểm các tuyến phố nêu trên cũng nhằm khảo sát lại những tồn tại ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh đường phố.

     Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 3/2016 đến tháng 5/2016.

     2.2. Phương pháp nghiên cứu

     a. Phương pháp điều tra, khảo sát

     Sử dụng phương pháp này để ghi hình, chụp ảnh hiện trạng dọc các tuyến phố lựa chọn. Trong đó tập trung khảo sát các nội dung sau: Chủng loại cây phổ biến trên các tuyến phố; Cây bóng mát, cây ăn quả, hoa...; Số lượng các loại cây phổ biến và các cây khác; Hiện trạng cây: phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu; không phù hợp: cong, nghiêng, mối đục thân...

     b. Phương pháp đo đạc, kiểm đếm

     Sử dụng công cụ hỗ trợ là thước dây, máy GPS cầm tay... nhằm xác định:

Kích thước các loại cây: đường kính cây, chiều cao cây, độ rộng của tán...;

Vị trí trồng cây: phù hợp khoảng cách tới cột điện, hố ga, hộ dân cư, dải phân cách...

     c. Phương pháp chuyên gia

     Xin ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực cây xanh, trong đó tập trung vào một số nội dung sau: Đánh giá hiện trạng cây xanh tại một số tuyến phố; Đánh giá quy cách cây xanh được trồng có phù hợp với quy hoạch, tiêu chuẩn; Đánh giá công tác trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ cây xanh đường phố; Đánh giá các chương trình, kế hoạch liên quan đến phát triển và bảo vệ cây xanh; Sự phân cấp quản lý cây xanh; Ý thức bảo vệ cây xanh của người dân.

     d. Phương pháp xác định, phân loại thực vật

     Thu mẫu vật (bao gồm cành lá, hoa, quả, và ảnh chụp toàn cây), giám định bằng phương pháp so sánh hình thái dựa trên các tài liệu chuyên khảo [7].

     e. Phương pháp thu thập tài liệu

     Thu thập các tài liệu liên quan, ví dụ: Các văn bản pháp luật (VBPL) của Chính phủ, các tiêu chuẩn của các Bộ, ngành; Các VBPL, chương trình, kế hoạch công tác của UBND TP. Hà Nội có liên quan đến vấn đề nghiên cứu; Các tài liệu, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học; Các bài, tin trên mạng Internet; Số liệu, báo cáo của các ngành chức năng như Sở TN&MT, Sở Xây dựng, báo cáo của các quận...

     3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

     3.1. Hiện trạng cây xanh đường phố trong phạm vi khảo sát

     Kết quả điều tra khảo sát trên 7 tuyến phố về số lượng, chủng loại, sự phân bố và đặc điểm cây xanh được thể hiện trong Bảng 1.

 

     Bảng 1. Số lượng, chủng loại, sự phân bố và đặc điểm cây xanh trên 7 tuyến phố khảo sát

TT

Tuyến phố

Số lượng cây

Chủng loại cây

Loại cây chính

Sự phân bố, đặc điểm cây xanh

1

Đại Cồ Việt (dài 2,5km)

161

12 loại cây chủ yếu: Bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers), Sung (Ficus racemosa L. var. miquelii (King) Corner), Me (Tamarindus indica L.), Trứng cá (Muntingia calabura L.), Bàng (Terminalia catappa L.), Phượng (Delonix regia Hook. O Raf), Dướng (Broussonetia papyrifera (L.) L’H’er .ex Vent.), Đa (Ficus elastica Roxb. ex Horn), Nhội (Bischofia javanica Blume), Hoa sữa (Alstonia scholaris (L.) R. Br.), Si (Ficus benjamina L.), Dâu da xoan (Allspondias lakoensis (Pierre) Stapf).

Bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers) với 127 cây, chiếm tỉ lệ 78,88%

- Đường kính: ≥50cm có 8 cây; 40 ÷ 50cm có 1 cây; <40cm có 149 cây.

- Chiều cao: £10m có 122 cây; 10 ÷ 15m có 19 cây; >15m có 17 cây.

- 3 cây đã gãy đổ, chết.

- Phân bố không đồng nhất, còn lẫn nhiều loại cây; Khoảng cách giữa 2 cây không đều, trung bình từ 2m đến trên 10m.

2

Trần Khát Chân (dài 2,2km)

199

16 loại cây: Bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers), Hoa sữa (Alstonia scholaris (L.) R. Br.), Xoài (Mangifera indica L.), Trứng cá (Muntingia calabura L.), Bàng (Terminalia catappa L.), Lộc vừng (Barringtonia acutangula (L.) Gaertn.), Phượng (Delonix regia Hook. O Raf), Ổi (Psidium gujava L.), Nhãn (Dimocarpus longan Lour.), Cau (Roystonea regia (H.B.K.) Cook), Bồ đề (Ficus religosa L.), Xà cừ (Khaya senegalensis Juss..), Si (Ficus benjamina L.), Đa (Ficus elastica Roxb. ex Horn), Dâu da xoan (Allspondias lakoensis (Pierre) Stapf), Trứng gà (Pouteria sapota (Jacq.) H. Moore & Stearn).

Hoa sữa (Alstonia scholaris (L.) R. Br.) với 163 cây, chiếm tỉ lệ 81,91%

- Đường kính: ≥50cm có 12 cây; 40 ÷ 50cm có 20 cây; <40cm có 160 cây.

- Chiều cao: £10m có 139 cây; 10 ÷ 15m có 52 cây; >15m có 1 cây.

- 4 cây đã chết (hoa sữa).

- 3 cây chưa trồng mới.

- Phân bố không đồng nhất; Khoảng cách giữa 2 cây không đều, trung bình từ 4m đến trên 10m.

3

Minh Khai (dài 3,65km)

343

24 loại cây: Đa (Ficus elastica Roxb. ex Horn), Dâu da xoan (Allspondias lakoensis (Pierre) Stapf), Dâm bụt (Hibiscus rosa-sinensis L.), Bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers), Phượng vàng (Delonix regia var Flavida), Lát hoa (Chukrasia tabularis A. Juss.), Hoa sữa (Alstonia scholaris (L.) R. Br.), Tếch (Tectonia grandis L.f.), Chẹo (Engelhardtia wallichiana Lindl), Keo (Acacia magnum Willd.), Trứng cá (Muntingia calabura L.), Xoài (Mangifera indica L.), Si (Ficus benjamina L.), Tre (bụi) (Bambusa vulgaris Schrad var. striata (lood. ex Lindl.) Gamble), Sấu (Dracotomelum  duperreanum Pierre), Muồng hoa vàng (Cassia splendida), Phượng (Delonix regia Hook. O Raf), Bàng (Terminalia catappa L.), Lộc vừng (Barringtonia acutangula (L.) Gaertn.), Dừa cạn (Cocos nucifera L.), Dướng (Broussonetia papyrifera (L.) L’H’er .ex Vent.), Hoa giấy (Bougainvillea spectabilis Willd), Bông gạo (Bombax ceiba  L.), Xà cừ (Khaya senegalensis Juss..).

Bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers) 62 cây (18,08 %), Phượng vàng 61 cây (17,78%), Bàng 60 cây (17,49%)

- Đường kính: ≥50cm có 31 cây; 40 ÷ 50cm có 12 cây; <40cm có 293 cây.

- Chiều cao: £10m có 238 cây; 10 ÷ 15m có 58 cây; >15m có 40 cây.

- 7 cây đã chết (Bằng lăng).

- Phân bố đa dạng, không đồng nhất; Khoảng cách giữa 2 cây không đều, trung bình từ 5m đến trên 10m.

4

Xuân Thủy (dài 1,6km)

170

7 loại cây: Bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers), Bàng (Terminalia catappa L.), Phượng (Delonix regia Hook. O Raf), Bạch đàn lá liễu (Eucalyptus exserta F. V Muell.), Sưa (Dalbergia rimosa var. tonkinensis (Prain) P. H. Ho), Phượng vàng (Delonix regia var Flavida), Móng bò (Bauhinia purpurea L.).

Phượng vàng (Delonix regia var Flavida) với 103 cây (60,59%)

- Đường kính: ≥50cm có 1 cây; 40 ÷ 50cm có 16 cây; <40cm có 151 cây.

- Chiều cao: £10m có 65 cây; 10 ÷ 15m có 41 cây; >15m có 62 cây.

- 2 cây đã chết.

- Phân bố không đồng nhất; Khoảng cách giữa 2 cây khá đồng đều, trung bình từ 5m đến 7m.

5

Cầu Giấy (dài 2,25km)

180

10 loại cây: Bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers), Hoa sữa (Alstonia scholaris (L.) R. Br.), Xoài (Mangifera indica L.), Sấu (Dracotomelum  duperreanum Pierre), Si (Ficus benjamina L.), Bàng (Terminalia catappa L.), Phượng vàng (Delonix regia var Flavida), Đa (Ficus elastica Roxb. ex Horn), Dâu da xoan (Allspondias lakoensis (Pierre) Stapf), Bạch đàn lá liễu (Eucalyptus exserta F. V Muell.).

Phượng vàng (Delonix regia var Flavida) với 116 cây (64,44%)

- Đường kính: ≥50cm có 2 cây; 40 ÷ 50cm có 15 cây; <40cm có 157 cây.

- Chiều cao: £10m có 92 cây; 10 ÷ 15m có 27 cây; >15m có 55 cây.

- 6 cây đã chết.

- Phân bố không đồng nhất; Khoảng cách giữa 2 cây chưa đồng đều, trung bình từ 5m đến 7m.

 

6

Trần Thái Tông (dài 0,94km)

164

8 loại cây: Bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers), Hoa sữa Hoa sữa (Alstonia scholaris (L.) R. Br.), Xoài (Mangifera indica L.), Sấu(Dracotomelum  duperreanum Pierre), Phượng (Delonix regia Hook. O Raf), Ổi (Psidium gujava L.), Trứng cá (Muntingia calabura L.), Dâu da xoan (Allspondias lakoensis (Pierre) Stapf).

Bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers) với 138 cây (84,15%)

- Đường kính: ≥50cm có 0 cây; 40 ÷ 50cm có 0 cây; <40cm có 164 cây.

- Chiều cao: £10m có 158 cây; 10 ÷ 15m có 4 cây; >15m có 2 cây.

- Phân bố không đồng nhất; Khoảng cách giữa 2 cây tương đối đồng đều, trung bình từ 2,5m đến 5m.

7

Trần Phú-Hà Đông (dài 1,54km)

291

15 loại cây: Sao đen (Hopea odorata Roxb.), Sấu (Dracotomelum  duperreanum Pierre), Bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers), Phượng (Delonix regia Hook. O Raf), Muồng hoàng yến (Cassia fistula L.), Trứng cá (Muntingia calabura L.), Hoa sữa (Alstonia scholaris (L.) R. Br.), Phượng vàng (Delonix regia var Flavida), Cau vua (Roystonea regia (H.B.K.) Cook), Sưa đỏ (Dalbergia rimosa var. tonkinensis (Prain) P. H. Ho), Long não (Cinnamomum camphora (L.) J. S. Persl), Bàng (Terminalia catappa L.), Đa (Ficus elastica Roxb. ex Horn), Dâu da xoan (Allspondias lakoensis (Pierre) Stapf), Lộc vừng (Barringtonia acutangula (L.) Gaertn.).

Sao đen (Hopea odorata Roxb.) với 137 cây (47,08%)

- Đường kính: ≥50cm có 7 cây; 40 ÷ 50cm có 6 cây; <40cm có 274 cây.

- Chiều cao: £10m có 258 cây; 10 ÷ 15m có 23 cây; >15m có 6 cây.

- 1 cây đã bị chặt; có 3 cây đã chết cần thay thế.

- Phân bố không đồng nhất; Khoảng cách giữa 2 cây chưa đồng đều, trung bình từ 4m đến 7m.

 

 

     3.2. Đánh giá tính phù hợp của cây xanh đường phố thuộc phạm vi khảo sát theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về Quản lý cây xanh đô thị

     a. Về chủng loại cây

     Kết quả khảo sát cho thấy, có khoảng 40 loài cây khác nhau, trong đó chiếm ưu thế là các loài hoa sữa, phượng vàng, bằng lăng, sấu, sao đen, lát hoa. Ngoài ra còn có các loài phượng, lộc vừng, nhội, móng bò… Đây là những loại cây phù hợp với cây xanh đường phố trồng trong các đô thị của Hà Nội. Những cây này ngoài cho hoa đẹp, lá xanh, cây còn tạo bóng mát cho các tuyến đường phố.

     Bên cạnh những cây phù hợp trồng trên các tuyến phố khảo sát xuất hiện nhiều cây không phù hợp với đặc điểm cây xanh đường phố (cây bóng mát). Những cây này có thể do người dân trồng tự phát nhưng không thuộc chủng loại đô thị, bố trí không đúng quy cách, khoảng cách và kích cỡ như dâu da xoan (Đại Cồ Việt,Trần Khát Chân, Minh Khai, Cầu Giấy, Trần Thái Tông), trứng cá (Trần Khát Chân, Minh Khai, Trần Thái Tông), sung (Đại Cồ Việt), dướng (Đại Cồ Việt),… Đặc điểm các loài cây này là cây gỗ nhỏ, rễ nông, dễ gãy đổ khi gặp mưa gió, có nhiều sâu róm, cong xấu, chiều cao thấp che khuất tầm nhìn gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông [7,8]. Việc trồng tự phát các loại cây không đúng chủng loại cây đô thị là thuộc hành vi bị cấm tại Khoản 1, Điều 7 - Các hành vi bị cấm của Nghị định số 64/2010 của Chính phủ [8] và Khoản 1 Mục 5 của Thông tư số 20/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng[9].

     b. Về quy cách trồng cây

     Khoảng cách giữa các cây: phần lớn các cây tại các tuyến đường khảo sát tuy được trồng với khoảng cách chưa đều nhau nhưng về cơ bản đã đảm bảo quy định khoảng cách tối thiểu về độ rộng giữa 2 cây là 4 - 6 m.

    Nhiều cây được trồng không theo đúng hàng lối, bị lùi hẳn vào phía bên trong so với các cây khác, tạo thẩm mỹ chưa đẹp, xuất hiện tại một số đoạn thuộc các phố Cầu Giấy, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Minh Khai.

     c. Về đặc điểm cây

     Đặc điểm cây xanh có sự khác biệt giữa các tuyến đường phố thuộc khu vực nội đô lịch sử (Nguyễn Chí Thanh, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Minh Khai) và các tuyến đường phố khu vực nội đô mở rộng (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trung Kính, Phạm Văn Bạch, Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi, Trần Phú).

     Các đường phố thuộc các quận khu vực nội đô lịch sử: tại các tuyến phố này tỉ lệ cây có đường kính trên 40 cm chiếm tỉ lệ cao. Những vi phạm gây hư hại đến tuổi thọ, đặc điểm của cây xanh tại các khu vực này xảy ra phổ biến hơn so với các khu vực nội đô mở rộng. Tình trạng này xảy ra do các cây trồng tại các tuyến phố có tuổi đời lớn, thân cây to, chiều cao đảm bảo nên nhiều người lợi dụng để đóng đinh, chăng dây đèn, treo biển quảng cáo. Bên cạnh đó, do đặc điểm kinh tế xã hội trong khu vực nội đô lịch sử đã tồn tại từ lâu đời nên xuất hiện nhiều hoạt động gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh đường phố.

     Các đường phố thuộc các quận khu vực nội đô mở rộng: tỉ lệ cây có đường kính lớn (trên 40 cm) chiếm tỉ lệ thấp (chủ yếu tập trung vào tuyến đường Xuân Thủy, Cầu Giấy). Cây bị đóng đinh, treo biển quảng cáo, biển hiệu, chăng dây điện, dây đèn có tỉ lệ ít hơn so với các tuyến phố khu vực nội đô lịch sử. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các cây tại các tuyến phố này đến các hố ga, cột điện, cột đèn (khoảng cách ≤ 1m) có tỉ lệ cao hơn đặc biệt tại hai tuyến đường Xuân Thủy và Cầu Giấy.

     Kết quả khảo sát cho thấy, đặc điểm về đường kính cây trên 50 cm chủ yếu tập trung tại các tuyến đường thuộc các quận nội đô cũ (Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Minh Khai), các tuyến đường mới (Trung Kính, Phạm Văn Bạch, Trần Thái Tông) không thấy xuất hiện các cây có đặc điểm này do các cây đều mới được trồng. Đường kính trên 50 cm là điều kiện cần để xác định có là cây cổ thụ hay không, điều kiện còn lại phụ thuộc vào việc xác định tuổi của cây.

     3.3. Đề xuất giải pháp cải tạo, thay thế cây xanh các tuyến phố khảo sát

     Việc đề xuất các giải pháp cải tạo, thay thế cây xanh đường phố thuộc phạm vi khảo sát dựa trên một số tiêu chí về việc lựa chọn cây xanh đường phố được đưa ra sau khi tham khảo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về Quản lý cây xanh đô thị [8], Thông tư số 20/2005/TT-BXD - Hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị [9] và TCVN9257 : 2012 – Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế [10], ví dụ: chủng loại cây phải phù hợp, kích thước cây trồng đảm bảo, cây phải có sức sống cao và tuổi thọ của cây là 50 năm trở lên. Tại các tuyến đường khảo sát xuất hiện nhiều loại cây không đúng chủng loại cây đô thị, cây đổ, chết, chưa trồng mới, chưa đáp ứng được tiêu chí về lựa chọn cây xanh đường phố. Danh mục, vị trí một số loại cây xanh cần cải tạo, thay thế được thể hiện tại Bảng 2.

 

Bảng 2. Danh mục một số loại cây không phải cây đô thị cần thay thế

 

TT

Loại cây

Số lượng (Cây)

Đại Cồ Việt

Trần Khát Chân

Minh Khai

Xuân Thủy

Cầu Giấy

Trần Thái Tông

Trần Phú

1

Trứng Cá (Muntingia calabura L.)

7

2

13

 

 

1

 

2

Ổi (Psidium gujava L.)

 

1

 

 

 

1

 

3

Cau (Roystonea regia (H.B.K.) Cook)

 

1

 

 

 

 

 

4

Dâu da xoan (Allspondias lakoensis (Pierre) Stapf)

4

1

28

 

1

2

3

5

Sung (Ficus racemosa L. var. miquelii (King) Corner)

1

 

 

 

 

 

 

6

Dướng (Broussonetia papyrifera (L.) L’H’er .ex Vent.

1

 

1

 

 

 

 

7

Bị chặt

 

 

 

 

 

 

1

8

Cây chết

3

4

7

2

6

 

3

9

Cây chưa trồng mới

 

3

 

 

 

 

 

 

 

     Các cây thuộc danh mục ở Bảng 2 không phải là cây đô thị do đặc điểm các loài cây này là cây gỗ nhỏ, rễ nông, dễ gãy đổ khi gặp mưa gió, cây có quả gây mất vệ sinh môi trường, có nhiều sâu róm, cong xấu, chiều cao thấp che khuất tầm nhìn gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông, mặt khác, độ rộng tán không lớn, lá nhỏ, thưa nên độ che bóng mát hạn chế. Do đó, các loại cây này cần được thay thế với các cây trồng phù hợp với đặc điểm của cây xanh đường phố. Một số loại cây trồng phù hợp với các tuyến phố khảo sát được đề xuất tại Bảng 3. Các loại cây này có giống cây địa phương dễ dàng thích nghi với điều kiện sống, bộ rễ sâu có khả năng chống chịu mưa bão tốt, cây có hoa tạo vẻ mỹ quan đường phố, cây có tuổi thọ cao, cành không giòn khó gẫy, cho bóng mát rộng.

 

 Bảng 3. Đề xuất loại cây trồng trên các tuyến khảo sát

TT

Tên đường

Chiều rộng vỉa hè (m)

Loại cây trồng

Tên cây trồng đề xuất tham khảo

1

Cầu Giấy

< 3

Trồng cây hiện có, vị trí thưa công trình

Ưu tiên trồng cây phượng vàng (Delonix regia var Flavida) cho đồng bộ

2

Xuân Thủy

3 - 5

Loại 1 hoặc 2

Ưu tiên trồng cây phượng vàng (Delonix regia var Flavida) cho đồng bộ

3

Trần Thái Tông

>5

Loại 2 hoặc 3

Ưu tiên trồng cây bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers) cho đồng bộ

7

Trần Phú - Hà Đông

>5

Loại 2 hoặc 3

Ưu tiên trồng cây sao đen (Hopea odorata Roxb.) cho đồng bộ

8

Đại Cồ Việt

3 - 5

Loại 1 hoặc 2

Ưu tiên trồng cây bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers) cho đồng bộ

9

Trần Khát Chân

>5

Loại 2 hoặc 3

Có thể lựa chọn trồng bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers)

10

Minh Khai

3 - 5

Loại 1 hoặc 2

Ưu tiên trồng cây phượng vàng (Delonix regia var Flavida), bằng lăng (Lagerstroemia speciosa Pers) hoặc bàng (Terminalia catappa L.) cho đồng bộ

 

 

     Ghi chú: Yêu cầu kỹ thuật của các loại cây bóng mát [9]:

- Loại 1 (cây tiểu mộc): là những cây có chiều cao trưởng thành nhỏ (£ 10m), khoảng cách trồng từ 4m - 8 m, khoảng cách tối thiểu đối với lề đường là 0,6m, chiều rộng vỉa hè từ 3m - 5m.

- Loại 2 (cây trung mộc): là những cây có chiều cao trưởng thành trung bình (>10m - 15m), khoảng cách trồng từ 8m đến 12 m, khoảng cách tối thiểu đối với lề đường là 0,8m, chiều rộng vỉa hè trên 5m.

- Loại 3 (cây đại mộc): là những cây có chiều cao trưởng thành lớn (>15m), khoảng cách trồng từ 12m - 15 m, khoảng cách tối thiểu đối với lề đường là 1m, chiều rộng vỉa hè trên 5m.

     4. Kết luận

     Kết quả nghiên cứu cho thấy, có khoảng 40 loài cây khác nhau, trong đó chiếm ưu thế là các loài hoa sữa (Trần Khát Chân có 163 cây, Trần Phú - 52 cây), phượng vàng (Cầu Giấy - 116 cây, Xuân Thủy - 103 cây, Minh Khai - 61 cây), bằng lăng (Đại Cồ Việt - 127 cây, Minh Khai - 62 cây, Trần Thái Tông - 138 cây), sao đen (Trần Phú - 137 cây), bàng (Minh Khai - 60 cây). Ngoài ra còn có các loài phượng, lộc vừng, nhội, móng bò… Đây là những loại cây phù hợp với cây xanh đường phố trồng trong các đô thị của Hà Nội. Bên cạnh đó còn xuất hiện nhiều cây không phù hợp với đặc điểm cây xanh đường phố như: Dâu da xoan (Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Minh Khai, Cầu Giấy, Trần Thái Tông), trứng cá (Trần Khát Chân, Minh Khai, Trần Thái Tông), sung (Đại Cồ Việt), Dướng (Đại Cồ Việt)… Một số tuyến đường đã xuất hiện nhiều cây chết khô: Minh Khai (7 cây), Cầu Giấy (6 cây), Trần Khát Chân (4 cây), Đại Cồ Việt, Trần Phú (3 cây),…

     Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn cho thấy có sự phân bố cây xanh không đều trong cùng một tuyến phố và giữa các tuyến phố với nhau. Khoảng cách giữa các cây cũng không đồng đều. Đường kính cây trên 50 cm chủ yếu tập trung tại các tuyến đường thuộc các quận nội đô cũ (Trần Khát Chân 12 cây, Đại Cồ Việt 8 cây, Minh Khai 31 cây), các tuyến đường mới (Trần Thái Tông) không thấy xuất hiện các cây có đặc điểm này do các cây đều mới trồng.

     Từ các kết quả điều tra khảo sát và đánh giá hiện trạng, danh mục một số loại cây xanh cần cải tạo, thay thế và các loại cây xanh phù hợp đối với các tuyến phố khảo sát đã được đề xuất, làm cơ sở khoa học cho các nhà quản lý địa phương trong việc ra các quyết định liên quan đến cải tạo, thay thế cây xanh đô thị tại Hà Nội■

     Tài liệu tham khảo

Hàn Tất Ngạn, Kiến trúc cảnh quan, NXB Xây dựng, 1999.

Quốc hội nước CHXHCNVN, Luật Thủ đô số 25/2012/QH13, 2012.

UBND TP Hà Nội, Quyết định 6816/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2013 về việc phê duyệt đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn năm 2014-2015, Hà Nội, 2013.

UBND TP Hà Nội, Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2013 về việc đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2015, Hà Nội, 2013.

UBND TP Hà Nội, Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2014 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Hà Nội, 2013.

Nguyễn Nghĩa Thìn, Các phương pháp nghiên cứu thực vật, NXB Giáo dục, 2006.

Chính phủ, Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về Quản lý cây xanh đô thị, Hà Nội, 2010.

Bộ Xây dựng, Thông tư số 20/2005/TT-BXD - Hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị, Hà Nội, 2005.

Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị & Nông thôn - Bộ Xây dựng, TCVN9257:2012 - Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế, 2012.

      Devuyst.D, How Green is the city, Columbia University Press, 2001.

 

 Phạm Thị Thu Hà*

Trần Văn Thụy

Khoa Môi trường, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội

Lê Hồng Chiến2

2Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội

Lê Hà Phương3

Khoa Môi trường, trường ĐH TN&MT Hà Nội

Dương Ngọc Bách4

Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường,Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội

(Tạp chí Môi trường số chuyên đề I năm 2017)

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn