Banner trang chủ

Thanh Hóa: Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển

25/03/2021

     Thanh Hóa nằm ở vùng Bắc Trung bộ, hàng năm thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ làm thiệt hại về người và tài sản, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống nhân dân. Chỉ tính riêng năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 24 trận thiên tai (15 đợt giông, lốc kèm theo mưa lớn, mưa đá; 3 cơn bão; 6 đợt nắng nóng). Đặc biệt, có 610 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có 78 hồ chứa không đảm bảo an toàn; 3.978 hộ gia đình với 17.614 nhân khẩu đang phân bố và sinh sống thường xuyên tại những nơi có nguy cơ sạt lở đất… Đứng trước những dự báo có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân cũng như nhận thức rõ những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch ứng phó với BĐKH như: Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn 2020 (năm 2011); Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” (năm 2013); Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2017) và gần đây nhất là Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (năm 2020)… Cùng với đó, nhiều dự án cũng đã được thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó có Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của BĐKH cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (Dự án GCF). Sau 4 năm triển khai tại tỉnh Thanh Hóa, Dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp địa phương chống chịu những tác động, ảnh hưởng của BĐKH.

     Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ, với sự hỗ trợ của UNDP được triển khai thực hiện từ cuối năm 2017. Bộ NN&PTNT là cơ quan chịu trách nhiệm với UNDP để quản lý dự án, giám sát, đánh giá các hoạt động dự án, đảm bảo đạt kết quả Dự án và hiệu quả sử dụng các nguồn lực của UNDP. Mục tiêu của Dự án nhằm: Tăng cường khả năng chống chịu cho hạ tầng nhà ở dân sinh trước những tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ ổn định cuộc sống và điều kiện an toàn cho các hộ dân tại những vùng thường xuyên chịu thiên tai; Tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn, làm chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển, góp phần hấp thụ khí carbon để giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao đa dạng sinh học; Thiết lập và tăng cường ứng dụng hệ thống thông tin rủi ro thiên tai và rủi ro khí hậu để hỗ trợ quá trình ra quyết định và lập quy hoạch, kế hoạch có tính tới các rủi ro và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Dự án được triển khai tại 28 tỉnh ven biển của Việt Nam và dự kiến sẽ có 20.000 người hưởng lợi từ nhà ở chống chịu với khí hậu; 100.000 người hưởng lợi từ tái sinh rừng ngập mặn; và khoảng 30 triệu cư dân ven biển hưởng lợi từ lập kế hoạch đã cải thiện và bản đồ rủi ro được tăng cường nhờ có thông tin rủi ro khí hậu đáng tin cậy.

    Tỉnh Thanh Hóa tham gia cả 3 hợp phần của Dự án. Trong đó, hợp phần 1 bổ sung các tính năng chống chịu bão, lụt cho những hộ nghèo và dễ bị tổn thương do thiên tai trước những tác động của BĐKH tại các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn); hỗ trợ ổn định cuộc sống và điều kiện an toàn cho các hộ dân thường xuyên bị thiên tai vùng ven biển của tỉnh. Năm 2018, tỉnh bắt đầu triển khai thực hiện Dự án. Kết quả, sau 4 năm thực hiện, đến nay, Dự án đã hỗ trợ xây dựng mới cho 1.153/1.403 căn nhà (đạt 82,1%) cho các hộ nghèo chống, chịu bão, lụt tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ; trồng, phục hồi 350/400 ha rừng ngập mặn (đạt 87,5%), trong đó trồng mới 50 ha, trồng bổ sung 300 ha; hỗ trợ 7 mô hình sinh kế cho các cộng đồng, hộ dân bị ảnh hưởng từ việc trồng, phục hồi rừng ngập mặn tại huyện Hậu Lộc và Nga Sơn. Ngoài ra, phối hợp với Ban Quản lý (BQL) Dự án hợp phần 3 tổ chức 3 lớp tập huấn cấp tỉnh cho cán bộ giảng viên TOT cấp tỉnh và 56 lớp tập huấn cấp xã về lập kế hoạch rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, với đối tượng là cán bộ phụ trách công tác quản lý thiên tai cùng cộng đồng địa phương vùng ven biển…

     Có thể nói, các hoạt động của Dự án GCF đều mang tính cấp thiết và có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh BĐKH và diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay. Trong đó, việc hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo chống, chịu bão, lụt mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và được xem là hoạt động trọng điểm thuộc hợp phần 1 của tỉnh Thanh Hóa. Kết quả thực hiện Dự án thời gian qua trên địa bàn tỉnh được đánh giá khá hiệu quả, có ý nghĩa rất quan trọng giúp địa phương chống lại những tác động, ảnh hưởng của BĐKH. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cũng gặp không ít khó khăn. Có thể thấy rằng các hộ gia đình tham gia hợp phần 1 phần lớn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, do đó, việc huy động thêm các nguồn lực khác để xây dựng nhà bị hạn chế. Hiện nay, quỹ đất, rừng ngập mặn có hạn, trong khi tỉnh Thanh Hóa hiện có 3 dự án trồng, hầu hết diện tích còn lại để bố trí cho các dự án đều có điều kiện hiện trường quá khó khăn. Ngoài ra, đơn giá hỗ trợ việc trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn theo văn kiện Dự án thấp, trong khi những diện tích đủ điều kiện để thực hiện Dự án là những nơi có điều kiện lập địa khó khăn. Bên cạnh đó, người dân một số địa phương vẫn đang khai thác, đánh bắt thủy sản trên diện tích trồng rừng bổ sung, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng.

    Để Dự án GCF hoàn thành theo đúng kế hoạch, thời gian tới, BQL Dự án GCF tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện các giải pháp: Tích cực chủ động đấu mối với các phòng chuyên môn của UBND các huyện, UBND các xã có kế hoạch phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương nhằm vận động, quyên góp, ủng hộ bằng tiền mặt hoặc ngày công lao động để giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn hoàn thành xây dựng nhà theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã tiến hành rà soát, xác định quỹ đất đủ điều kiện để đưa vào thiết kế trồng rừng; tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Dự án, đề xuất lồng ghép nguồn trồng rừng thay thế để thực hiện trồng rừng ngập mặn đảm bảo hiệu quả, đúng kỹ thuật theo các quy định của cơ quan có thẩm quyền về trồng rừng ngập mặn; đôn đốc, giám sát nhà thầu thi công thực hiện việc trồng rừng đảm bảo đúng thiết kế đã được Sở NN&PTNT phê duyệt.

     Đối với diện tích do điều kiện hiện trường quá khó khăn, không đảm bảo các quy định về trồng rừng ngập mặn, BQL Dự án GCF tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND các huyện, xã tiến hành đánh giá cụ thể. Đồng thời, đề xuất đại diện Nhà tài trợ, BQL Dự án Trung ương không tiếp tục thực hiện trồng rừng nhằm đảm bảo nguồn lực từ Dự án và các nguồn lực khác được sử dụng hiệu quả, đúng quy định.

    Về phía địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cần quan tâm hơn nữa đối với đối tượng người nghèo và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay của chương trình trình để hoàn thiện xây dựng nhà chống bão lũ. Bên cạnh đó, việc trồng rừng cần phải có quy hoạch, tính toán đa mục tiêu trồng rừng kết hợp du lịch, nuôi trồng thủy sản... hướng đến việc phát triển kinh tế vùng ven biển của tỉnh.

Thanh Hoa - Hương Đỗ

Ý kiến của bạn