Banner trang chủ

Thúc đẩy mô hình đối tác công tư trong xử lý chất thải y tế

09/06/2016

   Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong xử lý chất thải y tế (CTYT) là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia xử lý CTYT. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, công tác thu gom và xử lý CTYT thông qua PPP là hiệu quả, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư tài chính, đổi mới cơ sở vật chất - kỹ thuật, công nghệ và đào tạo nhân lực theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế (CSYT).

   Trong những năm qua, công tác BVMT luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm. Điều này đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 41-NQ/TW về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để công tác BVMT đạt hiệu quả, Nhà nước khuyến khích các cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia BVMT, đặc biệt tham gia các dịch vụ thu gom, tái sử dụng, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải...

   Trong xử lý CTYT, PPP đã được triển khai gần 10 năm trong khuôn khổ các chính sách xã hội hóa, hoặc thí điểm đầu tư theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 9/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến năm 2015, quan hệ “công - tư” mới được luật hóa bằng Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

   Tình hình đầu tư hệ thống xử lý CTYT tại các CSYT

   Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tổng lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh từ các CSYT khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có 47 tấn/ngày là chất thải nguy hại; tổng lượng nước thải y tế phát sinh tại các CSYT khoảng 125.000m3/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, trên phạm vi toàn quốc, còn khoảng 15% CSYT chưa thực hiện việc xử lý CTR y tế theo đúng quy định; 42% CSYT có hệ thống xử lý nước thải (XLNT) xuống cấp, hư hỏng, không hoạt động thậm chí chưa có hệ thống XLNT; đặc biệt còn khoảng 172 CSYT nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để. Nhìn chung, CTYT nguy hại của các CSYT đang được xử lý theo các hình thức:

   Đối với nước thải y tế, chủ yếu là các CSYT tự xử lý (tự đầu tư trạm xử lý và hệ thống thu gom) trước khi thải ra bên ngoài trừ các đô thị có hệ thống XLNT tập trung của TP. Hình thức ít phổ biến hơn là thuê đơn vị có chức năng để XLNT y tế theo 2 phương thức: Hợp đồng với công ty bên ngoài có chức năng và tư cách pháp nhân để XLNT bao gồm đầu tư và vận hành hệ thống, CSYT bố trí mặt bằng và trả phí xử lý theo thỏa thuận (các hợp đồng có thời gian khoảng 10 năm và sau đó bàn giao lại cho CSYT); Thuê đơn vị bên ngoài có năng lực kỹ thuật vận hành hệ thống sẵn có của CSYT.

   Về cơ chế nguồn vốn và tài chính, các CSYT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước như sự nghiệp môi trường, đầu tư phát triển. Tuy nhiên, các nguồn vốn này rất hạn hẹp, nên một số CSYT đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư XLNT dưới hình thức hợp đồng BOT. Tại TP. Hồ Chí Minh, các BV: Nhi đồng I, Hùng Vương, Nhân dân 115, Răng Hàm Mặt Trung ương Hồ Chí Minh đã áp dụng hình thức này với quy mô đầu tư trung bình từ 250 m3/ngày đêm đến 1.000 m3/ngày đêm, chi phí đầu tư trung bình khoảng 1,5 tỷ đồng/100m3. BV trả kinh phí vận hành hàng tháng với chi phí khoảng 10.000đ/m3. Các đối tác tư nhân tham gia các hợp đồng BOT nêu trên được vay vốn ưu đãi (tối đa là 60% tổng vốn đầu tư với lãi suất 0% trong 7 năm) từ nguồn kinh phí kích cầu của UBND TP.

   Đối với CTR y tế, có hai hình thức xử lý. Hình thức thứ nhất là xử lý tại chỗ, các CSYT tự xử lý (chủ yếu ở CSYT tuyến dưới) theo phương thức đốt tại chỗ hoặc thuê đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý. Theo số liệu báo cáo, hầu hết các lò đốt rác y tế tại chỗ không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường như QCVN 02:2012/BTNMT, có nơi lò đốt đã xuống cấp gây nguy cơ ô nhiễm môi trường hoặc phát sinh chất thải nguy hại thứ phát (dioxin). Hình thức thứ hai là hợp đồng thuê xử lý tập trung, đơn vị bên ngoài CSYT vận chuyển và xử lý, được áp dụng phổ biến ở CSYT tại khu vực đô thị. Về cơ chế tài chính, các CSYT trả phí vận chuyển, xử lý theo số lượng chất thải phát sinh, tuy nhiên do chi phí xử lý môi trường chưa được kết cấu trong giá dịch vụ y tế nên các CSYT còn gặp khó khăn. Đồng thời, các cơ sở xử lý rác thải tập trung không có khu xử lý riêng đối với chất thải sinh học. Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển rác thải y tế đều sử dụng phương tiện vận chuyển rác thông thường nên tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Huy động các thành phần kinh tế tham gia xử lý chất thải y tế

   Triển khai PPP trong xử lý CTYT - Những thuận lợi và khó khăn

   Thời gian qua, sự gia tăng CTYT và sự đáp ứng không phù hợp của hệ thống/thiết bị đã gây khó khăn cho công tác xử lý chất thải, BVMT tại các CSYT. Bên cạnh đó, ngân sách chi thường xuyên cho các hoạt động quản lý chất thải của các CSYT còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân, cán bộ y tế và cộng đồng. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp, dự án xã hội hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác khám chữa bệnh và công tác xử lý CTYT.

   Tại các CSYT triển khai đầu tư hệ thống XLNT theo hình thức PPP, việc xử lý CTYT luôn được tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng các quy định hiện hành, đặc biệt là nước thải luôn đạt tiêu chuẩn môi trường. Mặt khác, các CSYT được đảm bảo về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia, đảm bảo nguyên tắc cùng có lợi và không có xung đột về lợi ích.

   Bên cạnh đó, cơ chế tài chính tại các CSYT tham gia hình thức PPP rất khả thi, giảm gánh nặng đầu tư cho các CSYT với trung bình 1 giường bệnh/1 ngày cần chi 7.310 đồng cho việc xử lý CTYT, bao gồm CTR và nước thải. Ngoài ra, các CSYT vẫn có quyền sở hữu, quản lý dự án và có khả năng thu hút, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi.

   Đối với các công ty thực hiện các dự án PPP về xử lý CTYT cần phải đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của CSYT. Đồng thời sử dụng những kỹ năng, công nghệ hiện đại và tính hiệu quả của khu vực tư nhân. Đặc biệt, việc đưa vốn tư nhân vào sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng về tài chính cho CSYT/ngân sách nhà nước.

   Bên cạnh những thuận lợi, các dự án PPP trong xử lý CTYT được triển khai thời gian qua cũng gặp một số khó khăn, tồn tại, cụ thể như kinh phí để xử lý CTYT đều do CSYT phải tự chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước cấp (trong nguồn kinh phí tự chủ), không có mục ngân sách riêng chi cho việc xử lý CTYT. Nhiều CSYT chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm trong BVMT, phòng chống dịch bệnh và các yếu tố nguy cơ tới sức khỏe, còn trông chờ Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT. Mặt khác, chi phí đầu tư xây dựng, trang thiết bị và chi phí vận hành XLNT CSYT rất tốn kém; việc đầu tư hệ thống xử lý CTYT theo hình thức PPP thời gian hoàn vốn dài, thủ tục đầu tư nhiều và giá xử lý CTYT khó xác định và chưa thống nhất.

   Để thúc đẩy mô hình PPP trong xử lý CTYT, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách trong xử lý CTYT. Trên cơ sở Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù trong xử lý CTYT cho phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời tạo lập khuôn khổ pháp lý và chính sách thực thi bình đẳng, minh bạch, hiệu quả, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ vào các dự án xử lý chất thải theo hình thức PPP.

Nguyễn Hữu Hùng

Bộ Y tế

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2016)

Ý kiến của bạn