Banner trang chủ

Tăng cường thu gom, xử lý rác thải điện tử

27/09/2018

     Ở Việt Nam, việc thu hồi và xử lý rác thải điện tử đã được phát động tại TP.HCM và Hà Nội nhằm thu gom, tái chế, giảm thiểu mối nguy hại của rác thải điện tử, góp phần BVMT.

     Rác điện tử, loại rác độc hại

     Rác thải điện tử là những sản phẩm sử dụng điện có dây dẫn điện hay pin, chất bán dẫn và thường chứa ít hoặc nhiều các loại hóa chất độc hại.

     Với sự phát triển của công nghệ, số lượng rác thải điện tử đang có xu hướng gia tăng theo từng năm, nếu xử lý không đúng cách sẽ gây ô nhiễm đến môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, bởi các chất độc này đi vào cơ thể sẽ gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa bình thường, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, hô hấp, tim mạch, thần kinh.

     Hiện nay, các thiết bị điện tử hết giá trị sử dụng đều bị bỏ chung với rác thải sinh hoạt để xử lý chôn lấp. Một số chất như chì, thủy ngân, đồng, niken, bari hay arsen có rất nhiều trong các thiết bị điện tử, khi chúng không được phân hủy sẽ rò rỉ ra môi trường rất nguy hiểm. Đặc biệt, pin là loại rác thải độc hại nhất, trong pin có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm, cadmium… cực độc nếu đi vào cơ thể con người dù chỉ một lượng nhỏ. Nếu vứt pin cũ vào thùng rác, pin bị đốt bỏ hoặc chôn với rác thải thông thường, chúng đều gây ô nhiễm đến môi trường không khí, đất và nước. Bạn có biết, một viên pin khi vứt đi có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 m3 đất trong 50 năm.

 

Hãy phân loại rác để BVMT và tiết kiệm tài nguyên

 

     Năm 2014, Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết nạn gia tăng lượng rác thải điện tử và mong muốn xây dựng một quy trình tái chế rác thải điện tử chuyên nghiệp để thay thế các phương pháp tái chế không đạt tiêu chuẩn. Từ đó ngăn chặn tác động tiêu cực của rác điện tử đến sức khỏe và môi trường.

     Tái chế để giảm ô nhiễm môi trường

     Việt Nam Tái Chế (VNTC) là tổ chức chuyên thực hiện việc thu hồi và xử lý miễn phí rác thải điện tử, trong đó có hỗ trợ xử lý pin đã qua sử dụng. Chương trình này được cung cấp và tài trợ bởi các nhà sản xuất điện tử. Những năm gần đây, VNTC đã kết hợp với Sở TN&MT TP.HCM, 10 trường đại học (trong nước và quốc tế trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội) phát động nhiều chương trình thu gom rác thải điện tử, hướng dẫn cách sử dụng, loại bỏ các thiết bị điện tử đã qua sử dụng một cách thân thiện với môi trường. Các hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng từ phía các doanh nghiệp, người dân, nhất là trường đại học.

     Theo quy trình, tất cả thiết bị điện tử bị thải bỏ được VNTC vận chuyển bằng xe chuyên dụng có giấy phép phù hợp theo quy định. Sau đó đưa đến nhà máy được cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Tại đây, các thiết bị điện tử sẽ được xử lý bằng cách tháo dỡ theo quy trình chuyên biệt, tuân thủ việc bảo vệ môi trường và sức khỏe. Theo thống kê của VNTC, tổng khối lượng thiết bị điện tử đã được thu gom từ năm 2015 đến hết năm 2017 khoảng 15 tấn. Trong đó, riêng năm 2017 VNTC đã thu gom được 10 tấn rác thải điện tử. Chủ yếu lượng rác thải điện tử được thu gom từ các doanh nghiệp, gồm máy tính, máy in, máy fax, máy scan… 

     Tuy nhiên, tổng khối lượng thiết bị điện tử đã được thu gom vẫn chỉ là con số quá nhỏ so với hơn 90.000 tấn rác thải điện tử mà người Việt Nam thải ra mỗi năm. Do vậy, VNTC và Sở TN&MT TP.HCM đang phối hợp với các trường đại học tổ chức thu gom rác thải điện tử. Đồng hành cùng Chương trình, mỗi trường đại học đặt một thùng chứa rác thải điện tử ngay tại khuôn viên trường để chuyển về các điểm thu gom rác thải điện tử của VNTC.

 

Hồng Nhự

 

VNTC lập 5 điểm thu gom rác thải điện tử tại TP.HCM

1.     UBND phường 9, quận 3 (82 Bà Huyện Thanh Quan);

2.     UBND phường 15, quận 4 (132 Tôn Thất Thuyết);

3.     UBND phường 17, quận Phú Nhuận (22 Nguyễn Văn Trỗi);

4.     UBND phường 2, quận Bình Thạnh (14 Phan Bội Châu);

5.     Trung tâm MM Mega Market An Phú (khu B, khu đô thị mới An Phú - An Khánh, phường An Phú, quận 2).

 

 

Ý kiến của bạn