26/01/2016
Nhiều năm qua, tại khu vực chân cầu Mai Lĩnh (phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) một số cơ sở tái chế thùng phuy, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Cách đây không lâu, UBND quận Hà Đông đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên, môi trường Hà Nội thành lập Đoàn kiểm tra thực tế công tác BVMT tại các cơ sở tái chế thùng phuy trên địa bàn. Sau khi lấy mẫu nước thải, phân tích và kết luận, nước thải tại đây vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các cơ sở này. Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT cũng đã ban hành Quyết định thanh tra về BVMT đối với các cơ sở tái chế thùng phuy đã qua sử dụng tại tổ dân phố số 5, phường Đồng Mai. Kết quả kiểm tra cho thấy, hoạt động kinh doanh, buôn bán, thu mua, vận chuyển và xử lý thùng phuy chứa chất thải nguy hại, hóa chất độc hại đã qua sử dụng là trái với quy định của pháp luật về BVMT hiện hành. Do đó, Tổng cục Môi trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BVMT đối với 2 cơ sở tái chế thùng phuy có hành vi vi phạm được xác định là: Không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định; Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 5 m3/ngày với tình tiết tăng nặng là tái phạm nhiều lần… Tổng số tiền phạt cho các hành vi vi phạm khá lớn, trên 250 triệu đồng/hộ gia đình. Đồng thời, Đoàn Thanh tra cũng yêu cầu các hộ chấm dứt ngay hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép ra môi trường; thu gom toàn bộ chất thải nguy hại chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định…
Thùng phuy đã qua sử dụng được xếp la liệt ở khu vực gần chân cầu Mai Lĩnh
Mặc dù vậy, hoạt động tái chế thùng phuy tại khu vực trên vẫn tái diễn, các cơ sở thu mua với số lượng hàng trăm thùng phuy mỗi tháng, chủ yếu là thùng chứa dầu nhớt, hóa chất, dung môi hữu cơ. Nước thải, chất thải phát sinh chủ yếu từ hoạt động ngâm, tái chế vỏ thùng gồm dung dịch axit, dầu nhớt, vảy sơn nhưng hầu hết đều không qua xử lý. Bên cạnh đó, chất thải từ việc tái chế thùng phuy khiến một số đoạn đường trong khu vực luôn nhớp nháp, trơn trượt vì dầu mỡ, chất bẩn. Ngoài ra, quá trình tái chế cũng tạo ra âm thanh khá lớn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Đáng lo ngại là không ít thùng phuy có gắn nhãn mác và logo cảnh báo nguy hiểm, nhưng một số người dân ham rẻ vẫn mua về sử dụng, thậm chí dùng để chứa nước ăn và các loại lương thực, thực phẩm. Đây chính là nguyên nhân gây ra các bệnh ngoài da, đường tiêu hóa, thậm chí là ung thư.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Thoan - Chủ tịch UBND phường Đồng Mai cho biết, những năm gần đây, năm nào phường cũng lập biên bản xử lý vi phạm đối với các cơ sở gây ô nhiễm, chiếm dụng đất công làm lều lán, gây mất mỹ quan, song vì lợi nhuận, các cơ sở tái chế thùng phuy vẫn tiếp tục hoạt động. Nhằm giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân tại khu vực, trong thời gian tới, UBND phường sẽ tăng cường kiểm tra, yêu cầu các cơ sở cam kết chấp hành nghiêm các quy định về BVMT.
Vũ Nhung