Banner trang chủ

Hội thảo khu vực tiếp cận cảnh quan: Kết nối, bảo tồn và biến đổi khí hậu Tiểu vùng Mê Công mở rộng

16/12/2015

     Trong hai ngày 10 - 11/12/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Trung tâm Hoạt động Môi trường - Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Trung tâm Giám sát bảo tồn thế giới - Chương trình Môi trường Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo khu vực về tiếp cận cảnh quan: Kết nối, bảo tồn và biến đổi khí hậu Tiểu vùng Mê Công mở rộng.

      Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài đã khẳng định phương pháp tiếp cận cảnh quan là cách thức để quản lý tổng hợp các yếu tố kinh tế - xã hội, tài nguyên và môi trường, nhằm thúc đẩy việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên, hỗ trợ người dân và sinh vật thích ứng với các tác động bất lợi do sự thay đổi môi trường, trong đó có biến đổi khí hậu (BĐKH). Đặc biệt, tiếp cận cảnh quan nhằm hài hòa mục tiêu bảo tồn và phát triển thông qua các tương tác trong các hợp phần khác nhau của cảnh quan vì mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, Hội thảo sẽ là cơ hội để các nước trong khu vực GMS trao đổi kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế về các cơ sở khoa học, phương pháp tiếp cận cũng như các bài học thực tế về tiếp cận cảnh quan thích ứng với BĐKH.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Trong những năm qua, hợp tác trong khu vực GMS luôn được chú trọng và đẩy mạnh nhằm mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đưa khu vực GMS nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á. Trong đó, cảnh quan đa dạng sinh học (ĐDSH) xuyên biên giới tại các nước khu vực GMS được đánh giá là vùng có ĐDSH cao. Các hệ sinh thái tự nhiên của khu vực này có khả năng bảo vệ để tránh những thảm họa và thích ứng với các tác động của BĐKH và các rủi ro khác. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, ĐDSH ở khu vực này đang bị suy thoái với tốc độ nhanh. Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Các nguồn gen hoang dã cũng đang trên đà suy thoái. Suy thoái ĐDSH dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của khu vực.

     Để BVMT và bảo tồn ĐDSH tại các nước thuộc khu vực GMS, ADB đã huy động nguồn lực thực hiện Chương trình môi trường trọng điểm (GMS-CEP) giai đoạn 1, tập trung hỗ trợ các nước GMS tạo lập các cảnh quan hành lang xuyên biên giới giữa các nước nhằm bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH, phục hồi các hệ sinh thái, tăng cường năng lực quản lý cho cán bộ Chính phủ và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng. Từ năm 2012, ADB đã hỗ trợ thực hiện GMS- CEP giai đoạn 2, trong đó tập trung hỗ trợ xây dựng Kế hoạch quản lý tổng hợp một số cảnh quan xuyên biên giới ưu tiên thích ứng với BĐKH. Thông qua đó, các quốc gia trong khu vực GMS cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái; đồng thời đưa ra các công cụ, giải pháp quản lý thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH.

     Tại Hội thảo, các báo cáo tham luận của các chuyên gia quốc tế đã đề cập tới các nội dung liên quan đến tiếp cận cảnh quan như: Sử dụng cách tiếp cận cảnh quan trong thực tiễn; Quản lý cảnh quan để phát triển bền vững; Tăng cường quản lý ĐDSH ở cấp cảnh quan đất liền và biển; Quản lý cảnh quan và hợp tác trong các nước GMS; Quản lý cảnh quan, ĐDSH và kinh nghiệm của một số nước… Qua đó, các đại biểu cũng đã trao đổi và thảo luận về các giải pháp hợp tác để bảo vệ cảnh quan hiệu quả và thể chế hóa cách tiếp cận cảnh quan trong Chương trình nghị sự quốc gia và khu vực; đồng thời đưa ra các điều kiện cần thiết để có thể lồng ghép BĐKH vào tiếp cận quản lý cảnh quan.

 

Vũ Hồng

 

Ý kiến của bạn