14/12/2015
Hiệp định TPP là Hiệp định thương mại tự do đa phương đầu tiên đưa các nội dung về môi trường thành một chương trong các cam kết. Điều này một lần nữa khẳng định vị trí của môi trường như một nhân tố quan trọng trong các hoạt động thương mại và những đóng góp của thương mại đối với phát triển bền vững. Nội dung của các cam kết gồm: Hướng tới việc thúc đẩy sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách thương mại với môi trường; Ủng hộ các quốc gia có biện pháp phù hợp thúc đẩy các hoạt động BVMT, hạn chế cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên; Đẩy mạnh tự do hóa thương mại đối với các hàng hóa và dịch vụ góp phần hỗ trợ chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và nền kinh tế các bon thấp.
Hiệp định TPP gồm 30 Chương, trong đó Chương 20 về môi trường bao gồm 23 điều, chia làm 4 nội dung chính: Nhóm điều khoản chung liên quan đến các định nghĩa, mục tiêu và các tuyên bố chung của Hiệp định, gồm 3 điều (1,2 và 3). Nhóm điều khoản liên quan đến các quy định về tính minh bạch và sự tham gia của công chúng, gồm 3 điều (7, 8 và 9). Nhóm điều khoản liên quan đến các hoạt động tổ chức bộ máy, các cơ quan chịu trách nhiệm và cơ chế phối hợp thực hiện, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan giữa các bên tham gia, gồm 6 điều (12, 19, 20, 21, 22 và 23). Nhóm quan trọng nhất bao gồm các điều khoản riêng về các vấn đề môi trường, với 11 điều khoản: Hàng hóa và dịch vụ môi trường; Các hiệp định môi trường đa phương; Bảo vệ tầng ô zôn; BVMT biển từ ô nhiễm do vận tải biển; Thương mại và đa dạng sinh học; Thương mại và bảo tồn (động thực vật hoang dã); Các loài ngoại lai xâm lấn; Chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp và tự cường; Ngành thủy sản đánh bắt cá trên biển; Các cơ chế tự nguyện để thúc đẩy thực thi môi trường và Hợp tác trách nhiệm xã hội.
Hiệp định TPP thúc đẩy hợp tác về năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo |
Những vấn đề mới trong cam kết thương mại đa phương
Có 4 vấn đề mới nổi bật lần đầu tiên chính thức được đưa vào trong các cam kết thương mại đa phương, gồm: Các cam kết về hàng hóa và dịch vụ môi trường; Các cam kết về chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp; Các vấn đề liên quan đến ô nhiễm đại dương và suy giảm nguồn tài nguyên thủy sản trên biển do hoạt động đánh bắt cá; Thành lập Ủy ban Môi trường, Điểm liên lạc quốc gia và cơ chế giải quyết các vấn đề thương mại - môi trường giữa các quốc gia.
Các nội dung cam kết
Đúng như tinh thần của các nội dung môi trường trong các Hiệp định tự do hóa thương mại, đó là sẽ chưa có các cam kết cụ thể bằng các con số cắt giảm thuế quan, bằng số năm mở cửa thị trường và tham gia. Nội dung các cam kết mới chỉ ra các vấn đề và kêu gọi các quốc gia cùng hợp tác để cùng giải quyết.
Nội dung của các điều khoản về môi trường chia thành 2 nhóm: Thứ nhất, gồm các hàng hóa, dịch vụ có hỗ trợ, đóng góp cho việc thực hiện tăng trưởng xanh và nền kinh tế các bon thấp, được quy định tại điều 15, điều 18 với các chủ trương về giảm thuế, rào cản thương mại, hợp tác thông qua các dự án song phương và đa phương, thúc đẩy đầu tư giữa các bên. Chưa có các cam kết sâu hơn về cắt giảm thuế hay các cam kết khác. Thứ hai, bao gồm các nội dung về hạn chế ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên do các hoạt động thương mại.Nhóm này tập trung vào đa dạng sinh học, bảo tồn, cơ chế thực thi môi trường tự nguyện, bảo vệ tầng ô zôn, sinh vật ngoại lai. Nội dung chủ yếu là kêu gọi hợp tác bảo vệ, hạn chế, đặc biệt là ngăn cấm các hoạt động thương mại đối với các hoạt động này.
Những nội dung chưa đạt được kỳ vọng
Các cam kết về hàng hóa và dịch vụ môi trường (EGS) vẫn tiếp tục dừng lại ở các tuyên bố chung, chưa tạo ra bước đột phá nào so với các cam kết trước đây. Mặc dù đã được đưa vào trong các cam kết, tuy nhiên nội dung của các cam kết chưa thực sự có nhiều thay đổi, mới chỉ dừng lại ở các tuyên bố chung về giảm thuế và hạn chế các rào cản phi thuế nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư đối với EGS mà chưa có những cam kết sâu hơn về cắt giảm thuế, cũng như chỉ ra danh mục các hàng hóa và dịch vụ môi trường cho thực hiện các cam kết.
Tuy nhiên, đây được xem là một bước tiến thành công nhất cho đến thời điểm hiện tại của vấn đề tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường. Thực tế, quá trình tự do hóa thương mại đối với EGS diễn ra từ khá sớm trong khuôn khổ các hợp tác quốc tế và có sự khác biệt đối với hàng hóa môi trường và dịch vụ môi trường. WTO, OECD và APEC là những tổ chức quốc tế dẫn đầu trong thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại đối với hàng hóa môi trường thông qua hình thành Hiệp định thương mại riêng trong khuôn khổ của các tổ chức. Danh mục dịch vụ môi trường đã được đưa vào nhóm các cam kết về dịch vụ môi trường trong WTO từ năm 1995, tuy nhiên, cho đến năm 2008, không có một cam kết nào về dịch vụ môi trường được đưa ra. Từ năm 2008 đến nay, mới chỉ có gần 70 các yêu cầu và hơn 40 các cam kết của các quốc gia trong WTO đã được các nước thực hiện đối với dịch vụ môi trường. ASEAN cũng có các cam kết dịch vụ môi trường. Tuy nhiên, đến năm 2001, hàng hóa môi trường mới được đưa vào các đàm phán chính thức tại WTO và từ đó đến nay, chưa có được một sự tiến triển nào do những khó khăn đến từ định nghĩa thế nào là hàng hóa môi trường, làm thế nào để phân biệt hàng hóa vừa phục vụ mục tiêu môi trường, vừa phục vụ mục tiêu khác...
Năm 2012, tổ chức APEC mà Việt Nam là thành viên đã thống nhất được một cam kết tự nguyện về cắt giảm thuế quan xuống dưới 5% vào cuối năm 2015 cho danh mục 54 hàng hóa môi trường. Tháng 1/2014 tại Davos (Thổ Nhĩ Kỳ), 17 nền kinh tế chiếm tới 86% thị trường hàng hóa môi trường toàn cầu gồm EU, Mỹ, Trung Quốc, Ôxtrâylia, Canađa, Niu-Di-Lân, Thụy Điển, Na uy, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Costa Rica đã khởi xướng cho thúc đẩy một Hiệp định về hàng hóa môi trường (EGA) dựa vào danh mục 54 hàng hóa môi trường đã được phân loại bởi APEC. Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ, Iceland và Israel cũng đã đăng ký tham gia. Cho đến nay, các đàm phán đã kết thúc giai đoạn 1 và đã thống nhất danh mục hàng hóa môi trường gồm 10 nhóm và đang bước tiếp vào giai đoạn 2 để đàm phán sâu hơn.
Năm 2014 theo số liệu của Công nghệ thông tin và truyền thông (ITC) được tổng hợp dựa trên danh mục phân loại hàng hóa và dịch vụ môi trường của OECD, thương mại toàn cầu đối với EGS đạt khoảng 4 nghìn tỷ USD và ước tính đạt 10 nghìn tỷ USD vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng rất cao trên 8%. Thị trường Việt Nam vào khoảng 20 tỷ USD, chiếm 0.5% thị trường toàn cầu và đứng thứ 33 trong top 50 quốc gia trên thị trường EGS trên thế giới, top 20 quốc gia nhập khẩu.Như vậy, đây thực sự là một nội dung cam kết quan trọng và mở ra rất nhiều các cơ hội và thách thức đối với Việt Nam.
Các điều khoản về việc chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp cũng chỉ dừng ở các tuyên bố chung về phối hợp giữa các bên trong việc thúc đẩy hợp tác về năng lượng hiệu quả, phát triển công nghệ các bon thấp và hiệu quả chi phí, các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, phát triển hạ tầng đô thị bền vững, suy thoái rừng và phá rừng, kiểm soát khí thải các bon…
Những nội dung được tập trung chuyên sâu
Thứ nhất, nội dung cam kết về ô nhiễm đại dương do hoạt động vận tải biển và khai thác thủy sản tự nhiên được đề cập rất sâu, đặc biệt là về quản lý bền vững hoạt động đánh bắt cá tự nhiên và các cam kết về cấm trợ cấp đối với khai thác thủy sản tự nhiên trên biển nhằm hạn chế khai thác quá mức nguồn tài nguyên thủy sản biển, bảo tồn các loại thủy sản có nguy cơ bị đe dọa như cá mập, rùa biển, chim biển, các loại động vật biển có vú…; các điều khoản về hạn chế ô nhiễm biển do hoạt động vận tải biển gây ô nhiễm như các sự cố tàu biển, chất thải, khí thải từ hoạt động tàu biển và công nghệ tàu biển.
Thứ hai, việc tổ chức thực thi các cam kết, việc tổ chức bộ máy và cơ chế đã được quy định rất rõ ràng. Theo đó, Ủy ban Môi trường TPP sẽ được thành lập với thành viên là đại diện của Chính phủ các quốc gia thành viên, trong khi đó Điểm đầu mối Quốc gia của mỗi quốc gia cũng sẽ phải được xây dựng để làm đầu mối liên lạc giữa các quốc gia trong TPP về thực hiện các cam kết của chương về Môi trường. Chủ tịch Ủy ban và địa điểm họp sẽ được luân phiên nắm giữ và diễn ra theo thứ tự Alphabel từ các nước thành viên theo chu kỳ 2 năm.
Thứ ba, việc triển khai các vấn đề về tranh chấp hoặc làm rõ hơn các vấn đề khúc mắc giữa các nước thành viên sẽ được diễn ra theo trình tự 4 bước. Bước đầu tiên là giải quyết từ Tư vấn môi trường giữa các Điểm đầu mối giữa các quốc gia với nhau, sau đó nếu không xử lý được sẽ chuyển lên cấp tư vấn là đại diện Chính phủ của các quốc gia trong Ủy ban Môi trường, nếu vẫn không giải quyết được sẽ chuyển đến Tư vấn Bộ trưởng và cuối cùng nếu vẫn không xử lý được sẽ phải thành lập Hội đồng giải quyết tranh chấp.
Một số hạn chế
Nhìn chung, lần đầu tiên vấn đề môi trường được đưa vào trong các cam kết của một hiệp định thương mại đa phương, tuy nhiên các nội dung cam kết vẫn cho thấy, sự rời rạc giữa thương mại với môi trường.
Thứ nhất, các cam kết mới chỉ tập trung vào xử lý các hoạt động thương mại kém bền vững thông qua các nhóm công cụ về hạn chế, ngăn chặn như các hoạt động về buôn bán trái phép động thực vật hoang dã, khai thác quá mức tài nguyên thủy sản biển, ô nhiễm đại dương… trong khi vẫn tiếp tục bế tắc trong các hoạt động tự do hóa thương mại đối với thúc đẩy chuyển sang nền kinh tế xanh, nền kinh tế các bon thấp như đối với nhóm hàng hóa và dịch vụ môi trường, hàng hóa và dịch vụ các bon thấp, năng lượng tái tạo…
Thứ hai, nội dung của các cam kết về môi trường đều chưa sâu, mới chỉ dừng lại ở các định hướng chung mà chưa đưa ra được các quy định hay cam kết cụ thể. Các nội dung chỉ dừng lại ở các hoạt động về khuyến khích, thúc đẩy và phối hợp cùng tìm ra các giải pháp phù hợp cùng thực hiện giữa các bên.
Thứ ba, các nội dung đề cập mới không có nhiều, chủ yếu là tập hợp lại các nội dung đã được thực hiện trong các Hiệp định môi trường đa biên hay các khuôn khổ hợp tác quốc tế đã có, do vậy, các nội dung về môi trường chủ yếu mang tính viện dẫn như các nội dung về đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ô zôn, bảo tồn, vấn đề các sinh vật ngoại lai xâm hại, cơ chế tự nguyện thúc đẩy thực thi môi trường hay hợp tác trách nhiệm xã hội.
Thứ tư, chỉ có một số vấn đề về môi trường được đưa vào trong cam kết, một số các nội dung khác chưa được đề cập như các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sản phẩm thân thiện môi trường, chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu…
Những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Cơ hội
Tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu ô nhiễm với chi phí thấp hơn, gia tăng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp và tạo thêm nhiều việc làm.
Việc chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp của Việt Nam với các hoạt động về thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy các hoạt động về hiệu quả năng lượng sẽ được thuận lợi hơn. Các vấn đề về bảo tồn đa dạng sinh học sẽ được đẩy mạnh và các hoạt động buôn bán trái phép các loại động thực vật quý hiếm sẽ được ngăn chặn.
Cộng đồng và các tổ chức NGOs sẽ có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào các hoạt động ngăn chặn thương mại kém bền vững và được cung cấp thông tin. Việt Nam được tham gia vào các hoạt động và sẽ có tiếng nói hơn trong các hoạt động thúc đẩy thương mại bền vững do cơ chế tổ chức luân phiên về vị trí Chủ tịch của Ủy ban Môi trường TPP.
Việt Nam sẽ được hưởng các lợi ích và có cơ hội nhận được các tài trợ cho thực hiện các hoạt động thương mại bền vững do cơ chế hợp tác và trợ giúp của các nước phát triển trong khối.
Thách thức
Ngành khai thác thủy sản xa bờ và các hoạt động xuất khẩu thủy sản từ đánh bắt của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại do các yêu cầu về loại bỏ các trợ cấp đối với hoạt động đánh bắt và các quy định, tiêu chuẩn về chứng chỉ sản phẩm đánh bắt đạt tiêu chuẩn bền vững. Các hoạt động vận tải biển cũng sẽ gặp nhiều thách thức đối với sự gia tăng các tiêu chuẩn xả thải và các yêu cầu đáp ứng môi trường.
Việt Nam sẽ bị cạnh tranh khốc liệt tại thị trường nội địa đối với nhóm hàng hóa và dịch vụ môi trường và nhóm hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp do mở cửa tự do hóa thương mại. Việt Nam cũng có khả năng sẽ bị suy giảm nguồn thu từ thuế đối với nhóm các hàng hóa và dịch vụ này.
Việt Nam sẽ phải minh bạch hóa quá trình ra chính sách, cung cấp thông tin và tạo thuận lợi cho các NGOs và cộng đồng tham gia vào quá trình này.
ThS. Trần Hoàn
Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)