26/01/2016
Tại Việt Nam, đa số các đô thị lớn và vừa đã có dự án thoát nước và vệ sinh môi trường với quy mô khác nhau. Phương thức xử lý nước thải phân tán cho các sơ sở dịch vụ, sản xuất, cơ sở y tế, các cụm dân cư được áp dụng ngày càng nhiều trong thời gian qua, do nhu cầu đáp ứng tiêu chuẩn môi trường đối với nước thải ngày càng chặt chẽ và ưu điểm giảm chi phí xây dựng cống, tính linh hoạt trong đầu tư và quản lý. Số lượng hệ thống thu gom và xử lý nước thải phân tán quy mô nhỏ phục vụ cộng đồng nhỏ đã tang lên đáng kể. Một số hệ thống xử lý nước thải phân tán áp dụng công nghệ chi phí thấp như các hệ thống vệ sinh dựa vào cộng đồng ở thôn Lai Xá, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội; Hệ thống này sử dụng bể tự hoại với các vách ngăn mỏng và ngăn lọc kỵ khí Bastaf, bãi lọc nước trồng cây dòng chảy ngang; Hệ thống xử lý nước thải cho một nhóm hộ gia đình (30 hộ) ở xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội). Tại thị trấn Chợ Mới và Chợ Rã (Bắc Can) cũng áp dụng đầu tư, quản lý hệ thống xử lý nước thải phân tán là các tổ chức phi Chính phủ, cộng đồng dân cư địa phương và chính quyền địa phương. Bên cạnh các sản phẩm nhập ngoại, đã xuất hiện nhiều sản phẩm công nghệ xử lý nước thải phân tán do các đơn vị trong nước nghiên cứu, phát triển hay Việt Nam hoá như bể tự hoại kiểu mới bằng bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn (Công ty Thoát nước đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu); Bể xử lý kết hợp kỵ khí và hiếu khí chế tạo sẵn bằng vật liệu composite theo công nghệ Bastafat và Afsb (Viện Khoa học và kỹ thuật môi trường, Đại học xây dựng); Các bể xử lý nước phân tán bằng bê tông cốt thép với công nghệ bùn hoạt tính, công nghệ lọc sinh học, bioten… Tuy nhiên, vận hành và bảo dưỡng bền vững là vấn đề chính của hệ thống xử lý nước thải phân tán, do những hạn chế trong kỹ năng bảo trì và quản lý hệ thống. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước đô thị chủ yếu vẫn là hệ thống cống chung, chỉ có một số khu vực nhất định trong đô thị đầu tư hệ thống thoát nước thải riêng như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột hoặc Phú Mỹ Hưng (TP.Hồ Chí Minh) và hệ thống thoát nước đô thị hiện đã xuống cấp, khả năng tiêu thoát kém, gây ô nhiễm môi trường. Tính đến tháng 7/2015, cả nước có khoảng 30 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế 809.000 m3/ngày, đêm và có khoảng 40 nhà máy đang trong giai đoạn thiết kế hoặc xây dựng với tổng công suất 1.600.000 m3/ngày, đêm. Mặc dù các nhà máy đã đi vào hoạt động nhưng thực tế chỉ vận hành chưa tới 50% công suất thiết kế, tỷ lệ đấu nối vào hệ thống thoát nước khoảng 65%; Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý khoảng 12% (các dự án hoàn thành đạt khoảng 15% ở các đô thị loại 3 trở lên); Tỷ lệ xử lý bùn thải 4%, tính theo công suất vận hành hiện nay.
Nước thải hiện đang là bài toàn cần được giải quyết tại các đô thị Việt Nam
Báo cáo số 231/BC-CP ngày 22/5/2015 về công tác BVMT của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội cho thấy, trong số 214 công nghiệp (KCN) đang hoạt động trên cả nước có 166 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải chiếm 12%. Tổng cộng cả nước có 90 KCN đang vận hành hoặc xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, đại diện Cục Quản lý môi trường Y tế tại Hội nghị liên ngành Y tế - Môi trường tổ chức vào tháng 6/2014 cũng cho biết, chỉ có khoảng 50% số bệnh viện trên toàn quốc có hệ thống xử lý nước thải. Đối với nước thải các cơ sở công nghiệp và làng nghề trong đô thị, hiện có khoảng 5000 làng nghề và làng có nghề, nhưng tại hầu hết các làng nghề, phần lớn nước thải xả thẳng ra môi trường chưa qua xử lý.
Không những thế, trong khi các đô thị còn rất thiếu các trạm xử lý nước thải, song ở nhiều nơi, một số trạm xử lý nước thải đã được xây dựng lại hoạt động không hết công suất, do việc đầu tư không đồng bộ, thiếu cống thu gom nước thải nên không có nước thải chảy về trạm. Nhiều nơi do hạn chế, giảm thiểu chi phí, vận hành trạm xử lý không đúng chế độ thiết kế. Trong khoảng 15 năm qua, hệ thống cống thoát nước đô thị được đầu tư lắp đặt mới ở các dự án thoát nước, nâng cấp đô thị và giao thông, chủ yếu là các tuyến cống cấp 1 và 2. Mạng lưới cống nhánh cấp 3, đặc biệt là cống nối từ các hộ xả thải vẫn thiếu hụt rất lớn (khoảng trên 35%). Trong khi rất nhiều nơi có đấu nối, nhưng đấu nối không đúng quy cách kỹ thuật làm giảm đáng kể khả năng thu gom và gây ô nhiễm môi trường tại chỗ. Do vậy, các vấn đề kết hợp giữa bể tự hoại với mạng lưới thoát nước chung, riêng hay hỗn hợp tổ chức thoát nước và xử lý nước thải tập trung hoặc phân tán, vấn đề tái sử dụng nước thải, xử lý và tái sử dụng bùn cặn, lựa chọn công nghệ xử lý nước thải, tối ưu hoá vận hành và bảo dưỡng các công trình trong hệ thống thoát nước... là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết.
Hồng Nhung