Banner trang chủ

Đổi mới công nghệ để phát triển kinh tế xanh bền vững

31/05/2016

     ​Ngày 28/5/2016, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Diễn đàn "Doanh nghiệp (DN) tiên phong đổi mới công nghệ phát triển kinh tế xanh (KTX) bền vững". Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa dự và phát biểu tại Diễn đàn.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu khai mạc Diễn đàn (Ảnh: Monre)

     Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, trong khi tài nguyên đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn KTX là mô hình phát triển mới. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, KTX sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các bon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, việc thúc đẩy Tăng trưởng xanh (TTX) hay quá trình chuyển đổi sang nền KTX tạo tiềm năng lớn cho quá trình phát triển bền vững và giảm đói nghèo đối với tất cả các quốc gia. Riêng các nước đang phát triển, TTX còn tạo đà cho bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển “ô nhiễm trước, xử lý sau” - “kinh tế nâu”. Do đó, các DN cần tăng cường năng lực về đổi mới công nghệ và tính cạnh tranh của công nghệ xanh trong nước cũng như trên trường quốc tế.

     PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TN&MT khẳng định, đổi mới công nghệ hướng tới phát triển KTX là hướng đi đúng và phù hợp với xu thế phát triển mới của DN hiện nay. Trong bối cảnh hội nhập thế giới, nhất là tới đây Việt Nam tham gia Hiệp định tự do thương mại với châu Âu và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương - TPP, nếu sớm đổi mới công nghệ phù hợp với các tiêu chuẩn của thế giới, DN sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường khu vực và toàn cầu.

     Tại Diễn đàn, đại diện các DN đã trao đổi, thảo luận về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, chia sẻ thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình tìm kiếm, đổi mới công nghệ.

     Ông Huỳnh Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty CP H-T Giang San (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều năm qua, Công ty đã tập trung nghiên cứu, đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý rác thải, không chỉ tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, không tốn diện tích đất mà còn tạo ra các sản phẩm hữu dụng. Ngoài ra, Công ty đã hợp tác lắp đặt các công nghệ này tại một số địa phương như Long An, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh... mang lại kết quả tích cực.

 

Toàn cảnh Diễn đàn (Ảnh: Monre)

 

     Theo ông Đào Xuân Hữu - Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng phát triển công nghệ khí sinh học Hữu Quỳnh, hầm Biogas sáng chế của Công ty đã được trao thương hiệu “Thân thiện với môi trường”, đoạt Cúp vàng năm 2013 và là sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2014. Cấu tạo của hầm biogas có nhiều chức năng tự động, tự đẩy như tự động phá váng, tự xả gas khi quá thừa, tự đẩy cạn bã ra bể chứa, không phải dọn, sục, hút, gas nhiều, công suất sử dụng gấp đôi so với hầm biogas thường và Công ty luôn cải tiến, đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, để mở rộng và phát huy hiệu quả của các công trình nghiên cứu, đổi mới công nghệ vào thực tế, Công ty TNHH MTV xây dựng phát triển công nghệ khí sinh học nói riêng, các DN hiện nay nói chung đang gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường, cơ chế chính sách… rất cần sự hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương.

     Chia sẻ với những khó khăn của DN, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học và công nghệ (KH&CN) - Bộ KH&CN Phạm Hồng Quất cho biết, Nhà nước đã có nhiều chính sách và hình thức hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ hướng tới KTX từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ hướng tới phát triển KTX vẫn là thách thức đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, bởi chưa có quy định nào có tính ưu đãi đối với nền KTX, điển hình như chủ trương hạn chế sử dụng túi ni lông, mặc dù tồn tại từ 200 - 300 năm ngoài môi trường nhưng túi no lông vẫn không phân hủy, trong khi việc khuyến khích sử dụng túi sinh học thân thiện môi trường chỉ thực hiện được một thời gian ngắn.

     Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTX đòi hỏi sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên để khấu hao sản xuất ít hơn, phương thức sản xuất và tiêu dùng thân thiện hơn với cuộc sống và môi trường. Song, để làm được điều đó, cần phải đổi mới chu trình sản xuất, cách thức quản lý và công nghệ, từ đó, tạo ra những ngành nghề mới, cơ hội mới cho DN.

     PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, để nắm bắt cơ hội đổi mới công nghệ hướng đến nền KTX, trước hết DN phải nắm được các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, không ngừng giao lưu, học hỏi, nhất là chủ động tham gia các Hội chợ công nghệ trong nước và thế giới về công nghệ xanh, đổi mới xanh, hành động xanh… từ đó nắm bắt được xu hướng chung toàn cầu; Chuẩn bị tốt cho việc đổi mới công nghệ theo các tiêu chí xanh của sản phẩm, tận dụng các nguồn vốn sẵn có và ưu đãi cho đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ cao thân thiện với môi trường; Sẵn sàng chấp nhận và loại bỏ các công nghệ cũ, không đảm bảo chất lượng sản phẩm và gây tổn hại cho môi trường.

     Từ những ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự, Ban Tổ chức sẽ tập hợp đầy đủ ý kiến gửi các cơ quan có liên quan để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, hướng tới  phát triển KTX.

 

Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn