Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Việt Nam tham gia tích cực vào nỗ lực chung toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu

19/10/2023

    Ngày 17/10/2023, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (BĐKH) phối hợp với Văn phòng đại diện Tổ chức Friedrich-Eber-Stiftung (FES) tại Việt Nam, Nhóm công tác về BĐKH của Tổ chức CCWG tổ chức Hội thảo Đánh giá toàn cầu tại Việt Nam trước thềm COP28 sẽ được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào cuối năm nay.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà - Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH (Bộ TN&MT) cho biết, kể từ khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực, có sự cam kết của 197 quốc gia trong đó có Việt Nam, chúng ta đã đi một đoạn đường khá dài để có thể giữ sự tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5oC dưới thời kỳ tiền công nghiệp với bối cảnh sau đại dịch Covid-19. Mục tiêu này đang ngày càng trở nên khó đạt được, đặc biệt là với những nước dễ chịu tổn thương như Việt Nam. Do đó, Hội nghị lần thứ 28 của Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH sẽ đánh dấu lần đầu tiên thế giới nhìn nhận lại việc phối hợp thực hiện Thỏa thuận Paris bằng cách ban hành Cơ chế đánh giá nỗ lực toàn cầu. Đây sẽ là nền tảng cho việc đánh giá tiến độ hiện tại trong nỗ lực BVMT không khí và khí hậu chung của chúng ta.

Hội thảo Đánh giá toàn cầu tại Việt Nam

    Tại Hội thảo các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về các kết quả triển khai Đề án COP26, việc thực hiện COP26 của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đồng thời, cập nhật bối cảnh thực hiện các mục tiêu khí hậu cấp quốc tế từ COP27 cùng với các đánh giá tổng quát quá trình thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam và các thực thi ứng phó với BĐKH tại UAE, các chủ đề chính sẽ được đề cập tại COP28, cũng như định hướng chính cần có trong đánh giá nỗ lực toàn cầu… để đóng góp cho cập nhật, nâng cao tham vọng của chính sách hiện tại của quốc gia. Theo đó, ngay sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), Việt Nam đã rất tích cực, trách nhiệm, khẩn trương thực hiện những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế như đã rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) gửi Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH; rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; đàm phán và thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); giảm phát thải khí nhà kính (KNK), khí mê-tan trong các ngành, lĩnh vực; hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia… Ngày 25/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 với 8 nhiệm vụ, giải pháp cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

    Đến nay, các Bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Đề án, chiến lược, Nghị định, Kế hoạch hành động như Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoan 2021 - 2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải KNK, bảo vệ tầng ozon và BVMT. Bộ TN&MT đã công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, các dự án điện gió ngoài khơi; ban hành Thông tư quy định chi tiết kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáco thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK; quy định kỹ thuật cho kiểm kê KNK và MRV lĩnh vực chất thải; ban hành Kế hoạch triển khai cam kết giảm phát thải khí mê-tan… Các địa phương đã tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn BVMT, ứng phó với BĐKH; tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính; giao khu vực biển để phát triển các dự án điện gió. Nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu và giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch, xây dựng kế hoạch giảm phát thải KNK, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, chuyển đổi số, đầu tư chip bán dẫn, hydrogen…

Hương Trần

Ý kiến của bạn