Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Việt Nam tham gia Chương trình Danh lục Xanh, khẳng định nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và thúc đẩy phát triển bền vững

18/01/2024

    Trong khuôn khổ Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn ĐDSH (VFBC) - Bộ NN&PTNTT, dưới sự tài trợ bởi Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ngày 18/1/2024, tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức Tọa đàm với chủ đề Chương trình Danh lục Xanh IUCN tại Việt Nam.

    Danh lục Xanh IUCN là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu cho các Khu bảo vệ và bảo tồn, cung cấp thước đo thành công trong bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và phát triển bền vững (PTBV). Tính đến năm 2022, sáng kiến này đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của hơn 60 quốc gia trên khắp thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của bảo tồn ĐDSH, Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình Danh lục Xanh IUCN.

    Danh lục Xanh IUCN là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu về bảo tồn thành công. Trọng tâm của Danh lục Xanh là Tiêu chuẩn bền vững Danh lục Xanh, đưa ra tiêu chuẩn toàn cầu về cách đáp ứng những thách thức quản lý các Khu bảo vệ và bảo tồn trong thế kỷ 21. Mục tiêu của Chương trình Danh lục Xanh IUCN là công nhận và tăng số lượng các Khu bảo vệ và bảo tồn đạt được kết quả bảo tồn lâu dài cho con người và thiên nhiên. Danh lục Xanh được đồng chủ trì bởi Ủy ban Thế giới về các khu bảo tồn (KBT) của IUCN (WCPA) và Ban Thư ký IUCN.

    ​Nhận thức tầm quan trọng của bảo tồn ĐDSH, Việt Nam tham gia tích cực vào tiến trình Danh lục Xanh IUCN. Hiện tại, có 10 Khu bảo vệ và bảo tồn ở Việt Nam tham gia chương trình Danh lục Xanh, gồm: VQG Cúc Phương, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, VQG Bidoup - Núi Bà, VQG Cát Tiên, VQG Pù Mát và VQG Côn Đảo. Hai khu đang trong giai đoạn đăng ký (VQG Côn Đảo và VQG Pù Mát) và các khu còn lại đang trong giai đoạn ứng viên.

    VQG Cát Tiên là KBT đang ở bước gần nhất với giai đoạn Danh lục Xanh. VQG Cát Tiên là khu nổi bật đã thực hiện giám sát ĐDSH từ đầu những năm 2000, với dữ liệu về các quần thể loài quan trọng như chim, linh trưởng, hươu và cá sấu. Tại các cuộc họp Nhóm chuyên gia đánh giá về Danh lục xanh (EAGL) vào tháng 4 và tháng 9/2023, hồ sơ của Cát Tiên đã được xem xét kỹ lưỡng và toàn bộ chuyên gia đều thông qua quyết định đề cử VQG Cát Tiên. Cơ quan thẩm định độc lập đã phê duyệt hồ sơ vào tháng 12 năm 2023 và trình lên Ủy ban Danh lục Xanh để đánh giá cuối cùng và trao danh hiệu Danh lục Xanh.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

    Ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc VQG Cát Tiên chia sẻ: Trong lúc chờ đợi kết quả từ uỷ ban IUCN quốc tế, chúng tôi cam kết luôn thực hiện các biện pháp bảo tồn toàn diện và luôn nỗ lực đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt được đặt ra bởi Danh lục Xanh, với mục tiêu trở thành một trong những điển hình của các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý bền vững và bảo vệ ĐDSH.

    Theo đánh giá của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong bảo tồn ĐDSH và việc tham gia Danh lục Xanh IUCN thể hiện cam kết đối với sự bền vững môi trường toàn cầu. Sau quá trình đánh giá tỉ mỉ kéo dài 2 năm, Vân Long là KBT đầu tiên ở Đông Nam Á được chứng nhận Danh lục Xanh.

    Sự tham gia của Việt Nam vào chương trình mang tầm cỡ quốc tế như Danh lục Xanh là minh chứng cho sự cống hiến của Việt Nam trong việc bảo tồn ĐDSH phong phú và thúc đẩy PTBV. Hợp phần Bảo tồn ĐDSH do USAID tài trợ đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các khu vực dự án đạt được chứng nhận Danh lục Xanh của IUCN. Các khu vực dự án bao gồm: VQG Cúc Phương, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, VQG Bidoup - Núi Bà, VQG Cát Tiên.

    Theo quy định của Danh lục Xanh IUCN, Ban quản lý các KBT chịu trách nhiệm về quá trình đánh giá. Điều này đòi hỏi nỗ lực đáng kể liên quan đến thu thập bằng chứng, soạn thảo tài liệu, tổ chức các cuộc họp và tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm chuyên gia EAGL đến thăm hiện trường. Sự hỗ trợ của Hợp phần Bảo tồn ĐDSH do USAID tài trợ là một lợi thế lớn cho các khu vực dự án. Việc tài trợ này không chỉ giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn đảm bảo rằng quá trình đánh giá được tiến hành thông suốt, thúc đẩy nền tảng vững chắc hơn cho việc bảo tồn ĐDSH.

    Bà Annie Wallace, Giám đốc Văn phòng biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường của USAID Việt Nam cho biết: Các chương trình về bảo tồn ĐDSH của USAID tại Việt Nam đang hỗ trợ các KBT có phương pháp quản lý tốt, giống như các KBT theo tiêu chuẩn Danh lục Xanh IUCN và có các sáng kiến, thực hành tốt về bảo tồn. Kết quả từ đợt khảo sát bằng bẫy ảnh gần đây cho thấy, VQG Cát Tiên có các kết quả tốt và những đầu tư dài hạn vào cải thiện quản lý của các KBT, đem lại kết quả tích cực. USAID đang hợp tác với VQG Cát Tiên trong quá trình đánh giá Danh lục Xanh và dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ các VQG ứng viên đạt được Danh hiệu Danh lục Xanh nhằm chứng minh tính hiệu quả và khả năng ứng dụng của Danh lục Xanh.

    Tiêu chuẩn Danh lục Xanh IUCN gồm 4 hợp phần: Quản trị tốt, thiết kế và lập kế hoạch tốt, quản lý hiệu quả, kết quả bảo tồn thành công. Mỗi hợp phần được hỗ trợ bởi các tiêu chí và chỉ số để đo lường thành tựu. Có 17 tiêu chí với 50 chỉ số bao trùm cả bốn hợp phần.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn