Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Viện Công nghệ môi trường - 20 năm hình thành và phát triển

06/12/2022

    Vừa qua, Viện Công nghệ môi trường (CNMT) tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thành tích trong nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ vào thực tiễn. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với GS.TS Trịnh Văn Tuyên – Viện trưởng Viện CNMT về ứng dụng các sản phẩm, công trình phục vụ sự nghiệp bảo vệ môi trường trong thời gian qua và những định hướng phát triển của Viện trong thời gian tới.

    PV: Xin ông cho biết đôi nét quá trình hình thành và phát triển của Viện trong 20 năm qua?

    GS.TS Trịnh Văn Tuyên: Viện CNMT được thành lập ngày 30/10/2002 theo Quyết định số 148/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sự hợp nhất một số đơn vị nghiên cứu về môi trường của các viện nghiên cứu trong Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (tên trước đây là Viện KH&CN Việt Nam), gồm: Viện Cơ học, Viện Hóa học, Viện Khoa học vật liệu và Viện Công nghệ sinh học.

GS. Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển Viện 

    Tại thời điểm thành lập Viện có 37 cán bộ trong biên chế và 33 cán bộ hợp đồng. Lực lượng cán bộ nghiên cứu chủ lực của Viện có 1 GS.TS và 9 TS. Trên cơ sở lực lượng cán bộ đang có và kế thừa các vấn đề nghiên cứu đã được họ triển khai, Viện CNMT tổ chức 5 tập thể nghiên cứu khoa học theo các hướng: Công nghệ xử lý ô nhiễm, công nghệ thân thiện môi trường; Quy hoạch môi trường Độc chất môi trường và Công nghệ sinh học môi trường. Ngoài ra, Viện có thêm 2 đơn vị làm công tác ứng dụng triển khai là Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Trung tâm triển khai công nghệ môi trường. Cho đến tháng 5/2009, Viện CNMT chưa có trụ sở làm việc. Thiết bị, máy móc dùng cho nghiên cứu của những ngày đầu không nhiều, và đã qua sử dụng nhiều năm, rất khó khăn đáp ứng được các nhu cầu tổi thiểu để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cơ sở của mình. Cơ sở vật chất chỉ có một ngôi nhà cấp 4 với 8 phòng nhỏ là nơi đặt văn phòng và các phòng làm việc của lãnh đạo Viện; toàn bộ cán bộ và thiết bị nghiên cứu vẫn làm việc tại các phòng cũ của các Viện mà trước kia họ là thành viên. Nhân dịp này, Viện CNMT xin chân thành cám ơn Viện Hóa học, Viện Cơ học, Viện KHVL, Viện CNSH đã tận tình hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi vượt qua những khó khăn ban đầu.

    20 năm qua, được sự quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển từ phía Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN, nhờ sự hợp tác và giúp đỡ nhiệt tình của các Ban chức năng, sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức quốc tế, hòa chung vào sự phát triển của các đơn vị nghiên cứu khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm KHCNVN, bằng khát vọng vươn lên cùng với sự nỗ lực tìm cho mình một lối đi riêng, Viện CNMT đã trưởng thành vượt bậc và trở thành Viện nghiên cứu hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ môi trường.

    Ngày nay Viện đã có cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện và lực lượng cán bộ nghiên cứu đang ở thời kỳ phát triển mạnh, sung sức để đáp ứng các đề tài nghiên cứu cơ bản về môi trường đang được quốc tế quan tâm và giải quyết các nhiệm vụ khẩn cấp phục vụ sự nghiệp bảo vệ môi trường quốc gia.

    PV: Là một trong những Viện nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ môi trường, xin ông cho biết kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và BVMT của Viện CNMT trong thời gian qua?

    GS.TS Trịnh Văn Tuyên: Viện CNMT là một trong các đơn vị hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ môi trường. Các sản phẩm công nghệ và dịch vụ của Viện CNMT tập trung theo các nhóm sau: (1) Dịch vụ phân tích, quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường; (2) Tư vấn lập quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và đánh giá môi trường chiến lược; (3) Tư vấn lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật và thiết kế các hệ thông công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường; (4) Thi công xây dựng và chuyển giao công nghệ các công trình xử lý ô nhiễm môi trường; (5) Sản xuất và cung cấp các vật liệu, dụng cụ và thiết bị đo đạc, phân tích và khử trùng môi trường.

Lãnh đạo Viện Công nghệ môi trường đón nhận Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN

    Trong 20 năm qua các sản phẩm, công trình phục vụ sự nghiệp BVMT của Viện đã có mặt ở trên tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước, số lượng và quy mô các đơn đặt hàng, các đề nghị hỗ trợ từ phía các địa phương, các doanh nghiệp ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện gắn bó với các tập thể nghiên cứu trong Viện để cùng nghiên cứu thiết kế và sản xuất một số thiết bị, vật tư chưa từng được sản xuất ở trong nước. Nhiều công trình nghiên cứu của Viện đã được ứng dụng vào thực tiễn phục vụ sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội - được nhiều cơ quan, đơn vị và địa phương trong cả nước đặt hàng.

    PV: Xin ông cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp Viện Công nghệ môi trường thời gian tới nhằm đáp ứng được yêu cầu về khoa học và công nghệ của đất nước trong lĩnh vực BVMT?

    GS.TS Trịnh Văn Tuyên: Về hoạt động nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực công nghệ màng, vật liệu nano, công nghệ tiên tiến trong xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại và khí thải theo định hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nghiên cứu các chất ô nhiễm mới nổi, đặc biệt về rác thải nhựa, vi nhựa và các hợp chất hữu cơ khó phân hủy được ghi trong Công ước Stockholm năm 2004. Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới phục vụ cho xử lý môi trường và phát triển bền vững theo định hướng “Kinh tế tuần hoàn”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ kỷ niệm

    Về triển khai ứng dụng: Đổi mới và áp dụng giải pháp quản lý bằng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ quan trắc môi trường. Tăng cường công tác kiểm soát và quản lý nội bộ trong việc thực hiện theo Nghị định số 127/2014/NĐ-CP về quy định về điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Chủ động kết nối để phát triển các sản phẩm khoa học theo hướng hợp tác phát triển và chuyển giao công nghệ.

    Về đào tạo và hợp tác quốc tế: Hàng năm, Viện phải rà soát và quy hoạch cán bộ giỏi về chuyên môn và vững về quản lý nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát triển cán bộ nguồn cho đội ngũ kế cận. Đổi mới chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo bám với thực tế nhằm thu hút được nghiên cứu sinh và học viên tại Khoa Công nghệ môi trường từ đó gia tăng số lượng cán bộ của Viện qua đào tạo. Chủ động và ưu tiên xây dựng các đề tài, dự án có hợp tác với đối tác nước ngoài có trình độ khoa học tiên tiến để nâng cao chất lượng công bố, tiếp thu các kiến thức và công nghệ mới nhằm mục tiêu bắt kịp công nghệ tiên tiến của thế giới.

    PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nam Hưng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2022)

Ý kiến của bạn