Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Từ ý tưởng của nhà báo Nguyễn Phú Trọng đến quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta về phát triển bền vững đất nước

26/07/2024

    Tôi là một trong những người làm báo có may mắn và vinh dự được sống, làm việc, đi công tác tới nhiều địa phương với nhà báo Nguyễn Phú Trọng thời còn ở Tạp chí Cộng sản. Trong những chuyến đi tác nghiệp đó, tôi được chứng kiến nhiều câu chuyện ấn tượng, đầy bất ngờ và học hỏi được nhiều điều bổ ích từ nhà báo Nguyễn Phú Trọng.

    Hồi mới về công tác ở Tạp chí Cộng sản, tôi được phân công theo dõi, biên tập, viết bài trên lĩnh vực văn xã (văn hóa, xã hội, văn nghệ, giáo dục - đào tạo, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên...) trong đó có Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (trụ sở số 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Thời gian này vấn đề tài nguyên, môi trường còn chưa được đưa vào các văn kiện của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tại Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước chỉ có một phòng chức năng về vấn đề môi trường. Ấy vậy mà vào tháng 9/1982, quán triệt Nghị quyết Đại hội V của Đảng (3/1982) về phát huy yếu tố con người trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã phối hợp với lãnh đạo Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước tổ chức Hội thảo về Phát huy yếu tố con người trong vấn đề BVMT trong giai đoạn mới của đất nước. Hội thảo do đồng chí Hồng Chương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản và đồng chí Lê Khắc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước chủ trì. Trong thời gian từ tháng 9/1981 - 7/1983, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được cử làm thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa học lịch sử (chuyên ngành Xây dựng Đảng) tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi về nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến các vấn đề của Tạp chí Cộng sản những năm anh đi vắng, khi biết có cuộc Hội thảo nói trên, anh nói với tôi, đại ý rằng, không biết khi nào nước mình có được những cánh rừng bạt ngàn như ở Liên Xô, trong Thủ đô Mátxcơva đã là những thảm cây xanh bát ngát, rừng trong thành phố; thành phố trong rừng; ra ngoại thành thì rừng nối rừng đến vô tận.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái năm 2019 (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

    Tôi được tháp tùng nhà báo Nguyễn Phú Trọng nhiều chuyến, từ lúc anh là Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập Tạp chí. Anh Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp loại ưu khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội với đề tài: "Phong vị ca dao trong thơ Tố Hữu" do GS. Đinh Gia Khánh hướng dẫn. Vì là nhà báo đượm chất văn trong người, cho nên, trong các chuyến công tác đi các địa phương, anh thường "xin" được ngồi ghé trước, ngang hàng với tài xế để còn được "trông trời, trông đất, trông mây", được nhìn cảnh đồng bào sinh hoạt, đi lại hai bên đường. Vào năm 1994, trong một chuyến công tác ở tỉnh Sơn La, dọc đường nhìn thấy nhiều đất trống, đồi trọc, có khi cả mảng rừng bị cháy nham nhở, anh Trọng lại nhắc chúng tôi chú ý chi tiết này để khi làm việc hỏi lãnh đạo địa phương nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Vào năm 1995, anh Trọng là Ủy viên Trung ương Đảng đầu tiên đặt chân lên vùng đất Na Hang xa xôi, hiểm trở. Dọc đường từ thị xã Tuyên Quang đến thị trấn Na Hang dài chừng 110 cây số, bạt ngàn là rừng cây xanh tốt, tre nứa... dọc theo là con sông Gâm nước trong xanh uốn lượn ngoằn ngoèo rất thơ mộng. Anh Trọng ngồi trên ngoái xuống chúng tôi: Giá mà tỉnh nào có rừng cũng giữ được như ở đây thì tốt biết bao: "Rừng che bộ đội, rừng vây quần thù". Một lần công tác khác, nhân một chuyến công tác ở hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, trong quá trình làm việc với một số lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, bản, nhất là ở những nơi đồng bào còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhiều lúc dừng lại và trầm hẳn xuống, có khi rơm rớm nước mắt. Trên đường về Hà Nội, anh đọc những vần thơ trong tác phẩm Việt Bắc của Tố Hữu mà anh đã thuộc lòng, như để chúng tôi cùng đồng cảm, chia sẻ: "Mình về mình có nhớ ta/Mười năm năm ấy thiết tha mặn nồng/Mình về mình có nhớ không/Nhìn mây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?" (...) "Mình về, có nhớ chiến khu/Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?/Mình về rừng núi nhớ ai/Trám bùi để rụng, măng mai để già". Và anh cảm động khi đọc đến đoạn "Mình về thành thị xa xôi/Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng? Phố đông, còn nhớ bản làng/Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?/ Mình đi, ta hỏi thăm chừng/Bao giờ Việt Bắc tưng bừng niềm vui?". Rồi anh Trọng đặt câu hỏi cho chúng tôi: "Bao giờ Việt Bắc chỗ nào cũng "tưng bừng niềm vui" hả các nhà báo? Có được niềm vui, phải có nhiều yếu tố, phải được ăn no mặc ấm, tiến đến ăn ngon, mặc đẹp, có đời sống tinh thần phong phú, nhưng ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dứt khoát phải giữ lấy rừng bằng được; phải "trồng cây và trồng người" có phải không các nhà báo?” Mấy năm sau đó, tôi đi công tác ở tỉnh Tuyên Quang một vài lần nữa, khi biết cả tỉnh đã có 50% diện tích đất được phủ xanh bằng rừng, tôi liền viết bài: "Tuyên Quang trồng cây và trồng người" đăng trên Tạp chí Dân vận và đem bài báo khoe với đồng chí Nguyễn Phú Trọng (thời gian này anh không còn làm việc ở Tạp chí Cộng sản nữa). Anh khen "Thế là tốt!" và động viên tôi tiếp tục cộng tác, viết bài trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Chính nhờ có sự khuyến khích, động viên của nhà báo Nguyễn Phú Trọng mà tôi đã cộng tác, viết bài liên tục cho Tạp chí Môi trường từ ngày thành lập đến nay.

    Tạp chí Cộng sản, trong thời kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng biên tập, 1991-1996, đã có nhiều bài nghiên cứu lý luận, thực tiễn về công tác bảo vệ, quản lý tốt tài nguyên, môi trường, nghiên cứu, trao đổi về những vấn đề tài nguyên, môi trường ở nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Nhiều bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, nhất là của các đồng chí lãnh đạo Bộ TN&MT, các chuyên gia đầu ngành, đã góp phần nâng cao nhận thức cả về lý luận, thực tiễn về vấn đề phát triển bền vững đất nước.

    Từ khi giữ trọng trách là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhất quán quan điểm của mình về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phát triển bền vững đất nước như khi còn làm Tổng Biên tập Tạp chí lý luận, chính trị của Đảng và có điều kiện để lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề quan trọng này ở tầm vĩ mô. Với cương vị là Trưởng Tiểu ban Văn kiện các Đại hội XI, XII, XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có điều kiện để thể hiện, hiện thực hóa quan điểm của mình về phát triển bền vững đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhất quán quan điểm trong phương hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiệm vụ, giải pháp: "Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với BVMT. Thực hiện nghiêm và nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, môi trường chiến lược. Kiểm soát an toàn, xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh. Tăng cường giám sát, công khai đầy đủ, kịp thời thông tin và nâng cao chất lượng môi trường không khí, có biện pháp hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, xử lý rác thải ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu vực nông thôn". Đại hội cũng đề ra chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%...

    Vấn đề bảo vệ, quản lý, tiêu dùng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên, môi trường Việt Nam liên quan chặt chẽ đến yếu tố con người, đến các giá trị văn hóa cũng như cách ứng xử của con người với tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Chính vì vậy, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu: “Phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”. Đây là bài phát biểu rất quan trọng về các vấn đề văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng một hệ thống các giá trị văn hóa có tính toàn cầu trong đó có vấn đề BVMT sinh thái, làm cho mọi quốc gia, mọi người hiểu và đánh giá đúng về vai trò của các giá trị văn hóa, đó là yếu tố quyết định thái độ và hành vi ứng xử của con người với môi trường và xã hội nhằm giữ vững một hệ sinh thái cân bằng và bền vững cho tương lai. Đó cũng là mục tiêu phát triển bền vững đất nước mà Đảng và Nhà nước ta hướng đến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trích dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và đã đúc kết nội hàm khái niệm văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Sự coi trọng của Đảng đối với vai trò và sứ mệnh của văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước càng được thể hiện mạnh mẽ và rõ ràng hơn thông qua luận đề văn hóa của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư nhấn mạnh hai giá trị và vai trò cốt lõi của việc thực thi và tôn tạo văn hóa: (1) Sáng tạo nguồn lực nội sinh; (2) Hình thành động lực đột phá. Hai vai trò này của văn hóa được Tổng Bí thư xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra là “làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Có thể thấy, quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa cũng bao hàm một cấu thành “giá trị kép” trực tiếp liên quan tới môi trường: (1). Văn hóa cần chứa đựng yếu tố môi trường sống bền vững; (2). Sự bền vững của môi trường cần phải được đánh giá ở mức độ quan trọng như một tiêu chí của văn hóa, của phát triển bao trùm.

    Để đạt được mục tiêu phát triển đất nước bền vững, bên cạnh việc phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, còn cần coi trọng BVMT, đây là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí của phát triển bền vững. Vì thế, cần xác định văn hóa là nền tảng cho nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho sự phát triển. “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Văn hóa có mặt trong nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta ngày nay. Không thể phủ nhận sự đồng hành của văn hóa, sự hiện diện của văn hóa trong các bình diện của đời sống xã hội đã tạo thành sức mạnh nội sinh, vừa là nguồn lực, vừa là thành quả của phát triển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các buôn, thôn của xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, ngày 11/11/2018 (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

    Vào năm 2022, nhân dịp Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ TN&MT (5/8/2002 - 5/8/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có thư gửi Bộ, trong đó đồng chí trăn trở, hy vọng, đồng thời căn dặn: "Hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nghiêm trọng, mang tính thời đại, như các vấn đề về cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên… Vì vậy, tôi mong ngành TN&MT cần tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả, kinh nghiệm đã tích lũy được trong 20 năm qua, ra sức phấn đấu, chủ động hơn nữa trong dự báo, tham mưu, triển khai các giải pháp để ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, dịch bệnh; tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, lĩnh vực đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ cần nắm bắt kịp thời các xu thế của thời đại, tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phấn đấu vươn lên, đóng góp thực chất và hiệu quả hơn nữa cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tham gia các sáng kiến toàn cầu, góp phần giải quyết các thách thức về môi trường và khí hậu. Tôi tin tưởng rằng, Bộ TN&MT sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, liêm chính, đổi mới và sáng tạo, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ, trọng trách của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

    Có thể nói, trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi đổi mới của Đảng, cần chú trọng hơn đến: bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, BVMT; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự do và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đó chính là quan điểm ghi dấu ấn của Tổng Bí thư, đồng thời là ý tưởng xuyên suốt, nhất quán của một nhà lý luận xuất sắc của Đảng: từ ý tưởng của nhà báo Nguyễn Phú Trọng đến quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta về phát triển bền vững đất nước.

Nhà báo Vũ Lân

Ý kiến của bạn