Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Từ kinh nghiệm quốc tế, xem xét các tiêu chí cần thiết thẩm định, đánh giá công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng phù hợp với thực tiễn Việt Nam

09/06/2022

Mở đầu

    Khủng hoảng năng lượng và suy thoái môi trường hiện đang là hai vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững toàn cầu. Sự thịnh vượng kinh tế càng lớn và tỷ lệ dân số đô thị càng cao thì lượng chất thải rắn sinh (CTRSH) ra càng lớn. Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh với một khối lượng khổng lồ và có xu hướng tăng nhanh theo thời gian tạo ra những thách thức trong công tác BVMT và quá trình xử lý ô nhiễm. Trước những áp lực đó, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tích cực triển khai các mô hình xử lý rác thải có thu hồi năng lượng (Waste - to - energy: WTE) để dần thay thế các phương pháp xử lý truyền thống như chôn lấp, do loại hình công nghệ này không những đem lại những giá trị tối ưu cho môi trường mà còn cung cấp nguồn năng lượng đáng kể giúp giảm bớt gánh nặng của quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tại Việt Nam, đang dần chuyển sang loại hinh công nghệ WTE trong những năm gần đây nhằm đốt rác và phát điện. Để có lựa chọn và áp dụng loại hình công nghệ này, từ kinh nghiệm quốc tế, việc lựa chọn tiêu chí để áp dụng thẩm định, đánh giá tính hiệu quả và sự phù hợp của loại hình công nghệ WTE phù hợp với thực tiễn của Việt Nam là vô cùng cần thiết.

1. Các tiêu chí thẩm định, đánh giá công nghệ đốt rác có thu hồi điện năng tại một số quốc gia

a. Tại Malaysia

    Xử lý chất thải thành năng lượng (WTE) nổi bật như một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn để khắc phục vấn đề phát sinh chất thải và là nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng cho Malaysia. Các nhà khoa học của Malaysia đã tiến hành nghiên cứu đánh giá sự phù hợp của các công nghệ WTE dựa trên 3 tiêu chí (kinh tế, môi trường và năng lượng) để đánh giá các loại hình công nghệ xử lý chất thải thành năng lượng.

    Đối với tiêu chí năng lượng, được đánh giá qua điện năng và nhiệt năng tạo thành. Đánh giá tiêu chí kinh tế xem xét chi phí (vốn, vận hành, vận chuyển) và lợi ích (bán năng lượng, tín dụng carbon thông qua việc giảm carbon và lợi nhuận bổ sung từ việc bán các sản phẩm phụ). Đánh giá tiêu chí môi trường bao gồm việc phát thải khí nhà kính (KNK) trong quá trình chuyển đổi năng lượng, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đến Nhà máy xử lý chất thải và giảm carbon bằng cách thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo [Sie Ting Tan, 2015]. Khung đánh giá cho công nghệ xử lý chất thải thành năng lượng được mô tả tại Hình 1.

Hình 1. Khung đánh giá công nghệ xử lý chất thải thành năng lượng

Nguồn: Sie Ting Tan và cộng sự (2015)

    Bên cạnh các tiêu chí được xây dựng, các chỉ tiêu, thông số được áp dụng đối với từng loại hình tiêu chí để đánh giá công nghệ được áp dụng tại Malaysia có thể kể đến như: Khối lượng rác cung cấp cho hệ thống xử lý; Khoảng cách trung bình từ trạm trung chuyển đến khu xử lý; Phí dịch vụ thu gom; chi phí vận hành, vận chuyển (USD/tấn); Lượng điện sản xuất (MWh/tấn; MWh/m3); Tín chỉ carbon (USD/t CO2); Lượng CO2 phát thải trong quá trình vận chuyển (Tấn CO2/km) và xử lý (tấn CO2/tấn rác thải)

    Bên cạnh các thông số và tiêu chí đã được xác định nêu trên, các yếu tố khác cũng được xem xét như đặc tính rác thải, tiềm năng rác thải, thị trường tiêu thụ và các vấn đề ô nhiễm. Quá trình đánh giá thông qua việc thu thập thông tin cho các thông số và chỉ tiêu được xây dựng, từ đó đưa ra kết luận về tính phù hợp và năng lực vận hành cho loại hình công nghệ WTE tại Malaysia.

b. Kinh nghiệm tại Singapore

    Theo lộ trình công nghệ trong quản lý CTR tại Singapore, do nguồn tài nguyên đất khan hiếm, Singapore đã lựa chọn công nghệ đốt để xử lý rác. Singapore có 4 Nhà máy lò đốt thu hồi năng lượng xử lý 2,88 triệu tấn chất thải và tạo ra 2-3% tổng lượng điện vào năm 2015 (Hình 1). Hiệu suất điện 1 Nhà máy WTE phụ thuộc phần lớn vào nhiệt trị ròng của chất thải, kích thước và thiết kế. Do đó, hiệu suất của các nhà máy WTE hiện nay tại Singapore nằm trong khoảng từ 15% đến 20%. Hiệu suất của các nhà máy WTE đốt hàng loạt thế hệ mới có thể đạt 23% và cao hơn.

    Đối với công tác xử lý CTR, Singapore đã đề ra 3 mục tiêu chính bao gồm: (1) Cải thiện năng lượng và khôi phục tài nguyên; (2) giảm thiểu chất thải tồn dư đến các bãi chôn lấp; (3) giảm tác động đến môi trường. Trên cơ sở đó, Singapore đã thiết lập định hướng đến năm 2030 về quản lý CTR bền vững, trong đó hướng tới mục tiêu thiết lập vai trò lãnh đạo toàn cầu của Singapore trong việc sử dụng các công nghệ tiên tiến, hàng đầu trong quản lý CTR đồng thời giải quyết những thách thức vốn có của chúng hướng tới đạt được những tiêu chí sau: (1) Duy trì mức độ cao của sức khỏe cộng đồng; (2) Giảm thiểu diện tích đất và các tác động đến môi trường; (3) Tối đa hóa năng suất nhân lực; (4) Tối đa hóa việc thu hồi năng lượng thông qua cải tiến các lựa chọn công nghệ WTE hiện có và thay thế; (5) Tối đa hóa việc thu hồi tài nguyên để đạt được mục tiêu tái chế 70% tổng thể; (6) Giữ chi phí xử lý chất thải ở mức hợp lý [National Environment Agency, 2015].


Hình 2. Hướng tiếp cận trong lộ trình thẩm định, đánh giá công nghệ tại Singapore

Nguồn: National Environment Agency (2015)

    Cách tiếp cận đánh giá công nghệ xử lý CTRSH tai Singapore được mô tả (Hình 2). Mọi loại hình công nghệ đều được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí là môi trường, kỹ thuật, kinh tế - xã hội. Dựa trên phương pháp cho điểm từng loại hình tiêu chí đối với mỗi kịch bản xử lý chất thải. Điểm số tổng kết trung bình của tất cả các tiêu chí sẽ xác định được tính hiệu quả của loại hình công nghệ được áp dụng.

c. Kinh nghiệm tại Nhật Bản

    Báo cáo năm 2020 của Trung tâm IGES, UNEP và Hiệp hội Quản lý chất thải và chu trình vật liệu Nhật Bản về các loại hình công nghệ môi trường trong xử lý CTRSH đã khuyến nghị 6 khía cạnh cần thiết trong công tác thẩm định đánh giá công nghệ đốt rác phát điện trong giai đoạn lập kế hoạch xây dựng lò đốt rác chuyển hóa năng lượng bao gồm: (1) điều kiện xã hội; (2) nhận thức và sự hợp tác của người dân; (3) năng lực quản trị; (4) khía cạnh tài chính; (5) khía cạnh kỹ thuật, công nghệ; (6) khía cạnh thể chế.  Các tiêu chí thẩm định chính được phân chia thành 3 nhóm: (A) Các tiêu chí bắt buộc; (B) Các tiêu chí chính được khuyến khích cao; (C) Các tiêu chí được khuyến khích. Các khía cạnh được đưa ra nhằm kiểm tra khả năng lắp đặt và ứng dụng của công nghệ WTE trong giai đoạn lựa chọn công nghệ cũng như lập kế hoạch xây dựng [Chen Liu và công sự,2020].

    Các tiêu chí cụ thể được đề xuất đối với từng khía cạnh như sau:

(1) Điều kiện xã hội: A - Khu vực được xác định (khu vực đô thị hoặc hợp tác xã liên đô thị) cần có quy mô dân số cụ thể và đảm bảo khối lượng CTRSH; A - Có hệ thống thu gom và vận chuyển phù hợp đến địa điểm tập kết cuối cùng; B - Nhu cầu xã hội trong việc được giới thiệu về công nghệ WTE; C - Đầy đủ cơ sở hạ tầng cung cấp điện, cấp thoát nước.

(2) Nhận thức và sự hợp tác của người dân: A - Cư dân chủ động phân loại rác tại nguồn, tiếp nhận các vật liệu có khả năng tái chế và kiểm soát các loại rác không phù hợp với lò đốt; B - Cư dân có kiến thức cơ bản về công nghệ WTE như hệ thống kiểm soát chất lượng không khí và hiệu quả của nó trong việc khử trùng và kiểm soát nhiễm trùng từ vi khuẩn.

(3) Năng lực quản trị: A - Công nghệ WTE nên được đặt trong các quy hoạch ưu tiên (Quy hoạch toàn diện, chiến lược phát triển vùng…); A - Cơ quan quản lý tai địa phương nên cho thấy thái độ tích cực và sự sẵn sàng khi cho phép xây dựng cơ sở xử lý WTE; B - Ban quản lý tại địa phương có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ các chuyên gia, tư vấn trong quá trình triển khai các dự án về WTE; C - Ban quản lý tại địa phương có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ các chuyên gia, tư vấn trong quá trình triển khai các dự án về WTE; C - Cơ quan năng lược và các công ty năng lượng điện nên đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật.

(4) Thể chế: A - Xây dựng luật pháp và quy định cơ bản trong quản lý CTR; A - Đảm bảo địa điểm xây dựng phù hợp cho cơ sở WTE; C - Có một cơ quan hành chính ổn định phụ trách việc xây dựng và vận hành các cơ sở đốt WTE và có hệ thống quản lý nhân sự để tạo điều kiện cho nhân viên làm việc lâu dài (3 năm trở lên).

(5) Tài chính: A - Đảm bảo kinh phí (xây dựng, vận hành, bảo dưỡng) cho lò đốt WTE; B - Tạo ra doanh thu từ việc bán điện và các sản phẩm tái chế; B- Chi phí hỗ trợ từ chính phủ dựa trên khối lượng rác được đốt.

(6) Kỹ thuật - công nghệ: A - Thành phần rác thải và nhiệt trị cung cấp (ít nhất 6000 kj/kg cho công nghệ WTE); A - Tro đáy và tro bay được xử lý an toàn; C - Có hệ thống quan trắc môi trường; C- Đảm bảo khả năng đào tạo và nâng cao năng lực, trình độ kỹ thuật cho càn bộ, nhân viên.

d. Tại Châu Âu

    Để đánh giá tính hiệu quả của loại hình công nghệ WTE, Ủy ban Liên minh Châu Âu cũng ban hành công thức để đánh giá hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency) của lò đốt thu hồi năng lượng tại Nghị định khung về chất thải số 2008/98/EC như sau:

    Energy Efficiency = 

    Ep có nghĩa là năng lượng được sản xuất hàng năm dưới dạng nhiệt hoặc điện. Nó được tính toán với năng lượng ở dạng điện nhân với 2,6 và nhiệt được sản xuất cho mục đích thương mại nhân với 1,1 (GJ/năm).

    Ef có nghĩa là năng lượng đầu vào hàng năm cho hệ thống từ nhiên liệu góp phần tạo ra hơi nước (GJ/năm).

    Ew có nghĩa là năng lượng hàng năm có trong chất thải đã qua xử lý được tính bằng giá trị nhiệt trị của chất thải (GJ/năm).

    Ei có nghĩa là năng lượng nhập khẩu hàng năm không bao gồm Ew và Ef (GJ/ năm)

    0,97 là hệ số tính đến tổn thất năng lượng do tro đáy và bức xạ.

    Nghị định khung về chất thải khuyến cáo rằng, hệ thống thu hồi năng lượng nên có chỉ số Hiệu quả năng lượng tối thiểu là 0,6. Chỉ số hiệu quả năng lượng càng cao thì hệ thống thu hồi năng lượng được đánh giá hoạt động càng tốt.

2. Đề xuất các loại hình tiêu chí cần thiết trong thẩm định, đánh giá công nghệ đốt rác thu hồi điện năng cho Việt Nam

    Dựa trên kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng tiêu chí công nghệ đốt rác có thu hồi điện năng có thể thấy, các loại tiêu chí cần thiết để có thể thẩm định, đánh giá một cách toàn diện cần thiết phải luôn có các yếu tố cơ bản như thể chế, chính sách phù hợp, đảm bảo tính an toàn về môi trường, hiệu quả về kinh tế và ổn định, tiên tiến về mặt kỹ thuật.

    Mặc dù công nghệ đốt rác có thu hồi năng lượng được đánh giá là công nghệ hiện đại, tiên tiến và đem lại nhiều giá trị trong xử lý CTRSH, tuy nhiên loại hình công nghệ này vẫn tồn tại nhiều hạn chế đặc biệt trong việc triển khai và áp dụng thực tiễn tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Các thách thức nổi bật trong việc áp dụng loại hình công nghệ này có thể nhìn thấy bao gồm: chi phí xây dựng, bảo dưỡng vận hành cao; công nghệ đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao… Việt Nam đã và đang có nhiều dự án đốt rác phát điện được triển khai như Nhà máy xử lý CTR của Công ty Ever Bright tại Cần Thơ (đã hoạt động từ năm 2018), Dự án điện rác Sóc Sơn, Hà Nội (sắp đi vào hoạt động), Nhà máy điện rác Công ty CP công nghệ môi trường xanh Seraphin tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội (đã được khởi công năm 2022), các Dự án khác đã được đề xuất như Nhà máy xử lý CTR công nghệ cao phát năng lượng tại Thuận Thành – Bắc Ninh, Nhà máy xử lý chất thải Vietstar, Nhà máy điện rác Tâm Sinh Nghĩa tại TP HCM, Nhà máy điện rác Đà Nẵng…

    Để đánh giá tính phù hợp của loại hình công nghệ này đối với từng khu vực, địa phương cụ thể đòi hỏi các tiêu chí thẩm định, đánh giá như thế nào nhằm đáp ứng khả năng tính khả thi trong giai đoạn đề xuất và xây dựng Dự án, cũng như đảm bảo tính hiệu quả và ổn định vận hành trong thời gian dài. Hiện nay, Bộ TN&MT đã ban hành tiêu chí công nghệ xử lý CTRSH tại Điều 28 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022. Đây là các tiêu chí cơ bản làm căn cứ thẩm định, đánh giá và lựa chọn áp dụng cho tất cả các loại hình công nghệ xử lý CTRSH nói chung tại Việt Nam. Bên cạnh các tiêu chí chung đã được quy định, đối với loại hình công nghệ đặc thù như đốt rác phát điện, chúng ta cần phải lưu tâm sâu hơn đến các vấn đề sau:

a. Thể chế, chính sách phù hợp

    Sự thành công hay thất bại của công nghệ đốt rác phát điện phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của các bên liên quan và hiện trạng khung thể chế, chính sách, pháp luật tại địa phương. Các bên liên quan trong dự án đốt rác thường có lợi ích trái ngược nhau dựa trên các vấn đề về môi trường và kinh tế [World Bank, 2000]. Do đặc tính là một loại hình công nghệ chuyển giao từ nước ngoài, để đầu tư một Nhà máy đốt rác phát điện tại Việt Nam, các nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ các quy trình thủ tục cần thiết thẩm định, đánh giá công nghệ theo quy định tại Luật chuyển giao công nghệ năm 2017, bên cạnh đó đây cũng được coi là loại hình công nghệ có tác động đến môi trường, công nghệ này cũng cần thực hiện các thủ tục liên quan đến môi trường như đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và các thủ tục liên quan khác. Ngoài ra, cần nghiên cứu đánh giá sự phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và các quy định, chính sách, đặc điểm tại địa phương áp dụng công nghệ như các quy hoạch đô thị để xác định vị trí xây dựng dự án phù hợp, sự phối hợp của chính quyền địa phương trong quá trình vận hành, ví dụ như một trông những nguyên nhân chính giúp việc vận hành thành công công nghệ đốt rác phát điện thuộc Công ty TNHH Ever Bright tại Cần Thơ là do sự phối hợp hiệu quả giữa công ty và chính quyền địa phương trong quá trình phân loại rác tại nguồn. Như vậy tiêu chí về “Xác định tính phù hợp của thể chế, chính sách và quy định tại địa phương” và “đầy đủ hồ sơ đầu tư đã được cơ quan chủ quản phê duyệt” sẽ đóng vai trò tiên quyết trong việc xác định tính khả thi của việc đầu tư loại hình công nghệ phức tạp này.

b. Hiệu quả về mặt kinh tế

    Đây là khía cạnh luôn được quan tâm hàng đầu đối với loại hình công nghệ đòi hỏi kinh phí đầu tư, chi phí vận hành, giá xử lý CTRSH cao như công nghệ đốt rác phát điện. Ngoài ra, chủ đầu tư còn cần phải tính toán chi phí vận hành sẽ bao gồm chi phí nhân công, chi phí vật tư nguyên liệu, điện nước tiêu thụ, chi phí bảo trì thiết bị và chi phí xử lý ô nhiễm thứ cấp trong quá trình vận hành.

    Bên cạnh chi phí thì khía cạnh tranh hiệu quả kinh tế cũng luôn được quan tâm. Nhà đầu tư đương nhiên sẽ thu được lợi nhuận từ chi phí xử lý rác thải (nghìn đồng/tấn rác) từ chính quyền địa phương. Đối với giá dịch dịch vụ xử lý CTRSH (chi phí xử lý CTRSH), hiện nay Bộ TN&MT đã có hướng dẫn chi tiết phương pháp tính chi phí xử lý CTRSH tại Điều 31 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, tuy nhiên, trên thực tế giá dịch vụ xử lý phải phù hợp với điều kiện và khả năng chi trả của từng địa phương. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng CTR tại Việt Nam” quy định mức giá mua điện đối với các dự án phát điện đốt CTR trực tiếp là 2.114 đồng/kWh (tương đương 10,05 UScents/kWh); ngoài quy định về trách nhiệm mua điện từ các dự án phát điện sử dụng CTR còn có quy định về ưu đãi về vốn đầu tư, thuế; ưu đãi về đất đai; hỗ trợ giá điện. Ngoài ra, chủ đầu tư còn có thể gia tăng lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm có khả năng tái chế như tro, xỉ và các sản phẩm tái chế khác từ quá trình phân loại rác thải đầu vào.

    Như vậy để đạt được hiệu quả tối ưu về mặt kinh tế, bài toán cân bằng giữa chi phí và lợi ích phải được tính toán chi tiết và chính xác. Nhà đầu tư cần thiết phải cân nhắc và đánh giá năng lực tài chính của Công ty dựa trên các quy định, ưu đãi và điều kiện của Việt Nam trước khi đưa ra quyết định. Do đó tiêu chí “chi phí vận hành” và “lợi nhuận xử lý” sẽ được áp dụng đảm bảo hiệu quả kinh tế đối với quá trình thẩm định, đánh giá công nghệ đốt rác có thu hồi điện năng.

c. Ổn định, tiên tiến về mặt kỹ thuật

    Với đặc tính CTRSH là một tiêu chí vô cùng quan trọng đối với các loại hình công nghệ xử lý nói chung và công nghệ đốt rác phát điện. CTRSH tại Việt Nam có hàm lượng hữu cơ cao và không được phân loại tại nguồn. Rác thải thu gom chưa được phân loại hiệu quả dẫn đến việc xử lý gặp khó khăn và tốn kém chi phí như rác thải hữu cơ, điều kiện Việt Nam độ ẩm cao sẽ làm tiêu hao nhiều nhiên liệu (dầu) cho lò đốt rác. Một vấn đề rất quan trọng khi vận hành lò đốt rác thải đó là nhiệt trị của rác thải. Nhiệt trị của rác càng cao thì nhiệt độ cháy càng lớn, giảm áp lực cho quá trình vận hành nguyên, nhiên liệu, giúp quá trình cháy xảy ra triệt để và giảm tải cho quá trình xử lý khí [Vân Đình Sơn Thọ, 2021]. Bên cạnh đó, để có thể vận hành hiệu quả cơ sở, việc đảm bảo khối lượng rác thải để quá trình vận hành được diễn ra thông suốt, ổn định cũng cần được xem xét. Điển hình như tại Thụy Điển khi quốc gia này đã phải nhập khẩu thêm rác từ Nauy và Anh để duy trì vận cho Nhà máy điện rác của họ mỗi năm [Newyorktimes, 2018]. Do đó, cần thiết phải có tiêu chí đánh giá về “Chất lượng và khối lượng rác thải cung cấp cho hệ thống xử lý”.

    Để xác định tính ổn định, hiệu quả về mặt kỹ thuật của công nghệ đốt rác thu hồi điện năng có thể áp dụng tiêu chí “Đánh giá hiệu quả năng lượng” theo công thực được ban hành tại Nghị định khung về chất thải số 2008/98/EC của châu Âu. Bên cạnh đó, tính linh hoạt của công nghệ trong việc nâng cấp và duy trì vận hành cũng cần được lưu ý thông qua các tiêu chí về “Khả năng nâng công suất” và “Độ bền của thiết bị theo thời gian vận hành” trong quá trình thẩm định, đánh giá công nghệ.

d. An toàn về môi trường

    Quá trình vận hành công nghệ đốt rác phát điện vẫn phải tuân thủ các quy định của Việt Nam về xử lý CTRSH. Theo đó, quá trình vận hành công nghệ đốt rác phát điện đòi hỏi quá trình vận chuyển, thu gom và xử lý CTRSH cũng có nhiều nguy cơ gây tác động tiêu cực đến môi trường, do đó khoảng cách an toàn môi trường của cơ sở xử lý CTRSH được quy định tại QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó, diện tích đất xây dựng cơ sở xử lý CTR quy hoạch mới được xác định trên cơ sở công suất, công nghệ xử lý hoặc tính toán theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng nhưng phải đảm bảo không được vượt quá chỉ tiêu 0,05 ha/1.000 tấn năm.

    Do đặc tính sử dụng lò đốt để xử lý CTRSH, công nghệ đốt rác phát điện sẽ được phép hoạt động khi đảm bảo “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Việt Nam về lò đốt CTSH” (QCVN 61-MT:2016/BTNMT) quy định các thông số kỹ thuật cơ bản của lò đốt CTR. Quá trình cháy của rác trong buồng đốt sẽ sinh ra các chất khí thải ô nhiễm môi trường mà thành phần chính là bụi, axit, dioxin, kim loại nặng. Các thành phần này sẽ bay theo khói, nếu không thu hồi để thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm và làm ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong khí thải theo quy định của Việt Nam được quy định cụ thể tại QCVN 61-MT/2016/BTNMT

    Ngoài các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải lò đốt, các yêu cầu đối với nguồn phát thải thứ cấp bao gồm: Nước thải sau xử lý từ hệ thống xử lý nước rỉ rác đáp ứng QCVN 40:2011/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước công nghiệp), QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt), QCVN 09-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất); và tro xỉ, tro bay (pH, kim loại nặng) không vượt quá giá trị ngưỡng cho phép tại QCVN 07:2009/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại).

    Như vậy tiêu chí bắt buộc nhằm đảm bảo hạn chế tác động tối đa đối với môi trường là “Tuân thủ các quy chuẩn và tiêu chuẩn môi trường quốc gia đối với xử lý chất thải”.

    Các tiêu chí đề xuất xem xét của Việt Nam đã có những sự tương đồng với các tiêu chí quốc tế, tuy nhiên xét trong điều kiện địa lý, trình độ phát triển và thể chế ở Việt Nam, việc triển khai công nghệ đốt rác theo mô hình WTE cần tiếp tục theo dõi và hoàn thiện các tiêu chí về tính hiệu quả sau khi các nhà máy đã đi vào vận hành đốt rác và phát điện.

Kết luận

    Công nghệ đốt rác thu hồi điện năng đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới và đem lại những lợi ích rõ rệt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Do đây là loại hình công nghệ tiên tiến đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, việc áp dụng thành công tại Việt Nam hay không đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chủ đầu tư. Các tiêu chí được đề xuất trong nghiên cứu sẽ là căn cứ thảm khảo cho cơ quan quản lý và khối doanh nghiệp để xác định tính khả thi, đánh giá tính hiệu quả và khả năng tác động của quá trình vận hành công nghệ đối với môi trường, thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội của loại hình công nghệ này tại Việt Nam.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Bộ TN&MT, đề tài mã số TNMT 2020.04.14.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ TNMT (2021), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020
  2. Chen Liu, Toru Nishiyama, Katsuya, Kawamoto, So Sasaki (2020), CCET guideline series on intermediate solid waste treatment technology, UNEP
  3. National Environment Agency (2015) Solid Waste Management Technology Roadmap
  4. Newyorktimes (2018), In Sweden, Trash Heats Homes, Powers Buses and Fuels Taxi Fleets, link online: https://www.nytimes.com/2018/09/21/climate/sweden-garbage-used-for-fuel.html
  5. Sie Ting Tan, Wai Shin Ho, Haslenda Hashim, Chew Tin Lee, Mohd Rozainee Taib, Chin Siong Ho, Energy, Economic and Environmental (3E) analysis of waste- to – energy (WTE) strategies for municipal solid waste (MSW) management in Malaysia, Energy Conversion and Management, 2015
  6. Vân Đình Sơn Thọ (2021), Hiện trạng công nghệ xử lý khí tại các nhà máy đốt rác sinh hoạt ở Việt Nam,  link online: http://tapchimoitruong.vn/nghien-cuu-23/hien-trang-cong-nghe-xu-ly-khi-tai-cac-nha-may-dot-rac-sinh-hoat-o-viet-nam-26226
  7. World Bank (2000), Municipal Solid Waste incineration – A decision maker’s guide

ThS. Nguyễn Thế Thông

Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2022)

 

Ý kiến của bạn