Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

TP. Cần Thơ xuất sắc lọt vào vòng Chung kết của Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế

06/06/2022

    Ngày 5/6/2022, Thành phố Cần Thơ đã xuất sắc lọt vào vòng Chung kết của Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế (OPCC) năm 2022. Chương trình OPCC, do WWF khởi xướng, kêu gọi các thành phố trên toàn thế giới chung tay giải quyết các thách thức chung về khí hậu. Năm nay, Chương trình nhận được sự tham gia của hơn 280 thành phố thuộc trên 50 quốc gia.

    Được khởi xướng vào năm 2011, Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế là một sáng kiến của Tổ chức WWF nhằm khuyến khích các thành phố xây dựng các cam kết và mục tiêu tham vọng về khí hậu phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Chương trình cũng nhằm phát triển, phổ biến và nhân rộng các mô hình thành công điển hình trong thích ứng và giảm nhẹ tác động của khí hậu.

Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Chương trình Phát triển Bền vững của WWF-Việt Nam trao kỷ niệm chương của Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế cho ông Dương Tấn Hiển - Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ

    Nắm giữ 80% GDP toàn cầu, các thành phố trên thế giới đang chịu trách nhiệm cho khoảng 70% lượng khí thải CO2 và 75% tổng lượng tài nguyên thiên nhiên tiêu thụ. Các thành phố đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và đổi thay, nhưng cũng là nơi khai mở, thử nghiệm cho các ý tưởng và sáng kiến mới. Báo cáo đánh giá về biến đổi khí hậu 2022 của IPCC chỉ ra rằng, các thành phố là một trong những trụ cột quan trọng cho các hành động khí hậu. Báo cáo cũng cho thấy, các kế hoạch tổng thể và bao trùm không chỉ giúp tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu, mà còn giúp cải thiện sức khỏe và phúc lợi của các cộng đồng yếu thế và dễ bị tổn thương.

    Năm nay, Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế cho thấy, các thành phố tham gia đang nỗ lực điều chỉnh các mục tiêu của mình để phù hợp với mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 1,5oC. Trên thực tế, các thành phố tham gia Chương trình có kế hoạch giảm lượng phát thải khí nhà kính (KNK) lên đến 246 triệu tấn CO2 tương đương với tổng lượng phát thải KNK hàng năm của Tây Ban Nha. Ban giám khảo của Chương trình năm nay đã rất ấn tượng với cam kết và tiến trình thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố, đặc biệt quyết tâm của thành phố trong nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

    Tại Việt Nam, TP. Cần Thơ lọt vào vòng Chung kết nhờ các số liệu ấn tượng trong Báo cáo Dữ liệu Khí hậu của thành phố. TP. Cần Thơ được đánh giá bởi rất nhiều tiêu chí, bao gồm: mục tiêu tham vọng về khí hậu, cam kết của lãnh đạo, khả năng ứng phó với các thách thức trong tương lai và kế hoạch hành động khí hậu toàn diện. Sau khi lọt vào vòng Chung kết Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế, Cần Thơ sẽ đại diện cho Việt Nam cùng với 32 quốc gia khác tiếp tục tham gia Chiến dịch Tôi yêu Thành phố (We love City) từ ngày 19/9 - 31/10/2022. Chiến dịch nhằm kêu gọi người dân thành phố cùng thực hiện kế hoạch và cam kết của thành phố hướng đến phát triển đô thị các-bon thấp. Người dân sẽ cùng bình chọn và đưa ra đề xuất nhằm cải thiện và bảo vệ môi trường thành phố.

    Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Chương trình Phát triển Bền vững, tổ chức WWF-Việt Nam nhận xét: “Sáu mươi chín giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố Cần Thơ đã đạt được số điểm tuyệt đối của Ban giám khảo OPCC về chỉ số quyết tâm chính trị. Các nỗ lực và quyết tâm này là nguồn cảm hứng, khích lệ các thành phố khác trên toàn cầu cùng ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong những mùa OPCC tiếp theo, cũng như hi vọng cùng hợp tác và triển khai các dự án khác cho thành phố nhằm hướng đến mục tiêu khí hậu chung”.

    Cần Thơ, nằm dọc bên bờ sông Hậu, là một trong những thành phố ở ĐBSCL. Thành phố đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH toàn cầu, thể hiện qua nguy cơ mất diện tích đất nông nghiệp và thổ cư, cùng với những thiệt hại lớn về sản xuất nông và ngư nghiệp. Thành phố còn chịu tác động của các hiện tượng lốc xoáy, hạn hán - hiện đang xảy ra thường xuyên hơn. Trong thời gian 32 năm từ năm 1988 đến năm 2019, nhiệt độ trung bình năm tại trạm Cần Thơ đã tăng hơn 1,3oC và trong thời gian tới có xu hướng tăng mạnh, vì vậy trong tương lai ảnh hưởng của BĐKH sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

    Khi tham gia chương trình OPCC, thành phố đã xây dựng được một bức tranh toàn diện hơn về các rủi ro và tác động từ biến đổi khí hậu; tính toán số liệu thực tế phát thải khí nhà kính để từ đó so sánh với các cam kết, nỗ lực ứng phó hiện có của thành phố. Với những dữ liệu trên, Chương trình OPCC giúp thành phố xác định thêm các giải pháp ưu tiên và hiệu quả nhằm nâng cao tính chống chịu của thành phố, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ‘ròng’ bằng 0 vào năm 2050 theo như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn