Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Tỉnh Tuyên Quang tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2022 thành công tại Công ty Cổ phần Giấy An Hòa

22/11/2022

    Công ty Cổ phần Giấy An Hòa, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương vinh dự được UBND tỉnh Tuyên Quang lựa chọn làm địa điểm tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2022. Cuộc diễn tập được triển khai vào sáng ngày 18/11/2022 với sự tham dự của Lãnh đạo tỉnh, cùng các Sở, ban/ngành và huy động nhiều lực lượng có quy mô lên đến hơn 600 người, cùng 35 xe chuyên dụng các loại.

Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Phạm Kim Đĩnh phát biểu tại buổi diễn tập

    Trong những năm qua, công tác PCCC và CNCH luôn được tỉnh Tuyên Quang xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo nhiều chuyển biến tích cực và đi vào nề nếp, huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  

    Địa điểm được lựa chọn để triển khai diễn tập phương án chữa cháy cấp tỉnh năm 2022 là trụ sở Công ty Cổ phần Giấy An Hòa. Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh, Công ty Cổ phần Giấy An Hòa là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu, đầu tư công nghệ hiện đại và có đóng góp lớn cho ngân sách của địa phương. Do trong quy trình sản xuất giấy luôn tiềm ẩn những nguy cơ dễ cháy, công tác PCCC là một trong những mặt công tác luôn được cấp ủy chính quyền tỉnh Tuyên Quang cũng như Công an tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng.

Các lực lượng tham gia diễn tập

    Tham dự và chỉ đạo diễn tập, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng các các đơn vị, lực lượng tham gia diễn tập từ khâu chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết, luyện tập nghiêm túc, trách nhiệm. Đồng chí nhấn mạnh, buổi diễn tập là dịp để đánh giá khả năng phát huy phương châm “4 tại chỗ” khi có cháy nổ xảy ra. Đồng thời giúp nâng cao khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tổ chức thực hiện, phối hợp hiệp đồng tác chiến và khả năng vận hành các trang thiết bị, phương tiện.

    Thông qua diễn tập sẽ giúp cho các cơ quan chức năng, lực lượng chữa cháy chuyên trách, lực lượng chữa cháy cơ sở và các lực lượng tham gia CC&CNCH trên địa bàn tỉnh tăng cường sự phối hợp tác chiến trong việc xử lý các tình huống cháy nổ lớn, đánh giá khả năng phát huy phương châm "4 tại chỗ”; nâng cao trình độ, kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu, khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng, nâng cao khả năng vận hành các trang thiết bị, phương tiện khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; đồng thời nâng cao ý thức trong bảo đảm an toàn PCCC cho các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và nhân dân, qua đó có kế hoạch tổ chức chỉ đạo, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ xảy ra.

Triển khai phương án chữa cháy theo tình huống giả định

    Cuộc diễn tập thực hiện theo tình huống giả định, xảy ra cháy tại phân xưởng giấy, Công ty cổ phần Giấy An Hòa do hệ thống điện bị chập, phát sinh các tia lửa điện bắn vào khu vực để giấy thành phẩm, đám cháy đã nhanh chóng lan rộng. Do tác động của ngọn lửa, nhiệt độ cao, khói khí độc và đám cháy phát triển nhanh khiến nhiều công nhân viên bị thương và mắc kẹt. Phần diễn tập  được tiến hành qua 4 giai đoạn với các phương án xử lý tình huống cụ thể gồm: Giai đoạn 1 là lực lượng PCCC cơ sở và Đội PCCC chuyên ngành phát huy phương châm “4 tại chỗ”  hướng dẫn thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và tổ chức chữa cháy. Giai đoạn 2: Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ gần nhất và chính quyền địa phương tìm kiếm người bị nạn và ngăn chặn không để cháy lan, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đến chi viện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Giai đoạn 3 là các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh đến tham gia hỗ trợ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Giai đoạn 4 là phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng bộ giữa các đơn vị chữa cháy và cứu nạn, cứu hội tổ chức tìm kiếm nạn nhân, cấp cứu, tổ chức điều tra và khắc phục hậu quả vụ cháy. Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở cùng với các bộ phận sản xuất của Nhà máy Giấy An Hòa đã tích cực tham gia và phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng PCCC, cứu nạn cứu hộ của tỉnh thực hiện, xử lý tốt tất cả các tình huống giả định trong phương án diễn tập.

Ông Nguyễn Văn Anh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giấy An Hòa (thứ 4 từ phải qua) nhận Bằng khen

cho các tập thể và cá nhân xuất sắc

    Ghi nhận và biểu dương những thành tích đạt được trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ diễn tập, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 5 cá nhân, trong đó có tập thể Công ty cổ phần Giấy An Hòa và ông Nguyễn Văn Anh - Tổng Giám đốc. Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen cho 9 tập thể và 17 cá nhân, trong đó có đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Giấy An Hòa và đội phòng cháy chữa cháy cơ sở Công ty cổ phần Giấy An Hòa.

    Ngoài vinh dự được tỉnh Tuyên Quang lựa chọn làm địa điểm tổ chức Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2022, đây cũng là dịp để Công ty Cổ phần Giấy An Hòa kiểm tra thực tiễn khả năng huy động lực lượng PCCC tại chỗ, tìm ra những thiếu sót trong công tác PCCC ở Nhà máy để khẩn trương khắc phục. Đồng thời qua đây, Công ty Cổ phần Giấy An Hòa một lần nữa khẳng định sự uy tín về thương hiệu, sự tiên phong trong đổi mới sáng tạo, quản lý doanh nghiệp; sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ xã hội, gắn liền lợi ích của doanh nghiệp với sự phát triển cộng đồng.

    Là đơn vị lớn trong lĩnh vực sản xuất giấy và bột giấy, trong thời gian vừa qua, Công ty Cổ phần Giấy An Hòa luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị PCCC và thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng PCCC cho cán bộ, công nhân viên. Để hạn chế các sự cố, tai nạn xảy ra, nhất là sự cố cháy, nổ đối với các cơ sở sản xuất giấy và bột giấy, Ban Lãnh đạo Công ty cùng với toàn bộ phòng, ban, phân xưởng và người lao đồng thường xuyên cảnh giác, nâng cao tinh thần trách nhiệm và thực hiện tốt các công tác: (1) Thường xuyên vệ sinh máy móc, dây chuyền công nghệ sản xuất giấy và bột giấy. Dựa trên từng công đoạn sản xuất giấy và bột giấy để xác định các khu vực nguy hiểm cần vệ sinh định kỳ để tránh sự cố, tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. (2) Kiểm tra, giám sát các nhà xưởng sản xuất, nhà kho chứa nguyên liệu/thành phẩm sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy, chữa cháy hiện hành như: Hệ thống báo cháy tự động; hệ thống chữa cháy tự động; chữa cháy vách tường; hệ thống chỉ lối, đường thoát nạn; hệ thống thông gió, hút khói; hệ thống chống sét,… hay các bộ phận chịu lửa như sàn, tường, cửa,… đều phải bảo đảm.. (3) Thường xuyên đầu tư về trang thiết bị, phương tiện để đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH hàng năm, xây dựng phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ đồng thời thường trực hàng ngày sẵn sàng ứng phó với các sự cố, tai nạn có thể xảy ra. (4) Định kỳ bảo dưỡng, kiểm tra khả năng vận hành của hệ thống phòng cháy, chữa cháy trong Công ty để tránh các hiện tượng như báo cháy giả, sạc nạp lại bình chữa cháy,… Nghiên cứu các giải pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy mới, hiện đại như: Hệ thống cảnh báo cháy sớm, các hệ thống chữa cháy tự động bằng khí,… để bảo đảm an toàn cho các khu vực trọng điểm, dễ xảy ra sự cố cháy, nổ trong Nhà máy.

Nam Hưng

Ý kiến của bạn