Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tỉnh Tuyên Quang: Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường

18/05/2022

    Ngày 19/4/2022, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 61-KH/UBND về Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 16/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản và BVMT trên địa bàn tỉnh.

    Theo đó, Kế hoạch đề ra 8 giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu:

    Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật: Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tài nguyên đất đai, khoáng sản và BVMT; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên đất đai, khoáng sản và BVMT để tạo chuyển biến nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể, cán bộ, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đổi mới phương pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các kênh phương tiện thông tin đại chúng, các chương trình tọa đàm, hội nghị... đảm bảo dễ hiểu, dễ tiếp cận tới nhân dân.

    Hoàn thiện hệ thống pháp luật: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản và BVMT; rà soát, đề xuất, tham gia ý kiến xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Khoáng sản và các Luật khác có liên quan; Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành để kịp thời tham mưu ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quy định pháp luật và đặc điểm, tình hình của địa phương.

    Về quản lý và sử dụng đất đai: Hoàn thành phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2021 - 2025 tỉnh Tuyên Quang; triển khai lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện, thành phố giai đoạn 2021 - 2030 đảm bảo đồng bộ thống nhất với quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật; Bố trí nguồn lực thực hiện đo đạc địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, nhất là tại các xã thuộc khu vực phát triển đô thị và diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp trả lại địa phương quản lý; Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm của huyện, thành phố đã được phê duyệt, đảm bảo giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh; Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, nhất là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất tại các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa đảm bảo theo đúng quy định…

    Về quản lý khoáng sản: Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Khẩn trương hoàn thành việc khoanh định vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là thu hút đầu tư chế biến sâu khoáng sản, đảm bảo việc khai thác, sử dụng khoáng sản tiết kiệm, phục vụ hiệu quả cho phát triển công nghiệp, kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và BVMT…

    Đối với công tác BVMT: Tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tập trung thực hiện các chương trình, nhiệm vụ tại các Quyết định, Chỉ thị, Đề án của UBND tỉnh: Quyết định quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025"; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 22/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh; Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ các nguồn thải lớn, các nguồn thải tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; tăng cường quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chỉ đạo kiểm tra, giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường các khu, cụm công nghiệp…

    Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Tiếp tục rà soát bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực TN&MT tại cấp tỉnh, huyện và xã để điều chỉnh, bổ sung theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục có liên quan đến quyền của người sử dụng đất…

    Về công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền đối với việc quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản và BVMT. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai; trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản tại địa bàn; việc thi hành công vụ của đội ngũ công chức, viên chức, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu, thiếu trách nhiệm trong tham mưu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân; Kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất để kịp thời xử lý các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng, chuyển nhượng đất trái phép, trường hợp sử dụng đất nhưng không hoàn thiện thủ tục đất đai, không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước…

    Tiếp tục xây dựng và kiện toàn bộ máy quản lý ở các cấp nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TN&MT: Tiếp tục rà soát, đánh giá mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý ngành TN&MT để kiện toàn bộ máy, tổ chức ở từng cấp; xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý TN&MT, nhất là đội ngũ công chức địa chính cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao…

    Theo Kế hoạch số 61-KH/UBND, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các ngành, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ 6 tháng tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện và kịp thời đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nam Việt

 

Ý kiến của bạn