Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

10/11/2022

    Ngày 8/11/2022, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định cấp Bộ nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

     Dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia nhằm định hướng việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong thời gian tới; bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Dự thảo Báo cáo Quy hoạch được xây dựng với quan điểm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chú trọng duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái nhằm giảm tối đa mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển bền vững. Dự thảo cũng tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên; áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái trong xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; huy động mọi nguồn lực của cộng đồng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan.

Quang cảnh cuộc họp

    Từ nay đến năm 2030, Dự thảo Quy hoạch đặt mục tiêu mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên. Cụ thể, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt 9% diện tích lãnh thổ; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia. Đồng thời, bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn đạt mục tiêu thu thập, lưu giữ tối thiểu 100.000 nguồn gen.

    Dự thảo báo cáo quy hoạch sẽ tiến hành quy hoạch 257 khu bảo tồn, 13 hành lang đa dạng sinh học, 41 khu vực đa dạng sinh học cao, 23 cảnh quan sinh thái quan trọng, 11 vùng đất ngập nước quan trọng.

    Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã góp ý chi tiết nhằm tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng thống nhất thông qua Quy hoạch sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa theo góp ý của thành viên Hội đồng. Các chuyên gia cho rằng, trong báo cáo cần nêu rõ kết quả đạt được và hạn chế, nguyên nhân; bổ sung các tác động tích cực, có lợi khi quy hoạch bảo tồn đa dạng quốc gia; nêu rõ vai trò quan trọng khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia đã được quốc tế ghi nhận và cần có cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển các khu vực này…

    Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nhân ghi nhận và đánh giá cáo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và yêu cầu Tổng cục Môi trường và đơn vị tư vấn tiếp thu chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo chất lượng, phù hợp và thống nhất.

Phương Linh

Ý kiến của bạn