Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Tiếp cận hương ước trong việc xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước tại Vườn quốc gia Ba Vì

23/06/2023

    TÓM TẮT

    Bài viết trình bày quá trình xây dựng mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước; trong đó xây dựng hương ước quản lý và bảo vệ nguồn nước cho một thôn trong vùng đệm Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì. Kết quả cho thấy, cách tiếp cận cộng đồng trong việc xây dựng Hương ước thôn, xã là giải pháp rẻ tiền, hiệu quả và phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.

    Từ khóa: Tiếp cận hương ước, mô hình quản lý, bảo vệ nguồn nước

    Ngày nhận bài: 15/2/2023. Ngày sửa chữa: 27/2/2023. Ngày duyệt đăng: 7/3/2023.

    Villige rules in water protection and management in Ba Vi National Park

    Abstract:

    The report presents the process of building a community model for water resource protection and management; in which formulating commune convention on water resource management and protection for a village in the buffer zone of Ba Vi National Park. The results show that the community approach to build convention for the village and commune village is a cheap, effective and suitable solution in accordance with the provisions of Vietnamese law.

    Key words: Approach the dream, management model, water protection

    JEL Classifications: N50, Q50, Q56, Q57.

    Đặt vấn đề

    Nước là tài nguyên quan trọng nhất của loài người trên Trái đất. Viện sỹ Xidorenko khẳng định “nước là khoáng sản quý hơn tất cả các loại khoáng sản”. Do đó, việc quản lý và bảo vệ tài nguyên nước nói chung và quản lý và bảo vệ nguồn nước là nhiệm vụ quan trọng cả tất cả các quốc gia và các cộng đồng dân cư thế giới. Việc quản lý và bảo vệ tài nguyên và nguồn nước được thực hiện bằng nhiều giải pháp và phương pháp cụ thể khác nhau, tùy vào điều kiện cụ thể của đối tượng tài nguyên nước cần phải quản lý và bảo vệ. Hương ước là một di sản của văn hóa Việt Nam, là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư; là di sản tiếp cận cộng đồng của văn hóa Việt Nam được Đảng và Chính phủ Việt Nam công nhận và khuyến khích. Bài viết trình bày quá trình áp dụng Hương ước để mô hình ‘Cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước khu vực VQG Ba Vì’ và hiệu quả của mô hình này.

  1. Vài nét về địa bàn áp dụng

    VQG Ba Vì có diện tích 7.377 ha, bao gồm hai vùng: Vùng lõi VQG và vùng đệm, gồm 15 xã với 7 xã thuộc huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Phía Bắc và Tây VQG là các xã Ba Trại, Ba Vì, Minh Quang, Khánh Thượng; phía đông là các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài; phía nam là các xã của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.  Ba Vì là vùng núi cao trung bình nằm ở rìa tây của đồng bằng Bắc Bộ với ba đỉnh cao nhất là đỉnh Vua 1.298 m, đỉnh Tản Viên 1.227 m và đỉnh Ngọc Hoa 1.180 m, và một số đỉnh thấp hơn là: Hang Hùm 776 m, Gia Dê 714 m. Xung quanh vùng núi Ba Vì là các dải núi, dài đồi thấp xen kẽ với ruộng nước và các thủy vực. Theo quy định, vùng lõi VQG Ba Vì từ độ cao 100 m trở lên không có dân cư; nguồn nước của các con suối từ trên đỉnh Ba Vì khá trong sạch. Từ độ cao dưới 100 m đến các đồi và thung lũng thấp thuộc vùng đệm có rất nhiều xóm dân cư thuộc các dân tộc Kinh, Mường, Dao và các khu du lịch sinh thái.

    Với lượng mưa trung bình 2.000 mm năm (sườn đông 2.200 mm, sườn Tây 1.800 mm); nếu giả thiết 50% bốc hơi và ngấm vào lòng đất thì lượng nước mặt hàng năm tạo ra từ núi Ba Vì khoảng 70 triệu m3. Ba Vì có hàng trăm các dòng suối lớn nhỏ; nước từ Ba Vì chảy về 3 lưu vực tiếp nhận chính là: hồ Suối Hai, hồ Đồng Mô và sông Đà. Chất lượng nước sông suối khu vực Ba Vì ở độ cao trên 100 m nhìn chung đều tốt (trừ hai điểm là hồ Tiên Sa chảy qua mỏ Đồng cốt 265 và suối Cái xã Minh Quang chảy qua mỏ Pirit Minh Quang). Các hộ gia đình sống cạnh các suối ở đây vừa cung cấp nước sinh hoạt (tắm giặt và rửa rau), nước tưới vừa là các kênh thoát nước mưa, nước thải.

    Chất lượng nước sông suối sau khi ra khỏi VQG chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hoạt động dân sinh nên bị ô nhiễm khá cao. Kết quả phân tích nước các sông suối đều cho thấy sự gia tăng mạnh chất ô nhiễm từ đầu nguồn (lấy ở độ cao > 100 m) tới cuối nguồn (lấy ở sau các khu dân cư) (Bảng 1).

    Bảng 1. Kết quả phân tích chất lượng nước suối khu vực VQG Ba Vì

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Đầu nguồn

Giữa nguồn

Cuối nguồn

Thôn Dy

Thác Mơ

Hồ Tản Đà 1

Hồ Tản Đà 2

Thôn Dy

Cầu Bơn

1

pH

-

7,49

6,63

7,21

7,16

7,07

7,15

2

BOD5

mg/l

1,5

1,8

2,5

2,0

20,5

4,2

3

TSS

mg/l

<10

<10

25

20

250

80

4

PO43-

mg/l

0,122

0,208

0,298

0,14

0,052

<0,01

5

NO3-

mg/l

<0,01

0,022

<0,01

<0,01

0,029

0,596

6

SO42-

mg/l

16,38

19,76

25,59

29,06

23,38

24,14

7

Fe

mg/l

<0,05

<0,05

<0,05

<0,05

0,098

<0,05

8

Mn

mg/l

<0,05

<0,05

<0,05

<0,05

0,12

<0,05

9

Coliform

MPN /

100 ml

50

50

500

400

3.200

1.200

    Kết quả phân tích và khảo sát thực tế cho thấy: Nguyên nhân gia tăng chất ô nhiễm nước trong nước sông suối là chất thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi của các hộ gia đình trong các thôn sống dọc các dòng suối khu vực vùng đệm. Ngăn chặn được việc thải trực tiếp nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi là giải pháp đầu tiên để quản lý và bảo vệ nguồn nước khu vực.

    Địa điểm để lựa chọn xây dựng mô hình là thôn Dy, nơi có 200 hộ gia đình với 1.000 nhân khẩu người dân tộc Dao và một số hộ gia đình người Kinh từ Hà Nội lên mua đất để kinh doanh du lịch. Cái thuận lợi là hai dòng suối nhỏ chạy qua thôn Dy từ đầu nguồn (cot 100) đến cuối nguồn đều nằm trọn trong địa bàn của thôn. Dân cư trong thôn chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), một số hộ bắt đầu chuyển sang kinh doanh dịch vụ và trồng rừng. 

    Các giải pháp BVMT và xây dựng mô hình được thực hiện bằng ba nhóm giải pháp: thử nghiệm xử lý nước thải chăn nuôi bằng hệ thống biogas; ngăn ngừa việc đổ chất thải rắn (rác thải sinh hoạt, xác chết động vật, ..); ngăn ngừa việc cản trở dòng chảy gây ngập úng trong mùa mưa; xây dựng hương ước quản lý và bảo vệ nguồn nước. Việc xử lý nước thải bằng biogas được thử nghiệm cho 5 hộ gia đình nghèo của thôn làm mẫu điển hình cho các hộ khác học tập. Việc ngăn ngừa đổ chất thải rắn xuống suối được triển khai bằng việc tuyên truyền và cắm biển tại các bến nước mà người dân trong thôn thường tắm rửa. Việc quan trọng nhất của việc xây dựng Mô hình ở đây là soạn thảo và thông qua Hương ước quản lý và bảo vệ nguồn nước suối Dy cho toàn bộ các hộ gia đình trong thôn.

  1. Hương ước - Công cụ quản lý theo hướng tiếp cận cộng đồng

    Ở Việt Nam, lệ làng có lẽ có từ thời thượng cổ nhưng văn tịch để lại thì chỉ có từ thời nhà Trần. Đến thế kỷ 15 triều Hồng Đức nhà Hậu Lê thì hương ước đã rõ nét. Ngoài quy ước có tính cách luật pháp, hương ước còn đề ra những tập tục địa phương như tế tự, tang hôn. Hương ước cũng đề ra cách thức dân chúng tham gia việc làng. Hương ước tại Việt Nam đã trải qua mấy đợt sửa đổi. Vào đầu thế kỷ 20 dưới thời Pháp thuộc chính quyền đã đề ra phương thức cải tổ cho có tính đồng nhất, ghi rõ những khoản thuộc trách nhiệm của làng như hành chính, thuế má, sưu dịch, kiện tụng, canh gác trị an, hỗ tương, y tế, công điền, đường sá, kênh ngòi, giáo dục, và lễ nghi. Việc cải tổ hương ước bắt đầu ở Nam Kỳ năm 1904, tiếp theo là Bắc Kỳ năm 1921 và Trung Kỳ năm 1942.

    Từ năm 1954 trở đi với mô hình hợp tác xã của Liên Xô được triển khai ở nông thôn miền Bắc thì hương ước bị loại bỏ với lý do là "tàn dư của chế độ phong kiến lạc hậu". Sau thập niên 1980, chính quyền cho khôi phục lại lệ làng và khuyến khích việc soạn lại hương ước. Với Nghị quyết số 05-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ngày 10/6/1993 về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, hương ước, quy ước được thừa nhận trở lại. Thông tư số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTUMTTQVN giữa Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thông tin và Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn xây dựng hương ước. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 222/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước áp dụng đối với cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp, bản, buôn và cấp tương đương đã đề ra những quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, điều kiện soạn thảo, thông qua, công nhận hương ước, quy ước. Quyết định số 3727/QĐ-BVHTTDL ngày 4/10/2018 đề ra các mục tiêu về nâng cao hiểu biết pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý xã hội; rà soát, đánh giá, từng bước hoàn thiện về nội dung theo quy định của pháp luật.

    Theo quy định chung, việc tổ chức soạn thảo hương ước thôn được triển khai trong bốn bước cụ thể:

    Bước 1. Thành lập nhóm soạn thảo và tổ chức soạn thảo hương ước, quy ước: Trưởng thôn cùng Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thống nhất các nội dung cơ bản cần soạn thảo.

    Bước 2. Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và nhân dân vào dự thảo hương ước, quy ước: họp thảo luận ở tổ, đội sản xuất, tổ dân phố, ngõ xóm, nhóm các hộ gia đình, họp thảo luận ở các tổ chức đoàn thể ở thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư; niêm yết để thu thập ý kiến đóng góp.

    Bước 3. Thảo luận và thông qua hương ước, quy ước: Tại hội nghị cử tri hoặc hội nghị đại biểu hộ gia đình ở làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Hội nghị này chỉ tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số thành phần cử tri hoặc đại biểu hộ gia đình tham dự. Hương ước, quy ước được thông qua khi có ít nhất quá 1/2 số người dự họp tán thành.

    Bước 4. Phê duyệt hương ước, quy ước: Chủ tịch UBND cấp xã cùng Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã xem xét nội dung của hương ước, quy ước bảo đảm phù hợp với pháp luật, thuần phong, mỹ tục; trình UBND trên phê duyệt.

  1. Quá trình xây dựng và nội dung của hương ước quản lý và bảo vệ nguồn nước thôn dy, xã minh quang huyện Ba Vì

    Để xây dựng Hương ước, nhóm cán bộ thực hiện mô hình phối hợp với chính quyền thôn (Bí thư chi bộ, Trưởng thôn và Trường ban công tác mặt trận) tổ chức tuyên truyền và phân tích cho người dân về vai trò nguồn nước suối trong thôn Dy: nước suối là nguồn tài nguyên chung của cộng đồng vừa là yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng sống của dân cư. Do đó, bảo vệ sự ổn định và trong lành của các dòng suối là quyền lợi và trách nhiệm của tất cả các hộ gia đình trong thôn.

    Cán bộ thực hiện mô hình tổ chức phác thảo Hương ước cùng thảo luận với lãnh đạo chính quyền thôn để có bản hương ước ban đầu. Sau khi xin ý kiến chính quyền xã Minh Quang, bản Hương ước được điều chỉnh để trình cộng đồng dân cư xin ý kiến thông qua. Hội nghị cộng đồng dân cư được tổ chức tại nhà văn hóa thôn có mặt đầy đủ đại diện của các hộ gia đình đã thảo luận và thông qua Hương ước quản lý và bảo vệ nguồn nước suối thôn Dy. Văn bản cuối cùng sau khi chỉnh sửa được trình lên UBND xã Minh Quang để xác nhận cam kết của cộng đồng dân cư thôn Dy.

    Cơ sở pháp lý và khoa học của bản thảo Hương ước quản lý và bảo vệ nguồn nước thôn Dy được soạn thảo dựa trên các quy định của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/6/2012 và các văn bản dưới Luật của Bộ TN&MT, UBND TP. Hà Nội. Văn bản biên soạn được diễn đạt bằng văn phong đơn giản, ngắn gọn để mọi người dân, kể cả người dân tộc ít người có thể đọc và hiểu được.

    Hương ước gồm 12 điều khoản được soạn thảo theo các quy định của Luật tài nguyên nước và văn bản dưới Luật của Chính phủ và UBND TP. Hà Nội:

    Điều 1. Phạm vi áp dụng: Hương ước này quy định về các chuẩn mực ứng xử của tất cả tập thể và cá nhân sinh sống và làm việc trong thôn Dy về bảo vệ nguồn nước và vệ sinh môi trường nước.

    Điều 2. Đối tượng áp dụng: tất cả dân cư và tập thể sinh sống trên địa bàn thôn, kể cả khách du lịch.

    Điều 3. Hành lang bảo vệ trên bờ.

    Điều 4. Nguyên tắc quản lý hành lang bảo vệ trên bờ.

     Điều 5. Các hành vi không được làm đối với dòng chảy.

     Điều 6. Yêu cầu sử dụng hành lang bờ suối.

     Điều 7. Biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

    Điều 8. Bảo vệ chất lượng nguồn nước.

     Điều 9. Bảo vệ chất lượng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp và các hoạt động khác.

     Điều 10. Trách nhiệm cung cấp thông tin.

     Điều 11. Khen thưởng và xử lý vi phạm.

     Điều 12. Tổ chức thực hiện.

    Phần cuối Hương ước có ghi rõ: Bản Hương ước này thể hiện ý chí của toàn thể nhân dân trong thôn Dy, được Hội nghị toàn thể nhân dân trong thôn Dy ngày 5/7/2022 nhất trí thông qua.Trong quá trình thực hiện, Hương ước có thể được sửa đổi, bổ sung khi có nhữ ng nội dung không còn được phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của thôn hoặc theo nguyện vọng của nhân dân trong thôn Dy. Toàn thế nhân dân trong thôn Dy có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Hương ước này. Hương ước này đã được Hội nghị toàn thể nhân dân trong thôn Dy nhất trí thông qua. Trưởng ban công tác mặt trận, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Dy ký tên đề nghị UBND xã Minh Quang phê duyệt.

  1. Những thành công và bài học kinh nghiệm

    Hương ước đã tạo ra sự phấn khởi của chính quyền thôn vì từ nay có các quy ước thống nhất để quản lý công tác BVMT và bảo vệ nguồn nước của các dòng suối chảy qua thôn. Từ đó, giảm bớt các mâu thuẫn và xung đột giữa các hộ gia đình trong khai thác và sử dụng nguồn nước suối và hành lang trên suối. Lợi ích của 5 hộ gia dình nghèo được hỗ trợ kinh phí lắp đặt biogas có nguồn chất đốt rẻ tiền và tiện lợi đang được các hộ ít nghèo hơn tham khảo và học tập. Mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước suối thôn Dy được phổ biến trong Hội nghị tổng kết đề tài với sự tham gia của lãnh đạo và nhân dân các xã vùng đêm thăm quan và học tập để triển khai trong địa bàn tương tự của thôn, xã mình.

    Bài học kinh nghiệm thành công của Mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước thôn Dy xã Minh Quang có thể rút ra là: Cán bộ xây dựng mô hình phải nắm bắt kỹ địa bàn; phải khảo sát và phân tích được nguyên nhân tác động tiêu cực đến nguồn nước để đề ra các giải pháp công nghệ và kỹ thuật phù hợp; lôi kéo được các doanh nghiệp xã hội tài trợ kinh phí để thử nghiệm các giải pháp công nghệ kỹ thuật; sự ủng hộ và phối hợp giữa cán bộ xây dựng mô hình với chính quyền thôn trong việc vận động cộng đồng dân cư cho việc triển khai các giải pháp và trong việc biên soạn và thông qua Hương ước.

  1. Kết luận

    Từ việc xây dựng mô hình và Hương ước thôn Dy, xã Minh Quang, huyện Ba Vì có thể rút ra một số kết luận và kiến nghị ban đầu:

  1. Tiếp cận cộng đồng trong công tác BVMT, quản lý và bảo vệ nguồn nước có thể thực hiện ở mọi quy mô, nhất là ở quy mô nhỏ (thôn, xã); trong đó, xây dựng Hương ước là giải pháp truyền thống, rẻ tiền và hiệu quả nhất.
  2. Để xây dựng thành công các mô hình BVMT, quản lý và bảo vệ nguồn nước; cán bộ thực hiện cần có sự hiểu biết kỹ lưỡng về địa bàn, phân tích hiện trạng vấn đề, đề xuất các giải pháp phù hợp; đồng thời có sự phối hợp công tác tốt giữa nhóm thực hiện với chính quyền cơ sở.

Lưu Đức Hải1, Phạm Thị Mai1, Nguyễn Quang Khải1, Phạm Tiến Đức1, Lưu Đức Dũng2, Phạm Hùng Sơn3

1Hội Kinh tế môi trường Việt Nam

2Viện Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi Trường

3Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2023)

    Tài liệu tham khảo

  1. Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13
  2. Nghị định số 43/2015/NĐ-CP
  3. Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018
  4. Quyết định số 3727/QĐ-BVHTTDL ngày 4/10/2018
  5. Thông tư số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTUMTTVN
Ý kiến của bạn