Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Tà Đùng

17/02/2023

    Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng nằm trong Công viên địa chất Đắk Nông, được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020, có tổng diện tích tự nhiên gần 21.000 ha, thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, với 3 phân khu (Bảo vệ nghiêm ngặt; phục hồi sinh thái; dịch vụ - hành chính) và vùng đệm gần 25.000 ha, nằm trên địa bàn 7 xã giáp ranh thuộc hai tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng. Với cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, hấp dẫn, Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long trên cao nguyên”, là nơi giao thoa về địa lý - sinh học của khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ, mang đặc trưng kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới và rừng kín hỗn giao lá rộng, lá kim. Hướng đến mục tiêu phát triển du lịch sinh thái (DLST) bền vững gắn với quản lý, bảo vệ rừng (QL, BVR), tỉnh Đắk Nông đã và đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch tại VQG Tà Đùng.

    Vịnh Hạ Long trên cao nguyên

    VQG Tà Đùng được thành lập theo Quyết định số 185/QĐ-TTg, ngày 8/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tà Đùng thành VQG Tà Đùng, có chức năng bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn các nguồn gen sinh vật nguy cấp, quý hiếm, mẫu chuẩn hệ sinh thái (HST) rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp và rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới của vùng sinh thái Tây Nguyên; cung ứng các dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo an ninh môi trường; phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đồng Nai, sông Krông Nô - Sêrêpok để cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất điện năng và phát triển công, nông nghiệp của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam (miền Đông Nam bộ); giảm phát thải khí nhà kính; lưu giữ nguồn gen; cung ứng hiện trường cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, tham quan, phát triển DLST, giáo dục môi trường. Đồng thời, huy động các nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, tăng nguồn thu dựa trên nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng gắn với trách nhiệm của người sử dụng lợi ích từ các HST rừng; đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn. Ngoài ra, VQG Tà Đùng còn có nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có; khoanh nuôi, tái sinh, phục hồi rừng; làm giàu rừng tự nhiên; gây ươm các loài cây bản địa, đặc hữu quý hiếm để trồng rừng mới, nâng độ che phủ và đảm bảo an ninh môi trường; tăng khả năng phòng hộ của rừng về giữ nước, hạn chế xói mòn, lũ lụt, BVMT sinh thái, góp phần ổn định sản xuất, cải thiện đời sống cho người dân vùng hạ lưu; thực hiện chính sách về dịch vụ môi trường; tổ chức nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH)…

    Bên cạnh đó, VQG Tà Đùng được đánh giá là một trong những khu vực giữ được màu xanh, với lớp thảm thực vật rừng rộng, chiếm tới 85% tỷ lệ che phủ diện tích vùng lõi (rừng nguyên sinh 48%, rừng thứ sinh 36%). Về vị trí địa lý, VQG nằm trong khu vực Tây Nguyên, là nơi có đặc trưng bởi kiểu rừng kín thường xanh nhiệt đới núi thấp, đây là các mẫu chuẩn HST rừng nguyên sinh hiếm có vùng cao nguyên. Kết quả điều tra của Trung tâm ĐDSH và phát triển, Viện Sinh học nhiệt đới (năm 2011) và Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam (năm 2012) cho thấy, VQG Tà Đùng có giá trị ĐDSH cao với 1.406 loài thực vật bậc cao, trong đó, 89 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, 69 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 27 loài nằm trong Danh lục đỏ IUCN… Về hệ động vật, có 574 loài, thuộc 38 bộ, 124 họ, trong đó, 37 loài thuộc diện quý hiếm cần bảo vệ, 34 loài được nêu trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 37 loài trong Danh lục đỏ IUCN và 3 loài thú đặc hữu. Không những thế, Tà Đùng còn được xác định là địa điểm bảo tồn quan trọng thuộc các khu vực bảo tồn cảnh quan lưu vực sông Đồng Nai, Nam Trường Sơn và là một phần của khu vực chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt - một trong 4 vùng chim đặc hữu của Việt Nam; một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới. Ngoài ra, VQG Tà Đùng còn nằm giữa vùng đất có bề dày lịch sử, mang nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Tây Nguyên… Nếu những ngọn núi lửa hùng vĩ và hệ thống hồ nước tuyệt đẹp làm nên tuyến du lịch hấp dẫn ở đây thì giá trị văn hóa bản địa cũng khiến cho VQG Tà Đùng là điểm đến đáng khám phá.

    Phát triển DLST bền vững gắn với QL, BVR

    VQG Tà Đùng nằm trong khu vực trọng yếu về kinh tế và an ninh môi trường vùng, giúp hấp thụ và lưu giữ các bon, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ, duy trì, cân bằng môi trường sinh thái của toàn khu vực. Đây cũng là đầu nguồn của sông Đồng Nai, bao gồm rừng phòng hộ, điều tiết, cấp nước sinh hoạt, sản xuất công - nông nghiệp, công nghiệp điện, với những nét đặc trưng của rừng nhiệt đới ẩm trên núi thấp, vườn là tiêu bản tiêu chuẩn của HST rừng nguyên sinh quý hiếm vùng cao. Đặc biệt, do nằm ở đường biên hai tỉnh Đắk Nông và Di Linh, độ cao trung bình từ 1.200 - 1.500 m, với nhiều gen động, thực vật đặc hữu, quý hiếm, chỉ có ở Tây Nguyên, VQG Tà Đùng được đánh giá có tiềm năng lớn cho phát triển DLST và nghiên cứu khoa học. Không những thế, đỉnh Tà Đùng cao 1.982 m so với mực nước biển, là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ; là thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai với nhiều dự án thủy điện đang hoạt động, khí hậu mát mẻ quanh năm, thích hợp cho các loại hình nghỉ dưỡng, leo núi; nhiệt độ dao động ở mức 220C, độ ẩm không khí cao (khoảng 80%), được ví như Đà Lạt thứ 2. Đặc biệt, lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 tạo thành một hồ nước nhân tạo với diện tích mặt hồ dao động từ 3.400 - 5.700 ha (tùy theo mực tích nước của hồ thủy điện vào các mùa trong năm). Trên mặt hồ có 47 hòn đảo lớn nhỏ, hình thành cảnh quan thiên nhiên vừa hùng vỹ, vừa hữu tình. Ngoài lợi thế về thắng cảnh, ĐDSH, VQG Tà Đùng còn là điểm đến độc đáo với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, cộng đồng các dân tộc sinh sống gần VQG chủ yếu là người M’Nông, Mạ, K’Ho, mang nét văn hóa truyền thống đặc trưng như nghề thủ công dệt thổ cẩm, đan lát; nghi lễ nông nghiệp cúng phát rẫy, đốt rẫy, lúa trỗ đòng, gieo lúa, lúa về nhà…; lễ hội đặc thù đâm trâu, diễn xướng truyền khẩu, âm nhạc dân gian (đàn đá, cồng chiêng, trống, khèn bầu, đàn môi…). Đặc biệt, các dân tộc di cư từ phía Bắc vào mang theo nhiều nét văn hóa độc đáo như thổi khèn; trang phục truyền thống của người Mông; các món ăn đặc sản (thắng cố, gà Mông…), vì vậy, đến với Tà Đùng, có thể bắt gặp một “Tây Bắc” trong lòng “Tây Nguyên”.

Hồ Tà Đùng được ví như vịnh Hạ Long trên cao nguyên

    Để phát triển DLST bền vững gắn với QL, BVR, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chính sách, đề án, kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, như: Quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông; Đề án phát triển DLST, nghỉ dưỡng, giải trí tại KBTTN Nam Nung, KBTTN Tà Đùng; Đề án phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn liền với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... Đáng chú ý, trong 3 năm gần đây, thay vì kêu gọi đầu tư vào các cụm, điểm đơn lẻ như trước đây, tỉnh chú trọng kêu gọi các công ty lữ hành, doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào chuỗi các sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên vào hoạt động DLST, lưu trú để tăng tính hấp dẫn sản phẩm du lịch đặc trưng. Quy hoạch phát triển tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định du lịch là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, bên cạnh công nghiệp và nông nghiệp bền vững. Cụ thể, đến năm 2025, hình thành một số điểm du lịch trọng tâm gắn với cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa của Đắk Nông; hoàn thành sớm quy hoạch các khu du lịch trọng điểm (Tà Đùng, Công viên địa chất...); phát triển một số sản phẩm và mô hình du lịch mang tính đặc thù của Đắk Nông. Năm 2030, hình thành các tuyến du lịch gắn với Công viên địa chất Đắk Nông; hỗ trợ đầu tư có trọng điểm các điểm đến theo từng tuyến; hoàn thành đầu tư các khu du lịch trọng điểm. Tầm nhìn đến năm 2050, phát triển các tuyến du lịch của Công viên địa chất Đắk Nông, tạo thành một hệ thống liên hoàn, đa dạng về cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa; trở thành trung tâm du lịch mang tầm vóc quốc gia, để du lịch thực sự là ngành kinh tế động lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, trong đó VQG Tà Đùng chính là “đòn bẩy” để khôi phục, bảo tồn và khai thác các giá trị di sản phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch một cách bền vững. Mới đây nhất, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát triển bền vững VQG Tà Đùng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ triển khai quy hoạch, xây dựng Khu phức hợp du lịch - nghỉ dưỡng - sân golf Tà Đùng quy mô lớn, với nhiều loại hình du lịch như thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với cảnh quan, trong đó, những sản phẩm bảo đảm khôi phục các giá trị sinh thái tự nhiên, bảo tồn ĐDSH, phát huy vai trò trụ cột của hệ thống rừng sẽ được chú trọng.

    Bên cạnh đó, ngày 7/6/2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 847/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý (BQL) VQG Tà Đùng trực thuộc Sở NN&PTNT. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn do địa bàn rộng, địa hình chia cắt phức tạp, dân di cư tự do, nhưng công tác QL, BVR vẫn được BQL VQG triển khai đồng bộ, quyết liệt dưới nhiều hình thức như giao khoán BVR, trồng và chăm sóc rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên... Nhờ vậy, trên lâm phần quản lý hầu như không xảy ra tình trạng phá rừng bừa bãi; việc khai thác lâm sản, săn bắt trái phép được kiểm soát tốt; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được chú trọng. Cùng với nhiệm vụ QL, BVR tập trung, giai đoạn 2017 - 2020, BQL VQG Tà Đùng đã tổ chức thực hiện khoán BVR cho hơn 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tổng diện tích hơn 6.000 ha với mức chi trả gần 22 tỷ đồng (bao gồm cả tiền dịch vụ môi trường rừng và ngân sách nhà nước hỗ trợ); mức chi trả cho các hộ nhận khoán từ 20 - 25 triệu đồng/hộ/năm… Đồng thời, thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg, ngày 1/6/2012 chủa Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư, phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020, BQL VQG Tà Đùng đã hỗ trợ gần 3,6 tỷ đồng cho gần 90 lượt vùng đệm (18 vùng đệm/năm) để xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, cổng chào; phối hợp với trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Tây Nguyên, các tổ chức trong nước (Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Viện Sinh học Nhiệt đới, Viện Sinh thái rừng)… thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khoa học tại VQG, góp phần từng bước ổn định cơ sở dữ liệu và bảo tồn ĐDSH tại lâm phần. Ngoài ra, theo Chương trình trồng rừng thay thế giai đoạn 2014 - 2021, VQG Tà Đùng đã trồng mới 617 ha rừng, bao gồm rừng bán ngập tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 và diện tích trồng rừng tập trung; rừng bán ngập tại lòng hồ Tà Đùng và vạt đồi, chủ yếu là các loại cây bản địa như thông ba lá, sao đen… ; thực hiện giao khoán BVR cho 153 hộ đồng bào sinh sống tại vùng đệm, tổng diện tích 3.000 ha, kinh phí chi trả trên 16 tỷ đồng, qua đó huy động được sức dân tham gia phối hợp QL, BVR.

    Thời gian tới, BQL VQG Tà Đùng sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh và tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan trong bảo tồn, khai thác hiệu quả, hợp lý lợi thế của VQG để nơi đây sớm trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Đắk Nông.

Nguyễn Thị Ngọc Mai - Bùi Hằng

Ý kiến của bạn