Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Thực trạng và giải pháp tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn

15/08/2023

1. Mở đầu

    Trong thời gian qua, vấn đề về chất thải rắn (CTR) nói chung, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nông thôn là vấn đề bức xúc của nhiều địa phương trong cả nước. Theo Báo cáo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, phần lớn dân số Việt Nam vẫn tập trung sống và sản xuất ở khu vực nông thôn với khoảng 63,09 triệu người, chiếm 65,6% dân số cả nước [7]. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 -2020 của Bộ TN&MT cho thấy [2], lượng CTRSH nông thôn trong cả nước ngày càng gia tăng, năm 2016 phát sinh 0,3 kg/người/ngày, năm 2019 phát sinh 0,45kg/người/ngày; tổng lượng CTRSH trên cả nước năm 2019 phát sinh 28.394 tấn/ngày. CTRSH nông thôn phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, nhà kho, trường học... có thành phần chủ yếu là chất hữu cơ dễ phân hủy với độ ẩm thường trên 60%, những năm gần đây lượng túi ni lông và nhựa xuất hiện ngày càng nhiều trong thành phần CTRSH. Hầu hết CTRSH không được phân loại tại nguồn, tỷ lệ thu gom còn thấp, trung bình đạt khoảng 40 - 50% so với lượng CTRSH phát sinh.

    Mặc dù, công tác xã hội hóa quản lý CTRSH đang được triển khai ở nhiều địa phương nhưng hoạt động chưa hiệu quả và không bền vững. Bên cạnh đó, những bất cập về vấn đề quy hoạch các địa điểm xử lý rác còn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt rác thải, hay những bãi chôn lấp rác thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vẫn phát sinh. Các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn để vận hành lò đốt, trình độ vận hành của công nhân còn hạn chế, không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nên chưa đáp ứng yêu cầu về BVMT. Việc lựa chọn công nghệ xử lý với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội mỗi địa phương, từng vùng, miền còn chưa phù hợp. Cùng với đó, ý thức người dân về thu gom, phân loại rác thải chưa tốt cũng làm khó khăn thêm cho vấn đề rác thải nông thôn hiện nay… Bài viết phân tích thực trạng quản lý, những khó khăn thách thức trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH tại khu vực nông thôn cả nước trong thời gian tới.

2. Thực trạng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH nông thôn

    Theo Báo cáo Bộ TN&MT, trong giai đoạn 2016 - 2019 [2],  tỷ lệ thu gom CTRSH tại khu vực nông thôn tăng lên, vào năm 2016 tỷ lệ này khoảng 40 - 55% thì đến năm 2019 tỷ lệ đạt 65,7%. Một số địa phương có tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn cao như Hà Nội (88,0%), Ninh Thuận (85,8%), Đồng Nai (98,9%); trong khi đó, một số tỉnh có tỷ lệ thu gom thấp như Hòa Bình (31,0%), Đắk Lắk (22,4%), Điện Biên (12,0%) và thấp nhất là Lai Châu (11,7%). Nếu xét theo vùng, vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ thu gom cao nhất (87,5%); tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng (84,7%); vùng có tỷ lệ thu gom thấp nhất là Tây Nguyên (29,1%) [2].

    Tại khu vực nông thôn, việc thu gom, vận chuyển CTRSH phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Thực hiện tiêu chí 17 của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tại một số địa phương đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom CTR sinh hoạt. Bên cạnh đó có những HTX tự tổ chức thu gom. Theo thống kê, hiện có khoảng 40% số thôn, xã hình thành các tổ, đội thu gom rác tự quản với kinh phí hoạt động do người dân đóng góp [2]...

    Theo khảo sát tại các địa phương, rác thải sinh hoạt được thu gom với tần suất 2 ngày 1 lần (chiếm tỷ lệ cao nhất với 35,2%); Tuần 2 lần (chiếm 31,1%); Hàng ngày (chiếm 16,6%) và tuần 1 lần hoặc 10 ngày 1 lần (chiếm tỷ lệ 16,2%), tần suất khác chỉ (chiếm 0,9%). Ở một số  xã đi lại khó khăn, đơn vị thu gom chỉ đến thu 10 - 15 ngày/lần dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng quá nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của người dân [8].

    Theo thống kê, có 59,0% địa phương hiện đã đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đối với tỷ lệ thu gom CTRSH. Tuy nhiên, chỉ có 25,5% địa phương đạt được mục tiêu này đối với tỷ lệ thu gom ở khu vực nông thôn. Đối với 41,0% các địa phương chưa đạt được mục tiêu quốc gia về tỷ lệ thu gom CTRSH, cần đẩy mạnh triển khai thực hiện giải pháp thu gom CTRSH đối với các địa phương này [2].

    Về phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH đến nơi tập kết hiện nay chủ yếu là xe cơ giới, chiếm 63%, xe thô sơ chủ yếu vận chuyển rác từ các ngõ nhỏ ra đường lớn chiếm 36,2% [8]. Công tác vận chuyển hiện còn gặp nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường (hoặc giá dịch vụ thu gom, vận chuyển) thu từ các hộ gia đình hiện nay mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển. Đối với công tác xử lý CTRSH, hiện trên cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt CTRSH để thu hồi năng lượng phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý. Trong các cơ sở xử lý CTRSH, có 78 cơ sở cấp tỉnh, còn lại là các cơ sở xử lý cấp huyện, cấp xã, liên xã [2]...

    Trên tổng khối lượng CTRSH được thu gom, khoảng 71% (tương đương 35.000 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bã thải từ các cơ sở chế biến compost và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt); 16% (tương đương 7.900 tấn/ ngày) được xử lý tại các nhà máy chế biến compost; 13% (tương đương 6.400 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp đốt [2].

    Tại một số địa phương, các vùng nông thôn đang có xu hướng đầu tư đại trà lò đốt CTRSH ở tuyến huyện, xã. Đây là giải pháp tình thế góp phần nhanh chóng giải quyết vấn đề xử lý CTRSH hiện đang tồn đọng tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nếu những lò đốt này không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật trong quá trình vận hành sẽ dẫn đến việc phát sinh ô nhiễm thứ cấp, phát thải các khí độc hại vào môi trường, đặc biệt phát thải dioxin và furan, do đó không đáp ứng yêu cầu BVMT. Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy, trong 381 lò đốt CTRSH, chỉ có 294 lò đốt (khoảng 77%) có công suất trên 300 kg/h, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTRSH (QCVN 61-MT:2016/BTNMT). Nhiều lò đốt, đặc biệt là lò đốt cỡ nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải hoặc hệ thống xử lý khí thải không đạt yêu cầu BVMT [2].

    Kết quả khảo sát tại một số địa phương cho thấy, hình thức xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu là đốt tại bãi rác tập trung của địa phương chiếm 36,8%; Vận chuyển đi xử lý tập trung tại địa phương khác chiếm 30,5%; Chôn lấp tại bãi rác tập trung của địa phương chiếm 19,8% và hình thức khác chỉ chiếm 5,4% [8].

    Hiện mới có một số cơ sở áp dụng công nghệ đốt để phát điện, ví dụ như ở Cần Thơ (Khu xử lý CTR ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai), Quảng Bình (Nhà máy phân loại xử lý CTR, sản xuất điện và phân bón khoáng hữu cơ xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch)... Nhiều địa phương khác đang trong quá trình nghiên cứu để đầu tư như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ [2]...

3. Những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong quản lý CTRSH nông thôn

    Từ thực trạng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH nông thôn cho thấy, lượng CTRSH phát sinh ngày càng gia tăng, với thành phần chất thải khó xử lý sẽ tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ CTRSH; bối cảnh này đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng từ các điểm tập kết, trạm trung chuyển đến các khu xử lý CTRSH.

    Trong khi đó, về cơ chế, chính sách trong công tác quản lý CTRSH nông thôn vẫn còn một số bất cập như: Cơ chế kiểm tra, giám sát Nhà nước về quản lý CTRSH nông thôn không đủ mạnh và thiếu đồng bộ giữa các cấp dẫn đến những tác động tiêu cực như các chính sách quản lý CTRSH sẽ không được triển khai đến cấp cơ sở; hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý CTRSH nông thôn; các biện pháp chế tài, xử phạt chưa đủ sức răn đe; cơ chế phát triển tổ chức dịch vụ quản lý CTRSH nông thôn nếu không phù hợp sẽ có tác động tiêu cực theo 2 hướng: phát triển ồ ạt để được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ; không chú trọng phát triển, dịch vụ kém chất lượng.

    Ngoài ra, đáng chú ý, Luật BVMT năm 2020 đã quy định rất rõ trách nhiệm của chủ phát thải nguồn thải CTRSH phải thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn [6]. Nhưng thực tế cho thấy, phần lớn CTRSH chưa được phân loại tại nguồn; các chương trình phân loại tại các địa phương còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa được chính thức hóa; cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ.

    Công tác triển khai thực hiện các quy hoạch CTR gặp nhiều khó khăn do các quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tế, một số quy định về khoảng cách an toàn môi trường từ khu xử lý chất thải đến khu dân cư không phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương.

    Hoạt động tái chế CTRSH còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi khu vực phi chính thức ở các làng nghề, gây ô nhiễm môi trường, còn thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường ở địa phương.

    Hầu hết, công nghệ xử lý CTRSH nhập khẩu không phù hợp với đặc thù CTRSH tại Việt Nam (chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị thấp, độ ẩm của không khí cao…). Thiết bị, công nghệ xử lý CTRSH chế tạo trong nước chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, nên chưa thể phổ biến và nhân rộng. Trong khi đó, Nhà nước chưa có định hướng về sử dụng công nghệ rõ ràng, chưa có tiêu chí lựa chọn thiết bị, công nghệ phù hợp. Hoạt động tái chế chất thải còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền về BVMT ở địa phương [5].

    Tại một số vùng nông thôn, còn tồn tại những lò đốt cỡ nhỏ cấp xã, không đáp ứng yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN61:2016/BTNMT về lò đốt CTRSH (về công suất còn nhỏ hơn 300kg/h, hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu…). Bên cạnh đó, có một số lò đốt mặc dù đáp ứng theo QCVN 61:2016/BTNMT nhưng khi áp dụng thì trình độ vận hành của các công nhân không đảm bảo yêu cầu tuân thủ về kỹ thuật (như nhiệt độ cháy theo yêu cầu hoặc vận hành hệ thống xử lý khí thải) nên không đáp ứng yêu cầu về BVMT. Đây chính là tác nhân dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đặc biệt là dioxin/Furan.

    Trong khi đó, vẫn còn tình trạng ở một số khu vực tại một số địa phương, CTRSH vẫn bị đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan. Tại các thôn, xã chưa có quy hoạch xây dựng các bãi chôn lấp chất thải tập trung và chưa có quy định chỗ tập kết rác thải, nhiều bãi chôn lấp chất thải ở nông thôn vẫn hình thành tự phát, có nguy cơ trở thành những điểm ô nhiễm tồn lưu.

    Năng lực quản lý CTRSH của nhiều địa phương còn yếu kém. Cơ sở hạ tầng, nguồn kinh phí và nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý CTRSH. Việc thực thi các quy hoạch quản lý CTRSH còn yếu kém, đặc biệt là các quy hoạch cấp vùng, lưu vực sông.

    Việc huy động các nguồn lực cho quản lý CTRSH còn hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, mức phí thu gom CTRSH từ các hộ gia đình còn quá thấp so với chi phí quản lý CTRSH. Việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp ngoài Nhà nước để đầu tư xây dựng khu xử lý, nhà máy xử lý CTRSH còn gặp nhiều khó khăn.

    Sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt, công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý CTR mặc dù đã được quan tâm để triển khai thường xuyên nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm về quản lý CTR tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là tình trạng lưu giữ, chuyển giao CTR chưa đúng quy định, đặc biệt tại các cơ sở công ích….

4. Giải pháp tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH nông thôn

    Thứ nhất, rà soát, đánh giá việc xây dựng và thực hiện các quy hoạch quản lý CTR về sự phù hợp với tình hình phát sinh, thu gom, xử lý CTR
hiện nay; xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép các quy hoạch quản lý CTR cấp vùng và cấp địa phương hiện có vào quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

    Thứ hai, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý CTRSH; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo hướng tiệm cận các nước tiên tiến, hiện đại và phù hợp với điều kiện trong nước; hoàn thiện việc xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH; xây dựng quy định về hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải.

    Thứ ba, Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã quy định tương đối cụ thể về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT, trong đó có hoạt động quản lý CTRSH gồm: Miễn, giảm thuế; miễn, giảm phí; ưu đãi, hỗ trợ về vốn; ưu đãi, hỗ trợ về đất đai đối với hoạt động BVMT nói chung và ưu đãi, hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình trong quản lý CTRSH nói riêng. Để bảo đảm tính hiệu quả và khả thi, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện các quy định này, UBND cấp tỉnh cần “ban hành biện pháp thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

    Thứ tư, xây dựng, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về công tác phân loại tại nguồn để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện; hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, quản lý, vận hành trạm trung chuyển CTRSH; tổ chức thực hiện chương trình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn theo hướng làm thí điểm tại các địa phương có các điều kiện tự nhiên,  kinh tế - xã hội khác nhau, làm cơ sở nhân rộng cho các địa phương có điều kiện tương tự. Đồng thời, xây dựng lộ trình phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của từng địa phương, cần thí điểm tại một số địa bàn cụ thể để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng mô hình; phân loại CTRSH tại nguồn phải đồng bộ với quá trình thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH đã phân loại.

    Thứ năm, nâng cao năng lực cho chính quyền cơ sở và các đoàn thể nhân dân trong việc tổ chức, huy động cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; Có cơ chế  khuyến khích, hỗ trợ các đoàn thể nhân dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia xây dựng và thực hiện chính sách và luật pháp có liên quan đến thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

    Thứ sáu, đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ CTRSH, từng bước áp dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ CTRSH và chất lượng sản phẩm tái chế từ xử lý CTRSH; Nên tránh việc phát triển quá nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH mà cần nâng cao năng lực, quy mô, sức cạnh tranh của đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ.

    Thứ bảy, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường chuyên ngành về thị trường dịch vụ CTRSH và công khai thông tin về thị trường dịch vụ CTRSH; đề xuất nội dung thông tin cần công khai về thị trường dịch vụ CTRSH.

    Thứ tám, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, giảm thiểu chất thải nhựa, đổ rác đúng nơi và giờ quy định.

TS. Nguyễn Song Tùng

Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2023)

Tài liệu  Tham khảo

1. Bộ TN&MT (2020), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 - Chuyên đề quản lý CTRSH.

2. Bộ TN&MT (2021), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020.

3. Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (2011), Công nghệ xử lý môi trường. Tiêu chí đánh giá, lựa chọn công nghệ xử lý môi trường thích hợp.

4. Nguyễn Thượng Hiền (2019), Một số bất cập trong quản lý môi CTR nông thôn, Báo cáo Tổng cục Môi trường phục vụ Hội nghị toàn quốc về quản lý CTR.

5. Luật BVMT năm 2020.

6. Tổng cục Thống kê (2020), Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, NXB Thống kê.

7. Viện Địa lí nhân văn (2022), Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ môi trường “Khảo sát hiện trạng và đề xuất giải pháp thực hiện xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn tại khu vực nông thôn”.

Ý kiến của bạn