Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Thực trạng và giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

28/06/2023

    Đắk Lắk là một trong những tỉnh có hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng với nhiều loại động, thực vật rừng quý, hiếm cần được bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn gen. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhiều loại động, thực vật có dấu hiệu suy giảm về số lượng bởi tình trạng khai thác quá mức của con người. Chính vì vậy, cần phải nghiên cứu đánh giá đúng thực trạng và tìm ra các giải pháp để bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là hết sức cần thiết.

    1. Đặc điểm tình hình có liên quan

    Đắk Lắk có tổng diện tích tự nhiên 1.312.352 ha, trong đó: đất có rừng: 514.991 ha (506.486,2 ha đất có rừng và 8.504,8 ha rừng trồng chưa thành rừng), đất chưa có rừng 220.997,6 ha. Độ che phủ rừng đạt 38,6 %. Rừng Đắk Lắk có phân bố nhiều loại động thực vật quý hiếm ghi trong Sách đỏ Việt Nam và có những loại được ghi trong Sách đỏ thế giới như: Cẩm lai, Trắc, Giáng hương, Gỗ đỏ, Thông 5 lá, Thông lá dẹ,  Bách xanh, Pơ mu, Trầm hương, Kim giao, Thông nước,...với nhiều loài động vật có giá trị trong đó có nhiều loài thú lớn có nguy cơ tuyệt chủng như Voi, Bò Tót, Hổ,... Bên cạnh đó là sự đa dạng của các nhóm thực vật ngoài gỗ khác như hệ thống nấm, địa y, rêu, tre lồ ô, song mây có giá trị cao về dược liệu, thực phẩm, vật liệu...

    Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 64 dự án nông, lâm nghiệp trên tổng diện tích 43.825,5 ha, 17 dự án thủy điện tập trung tại TP. Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, Lắk, Ea’Hleo, Krông Bông; 01 điện gió tại huyện Ea H’leo và 06 điện năng lượng mặt trời công suất 50MW trở lên tập trung tại Ea Súp, Buôn Đôn. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thành đất canh tác nông nghiệp, thủy điện, năng lượng mặt trời... cùng với sự mở rộng các khu vực dân cư và phát triển cơ sở hạ tầng dẫn đến mất hay phá vỡ các hệ sinh thái và các sinh cảnh, làm cho diện tích rừng tự nhiên có tính chất đa dạng sinh học cao đang bị giảm và nơi cư trú của động vật hoang dã bị mất đi hoặc thu hẹp lại.  Sự thu hẹp rừng tự nhiên này đã làm mất hoặc thu hẹp nơi cư trú của động vật hoang dã, đặc biệt là các loài có kích thước lớn như hổ, voi, bò tót, bò rừng.... hoặc các loài di chuyển nhiều như chim. Sự xâm lấn của một số sinh vật ngoại lai xâm hại gây xáo trộn lớn, xâm chiếm làm thay đổi hệ sinh thái rừng gây ảnh hưởng đến môi trường sống các loài sinh vật bản địa làm cho đa dạng sinh học (ĐDSH) trên địa bàn bị thay đổi ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhiều loài sinh vật.

    2. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về tồn tại ĐDSH

    Vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, các loài nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn: Tình trạng các đối tượng mua, bán, vận chuyển, tàng trữ động vật hoang dã và các loài nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ năm 2014 đến nay có nhiều chuyển biến, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn trước, các đối tượng thường để nhỏ lẻ, cất giấu từ nhiều nơi khác nhau nếu có người sử dụng thì vận chuyển đến. Tình trạng khai thác, săn bắt trái phép diễn ra tại một số địa bàn quan trọng như Buôn Đôn, M'Đrắk, Ea Kar, Lắk, Krông Bông... Hoạt động vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật chủ yếu diễn ra trên các tuyến Quốc lộ 14, Quốc lộ 27 và Quốc lộ 26.

    Điển hình, vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 19/11/2020 tại Km 1703 đường Hồ Chí Minh thuộc thôn 4, xã Ea Khal, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra xe ô tô khách biển kiểm soát 51B – 500.51 do ông Nguyễn Sĩ Tuấn điều khiển vận chuyển 18kg cá thể động vật hoang dã: 02 cá thể Tê Tê (còn sống) có khối lượng 9kg; 10 cá thể Cầy Vòi Hương (09 con đã chết) tổng khối lượng 30kg; 02 cá thể lợn rừng (đã chết) tổng khối lượng 83kg; 04 cá thể Nhím (đã chết) tổng khối lượng 29kg. Tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

    Vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến các Khu bảo tồn thiên nhiên (Vườn Quốc gia, Khu dự trữ thiên nhiên, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh...): Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay có 02 Vườn Quốc gia, 07 Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và 13 Công ty TNHH Lâm nghiệp được giao quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với tổng diện tích là 485.636,79 ha; trong đó diện tích có rừng là 391.379,7 ha. Tuy đã có quy định cụ thể về việc quản lý, bảo vệ rừng nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng tại những nơi này đôi lúc còn lỏng lẻo, xử lý chưa nghiêm dẫn đến xảy ra tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép tại một số khu bảo tồn thiên nhiên. 

    Điển hình như vụ việc phá rừng xảy ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (thuộc huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) vào năm 2020, các đối tượng đã tiến hành cắt hạ 43m3 gỗ chủ yếu là gỗ Căm xe, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Kar đã khởi tố vụ án, khởi tố 37 bị can để điều tra xác minh làm rõ.

    Vi phạm các quy định luật về bảo vệ môi trường có tác động xấu đến đa dạng sinh học (bao gồm các hoạt động: chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác sản xuất....): Trạng thái khai thác khoáng sản trái phép diễn ra phức tạp nhất là khai thác cát trái phép gây sạt lở, biến đổi dòng chảy sông, suối phá hủy môi trường sống của một số loài thủy hải sản, chủ yếu ở lưu vực sông  Krông Ana, sông Ea H'Leo và sông Krông Nô, sông Krông H'Năng thuộc địa bàn các huyện Cư Kuin, Krông Bông, Lắk, Krông Ana, Krông Pák, Ea Kar, M'Đrák.

    Vi phạm quy luật về nguồn gen, các loài ngoại lai xâm phạm: Từ năm 2014 đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk chưa phát hiện nhiệm vụ nào liên quan đến vi phạm luật về nguồn gen, các loài ngoại lai làm hại.

    3. Một số nguyên nhân của tình hình vi phạm về bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

    - Do đặc điểm vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của tỉnh Đắk Lắk đa dạng và phức tạp gây khó khăn trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm về bảo vệ ĐDSH. Trong công tác điều tra các vụ hủy hoại rừng, diện tích đất rừng rộng, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, khó quản lý nên khi phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm khó có thể để bắt giữ được người phạm tội cũng như khó khăn trong quá trình xác minh, làm rõ sau này.

    - Nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế nên chưa có sự hiểu biết sâu sắc về bảo vệ ĐDSH. Tình hình dân số tăng nhanh do dân di cư tự do ngoài quy hoạch quá lớn (chủ yếu là người dân tộc Mông), một bộ phận người dân di cư không hiểu biết pháp luật, vẫn còn tồn tại các tập quán lạc hậu, tự ý di cư di canh, tư tưởng dựa vào rừng để kiếm sống dẫn tới việc người dân tự ý phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái phép để lấy đất ở, đất sản xuất nông nghiệp. Việc khai thác lâm sản và các sản phẩm động vật đã đem lại lợi ích kinh tế cao nên một số đối tượng bất chấp mọi phương thức, thủ đoạn để thực hiện hành vi vi phạm.

    - Công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn bộc lộ một số sơ hở, thiếu sót trong bảo vệ ĐDSH. Công tác kiểm kê hiện trạng rừng hàng năm và đánh giá chưa đúng với tình hình thực tế. Việc tổ chức thực hiện các dự án liên kết trồng rừng còn nhiều bất cập tạo sơ hở dẫn đến mất rừng, đất rừng, không thực hiện tốt công tác bảo vệ khi được giao. Năng lực thực thi pháp luật của cán bộ nhà nước còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn như: số lượng cán bộ phụ trách trực tiếp trong lĩnh vực này còn ít, kiêm nghiệm nhiều công việc khác nhau, chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực ĐDSH nên công tác quản lý, nắm tình hình trong lĩnh vực này còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

    - Hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam còn chồng chéo, chưa có quy định rõ ràng giữa các Luật về quản lý bảo tồn loại hoang dã. Cụ thể, Luật ĐDSH năm 2008 với mục đích chính là bảo tồn hay “kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý ĐDSH” tập trung vào các hoạt động nhằm ưu tiên bảo tồn loài trong danh mục thuộc danh mục loài nguy, cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Luật Lâm nghiệp không đề cập chính sách trực tiếp đối với loài, mà tập trung “chính sách đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động lâm nghiệp gắn liền, đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh”.

    Đối với vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là các loại nguy cấp, quý, hiếm còn chưa có sự thống nhất trong cách tiếp cận về quản lý, bảo tồn loài như: tiêu chí xác định loài, danh mục loài, chế độ quản lý đối với các loài trong danh mục khác nhau. Các quy định của Luật ĐDSH mới chỉ tập trung bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, chưa thực sự chú trọng các loài hoang dã.

    4. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ ĐDSH trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

    Một là, nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk về bảo vệ ĐDSH. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ ĐDSH cho quần chúng nhân dân. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền các nội dung về kiến thức pháp luật về bảo vệ ĐDSH; nâng cao ý thức và xây dựng văn hóa cho người dân đối xử thân thiện với môi trường tự nhiên; kiến thức về bảo tồn và phát triển sự ĐDSH làm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh, không sử dụng sản phẩm động vật hoang dã, tích cực giám sát, phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm về ĐDSH; vai trò và trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong bảo vệ ĐDSH. Đa dạng hóa các hình thức, phương thức cung cấp thông tin có liên quan đến bảo vệ ĐDSH phù hợp với từng nhóm quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác công tác tuyên truyền tạo nên sức mạnh tổng hợp của lực lượng thông tin, làm cho các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ ĐDSH đến với mọi doanh nghiệp, người dân, đến với từng địa bàn dân cư,… qua đó tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân đối với trách nhiệm bảo vệ cân bằng ĐDSH.

    Hai là, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến bảo vệ ĐDSH bảo đảm thực hiện có hiệu quả của các cơ quan chức năng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo tồn ĐDSH. Rà soát hệ thống văn bản pháp luật quy phạm pháp luật có liên quan về ĐDSH, đánh giá hiệu quả thi hành của các quy định pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm về ĐDSH: Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/2/2014, Chỉ thị số 28/CT-Tg ngày 17/9/2016, Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020, Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

    Ba là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp, thống nhất hành động giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức thành viên trong bảo vệ ĐDSH trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, là phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ĐDSH của các tổ chức, cá nhân để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trước pháp luật. Quan tâm kiện toàn và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan quản lý Nhà nước về ĐDSH, nhất là ở cấp cơ sở để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực này. Có cơ chế và quy định trách nhiệm phối hợp với lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ĐDSH.

    Thứ tư, bảo đảm nguồn lực tài chính và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khoa học vào công tác bảo vệ ĐDSH. Tỉnh Đắk Lắk cần cân đối, bố trí ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, dự án ưu tiên của chiến lược về bảo vệ ĐDSH; ưu tiên vận động nguồn vốn ODA thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH tại địa bàn tỉnh; khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư cho công tác bảo vệ ĐDSH trên địa bàn. Tăng cường nghiên cứu, phát hiện các vật liệu di truyền và dẫn xuất có giá trị ứng dụng cao cho phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ trong điều tra, quản lý, quan trắc, theo dõi, giám sát ĐDSH trên địa bàn tỉnh; xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ khoa học về ĐDSH nhằm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH.

Đại úy, Thạc sỹ Đặng Hà

Học viện Cảnh sát nhân dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2023)

    Tài liệu tham khảo

    1. Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk năm 2022;

    2. Luật Đa dạng sinh học năm 2008;

    3. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về đa dạng sinh học” do Cục Cảnh sát môi trường tổ chức năm 2022.

Ý kiến của bạn