Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Thực hành trách nhiệm xã hôi, tạo giá trị chung gắn với phát triển bền vững tại doanh nghiệp

12/08/2022

    Ngày 12/8/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển đã tổ chức Hội thảo “Chiến lược trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, tạo giá trị chung của doanh nghiệp và mục tiêu phát triển bền vững (PTBV)” thuộc Dự án Win-Win for Viet Nam. Tham dự Hội thảo gồm các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ, những trường hợp tiêu biểu cho hợp tác thành công giữa khu vực doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong thực hiện các hoạt động PTBV.

    Hội thảo còn có sự tham dự và phát biểu đề dẫn của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam với mong muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa khối doanh nghiệp và tổ chức xã hội, đặc biệt là trong xu hướng chung trên thế giới về thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và tạo giá trị chung (CSV) tại doanh nghiệp gắn với các mục tiêu PTBV.

    Mục tiêu tổng quát của Dự án Win-Win for Viet Nam là thúc đẩy hoạt động CSR và CSV của khu vực tư nhân, đặc biệt là tăng cường hợp tác với tổ chức xã hội (CSOs) nhằm hiện thực hoá mục tiêu PTBV (SDGs) thông qua CSVhub - một cơ chế hiệu quả để thúc đẩy kết nối giữa khối doanh nghiệp và CSOs tại Việt Nam. Dự án do Liên minh châu Âu đồng tài trợ và được thực hiện bởi RED - đơn vị chủ trì, phối hợp với ProNGO! e. V. (CHLB Đức).

TS. Lothar Rieth trình bày tham luận

    Tại Hội thảo, TS. Lothar Rieth - Giám đốc PTBV Tập đoàn năng lượng EnBW (CHLB Đức) kiêm Phó Chủ tịch Tổ chức Pro NGO! e.V cũng đã trình bày tham luận về khuynh hướng kinh doanh mới tại châu Âu, CHLB Đức trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực. TS. Lothar Rieth đã đưa ra các dự báo, định hướng cho doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động kết nối, khai thác \ nguồn lực đa bên để thực hiện mục tiêu PTBV.

    Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Tập đoàn FPT, sàn thương mại điện tử Chợ Tốt, Tập đoàn Austdoor, Công ty Ford Việt Nam… cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai chiến lược CSR/CSV. Bà Trần Bảo Châu - Giám đốc Marketing Tập đoàn Austdoor cho biết, xuất phát từ sự thấu hiểu những khó khăn của lực lượng lao động trong ngành vật liệu xây dựng (VLXD), cũng như nhu cầu cần nắm bắt thông tin của người tiêu dùng, Tập đoàn Austdoor đã phát triển ứng dụng ANV hoàn toàn miễn phí để trợ người lao động trong ngành VLXD - vốn là đối tượng ít được đầu tư về công cụ lao động số hóa có thể dễ dàng tính toán các công trình xây dựng, ghi nhớ thông tin khách hàng… nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Đối với khách hàng, họ có thể sử dụng kho dữ liệu thông tin vật liệu xây dựng trên app để lựa chọn phương án phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng tài chính. Bên cạnh việc phát triển thành công app ANV, Tập đoàn Austdoor cũng đang phối hợp với các tổ chức xã hội để thực hiện các dự án nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân và con em của họ tại các khu công nghiệp, phát triển văn hóa đọc sách, hướng tới một cộng đồng chia sẻ cùng tiến bộ… Phần chia sẻ của Tập đoàn Austdoor đã minh chứng cho việc khi một doanh nghiệp hướng sự quan tâm tới cộng đồng, tạo ra được giá trị chia sẻ cho cộng đồng thì sự phát triển của doanh nghiệp đó sẽ bền vững, đi cùng với sự phát triển của xã hội.

Toàn cảnh hội thảo

    Theo các diễn giả, hiện nay, trên thế giới có 3 khái niệm phổ biến: Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR), tạo giá trị chung (Creating Shared Values - CSV), quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (Environmental, Social and Corporate Governance - ESG). Không những vậy, “sự bền vững” (Sustainability) là một từ khóa ngày càng được nhắc tới nhiều hơn trong những cuộc thảo luận tại các chương trình nghị sự quốc tế, Chính phủ và phương hướng phát triển của doanh nghiệp. Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu thành kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình 2030 quốc gia với 17 mục tiêu PTBV.

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay với các hiệp định thương mại tự do song, đa phương cũng như phục hồi kinh tế thế giới hậu Covid-19, khủng hoảng năng lượng, SDGs và ESG đã, đang, sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo, trở thành các yêu cầu tích hợp dành cho các chiến lược phát triển doanh nghiệp nói chung, chiến lược CSR/CSV nói riêng

Trường Sơn - An Vi

 

Ý kiến của bạn