Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Thúc đẩy thiết kế sinh thái hướng đến kinh tế tuần hoàn

01/12/2023

    Với xu hướng tiêu dùng ngày càng tăng, từ năm 2011 - 2021, Việt Nam có tốc độ tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng bình quân 7,2%/năm, trong đó 55,8% là than và khí đốt; thủy điện 16,44%; năng lượng tái tạo là 6,25% (2021). Sự phát triển kinh tế luôn đi kèm với các thách thức về môi trường như quản lý chất thải, cạn kiệt nguồn tài nguyên không tái tạo. Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam, và ít nhất 10% trong số này đổ ra đại dương mỗi năm. Hầu hết các tác động đến môi trường hiện nay đều liên quan đến một quá trình sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nào đó.

    Để đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam đã thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH) từ năm 2020. KTTH đã được đưa vào Luật BVMT năm 2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (SEDS) nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Để triển khai thành công KTTH, không thể không thay đổi tư duy về cả vòng đời sản phẩm. Trong bối cảnh đó, nguyên tắc tư duy mới để tạo ra các sản phẩm bền vững được gọi là thiết kế sinh thái (TKST).

    TKST là cách tiếp cận chủ động trong quá trình phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ theo hướng giảm thiểu tác động môi trường trong suốt vòng đời (từ giai đoạn lựa chọn nguyên vật liệu đến thải bỏ), tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có tác động môi trường thấp nhất có thể (Cơ quan Môi trường Châu Âu, 2014). Khi áp dụng tư duy TKST, những cân nhắc quan trọng liên quan đến sản phẩm bao gồm: lựa chọn nguyên vật liệu hợp lý, ít tác động đến môi trường; giảm sử dụng vật liệu; tối ưu hóa kỹ thuật sản xuất; tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả; tối ưu hóa hệ thống phân phối; giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình sử dụng; kéo dài thời gian "sống” của sản phẩm; tối ưu hóa quá trình thải bỏ như khả năng thu hồi, tái sử dụng, tái chế... Thiết kế sản phẩm phù hợp có thể giúp giảm 80% tác động môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm (Lewis et al. 2001).

    Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng chiến lược về BVMT, phát triển bền vững, trong đó khẳng định quan điểm hướng tới mô hình KTTH từ khá sớm. Nghiên cứu kinh nghiệm của Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc cho thấy, các chiến lược này đều đề cập đến vai trò quan trọng của TKST (hoặc tên gọi thiết kế quan tâm đến môi trường). Các quốc gia đều chia sẻ nhận thức chung về tư duy vòng đời sản phẩm của TKST, nhưng xác định các trọng tâm khác nhau khi triển khai phù hợp với thực tiễn của mình, thể hiện ở phạm vi điều chỉnh và nội dung cụ thể các quy định về TKST được ban hành (EU tập trung vào các sản phẩm liên quan đến năng lượng, Nhật Bản định hướng xây dựng một xã hội tái chế…). Để thực hiện tốt TKST, bài học kinh nghiệm cho thấy Nhà nước phải đóng vai trò đi đầu để xây dựng khung pháp lý đầy đủ với các quy định vừa mang tính ràng buộc, vừa định hướng, hỗ trợ, khuyến khích thay đổi hành vi của các bên liên quan chủ chốt là doanh nghiệp và người tiêu dùng.

    Hiện trạng tại Việt Nam

    Trong xu thế chung về phát triển bền vững của thế giới, Việt Nam đã có hệ thống chính sách để can thiệp các khâu từ sản xuất (cải tiến quy trình để giảm tác động môi trường), tiêu dùng (khuyến khích thay đổi hành vi), thải bỏ (quản lý chất thải). Định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang tăng trưởng xanh, KTTH cũng đã được khẳng định trong Luật BVMT năm 2020, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Đề án phát triển KTTH tại Việt Nam ban hành tại Quyết định số 687/QĐ-TTg năm 2022 và Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH, dự kiến được ban hành vào cuối năm 2023.

    Tuy nhiên, TKST tại Việt Nam hiện chưa có các quy định, mô hình cụ thể. Tính đến hiện tại, chỉ có quy định về TKST mang tính định hướng được nêu trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 về xây dựng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất bền vững, thiết kế bền vững, TKST, thiết kế để tái chế, tái sử dụng cho các ngành sản xuất. Bên cạnh đó là Tiêu chuẩn Việt Nam ISO 14006:2013 (Hệ thống quản lý môi trường. Hướng dẫn để hợp nhất TKST) do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này mới dừng ở mức quy định cho hệ thống quản lý môi trường tại các doanh nghiệp nhằm thực hiện TKST, chưa phải các tiêu chuẩn về phương pháp thực hiện và đánh giá TKST của sản phẩm.

Các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần (Ảnh UNDP)

    Bên cạnh đó, các chính sách về KTTH, bao gồm cả lĩnh vực TKST được ban hành bởi nhiều cơ quan. Cụ thể, các chiến lược, kế hoạch, chính sách chung về BVMT do Bộ TN&MT chủ trì tham mưu; đồng thời Bộ cũng đang chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH. Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững được giao cho Bộ Công Thương chủ trì tham mưu. Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Đề án phát triển KTTH do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì dự thảo. Theo đó, trong khi Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững có đề cập nội dung về TKST, thì Đề án phát triển KTTH lại chưa nhắc đến khái niệm này. Vì vậy, cần có sự hợp tác, thống nhất giữa các Bộ, ngành trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách về KTTH, cũng như về TKST.  

    Theo kết quả khảo sát của UNDP Việt Nam thực hiện TKST tại 180 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dệt may, bao bì, nhựa, thực phẩm và đồ uống cho thấy, có rất ít đơn vị quan tâm đến khía cạnh phát triển sản phẩm bền vững. Trong số các doanh nghiệp phản hồi, chỉ 16% doanh nghiệp biết đến thuật ngữ “TKST”. Liên quan đến giai đoạn thiết kế sản phẩm, 29% chỉ thực hiện gia công sản phẩm (chủ yếu thuộc nhóm ngành dệt may và bao bì), 71% có thực hiện thiết kế sản phẩm. Trong số các doanh nghiệp thực hiện thiết kế, 50% doanh nghiệp có xem xét đến các yếu tố bền vững, môi trường như sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, giảm số lớp hoặc trọng lượng bao bì. Điều này cho thấy, nhận thức và nhu cầu để hướng đến thiết kế theo hướng bền vững hơn, thân thiện hơn đang ngày càng gia tăng.

    Đề xuất các giải pháp thúc đẩy TKST

    Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và hiện trạng tại Việt Nam, có 3 nhóm hoạt động cần triển khai trước mắt và trong trung hạn để thúc đẩy TKST, cụ thể như:

    Tăng cường nhận thức và nâng cao năng lực

    TKST còn khá mới tại Việt Nam. Việc nhận thức còn chưa đầy đủ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành sẽ tạo ra những khác biệt trong hành động giữa các cơ quan nhà nước trong xây dựng chính sách, cũng như khoảng cách giữa mục tiêu chính sách và những thay đổi trên thực tế của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

    Đối với cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, cần làm rõ những lợi ích lâu dài cả về môi trường và kinh tế trong việc thực hiện KTTH, TKST, đổi mới sáng tạo, phù hợp với xu thế chung. Thúc đẩy tư duy về toàn bộ vòng đời sản phẩm để doanh nghiệp nhìn nhận toàn diện hơn về tác động môi trường của sản phẩm, từ đó nhận diện nhiều cơ hội để lựa chọn các giải pháp can thiệp. Phổ biến các kinh nghiệm xây dựng, triển khai chính sách của các quốc gia trong thúc đẩy KTTH, trong đó bao gồm các chính sách về TKST.

    Đối với người tiêu dùng, cần thúc đẩy truyền thông nhấn mạnh vai trò của người tiêu dùng hướng tới các sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường. Khuyến khích hành vi tiêu dùng theo các nguyên tắc của TKST (sử dụng sản phẩm có vòng đời dài hơn, tận dụng, tái chế các sản phẩm cũ, thải bỏ sản phẩm một cách có trách nhiệm…). Hướng dẫn người tiêu dùng tìm hiểu thông tin sản phẩm để đưa ra lựa chọn phù hợp với mục tiêu đặt ra. Trong thời gian tới, cần thúc đẩy hơn nữa công tác truyền thông, nhận diện tiêu dùng, đặc biệt với các chương trình, nhãn hiệu đã và đang thực hiện:

    - Nhãn sinh thái: Luật BVMT năm 2020 cũng quy định về NST trong Điều 145 về sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết các điều của Luật BVMT, trong đó, quy định tiêu chí nhãn sinh thái Việt Nam. Nhãn xanh Việt Nam sử dụng Tiêu chuẩn ISO 14024 loại 1 để chứng nhận cho các sản phẩm xanh ở Việt Nam.

    - Nhãn năng lượng: Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chương trình dán Nhãn năng lượng cho một số phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Trong đó, có 3 loại nhãn năng lượng chính gồm: Nhãn năng lượng xác nhận, Nhãn năng lượng so sánh và Nhãn năng lượng không sao.

    Xây dựng và hoàn thiện chính sách

    Việc xây dựng và ban hành quy định về TKST cần có lộ trình cụ thể để áp dụng cho từng nhóm sản phẩm, nên tập trung vào các nhóm sản phẩm trọng điểm. Tại Việt Nam, một số lĩnh vực nên ưu tiên thực hiện TKST bao gồm bao bì, thực phẩm và đồ uống, dệt may, đồ gia dụng, công trình xây dựng, điện tử. Lộ trình áp dụng TKST bắt đầu từ các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn cần dẫn đầu thực hiện TKST giúp định hướng thị trường, dẫn dắt các chuỗi cung ứng và tạo lực đẩy cho sự thay đổi.

    Chính sách áp dụng TKST tại Việt Nam nên được thiết kế theo 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất tập trung vào việc xây dựng các quy định chung để doanh nghiệp làm quen với các nguyên tắc của TKST, căn cứ theo một số tiêu chí đối với sản phẩm TKST như mức độ tiêu thụ năng lượng và tài nguyên, hàm lượng nguyên vật liệu tái chế sử dụng, khả năng tái sử dụng và tái chế, tái sử dụng bộ phận, kéo dài thời gian sử dụng, giảm lượng chất thải, truy xuất nguồn gốc... Các quy định trong giai đoạn này nên mang tính chất định hướng, không đi vào các tiêu chí định lượng để các doanh nghiệp có thể từng bước khởi động quá trình chuyển đổi. Đến giai đoạn thứ hai, các quy định gắn với các chỉ tiêu cụ thể sẽ dần được ban hành trên cơ sở nghiên cứu, xem xét đầy đủ các vấn đề. Toàn bộ quá trình này cần được công bố trong một lộ trình dài hạn để doanh nghiệp có đủ thời gian thích ứng.

    Ở giai đoạn 2, xây dựng các quy định và hướng dẫn thực hiện TKST cho từng nhóm sản phẩm cụ thể. Các quy định này mang tính định lượng, với các tiêu chí để đo lường, đánh giá về TKST đối với sản phẩm. Trong đó có các tiêu chí bắt buộc phải đáp ứng theo các quy định hiện hành về BVMT, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng của sản phẩm. Một số chỉ tiêu như tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất, hàm lượng tái chế nên có lộ trình tăng dần theo thời gian, ví dụ theo quy định EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) Hàn Quốc, tỷ lệ tái chế bắt buộc của chai nhựa PET tăng từ 85,2% năm 2021 lên 87% năm 2023.

    Bên cạnh các tiêu chí bắt buộc do Chính phủ quy định, cần xem xét vận hành một cơ chế thị trường để các tổ chức thu gom, tái chế và các nhà sản xuất có thể tự tổ chức TKST. Với mô hình này ở châu Âu, nhà sản xuất cần tuân thủ theo các yêu cầu do các nhà tái chế đưa ra, để được thu gom và tái chế một cách hiệu quả. Chính sách này gắn liền chặt chẽ với quy định EPR.

    Ngoài các quy định về TKST, cần thúc đẩy và hoàn thiện các quy định về “Mua sắm công xanh”, trong đó lồng ghép các tiêu chí đánh giá sản phẩm TKST, tiêu chí môi trường. Điều này sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp áp dụng TKST, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm bền vững hơn.

    Thúc đẩy áp dụng mô hình KTTH, trong đó áp dụng TKST và xây dựng cơ sở dữ liệu

    Các mô hình thí điểm về KTTH, áp dụng các TKST là cơ hội để thử nghiệm và đánh giá tính khả thi của các giải pháp TKST và các tác động của TKST đến môi trường và xã hội. Đây là bước tiền đề cho quá trình triển khai, phổ biến các giải pháp về TKST và đưa ra các khuyến nghị chính sách để nhân rộng. Theo đó, việc thúc đẩy áp dụng các mô hình KTTH, trong đó đưa ra các giải pháp can thiệp từ giai đoạn thiết kế, hướng đến TKST là hết sức cần thiết.

    Bên cạnh đó, cần có một cơ sở dữ liệu về thực hiện KTTH, TKST, định kỳ cập nhật để chia sẻ thông tin, dữ liệu, công cụ hỗ trợ đo lường, đánh giá việc thực hiện. Cơ sở dữ liệu này, cùng với các thông tin về các công nghệ mới, các giải pháp khoa học, kỹ thuật để thúc đẩy thực hiện TKST, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho từng ngành có thể được tích hợp này vào website của Mạng lưới KTTH Việt Nam (CE Hub) và/hoặc Mạng lưới Sản xuất và tiêu dùng bền vững giúp tạo sự kết nối và hỗ trợ hiệu quả trong việc thực hiện các sáng kiến TKST.

    Kết luận

    Việt Nam đang trong xu thế chung về phát triển bền vững của thế giới, dù việc thể chế hóa định hướng phát triển KTTH muộn hơn so với các quốc gia phát triển. Việc ban hành các quy định về TKST cũng cần được triển khai theo các giai đoạn bảo đảm phù hợp với khả năng thích ứng của doanh nghiệp; trong đó giai đoạn đầu tập trung vào định hướng doanh nghiệp thực hiện theo các nguyên tắc của TKST, giai đoạn sau có thể ban hành các quy định với chỉ tiêu cụ thể đối với sản phẩm. Bên cạnh đó, các chính sách bổ trợ sẽ đóng vai trò không thể thiếu đối với sự thành công của thực hiện TKST tại Việt Nam, như ban hành chính sách về “Mua sắm công xanh” hay cải tiến chương trình “Nhãn sinh thái”. Để thúc đẩy TKST, các giải pháp cần đồng bộ, ngoài chính sách và quy định, việc nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho các bên liên quan, đặc biệt là khối doanh nghiệp và việc xây dựng cơ sở dữ liệu, các mô hình tuần hoàn cần được ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2-3 năm tới.

Đào Xuân Lai, Hoàng Thành Vĩnh, Hoàng Thị Diệu Linh

UNDP Việt Nam

Nguyễn Hồng Long, Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Thị Hòa

 Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển bền vững

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2023)

Ý kiến của bạn