Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Thúc đẩy hoạt động tái chế: cân nhắc và gợi ý chính sách

29/04/2024

    Bài viết này nhấn mạnh việc tái chế là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Tái chế giúp giảm thiểu rác thải, tiết kiệm tài nguyên và tạo giá trị kinh tế. Tuy nhiên, thành công của tái chế phụ thuộc vào sự kết hợp giữa thị trường, công nghệ tiên tiến và thay đổi hành vi. Bài viết cũng nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc thiết lập chính sách, khuyến khích tái chế thông qua các công cụ pháp lý, thị trường và hành vi. Cuối cùng, bài báo đề xuất các chính sách cho Việt Nam, như phát triển thị trường tái chế bền vững, cải thiện hạ tầng, thúc đẩy sự tham gia của cá nhân có ảnh hưởng xã hội và đánh giá toàn diện tác động của chính sách tái chế.

1. Bối cảnh tái chế và các nỗ lực

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành một xu hướng tất yếu và tái chế là một trong những trụ cột chính. Tái chế không những giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, giảm phát thải các-bon, mà còn tạo ra giá trị kinh tế từ những vật liệu đã qua sử dụng. Các chính sách và sáng kiến tái chế đang được nhiều quốc gia, doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận tích cực triển khai, nhằm khuyến khích người tiêu dùng và các bên liên quan tham gia vào chuỗi giá trị tái chế. Điều này không chỉ góp phần vào mục tiêu BVMT mà còn hướng tới một nền kinh tế bền vững, nơi mọi nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả và có trách nhiệm.

Triển khai "Dự án hồi sinh rác thải nhựa" do Unilever Việt Nam và hai đối tác chiến lược VietCycle và Duy Tân tổ chức hướng đến thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn

    Tuy nhiên, việc thực hiện thành công hoạt động tái chế không phải là một nhiệm vụ dễ dàng mà đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa nhiều yếu tố khác nhau như: thị trường, công nghệ tiên tiến và hành vi tích cực từ các bên liên quan. Thị trường tái chế cần được hỗ trợ bởi cơ chế giá cả hợp lý, hay động cơ kinh tế đủ mạnh để khuyến khích việc thu gom và xử lý chất thải một cách hiệu quả. Công nghệ tái chế mới và tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của quá trình tái chế, từ việc phân loại rác thải đến tái chế thành sản phẩm mới. Bên cạnh đó, việc thay đổi hành vi và tăng cường nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp và các tổ chức là yếu tố không thể thiếu, giúp tạo ra một chuỗi giá trị tái chế bền vững. Chỉ khi các yếu tố này được kết hợp một cách hiệu quả, mục tiêu về một nền kinh tế xanh, bền vững và thân thiện với môi trường mới có thể được thực hiện thành công.

    Trên thực tế, mặc dù việc BVMT là mối quan tâm chung của toàn xã hội, tuy nhiên, các doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động tái chế thường chủ yếu hướng tới mục tiêu kinh tế cá nhân. Điều này phản ánh một thực trạng rằng, giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân có thể xảy ra sự đánh đổi, nơi mục tiêu kinh doanh và mục tiêu môi trường không đi đôi với nhau. Điều này đặt ra vai trò của Chính phủ, thông qua việc thiết lập chính sách đối với quy định pháp lý, công cụ thị trường và cơ chế khuyến khích nhằm đảm bảo rằng hoạt động tái chế không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp mà còn góp phần vào mục tiêu BVMT chung. Sự can thiệp này có thể bao gồm việc tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường tái chế bền vững, cũng như tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường.

    Tại Việt Nam, sự nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng trong việc thúc đẩy tái chế cho các loại rác thải khác nhau là đáng kể. Cụ thể, Bộ TN&MT đã ban hành các quy định về tỷ lệ tái chế bắt buộc cho nhiều loại chất thải, ví dụ giấy carton, nhựa, kim loại và thủy tinh. Các chính sách và chiến dịch thông tin, truyền thông về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, với thách thức môi trường ngày càng lớn và lượng rác thải ngày càng tăng, hoạt động tái chế vẫn còn nhiều bất cập. Để đạt được mục tiêu kinh tế bền vững và giảm các tác động tiêu cực đến môi trường, hoạt động tái chế đòi hỏi nhiều chính sách phối hợp, cũng như đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả thực thi và kinh tế của từng chính sách.

2. Một số gợi ý chính sách cho hoạt động tái chế tại Việt Nam

    Một là, cần nhận thức rằng tái chế là hoạt động quan trọng, nhưng tái chế không phải là “lá bùa hộ mệnh” thúc đẩy kinh tế xanh. Tái chế giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nói chung và giải quyết một vấn đề môi trường nào đó. Tuy nhiên, hoạt động tái chế có thể gây nên vấn đề môi trường khác. Ví dụ, tái chế nhựa tạo ra lợi ích kinh tế cho đơn vị tái chế và việc làm cho xã hội nhưng tái chế với công nghệ lạc hậu có thể gây nên ô nhiễm không khí và nguồn nước. Vì vậy, tái chế cần đặt trong một bối cảnh môi trường chung và công nghệ tiên tiến để tránh hiện tượng giải quyết một vấn đề môi trường nhưng lại tạo ra vấn đề môi trường khác.

    Hai là, thúc đẩy hoạt động tái chế nói riêng và BVMT nói chung một chính sách đơn thuần là không đủ trong khi đó tính hiệu quả của chính sách cũng cần được chú trọng. Để đạt được mục tiêu tái chế bền vững và hiệu quả các chính sách về môi trường như phân loại rác tại nguồn, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là những nhóm chính sách có tính tương hỗ lẫn nhau rất cao. Việc triển khai các quy định pháp lý hay công cụ thị trường như thuế hay trợ cấp thường yêu cầu lượng lớn nguồn lực. Chính phủ cần cân nhắc đồng bộ các công cụ hành vi như truyền thông hay sự tham gia của người nổi tiếng thúc đẩy các sáng kiến môi trường hay nâng cao nhận thức - nhóm công cụ hành vi thường có chi phí thực thi giám sát thấp hơn nhóm công cụ pháp lý và thị trường.

    Ba là, vấn đề thu gom tái chế phụ một cách bền vững phụ thuộc rất lớn vào động cơ kinh tế của các bên liên quan. Để thu hút được sự tham gia của lĩnh vực tư nhân thì hoạt động thu gom tái chế phải mang lại đủ lợi ích kinh tế cho các bên tham gia vào chuỗi giá trị tái chế. Tạo ra thị trường cho vật liệu tái chế là chiến lược lâu dài và bền vững mà Chính phủ cần đánh giá và đặt ra thứ tự ưu tiên trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Ví dụ, để thúc đẩy hoạt động tái chế bao bì thủy tinh, lợi ích kinh tế của người thu gom, vận chuyển và tái chế phải đủ lớn để bù đắp chi phí cơ hội của một ngày công và các nguồn lực khác mà các bên liên quan bỏ ra. Thực tế, rác thải thủy tinh chưa có thị trường hoặc còn rất yếu do thu nhập từ vật liệu thủy tinh thu gom thấp hơn nhiều so với giá nhân công của người thu gom. Vì vậy, vấn đề tái chế thủy tinh gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết được điều này, trách nhiệm của người tiêu dùng là chi trả thêm, nhà sản xuất sử dụng bao bì thủy tinh là giảm lợi ích và Chính phủ là xây dựng cơ chế để tạo ra một thị trường cho rác thải thủy tinh. Chính phủ có thể huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng tái chế, trang thiết bị cần thiết để giảm chi phí thu gom và vận chuyển hay trợ cấp tái chế hướng tới lợi ích kinh tế đủ lớn cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị tái chế.

    Bên cạnh đó, những rác thải như bao bì giấy carton vốn dĩ đã có thị trường - nghĩa là vấn đề thu gom và tái chế bao bì giấy carton tạo lợi ích kinh tế đủ mạnh để thúc đẩy các bên liên quan tham gia. Trong những trường hợp tương tự như thế này, Chính phủ đảm bảo duy trì cơ chế để thị trường vận hành. Tuy nhiên, sự vận hành của thị trường là trạng thái động và có thể tồn tại những mặt trái mà người mua và người bán có thể không chịu trách nhiệm chi phí xã hội mà họ tạo ra. Đây là vấn đề chung của hầu hết các thị trường hàng hóa dịch vụ khác nhau.

    Bốn là, Chính phủ cân nhắc nhóm công cụ hành vi - thường hiệu quả về chi phí, để thúc đẩy nhu cầu về sản phẩm có nguồn gốc tái chế phù hợp. Một trong những công cụ hành vi đã được kiểm chứng và ứng dụng ở nhiều quốc gia là kêu gọi sự tham gia của người nổi tiếng tham gia vào các sáng kiến môi trường. Đối với vấn đề tái chế, Chính phủ cân nhắc lồng ghép các chiến dịch truyền thông có sự tham gia của người nổi tiếng trong việc ủng hộ hành vi tiêu dùng xanh và có trách nhiệm. Nỗ lực của Chính phủ cùng với những người có ảnh hưởng trong xã hội cần được nhân rộng hướng tới những sản phẩm, dịch vụ và nhà sản xuất có trách nhiệm môi trường, ví dụ như tỷ lệ tái chế cao. Tuy nhiên, hệ thống chứng nhận sản phẩm xanh và sản phẩm tái chế cần được đảm bảo tính khoa học và khách quan.

    Năm là, khi đánh giá hoạt động tái chế nói riêng hay một chính sách môi trường cần đo lường tác động một cách toàn diện để có cơ sở cho các chính sách trong tương lai. Một chính sách thường có những tác động tích cực và tiêu cực. Tác động của của một chính sách không dừng lại ở những kết quả cụ thể như lượng vật liệu được tái chế hay tỷ lệ tái chế đạt được. Chính sách tái chế tốt có thể giúp tạo ra một ngành công nghiệp mới, ví dụ tái chế thủy tinh, tạo thị trường mới và việc làm cho xã hội. Chính sách tái chế bền vững giúp cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao ý thức BVMT hay ý thức cộng đồng cho xã hội. Rộng hơn, một chính sách môi trường tốt còn tạo ra niềm tin của cộng đồng cho Chính phủ.

TS. Hồ Quốc Thông

Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt I/2024)
Ý kiến của bạn