Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng tại Mỹ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

21/05/2024

    Với sự gia tăng không ngừng của dân số và sự phát triển kinh tế, lượng chất thải phát sinh từ các hoạt động của xã hội cũng đã tăng lên đáng kể. Đây không chỉ là một vấn đề về môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và cả cơ sở hạ tầng đô thị. Trong bối cảnh này, áp dụng mô hình thu phí theo khối lượng hoặc thể tích chất thải trở nên cần thiết nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải, tạo động lực cho người dân tham gia vào các hoạt động tái chế và tái sử dụng. Các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canađa, Tây Ban Nha, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đã áp dụng hệ thống thu phí chất thải rắn (CTR) theo lượng chất thải phát sinh hay chính sách trả tiền cho những gì bạn bỏ/ném đi (PAYT). Bài viết sẽ phân tích việc áp dụng PAYT tại Mỹ, một trong những quốc gia tiên phong và thành công khi thực hiện chương trình này, từ đó, đưa ra một số bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác này tại Việt Nam.

1. Thu phí CTR sinh hoạt theo khối lượng tại Mỹ

Kết quả áp dụng PAYT tại Mỹ

    Tại Mỹ, hệ thống PAYT được thực hiện từ năm 1973 tại TP. Grand Rapids (bang Michigan). Đến cuối những năm 1980 đã có hơn 100 địa phương (TP, hạt) thực hiện PAYT và tăng lên khoảng 1.000 địa phương vào năm 1993 và năm 2006 có hơn 7.100 địa phương tại Mỹ đã áp dụng chính sách PAYT với 25% dân số, khoảng 26% địa phương (trong đó bao gồm 30% các TP lớn nhất ở Mỹ) (US EPA, 2006). Đến năm 2011, các địa phương thực hiện PAYT đã lên tới gần 9.000 địa điểm (nerc.org, 2018). Việc thực hiện chương trình PAYT đã chứng minh được hiệu quả trong việc giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp khoảng 6,5 triệu tấn CTR đô thị mỗi năm tại Mỹ (ước tính lượng chất thải giảm hàng năm từ 4,6 đến 8,3 triệu tấn) (US EPA, 2006). Các bang Minnesota, Iowa, Wisconsin, California, New York, Washington và Pennsylvania có số lượng địa phương thực hiện PAYT nhiều với hơn 200 khu vực áp dụng chính sách này.

 

 

Thùng đựng chất thải PAYT ở TP. Seattle, bang Washington

                    

 

Túi đựng chất thải PAYT ở TP. Waterville, bang Maine

    Việc thực hiện chương trình PAYT mang lại một số lợi ích như: Giảm thiểu tỷ lệ phát sinh chất thải, kéo dài tuổi thọ của các bãi chôn lấp. PAYT cho thấy hiệu quả trong việc thúc đẩy các hộ gia đình thải bỏ chất thải ít hơn từ 14% đến 17%. Lượng chất thải tái chế tại Mỹ tăng trung bình từ 32% đến 59% (EPA.gov, 2016). Điểm mạnh nhất của PAYT là mức độ công bằng cao hơn, người dân chỉ trả tiền theo lượng chất thải mà họ thải ra thay vì thu theo phí như phương pháp truyền thống (thu theo đầu người/ theo hộ gia đình). Bên cạnh đó, việc áp dụng mô hình này giúp địa phương dự báo và đảm bảo được nguồn thu từ hoạt động thu phí.

Kết quả thực hiện PAYT tại một số thành phố

Địa điểm

Năm

thực hiện

Mức phí

Kết quả

Grand Rapids, bang Michigan

1973

Trước 2012: Túi đựng chất thải: 3USD/túi 32 gallon, hoặc đăng ký thu gom chất thải ở lề đường hàng tuần với nhiều mức giá khác nhau.

Từ 2012: Áp dụng thùng đựng chất thải gắn chíp RFID kích cỡ 32, 54, 96 gallon.

Giai đoạn 2006-2013: Lượng CTR giảm 28%

Lượng CTR tái chế tăng 76%

Binghamton, bang New York

1991

Năm 2024: Túi đựng chất thải: 8,2 USD/5 túi 30 gallon, 5,2 USD/5 túi 20 gallon, 2,5 USD/5 túi 10 gallon. Khối lượng chất thải dưới 50 pound.

Tăng tỷ lệ tái chế từ 37% năm 1991 lên 41% năm 2008

Falmouth,bang Maine

1992

Túi đựng chất thải: 64 cent/túi 20 gallon, 91 cent/33 gallon.

Tem dán 91 cent/đồ thải cồng kềnh dưới 35 pound.

Tem dán 4,8 USD/đệm, sofa kích thước lớn.

Năm đầu tiên: tăng tỷ lệ tái chế từ 12% lên 21%;

Giảm phí thu gom còn 116.000 USD (phí thu gom theo hình thức truyền thống 146.000 USD);

Giảm 900 tấn chải chôn lấp cuối cùng/năm.

Gainesville, bang Florida

1994

Mức phí thu theo tháng với các mức: 13,5; 15,95 ; 19,75 USD khi người dân đặt thùng chứa chất thải ở lề đường với kích thước tương ứng 35, 64, 96 gallon

Năm đầu tiên: Giảm lượng CTR thu gom 18%;

Tăng lượng CTR được tái chế 25%.

Seattle,  bang Washington

1981

Mức phí năm 2024 thu theo tháng với các mức:

- Chất thải hữu cơ: 7,3; 10,95; 13,95 USD với kích thước thùng chứa chất thải tương ứng 13, 32, 96gallon. Mức phí cho chất thải phát sinh thêm: 7,05 USD cho mỗi túi, thùng chứa 32 gallon.

- Chất thải tái chế: thùng chứa 96 gallon và không thu thêm phí.

- Chất thải còn lại: 27,55; 33,75 ; 43,9; 87,65; 131,65 USD với kích thước thùng chứa chất tương ứng 12,20,32,64, 96gallon. Mức phí cho chất thải phát sinh thêm: 13,25 USD cho mỗi túi, thùng chứa 32 gallon.

Tăng tỷ lệ tái chế từ 26,8% năm 1998 lên 56,9% năm 2017.

Nguồn: Tổng hợp US EPA (1997), John Abrashkin (2015), seattle.gov

Phương pháp thu phí CTR phát sinh

    Chương trình PAYT tại Mỹ có 3 phương pháp thu phí CTR phát sinh gồm:

    Thu phí theo đơn giá cố định (proportional pricing): Tính phí chất thải dựa theo lượng chất thải và đơn giá được tính cố định theo thể tích của các túi đựng chất thải, túi/nhãn dán được bán tại cửa hàng bán lẻ địa phương hoặc văn phòng TP. Một hộ dân có thể trả 1,25 USD cho mỗi túi/nhãn dán cho phép bỏ một lượng chất thải tương đương thể tích 32 gallon.

    Thu phí theo đơn giá thay đổi (variable rate pricing): Đơn giá được xây dựng với các mức khác nhau theo khối lượng (thể tích) chất thải đã đăng ký. Người dân thường được lập hóa đơn dựa theo kích thước thùng chứa/thể tích chất thải mà họ đã đăng ký. Đối với chất thải vượt quá mức đăng ký, người dân sẽ phải trả thêm phí. Giá của thùng chứa/công cụ chứa đựng chất thải vượt mức có thể tăng hoặc giảm, tùy thuộc vào mục tiêu chương trình PAYT ở mỗi địa phương. Do đó, một hộ gia đình trả 1,5 USD mỗi tuần cho một thể tích rác 32 gallon mà họ đã đăng ký và có thể bị tính phí 2 USD cho mỗi thể tích rác mà vượt ngoài mức đăng ký trong tuần (tuy nhiên, tùy vào mỗi địa phương mức giá của thể tích rác bổ sung này cũng có thể được quy định ở mức 1 USD, thấp hơn so với mức thu 32 gallon ban đầu). Người dân có thể trả phí đổ thêm rác bằng cách mua thêm túi hoặc nhãn dán, hoặc có thể tính số lượng rác đổ thêm tại thời điểm thu gom và lập hóa đơn tương ứng.

    Thu phí đa tầng (hay đơn giá lũy tiến) (multi-tiered pricing): Dựa vào cách tính lũy tiến với các mức phí theo bậc khác nhau. Hệ thống thu phí này đôi khi được sử dụng để giúp địa phương đạt được sự ổn định về doanh thu. Tương tự như các hệ thống thanh toán đối với hóa đơn sử dụng điện thoại, nước… người dân đăng ký dịch vụ ở mức cơ bản và họ phải trả một khoản phí cố định tại mức cơ bản này. Các khoản phí “bậc 1” này có thể được tính thông qua các loại thuế hoặc khoản phí thông thường hàng tháng/hàng quý và sẽ được tính trong hóa đơn sử dụng các tiện ích khác như điện thoại, nước… Phần doanh thu này có thể được sử dụng để trang trải phần chi phí cố định cho chương trình quản lý CTR của địa phương. Vượt qua mức cố định này, người dân sẽ trả phí “bậc 2” dựa trên lượng chất thải mà họ thải bỏ. Phí bậc 2 có thể được áp dụng mức giá theo cách tương tự như các hệ thống thu phí theo đơn giá cố định hoặc thu phí theo đơn giá thay đổi. Mức phí đa tầng có thể được quy định tăng hoặc giảm đối với các thùng chứa chất thải bổ sung.

Mức phí thu gom CTR

    Các nhà xây dựng kế hoạch ở Mỹ sẽ thực hiện rà soát dữ liệu về tổng chi phí quản lý chất thải và ước tính lượng chất thải được thu gom mỗi năm để tính giá cho mỗi thùng chứa. Đơn giá này sẽ được quyết định dựa vào mục tiêu của từng địa phương và cách tiếp cận xây dựng hệ thống PAYT dựa trên kinh nghiệm của các địa phương lân cận hay tự tính toán đơn giá. Các chi phí quản lý CTR của địa phương có thể bao gồm: Chi phí quản lý (các chi phí tiếp cận cộng đồng, thực thi, chi phí hóa đơn và dịch vụ khách hàng); Chi phí thu gom (chi phí thu gom và vận chuyển chất thải, cũng như chi phí nhân công, thiết bị và chi phí thanh toán hợp đồng); Chi phí tái chế và xử lý chất thải (phí chôn lấp hoặc đốt chất thải và chi phí cho các cơ sở thu hồi/tái chế vật liệu).

    Đặc biệt, chính quyền sẽ quy định về phí thu gom chất thải thông qua thùng chứa chất thải (các kích cỡ khác nhau), túi chuyên dụng đựng chất thải trả phí trước, nhãn dán hoặc tem trả phí trước. Đơn vị thu gom sẽ chỉ thu khi chất thải được đựng trong các thùng, túi theo đúng quy định.

Thùng chứa chất thải (các kích cỡ khác nhau)

    Hộ gia đình sẽ được lựa chọn các loại thùng tiêu chuẩn có kích cỡ khác nhau, dung tích từ 10 đến 90 gallon (phổ biến nhất từ 30 đến 60 gallon). Người dân sẽ đăng ký chọn trước kích thước thùng mà họ muốn sử dụng và hóa đơn dựa trên mức dịch vụ hoặc số lượng thùng còn lại sẽ được gửi đến hộ gia đình, thường là hàng tháng hoặc hàng quý.

    Ưu điểm: Nguồn thu ổn định và lớn hơn. Tương thích với hệ thống thu gom tự động. Thùng chứa không bị thổi bay và động vật bới rác.

    Nhược điểm: Không thúc đẩy giảm chất thải từ hộ gia đình. Cần hệ thống quản lý và phân phối các thùng chứa chất thải. Mất nhiều không gian để đặt thùng chứa tại hộ gia đình. Cần hệ thống thanh toán hóa đơn (billing).

Túi chuyên dụng đựng chất thải trả phí trước

    Hệ thống này sử dụng các túi đựng chất thải tiêu chuẩn có màu sắc theo quy định của địa phương (hoặc được đánh dấu) có thể tích từ 20 đến 30 gallon. Người dân mua các túi này từ cơ quan quản lý CTR thông qua các điểm bán như văn phòng đô thị hoặc cửa hàng bán lẻ.

    Ưu điểm: Tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy người dân giảm lượng CTR, tiết kiệm tiền.  Chi phí quản lý, chi phí triển khai thấp hơn so với hệ thống thùng chứa. Dễ dàng để người dân hiểu và sử dụng. Mất ít không gian để đặt túi tại hộ gia đình hơn là thùng chứa

    Nhược điểm: Nguồn thu không ổn định. Túi có thể không tương thích với các hệ thống thu gom tự động. Động vật có thể làm rách túi và bới chất thải

Nhãn dán hoặc tem trả phí trước

    Nhãn dán hoặc tem được thiết kế để được sử dụng kết hợp với các loại thùng/túi chứa khác nhau. Người dân mua nhãn hoặc tem từ các văn phòng đô thị hoặc cửa hàng bán lẻ và gắn chúng vào túi hoặc thùng đựng chất thải của họ. Nhãn hoặc tem xác định kích cỡ của thùng/túi đựng.

    Ưu điểm: Tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy người dân giảm lượng CTR, tiết kiệm tiền. Chi phí quản lý, chi phí triển khai thấp hơn so với hệ thống thùng chứa. Người dân có thể lựa chọn các loại thùng/túi đựng mà họ ưa thích, mất ít không gian hơn là thùng chứa.

    Nhược điểm: Nguồn thu không ổn định. Cần quy định giới hạn kích thước cho mỗi loại nhãn/tem. Nhãn/tem dán có thể bị đánh cắp từ các thùng/túi đựng chất thải, bị bong/rơi khi thời tiết xấu. Khó khăn trong việc kiểm tra đảm bảo lượng chất thải thải bỏ đúng theo khối lượng/thể tích cho phép.

    Bên cạnh đó, công nghệ cũng được áp dụng vào hệ thống PAYT đó là sử dụng thùng rác kết hợp chíp RFID liên kết với tài khoản của người dân. Trên xe tải thu gom sẽ có đầu đọc RFID tự động ghi lại thông tin mỗi lần thu gom chất thải tại hộ gia đình và tính phí vào tài khoản của người dân đã trả trước cho dịch vụ này.

2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    Tại Việt Nam, Luật BVMT năm 2020 đã quy định việc thu phí chất thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho cách tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người. Chương trình PAYT tại Mỹ có thể cung cấp một số gợi ý cho Việt Nam trong việc đối mặt với thách thức quản lý chất thải và tạo ra sự thay đổi tích cực trong việc thu gom, xử lý chất thải, cụ thể:

    Thứ nhất, xây dựng và lựa chọn phương án và cách thức tính phí. Có thể lựa chọn một trong ba phương án thu phí (hoặc sự kết hợp của các phương án) để thu phí CTR phát sinh của chương trình PAYT. Việc sử dụng thùng chứa, túi chuyên dụng hay nhãn/tem trả phí trước cũng cần phải chú ý phù hợp với thực tế từng khu vực sinh sống. 

    Thứ hai, khuyến khích tái chế và giảm thiểu chất thải, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng dân số và nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên một cách bền vững.

    Thứ ba, cải thiện hệ thống quản lý chất thải để tăng cường khả năng theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động quản lý chất thải. PAYT đòi hỏi một hệ thống quản lý chất thải hiệu quả để theo dõi việc thu phí và xử lý chất thải.

    Thứ tư, tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các cấp quản lý để đảm bảo thực hiện hiệu quả của chương trình quản lý chất thải do PAYT thường yêu cầu sự hợp tác giữa các cấp quản lý địa phương.

    Thứ năm, hỗ trợ cho nhóm người dân có thu nhập thấp. Chương trình PAYT nếu không được quản lý một cách thận trọng, có thể gây gia tăng chi phí đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Vì thế, cần xem xét và đưa ra giải pháp hỗ trợ cho người có thu nhập thấp (như cung cấp túi đựng rác miễn phí hoặc giảm giá túi đựng rác cho người cao tuổi, người dân thu nhập thấp) sẽ góp phần giảm tác động tiêu cực đối với nhóm này và đảm bảo tính công bằng cho tất cả các tầng lớp xã hội.

    Thứ sáu, giáo dục và tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Tại Mỹ khi bắt đầu áp dụng chương trình PAYT có thể gặp khó khăn do người dân cho rằng đây là một loại thuế mới khi nó được tách riêng và tính phí riêng lẻ so với hệ thống thu phí cũ (được tính cùng với tiền thuê nhà hoặc thuế tài sản địa phương). Do vậy, PAYT thường kết hợp với các chiến dịch giáo dục, truyền thông để cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức về việc quản lý chất thải. PAYT cũng yêu cầu sự tham gia chủ động từ cộng đồng, do đó, Việt Nam cũng cần chú trọng việc giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của quản lý chất thải và tác động của chúng đối với môi trường, sức khỏe con người cũng như khuyến khích sự chủ động tham gia của người dân và các bên liên quan trong việc xây dựng, thực hiện chương trình quản lý chất thải.

Mai Thị Thu Huệ

Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo

Nguyễn Hương Giang

Trường Đại học Việt Nhật

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2024)

Tài liệu tham khảo

1. US EPA, 1997, Pay as you throw success stories.

2. US EPA, 2006, Pay As You Throw (PAYT) in the US: 2006 Update and Analyses.

3. John Abrashkin, 2015, Volume-based waste fee (VBWF): effect on recycling and applicability to New York City, Sponsored by Columbia University, Earth Engineering Center.

4. Https://archive.epa.gov/wastes/conserve/tools/payt/web/html/top13.html (cập nhật ngày 21/2/2016).

5. Https://archive.epa.gov/wastes/conserve/tools/payt/web/html/top15.html (cập nhật ngày 21/2/2016).

6. Https://archive.epa.gov/wastes/conserve/tools/payt/web/html/top3.html (cập nhật ngày 21/2/2016).

7. Https://www.greenbiz.com/article/pay-you-throw-one-cities-most-effective-tools-reducing-waste (cập nhật ngày 28/1/2022).

8. Https://nerc.org/news-and-updates/blog/nerc-blog/2018/04/03/the-pay-as-you-throw-solution (cập nhật ngày 3/4/2018).

9. Https://www.seattle.gov/utilities/your-services/accounts-and-payments/rates/collection-and-disposal

10. https://archive.epa.gov/wastes/conserve/tools/payt/web/html/top13.htmlhttps://archive.epa.gov/wastes/conserve/tools/payt/web/html/top13.htmlhttps://archive.epa.gov/wastes/conserve/tools/payt/web/html/top13.htmlhttps://archive.epa.gov/wastes/conserve/tools/payt/web/html/top13.htmlUS EPA, 2006, Pay As You Throw (PAYT) in the US: 2006 Update and Analyses US EPA, 2006, Pay As You Throw (PAYT) in the US: 2006 Update and Analyses Top of Form

Ý kiến của bạn