Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Tham vấn Dự thảo số 0 hướng đến phiên đàm phán thứ ba Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

07/11/2023

    Từ ngày 2-3/11/2023, tại Đà Nẵng, Bộ TN&MT phối hợp với với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo số 0 hướng đến phiên đàm phán thứ ba Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Trương Đức Trí cho biết, ô nhiễm chất thải nhựa, bao gồm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành một trong ba thách thức toàn cầu lớn nhất về môi trường hiện nay. Nhận thức được điều đó, Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt thông qua những cam kết quốc tế và hành động mạnh mẽ nhằm đóng góp vào nỗ lực toàn cầu để giải quyết thách thức to lớn này, hướng đến môi trường trong lành và sự phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau. Các cam kết quốc tế của Việt Nam đã được Đảng và Chính phủ kịp thời cụ thể hóa trong các văn bản chỉ đạo và hệ thống chính sách và pháp luật thời gian qua như: Luật BVMT năm 2020 đã cụ thể quá các nội dung liên quan đến quản lý chất thải nhựa; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đã đặt ra yêu cầu thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương.

    Thông qua Nghị quyết của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2022 về Chấm dứt ô nhiễm nhựa, hướng tới một văn kiện ràng buộc pháp lý quốc tế, các quốc gia thành viên đã thành lập Ủy ban đàm phán liên Chính phủ để điều phối quá trình đàm phán xây dựng một Thỏa thuận toàn cầu. Đến nay, đã tổ chức được 2 phiên đàm phán cấp cao, phiên thứ ba sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Kenya.

    Bộ TN&MT được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực về công tác đàm phán Thỏa thuận toàn cầu của Việt Nam. Hiện Bộ TN&MT đã, đang cùng với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan chủ động tham gia các phiên đàm phán, thường xuyên tổ chức các Hội nghị, Hội thảo để trao đổi, thảo luận về quan điểm đàm phán của Việt Nam.

    Tại Hội thảo, TS. Michael Parsons, Cố vấn chính sách của Bộ TN&MT đã cung cấp thông về các thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế được xem xét trong Dự thảo số 0 như: Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại (CTNH) và việc tiêu huỷ chúng (Công ước Basel), Công ước Rotterdam về thủ tục chấp thuận thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc trừ sâu độc hại trong thương mại quốc tế (Công ước Rotterdam), Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) (Công ước Stockholm), Công ước Minamata về Thủy ngân (Công ước Minamata), Hiệp định về Bảo tồn và Sử dụng bền vững Đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (còn gọi là Hiệp định Biển cả), Nghị định thư về các chất làm suy giảm tầng ôzôn được điều chỉnh và sửa đổi… Theo TS. Michael Parsons, có 2 lĩnh vực chính nhận được sự quan tâm trong bản thảo đầu tiên của Hiệp ước về nhựa toàn cầu và các hiệp định quốc tế nêu trên đó là hóa chất trong nhựa (có tác động tới sức khỏe con người và môi trường) và việc kinh doanh các mặt hàng nhựa và bất kỳ mối lo ngại nào về sự chồng chéo giữa nội dung của Hiệp ước và các Công ước sẽ được giải quyết bằng khả năng vận dụng chuyên môn khoa học và kỹ thuật của Hiệp ước để đạt được các hành động thiết thực và đem lại hiệu quả.

    Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm và môi trường trình bày tổng quan hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa và trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý chất thải nhựa như Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa…

    Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về những đánh giá sơ bộ tính phù hợp giữa các mục tiêu của Dự thảo số 0 với các mục tiêu và định hướng của Chính phủ Việt Nam trên cơ sở các văn bản hiện hành; tiếp cận Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa trên cơ sở các Điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên; Quan điểm của một số tổ chức trong khu vực liên quan đến đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; Cập nhật tình trạng sử dụng và ô nhiễm nhựa toàn cầu; Các chính sách, quy định về quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam; Đánh giá tính khả thi của việc Việt Nam gia nhập Liên minh tham vọng cao (HAC)...

An Bình

Ý kiến của bạn