Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Tập huấn kiến thức về kinh tế tuần hoàn khu vực miền Trung

27/02/2024

    Ngày 23/2/2024, tại TP. Vinh, Nghệ An, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE)  phối hợp với Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Nghệ An tổ chức “Hội thảo tập huấn kiến thức về kinh tế tuần hoàn (KTTH) khu vực miền Trung”. Tham dự Hội thảo có TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng ISPONRE và các đại biểu đến từ các trường ĐH Kinh tế Nghệ An, Vinh, Kinh tế quốc dân; Chi cục BVMT tỉnh Nghệ An; Viện Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (BĐKH).

    Phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, các bon thấp và tuần hoàn đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp trên toàn thế giới. Trong đó, KTTH đang được xem là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực BVMT, ứng phó BĐKH nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất.

TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng ISPONRE phát biểu khai mạc Hội thảo

    Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN KTTH vào Luật BVMT và văn bản hướng dẫn dưới Luật. Theo Điều 142 của Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra quy định về KTTH, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng KTTH. Ngoài ra, nhiều công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện KTTH một cách toàn diện, hiệu lực và hiệu quả.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng ISPONRE cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Điểm a Khoản 1 Điều 139 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP,  ISPONRE được Bộ TN&MT giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH đến năm 2030. Theo quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan và phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện KTTH cấp tỉnh phù hợp với các Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH. Hội thảo hôm nay nhằm trao đổi, thảo luận đóng góp hiệu quả cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch hành động thực hiện KTTH cấp tỉnh phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH ở Việt Nam trong thời gian tới.

    Thực hiện KTTH là nhiệm vụ liên ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, cơ chế, định hướng, cung cấp thông tin, dữ liệu, tạo không gian, động lực và điều kiện cho quá trình chuyển đổi, ứng dụng mô hình KTTH; quyền và lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng dân cư, các tổ chức và cá nhân là động lực dẫn dắt thực hiện KTTH. Đặc biệt, đây là công cụ kinh tế nhằm thiết thực đóng góp vào thực hiện thành công các chủ trương, chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường đã được đề ra trong các văn kiện của Đảng, Chiến lược, Chương trình, Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án phát triển, chính sách và pháp luật của Nhà nước.            Chia sẻ về tổng quan, khung chính sách, pháp luật về KTTH ở Việt Nam, TS. Lại Văn Mạnh - ISPONRE cho biết, mục tiêu tổng quát của Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH là hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên, nguồn nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường, thúc đẩy sự tái sinh của thiên nhiên trên cơ sở lựa chọn, áp dụng mô hình KTTH phổ biến và phù hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng về đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy áp dụng KTTH, gắn với phát triển các thói quen, thực hành, tạo dựng văn hóa áp dụng KTTH trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất. Theo đó, các mục tiêu cụ thể được đề xuất theo từng giai đoạn 2025 và 2030. Các ngành lĩnh vực trọng tâm được lựa chọn thực hiện KTTH, bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; năng lượng; khai thác khoáng sản và chế biến khoáng sản; công nghiệp chế biến tạo; hóa chất; xây dựng và giao thông vận tải; quản lý chất thải; lĩnh vực trung gian, cộng sinh; hỗ trợ thực hiện KTTH…

    Báo cáo về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Mạnh Trinh, Trưởng phòng Tổng hợp, Chi cục BVMT tỉnh Nghệ An cho biết, theo số liệu thống kê, tổng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An ước tính khoảng 1.486,12 tấn/ngày, trong đó, lượng CTRSH tại khu vực đô thị là 552,46 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn 933,66 tấn/ngày. Tổng lượng CTRSH được thu gom khoảng 1.121,36 tấn/ngày đạt 75,4% (trong đó, tại đô thị 533,01 tấn/ngày đạt 96,5%, nông thôn 588,35 tấn/ngày đạt 63%). Về công tác phân loại CTR tại nguồn trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa được thực hiện, gây lãng phí tài nguyên, kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Mặc dù, tỷ lệ thu gom CTR trên địa bàn tỉnh có tăng lên, nhưng nhìn chung trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển hiện nay vẫn còn thiếu, cũ kỹ, lạc hậu, công suất hoạt động thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Ngoài ra, đại diện đến từ các trường ĐH, Viện Khí tượng thủy văn và BĐKH cũng chia sẻ về một số ứng dụng tốt về áp dụng KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh Nghệ An; Mô hình nông nghiệp theo hướng KTTH ở khu vực nông thôn Bắc Trung bộ; Một số kết quả đánh giá KTTH ở các cấp độ tại Việt Nam; Giới thiệu phần mềm hỗ trợ quản lý và khai thác Bộ chỉ tiêu giám sát KTTH cấp tỉnh…

    Theo đó, ngành, lĩnh vực trọng tâm cần chú trọng thực hiện KTTH trên địa bàn tỉnh Nghệ An là nông nghiệp và quản lý chất thải. Đối với ngành nông nghiệp, thực hiện KTTH giúp nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hạn chế tối đa những rủi ro về đầu ra. Để thực hiện tốt về áp dụng KTTH trong ngành nông nghiệp, tỉnh cần ban hành chính sách tạo động lực để các địa phương, chủ trang trại, người nông dân đầu tư vào KTTH; hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường; hướng dẫn chủ trang trại, nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị theo từng chu trình: Sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tái chế; sản xuất - chế biến (tái chế) - phân phối - tiêu dùng (sản xuất).

    Đối với lĩnh vực quản lý chất thải, cần thực hiện quy hoạch CTR trên địa bàn tỉnh Nghệ An; đẩy mạnh phân loại CTR tại nguồn; nghiên cứu các công nghệ xử lý CTR phù hợp với điều kiện địa phương nhằm tái sử dụng, tái chế, xử lý thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng CTR phải chôn lấp; các cấp chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý, bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện công tác thu gom, xử lý CTR, đẩy nhanh tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi rác theo đúng quy định.

Châu Loan

Ý kiến của bạn