Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản thiên nhiên Việt Nam

20/09/2024

    Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT, bảo tồn di sản thiên nhiên, từ ngày 18 -19/9/2024, tại Ninh Bình, Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tác động của các dự án phát triển tới môi trường và cảnh quan các di sản thiên nhiên tại Việt Nam”,  góp phần bảo tồn di sản hướng tới việc cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Tham dự Hội thảo có Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn TS. Nguyễn Song Tùng; Đại diện Lãnh đạo và cán bộ, đoàn viên thuộc các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, Sở Du lịch Ninh Bình…

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn TS. Nguyễn Song Tùng cho biết, thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp môi trường hàng năm, Viện Địa lý nhân văn tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về cho người lao động Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, với chủ đề năm 2024 là BVMT di sản thiên nhiên.

TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn phát biểu khai mạc Hội thảo

    Không chỉ có giá trị về địa lý và lịch sử, di sản thiên nhiên còn là một nguồn tài nguyên vô giá với các giá trị về văn hóa, thẩm mỹ, giáo dục, môi trường, kinh tế, xã hội cùng nhiều giá trị khác có thể được lượng giá và khai thác để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các quốc gia, đồng thời đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, có không ít điểm di sản thiên nhiên đã và đang trở thành những điểm đến thu hút một lượng lớn khách du lịch, một mặt tạo ra các tác động tích cực như tăng doanh thu, tạo việc làm, cải thiện thu nhập, quảng bá giá trị di sản…, mặt khác gây ra các tác động tiêu cực như xói mòn di sản, quá tải hạ tầng, mất cân bằng sinh thái…

    Thông qua Hội thảo này, TS. Nguyễn Song Tùng mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, các cơ sở khoa học từ các nhà khoa học, các chuyên gia trong việc bảo tồn, phát huy và khai thác bền vững các giá trị di sản thiên nhiên phục vụ sự phát triển chung của đất nước, từ đó, bà hy vọng mỗi cá nhân trong cộng đồng, xã hội sẽ có những thay đổi về nhận thức và hành vi trong cuộc sống hàng ngày, góp phần BVMT, nâng cao chất lượng cuộc sống.

    Ninh Bình là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều danh lam, thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Đặc biệt, Quần thể Danh thắng Tràng An được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Đây là một trong 39 Di sản hỗn hợp của thế giới, và là Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tràng An là địa điểm nổi bật nhất trong khu vực Đông Nam Á và mang ý nghĩa toàn cầu trong việc minh chứng phương thức con người tương tác với cảnh quan tự nhiên và thích ứng với những biến đổi to lớn về môi trường kéo trong hàng nghìn năm lịch sử hình thành Trái đất.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Báo cáo  tại Hội thảo, đại diện Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An Nguyễn Thị Huyền Trang đã nêu lên thực trạng và công tác BVMT tại Khu di sản văn hoá Tràng An. Theo đó, trong những năm qua, Ban Quản lý (BQL) Quần thể danh thắng Tràng An đã tập trung thực hiện nhiều nội dung trong Quyết định và Kế hoạch của UBND tỉnh để bảo tồn di tích, cụ thể, Ban đã phối hợp với các ngành chức năng, địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, du lịch gắn với BVMT; điều phối các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đang đầu tư khai thác du lịch; đề xuất với UBND tỉnh triển khai nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án bảo tồn gắn với bảo vệ môi trường; phối hợp, liên kết với các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước về các vấn đề đa dạng sinh học, văn hoá lịch sử, địa chất - địa mạo, khảo cổ học…

    Để đẩy mạnh công tác BVMT, bảo tồn di sản, BQL đề xuất cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cộng đồng BVMT bảo tồn di sản; tập trung nguồn vốn cho phát triển văn hoá thông qua nguồn ngân sách Nhà nước, các dự án, chương trình, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp; định kỳ đánh giá tác động môi trường trong Khu di sản…

    Chia sẻ về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) gắn với phát triển du lịch bền vững, PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình được xác định là: “Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội; trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô và giá trị toàn cầu của di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng, nguồn lực và động lực phát triển, để trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế”.

    Đại diện Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới ThS. Bùi Thị Thúy Nga chia sẻ kinh nghiệm trong công tác BVMT của Đài Loan để áp dụng vào công tác BVMT hải đảo tại Việt Nam. Với việc bảo tồn các cảnh quan đặc biệt ở Đài Loan, công tác này bắt đầu bằng cách thành lập các khu danh lam, thắng cảnh, công viên quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được chủ định cấp quốc gia; đồng thời, bảo tồn các di sản thông qua chiến lược toàn diện, cân bằng và hài hoà giữa phát triển kinh tế với BVMT, bảo tồn di tích và đảm bảo an ninh, quốc phòng…

Các đại biểu tham quan, khảo sát Khu Di tích lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch sinh thái Hang Múa

    Trong khuôn khổ Hội thảo, Lễ trao giải Cuộc thi “Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chung tay kêu gọi BVMT di sản thiên nhiên của Việt Nam” đã được tổ chức. Các giải thưởng Nhất, Nhì, Ba và khuyến khích đã được đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trao cho các cá nhân, tập thể đạt giải, góp phần nâng cao nhận thức, hành vi, tạo sức lan tỏa xã hội về BVMT di sản thiên nhiên.

    Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đã tham quan, khảo sát Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch sinh thái Hang Múa. Hoạt động khảo sát này đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về các di chỉ khảo cổ, cảnh quan thiên nhiên và những giá trị về văn hóa, địa chất Tràng An.

Châu Loan

Ý kiến của bạn