Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Quy định về đánh giá tác động môi trường trong Luật

30/06/2022

    Tạp chí Môi trường tiếp tục thông tin đến bạn đọc nội dung liên quan đến đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong Luật BVMT năm 2020.

    Câu hỏi: Đề nghị hướng dẫn cơ quan nào chịu trách nhiệm xin ý kiến về ĐMC của quy hoạch, chiến lược.

    Trả lời:

    Trách nhiệm lấy ý kiến về ĐMC của chiến lược, quy hoạch được xác định theo quy định của pháp luật có liên quan. Như đối với trường hợp lấy ý kiến về ĐMC của quy hoạch, tại điểm a khoản 3 Điều 29, điểm a khoản 4 các Điều 30, 31 và 32 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định ,chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch đã quy định: “Cơ quan lập quy hoạch gửi hồ sơ lấy ý kiến về quy hoạch bao gồm báo cáo quy hoạch, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, hệ thống sơ đồ, bản đồ thể hiện nội dung quy
hoạch”
.

    Câu hỏi 8: Đề nghị hướng dẫn thủ tục thẩm định đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường có thẩm định tại cấp tỉnh hay không?
    Trả lời:

    Theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật BVMT 2020, đánh giá sơ bộ tác động môi trường không phải là thủ tục hành chính được thẩm định riêng mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đồng thời với hồ sơ đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo đó, nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một phần nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư và các báo cáo, hồ sơ này sẽ được thẩm định theo trình tự quy mđịnh của pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

    - Đối với trường hợp dự án đầu tư nhóm I nhưng thuộc thẩm quyền chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư của địa phương theo pháp luật có liên quan, thì nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường sẽ được xem xét, thẩm định tại địa phương theo thẩm quyền.

    Đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường là dự án thuộc nhóm I và phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
    Câu hỏi: Đề nghị hướng dẫn đánh giá sơ bộ tác động môi trường chỉ áp dụng cho trường hợp dự án đầu tư mới hay áp dụng cho cả các trường hợp điều chỉnh mục tiêu, quy mô của dự án đầu tư.

    Trả lời:

    Khoản 6 Điều 3 Luật BVMT 2020 quy định “Đánh giá sơ bộ tác động môi trường là việc xem xét, nhận dạng các vấn đề môi trường chính của dự án đầu tư trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi hoặc giai đoạn đề xuất thực hiện dự án đầu tư”. Khoản 2 Điều 29 Luật BVMT 2020 quy định “Thời điểm đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng”. Khoản 4 Điều 29 Luật BVMT 2020 quy định “Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đồng thời với hồ sơ đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư”. Theo các quy định này, đối tượng, nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thực hiện theo Luật BVMT 2020; đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một trong các nội dung hoặc thành phần hồ sơ đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo đó, trường hợp dự án đầu tư có điều chỉnh mục tiêu, quy mô và thuộc nhóm I mà pháp luật có liên quan (đầu tư công, đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng) quy định dự án đầu tư điều chỉnh phải thực hiện thủ tục quyết định, chấp thuận hoặc điều chỉnh quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời thành phần hồ sơ đề nghị quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật có liên quan yêu cầu phải có đánh giá sơ bộ tác động môi trường của dự án đầu tư điều chỉnh, thì chủ dự án phải thực hiện đánh
giá sơ bộ tác động môi trường cho dự án đầu tư điều chỉnh đó.

    Câu hỏi: Đề nghị hướng dẫn đối với trường hợp dự án đã được thẩm định báo cáo ĐTM với kết quả thông qua có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung trước ngày Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành; tuy nhiên, theo tiêu chí phân loại dự án thì thuộc nhóm I thì chủ dự án có phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường nữa hay không?

    Trả lời:

    - Khoản 2 Điều 29 Luật BVMT 2020 quy định: “Thời điểm đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng”.
    - Khoản 9 Điều 168 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định: “Dự án đầu tư thuộc nhóm I quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này đã được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành với kết quả thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung hoặc đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trong thời gian 24 tháng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường”.
    Do đó, trường hợp dự án như ý kiến nêu không thuộc đối tượng được miễn thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường quy định tại khoản 9 Điều 168 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP nêu trên. Trong trường hợp này, chủ dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường khi dự án thuộc đối tượng phải chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng.

    Vấn đề ĐTM cũng được cộng đồng quan tâm với nhóm câu hỏi về tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM; Quá trình lập, thẩm định báo cáo ĐTM, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM; Trách nhiệm của chủ dự án trong thực hiện quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM. Cụ thể như sau:

    Câu hỏi: Đề nghị hướng dẫn việc xác định đối tượng tham vấn là cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra; trường hợp kết quả tham vấn mà cộng đồng dân cư không ủng hộ việc thực hiện dự án thì cơ quan có thẩm quyền có phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM hay không?

    Trả lời:

    - Điểm a khoản 1 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã có quy định tương đối cụ thể đối tượng tham vấn là cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra, bao gồm: (i) cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực đất, mặt nước, đất có mặt nước, khu vực biển bị chiếm dụng cho việc đầu tư dự án; (ii) cộng đồng dân cư, cá nhân nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải nguy hại do dự án gây ra; (iii) cộng đồng dân cư, cá nhân bị ảnh hưởng do các hiện tượng sụt lún, sạt lở, bồi lắng bờ sông, bờ biển gây ra bởi dự án; (iv) cộng đồng dân cư, cá nhân bị tác động khác, được xác định thông qua quá trình ĐTM.

    Liên quan đến phạm vi chịu tác động trực tiếp của chất thải, phạm vi bị ảnh hưởng, tác động khác được Luật giao chủ dự án chịu trách nhiệm xác định và đánh giá thông qua quá trình ĐTM. Bên cạnh đó, tại điểm d và đ khoản 7 Điều 34 Luật BVMT 2020 quy định nội dung thẩm định báo cáo ĐTM có các nội dung sau: “sự phù hợp của kết quả nhận dạng, dự báo các tác động chính, chất thải phát sinh từ dự án đầu tư đến môi trường” và “sự phù hợp của kết quả đánh giá hiện trạng môi trường…; nhận dạng đối tượng bị tác động…”, nên phạm vi tham vấn các đối tượng bị tác động của chủ dự án khi thực hiện ĐTM cũng sẽ được hội đồng thẩm định xem xét, đánh giá và thẩm định trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM.

    - Khoản 5 Điều 33 Luật BVMT 2020 quy định “Kết quả tham vấn là thông tin quan trọng để chủ dự án đầu tư nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đầu tư đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Kết quả tham vấn phải được tiếp thu, thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến, kiến nghị của đối tượng được tham vấn, đối tượng quan tâm đến dự án đầu tư (nếu có). Trường hợp ý kiến, kiến nghị không được tiếp thu, chủ dự án đầu tư phải giải trình đầy đủ, rõ ràng. Chủ dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và kết quả tham vấn trong báo cáo đánh giá tác động môi trường”. Luật không quy định kết quả tham vấn là căn cứ pháp lý để phê duyệt hoặc không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của dự dự án.  Theo quy định này, trên cơ sở ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư (bao gồm cả các ý kiến không đồng thuận đối với việc triển khai dự án), chủ dự án có trách nhiệm “nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đầu tư đối với môi trường” và “giải trình đầy đủ, rõ ràng các ý kiến không được tiếp thu”. Cùng với việc thẩm định, đánh giá báo cáo ĐTM dựa trên các căn cứ pháp lý và cơ sở khoa học, kết quả tham vấn cộng đồng dân cư là nguồn thông tin quan trọng cung cấp cho hội đồng thẩm định trong quá trình xem xét, thẩm định báo cáo ĐTM của dự án.

    Câu hỏi: Đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn hình thức tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử (các biểu mẫu, sự tương tác giữa cơ quan đăng tải và đối tượng tham vấn); việc tham vấn thông qua đăng tải thực hiện trước hay sau khi thực hiện các hình thức tham vấn khác; đối với hình thức tổ chức họp lấy ý kiến và lấy ý kiến bằng văn bản, chủ dự án chỉ lựa chọn thực hiện 1 hình thức hay thực hiện cả 2 hình thức này.

    Trả lời:

    - Việc tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử được quy định cụ thể tại điểm a khoản 3 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo đó: “Trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án gửi nội dung tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường đến đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để tham vấn các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị đăng tải của chủ dự án, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định có trách nhiệm đăng tải nội dung tham vấn. Việc tham vấn được thực hiện trong thời hạn 15 ngày; hết thời hạn tham vấn, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử có trách nhiệm gửi kết quả tham vấn cho chủ dự án”.

    Theo quy định nêu trên, thời điểm, cách thức, thời hạn thực hiện hình thức tham vấn đã được quy định chi tiết. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định trong việc tiếp nhận nội dung tham vấn để đăng tải; tổng hợp, gửi kết quả tham vấn cho chủ dự án. Mặt khác, nội dung tham vấn cũng đã được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 33 Luật BVMT 2020.

    Do vậy, không cần thiết phải quy định các biểu mẫu liên quan đến việc gửi, tiếp nhận, phản hồi hình thức tham vấn này như ý kiến nêu.

    - Luật BVMT 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP không quy định thứ tự thực hiện của các hình thức tham vấn, do kết quả tham vấn của các hình thức này đều là thông tin quan trọng để chủ dự án đầu tư nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đầu tư đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.

    Do vậy, chủ dự án căn cứ các quy định về thời điểm, trình tự thực hiện các hình thức tham vấn để quyết định việc thực hiện theo quy định.

    - Khoản 1 Điều 33 Luật BVMT 2020 quy định đối tượng tham vấn bao gồm: (i) Cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư; (ii) Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư. Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã quy định chi tiết các đối tượng này kèm theo hình thức tham vấn tương ứng là họp lấy ý kiến và tham vấn bằng văn bản.
    Do là các đối tượng tham vấn khác nhau, về nguyên tắc, chủ dự án có trách nhiệm tham vấn đầy đủ các đối tượng này theo đúng quy định của Luật BVMT 2020. Riêng đối với một số trường hợp quy định tại các điểm e, g, h khoản 4 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, chủ dự án sẽ được miễn trách nhiệm tham vấn cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp của dự án đầu tư. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ dự án khi thực hiện ĐTM do tính chất đặc thù của một số dự án (bao gồm: dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông và tuyến đường dây tải điện liên tỉnh, liên huyện; dự án đầu tư nằm trên vùng biển, thềm lục địa chưa xác định được trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã; dự án nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp).

    Câu hỏi: Qua nghiên cứu Luật BVMT 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT cho thấy không có quy định về điều kiện của đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM. Đề nghị có hướng dẫn về đối tượng này.

    Trả lời:

    Luật Đầu tư 2014 có quy định ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết” thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tuy nhiên, Luật Đầu tư 2020 không còn quy định ngành, nghề này trong danh muc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do vậy, Luật BVMT 2020 không quy định điều kiện của đơn vị thực hiện dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM để phù hợp với Luật Đầu tư 2020.

    Câu hỏi: Đối với trường hợp dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM, xả nước thải vào hồ chứa thủy lợi mà hồ chứa này giao cho Công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi quản lý và vận hành thì thành phần tham gia hội đồng thẩm định là Công ty nêu trên hay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh; hướng dẫn thời điểm lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi là trước hay sau khi tổ chức họp hội đồng thẩm định; cách thức xử lý trong trường hợp ý kiến thành viên tham gia hội đồng của cơ quan này với ý kiến bằng văn bản của cơ quan là không thống nhất với nhau.

    Trả lời:

    - Điểm d khoản 3 Điều 34 Luật BVMT 2020 quy định như sau: “Trường hợp dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi thì hội đồng thẩm định phải có đại diện cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó; cơ quan thẩm định phải lấy ý kiến bằng văn bản và đạt được sự đồng thuận của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó trước khi phê duyệt kết quả thẩm định.

    Cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi có trách nhiệm cử thành viên tham gia hội đồng thẩm định, có ý kiến bằng văn bản về việc phê duyệt kết quả thẩm định trong thời hạn lấy ý kiến; trường hợp hết thời hạn lấy ý kiến mà không có văn bản trả lời thì được coi là đồng thuận với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường”.

    Theo quy định của pháp luật về thủy lợi thì Công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi như ý kiến nêu là tổ chức khai thác công trình thủy lợi, không phải là cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi nên không phải thành viên hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 34 Luật BVMT 2020 nêu trên.

    Hiện nay, Luật Thủy lợi và Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi đang phân cấp quản lý nhà nước công trình thủy lợi theo 02 cấp: ở cấp Trung ương là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan tham mưu việc thực hiện là Tổng cục Thủy lợi); ở cấp địa phương là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan tham mưu việc thực hiện là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

    - Luật BVMT 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định thời điểm lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi mà chỉ có quy định thời hạn trả lời ý kiến của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi là tối đa 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến (Điều 16 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT). Do vậy, cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM tự xem xét, quyết định thời điểm lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi, bảo đảm trước khi phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM phải có ý kiến đồng thuận của cơ quan này và hồ sơ lấy ý kiến là hồ sơ trước khi trình phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của dự án.
    - Theo quy định tại d khoản 3 Điều 34 Luật BVMT 2020 nêu trên, cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi có trách nhiệm cử thành viên tham gia hội đồng thẩm định, có ý kiến bằng văn bản về việc phê duyệt kết quả thẩm định trong thời hạn lấy ý kiến. Do vậy, ý kiến của đại diện cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi là ý kiến của thành viên hội đồng thẩm định (cũng như các thành viên khác của hội đồng) và chỉ phục vụ hoạt động thẩm định của hội đồng. Trong khi đó, ý kiến đồng thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của dự án.

    Câu hỏi:

    Đề nghị hướng dẫn thời điểm thực hiện ĐTM là trước hay sau khi có chủ trương đầu tư dự án; thời hạn thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM là ngày làm việc hay tính cả ngày nghỉ.

    Trả lời:

    - Khoản 1 Điều 31 Luật BVMT 2020 quy định “Đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án”. Do vậy, đối với trường hợp dự án phải có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng, thì ĐTM được thực hiện sau khi dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư.
    - Thời hạn thẩm định báo cáo ĐTM được quy định cụ thể tại khoản 6, thời hạn phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM được quy định tại khoản 9 Điều 34 Luật BVMT 2020 (bao gồm cả ngày nghỉ).

    Câu hỏi: Đối với trường hợp dự án đầu tư đã được phê duyệt báo cáo ĐTM năm 2015 theo Luật BVMT 2014, tuy nhiên đến nay (quá 24 tháng) nhưng dự án chưa được triển khai. Theo quy định của Luật BVMT 2014, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP thì dự án thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo ĐTM; tuy nhiên Luật BVMT 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành không còn quy định nêu trên. Vậy trường hợp dự án muốn tiếp tục triển khai thì có thể sử dụng báo cáo ĐTM được phê duyệt năm 2015 để làm căn cứ thực hiện hay không?

    Trả lời:

    Theo quy định tại Luật BVMT 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, trường hợp dự án đầu tư đã được phê duyệt báo cáo ĐTM mà quá 24 tháng chưa triển khai thực hiện thì chủ dự án có trách nhiệm lập báo cáo ĐTM trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, tính đến thời điểm trước ngày Luật BVMT 2020 có hiệu lực thi hành mà dự án vẫn chưa triển khai thực hiện thì quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án đã hết hiệu lực pháp lý và không còn là cơ sở cho việc triển khai thực hiện dự án.

    Để tiếp tục triển khai dự án, chủ dự án cần nghiên cứu các quy định của Luật BVMT 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP để xác định trách nhiệm thực hiện các hồ sơ, thủ tục, đăng ký về môi trường (như ĐTM, cấp GPMT, đăng ký môi trường) tương ứng.

    Câu hỏi: Đề nghị hướng dẫn cách hiểu của từ “vận hành” quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, cụ thể “Trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện dự án đầu tư trước khi vận hành, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường khi có một hoặc các thay đổi…”.
    Trả lời:

    Nội dung này đã có hướng dẫn tại khoản 14 Điều 168 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, theo đó vận hành bao gồm: vận hành thử nghiệm trong trường hợp dự án có công trình xử lý chất thải phải vận hành thử nghiệm hoặc vận hành chính thức trong trường hợp dự án không có công trình xử lý chất thải phải vận hành thử nghiệm.

    Câu hỏi: Trường hợp dự án đầu tư đã được phê duyệt báo cáo ĐTM có thay đổi địa điểm tại khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp mà khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không có phân khu chức năng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì có phải thực hiện ĐTM theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hay không?
Trả lời:

    Trường hợp thay đổi địa điểm tại khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp mà khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không có phân khu chức năng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì không thuộc đối tượng được miễn trừ thực hiện ĐTM.

    Xem và tải chi tiết nội dung Hướng dẫn thực hiện Luật BVMT 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT tại đây Huong dan LuatBVMT-ND08-TT02.pdf

 

Ý kiến của bạn