Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Quảng Ngãi tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn

30/06/2022

    Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành một số văn bản quan trọng liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn tỉnh như: Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND ngày 12/6/2019 về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH); Quyết định số 549/QĐ-UBND ngày 12/7/2019 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020; Quyết định số 911/QĐ-UBND ngày 25/11/2019 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu liên hợp xử lý CTR Nghĩa Kỳ (mở rộng) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045… làm cơ sở để các Sở, ban ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR

    Theo số liệu thống kê tổng lượng CTR sinh hoạt được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh khoảng 550 tấn/ngày (tại các đô thị, khu dân cư tập trung), công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa thực hiện; tỉ lệ thu gom, xử lý CTRSH tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trung bình đạt khoảng 75 - 80%, tại khu vực nông thôn đạt khoảng 40 - 50%.

    Công tác thu gom và vận chuyển CTRSH đô thị trên địa bàn tỉnh do các công ty dịch vụ môi trường, hợp tác xã (HTX) vệ sinh môi trường hoặc các tổ, đội vệ sinh thực hiện, cụ thể: Công ty CP Cơ - Điện - Môi trường Liama thu gom và vận chuyển CTR cho khu vực thị trấn Châu Ổ, Khu kinh tế Dung Quất; Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi thu gom vận chuyển CTR khu vực thành phố Quảng Ngãi và vùng lân cận; CTRSH tại thị trấn Di Lăng thuộc huyện Sơn Hà thu gom, vận chuyển và xử lý bởi HTX dịch vụ điện Di Lăng… CTRSH đô thị sau khi đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển được xử lý, tiêu hủy chủ yếu bằng phương pháp đốt, chôn lấp hợp vệ sinh, tại một số địa phương chưa có bãi chôn lấp hợp vệ sinh thì chủ yếu chôn lấp thông thường (có thực hiện lót bạt để hạn chế ô nhiễm từ nước rỉ rác, tuy nhiên chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác).

    Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH ở vùng nông thôn chỉ tập trung ở các khu đông dân cư và các tuyến đường lớn, bởi các đội, tổ vệ sinh thuộc các HTX. Các khu vực nông thôn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa người dân tự thu gom và xử lý bằng cách tự đốt hoặc đào hố để chôn lấp.

    CTR công nghiệp thông thường được các doanh nghiệp tự phân loại, tái chế và tái sử dụng. Các đơn vị sản xuất nằm ngoài KCN, CCN tùy thuộc vào điều kiện của từng doanh nghiệp mà hợp đồng với các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý như Công ty CP Cơ - Điện - Môi trường Lilama hoặc các đơn vị khác có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp tại khu vực. Hiện nay, Sở TN&MT đang thực hiện nhiệm vụ điều tra, thống kê lượng CTR công nghiệp phát sinh trên địa bàn (đây là hợp phần của nhiệm vụ thực hiện “Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý CTR trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, thực hiện trong năm 2022).

    Lượng CTR y tế phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 6.000 - 7000 kg/ngày, trong đó chất thải y tế lây nhiễm khoảng 900 - 1400 kg/ngày (chiếm khoảng 10 - 15% chất thải y tế phát sinh). Phần lớn CTR y tế lây nhiễm phát sinh hiện nay được xử lý tại Khu tập trung của tỉnh tại Nghĩa Kỳ (hoạt động từ năm 2019), với công suất xử lý 800 kg/ngày. Một số đơn vị sử dụng lò đốt chất thải y tế được đầu tư trong khuôn viên cơ sở hoặc hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Thực trạng các nhà máy, khu xử lý CTR trên địa bàn tỉnh

    Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tại xã Nghĩa Kỳ do Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc làm chủ đầu tư được xây dựng tại thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa để xử lý CTRSH phát sinh trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi và vùng lân cận; công suất Nhà máy 250 tấn/ngày/đêm (giai đoạn 1: 125 tấn/ngày/đêm), hiện đang hoàn thiện các hạng mục của giai đoạn 2.

    Đối với Khu Liên hiệp xử lý chất thải EME Dung Quất do Công ty CP Cơ - Điện - Môi trường Lilama làm chủ án, được xây dựng tại thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên, Bình Sơn. Với diện tích khoảng 19,28 ha; phạm vi xử lý CTR cho KKT Dung Quất và các khu vực lân cận.

    Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Lý Sơn do Công ty TNHH Thương mại xây dựng Đa Lộc làm chủ đầu tư tại xã An Hải, An Vĩnh, huyện Lý Sơn; diện tích khoảng 2,07 ha; khối lượng rác tiếp nhận xử lý thực tế khoảng 25 tấn rác/ngày. Công nghệ xử lý, gồm: đốt, sản xuất phân compost; Nhà máy đi vào hoạt động ổn định từ năm 2016. Do nhu cầu xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn huyện Lý Sơn nên Công ty đang hoàn thiện các thủ tục để nâng công suất xử lý lên 50 tấn rác/ngày.

     Đối với một số bãi chôn lấp hiện nay trên địa bàn như: Bãi chôn lấp CTR Long Mai, huyện Minh Long, quy mô quy hoạch khoảng 1,5 ha; hiện thiết kế hố chôn khoảng 0,24 ha; khối lượng xử lý khoảng 900 tấn/năm; công nghệ xử lý: đốt và chôn lấp. Bãi chôn lấp CTR Cà Đáo, huyện Sơn Hà khoảng 2,0 ha; khối lượng xử lý khoảng 2.500 tấn/năm, chủ yếu là đốt và chôn lấp, phạm vi 6/14 xã.

    Bãi chôn lấp CTR Sơn Tân, huyện Sơn Tây diện tích khoảng 1.471 m2 (hố rác dạng mở, xử lý theo hình thức đốt và chôn lấp); khả năng tiếp nhận rác 2,5 tấn/ngày, phạm vi 6/9 xã; hố xử lý rác được xây dựng năm 2011 và đến năm 2017 được nâng cấp mở rộng. Bãi chôn lấp CTR Trà Dinh, huyện Trà Bồng diện tích khoảng 1.600 m2; công suất thiết kế 600 tấn/năm, chủ yếu là đốt và chôn lấp; hoạt động từ năm 2007 đến nay.

 Các khu xử lý CTR đề xuất xây dựng mới

     Khu liên hợp xử lý CTRSH thị xã Đức Phổ tại thôn Phước Thượng, xã Phổ Nhơn, phường Phổ Nhơn được UBND tỉnh phê duyệt. Hiện nay, UBND thị xã Đức Phổ thực hiện kêu gọi đầu tư về xử lý chất thải vào Khu liên hợp này.

    Khu liên hợp xử lý chất thải Nghĩa Kỳ có diện tích khoảng 137ha (kể cả 28ha đã thực hiện) thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa và các xã: Hành Dũng, Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành. Đây là một tổ hợp gồm nhiều nhà máy với công nghệ hiện đại, trong đó kết hợp chôn lấp hợp vệ sinh (bao gồm diện tích hố chôn lấp đang đầu tư và bãi chôn lấp cũ sau khi được xử lý), xử lý tái chế CTR, tái tạo năng lượng và các loại hình phụ trợ khác có liên quan, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu chôn lấp và xử lý CTR đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, phần diện tích thuộc huyện Tư Nghĩa khoảng 87,5ha và phần diện tích thuộc huyện Nghĩa Hành khoảng 49,5ha. Là khu vực xử lý các loại CTR, bao gồm: Xử lý CTR thông thường (sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, bùn thải thoát nước và phân bùn bể tự hoại) và xử lý CTR nguy hại (công nghiệp, nông nghiệp và y tế) cho thành phố Quảng Ngãi (kể cả Khu công nghiệp Quảng Phú) và các huyện: Sơn Tịnh (kể cả Khu công nghiệp Tịnh Phong và Khu công nghiệp VSIP), Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành.

Một số giải pháp quản lý và xử lý CTR trên địa bàn tỉnh  

    Thứ nhất, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn tỉnh tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch theo đúng quy trình, quy định, bảo đảm các thông số yêu cầu về quy hoạch và môi trường theo quy định. Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư các dự án xử lý CTR và đầu tư thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mô hình và triển khai thực hiện có hiệu quả việc thu gom, phân loại và xử lý rác sinh hoạt để tạo điều kiện cho việc tái chế rác thải, hạn chế tối đa việc chôn lấp ô nhiễm môi trường. Triển khai thực hiện Dự án xử lý cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác trên địa bàn tỉnh có nguy cơ ô nhiễm môi trường…

    Thứ hai, các cấp ủy đảng (cấp huyện, cấp xã) có phương án, kế hoạch cụ thể để vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa” bằng những việc làm cụ thể phù hợp; thực hiện phương án thu gom, phân loại và xử lý rác sinh hoạt ở hộ gia đình, hạn chế tối đa việc chôn lấp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về môi trường, quản lý CTRSH nhằm nâng dần ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và đồng thuận, chia sẻ, chung tay cùng Nhà nước, các tổ chức, cá nhân để xử lý khối lượng rác tại các bãi chôn lấp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

    Thứ ba, các huyện/thị chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng, quản lý bãi chôn lấp hợp vệ sinh phù hợp với định hướng phát triển của địa phương; thực hiện thu gom, xử lý CTRSH hợp vệ sinh. Xác định mức độ ô nhiễm môi trường tại khu chôn lấp của huyện để có biện pháp xử lý phù hợp, không để ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của dân cư trong khu vực lân cận…

    Thứ tư, thực hiện nghiêm các quy định của Luật BVMT năm 2020. Theo đó, việc quản lý CTRSH được quy định từ Điều 72 đến Điều 80: Việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc quản lý CTRSH… Các quy định này hướng tới thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu CTRSH phát sinh tại nguồn, nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý CTRSH phải nộp sẽ cao, định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải.

    Thứ năm, rà soát, đánh giá thực tiễn, xây dựng lộ trình thu hút đầu tư  các dự án về xử lý chất thải đảm bảo các quy định về quản lý CTR theo Luật BVMT năm 2020.

Trần Thị Hạ Vũ

Chi cục trưởng, Chi cục BVMT tỉnh Quảng Ngãi

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2022)

Ý kiến của bạn