Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Quản lý và bảo tồn đất ngập nước ở Vườn Quốc gia Tràm Chim

27/05/2024

    Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim là khu bảo tồn với hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Nơi đây chịu ảnh hưởng chế độ thuỷ văn của vùng đồng bằng châu thổ sông Mekong, nhận nguồn nước trực tiếp từ sông Mekong thông qua hệ thống kênh thủy lợi (kênh Hồng Ngự - Long An, Đồng Tiến, An Hòa và Phú Hiệp) tràn vào nội đồng. Hàng năm, nơi đây ngập lũ từ tháng 8 đến tháng 12. Lũ đến và lũ đi, để lại lớp phù sa màu mỡ bồi đắp cho vùng đồng bằng châu thổ, hàng ngàn năm kiến tạo và xây dựng đồng bằng. Phù sa mang đến dinh dưỡng bổ sung cho đất, nước, cây trồng. Có dinh dưỡng là có sự sống. Lũ về, mang đến bao nhiêu là tôm cá, những loài cá chỉ xuất hiện khi mùa nước lũ, những loài cá khác cũng tận dụng nước lũ để di chuyển đến những nơi khác. Lũ đến mang nước bổ sung vào kênh rạch, ruộng đồng, bổ sung vào lượng cá đã suy kiệt sau một năm dài đánh bắt của người dân và các loài ăn cá. Lũ đi, cuốn theo những độc tố tồn đọng trong môi trường, lũ rửa phèn để đất phù hợp hơn với cây trồng. Lũ đi, cũng là thời điểm chim cò của Vườn được thiên nhiên chiêu đãi những bữa tiệc cá tôm miễn phí từ những ao nước cạn. Cứ thế, theo quy luật đến và đi của lũ, người dân, tự nhiên ở Tràm Chim luôn chung sống hòa hợp với nhịp nước lên xuống.

    Vùng lõi của VQG Tràm Chim ngày nay được chia thành 5 tiểu khu, mỗi khu vực được bao bọc xung quanh bởi hệ thống kênh và đê với tổng chiều dài lên đến 60 km. Mực nước bên trong VQG được điều tiết thông qua nhiều cửa cống lớn ở các bờ bao xung quanh Vườn. 

    “Là một vùng đất ngập nước, Tràm Chim có cơ chế thuỷ văn vùng ngập lũ đặc trưng. Lũ về mang nước mang cá con tới, nước lũ làm tăng lượng phù sa bồi lắng và tăng lượng nước mặt bổ cập cho các tầng nước ngầm. Nhưng việc giữ nước lại quá lâu, quá nhiều sẽ lại làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của thảm thực vật nơi đây, vốn dĩ đã quen với sự lên xuống nhịp nhàng của nhịp thuỷ văn sông Mekong, sáu tháng khô, sáu tháng ngập. Tuy nhiên, để giảm rủi ro cháy rừng vào mùa khô, mực nước bên trong VQG luôn bị giữ ở mức cao quanh năm, cao hơn nhiều so với nhịp thuỷ văn phổ biến trong Vườn trước đây. Mặc dù giữ nước cao thì sẽ giúp cho nhiều loài cá phát triển, đặc biệt là các loài “cá đen, cá bản địa, Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học, do mực nước giữ cao quanh năm nên thành phần thực vật, khu vực phân bố và tốc độ sinh trưởng các loại cây đã bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng, đồng thời gây ô nhiễm hữu cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài động thực vật thuỷ sinh. Đặc biệt là các cánh đồng cỏ năng kim đã bị thu hẹp, làm giảm đáng kể nguồn thức ăn cho Sếu đầu đỏ mỗi khi chúng di cư đến Tràm Chim vào mùa khô, dẫn đến số lượng cá thể sếu đến Tràm Chim này bị giảm theo hàng năm. Đã 2 năm rồi không thấy sếu về Tràm Chim nữa.”, ông Trần Hào Hiệp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế - VQG Tràm Chim chia sẻ.

    Một thách thức khác đối với hệ sinh thái của vùng đất ngập nước Tràm Chim chính là biến đổi khí hậu. “Ngày xưa ở Tràm Chim có 6 tháng nắng và 6 tháng mưa, nhưng bây giờ tháng nào cũng có nắng và mưa. Mưa nhiều khiến cây bị úng, ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài động vật hoang dã. Nắng nhiều thì lại lo khô hạn và cháy rừng”- ông Hiệp cho hay.

    “Để phục hồi và bảo tồn sinh cảnh đất ngập nước Tràm Chim, cách tốt nhất là dựa vào những “công thức sẵn có mà tự nhiên đã tạo ra và duy trì từ hàng trăm năm qua, đồng thời thích ứng với những thay đổi về điều kiện hạ tầng hiện tại ở trong và ngoài VQG Tràm Chim, như tận dụng hệ thống kênh, bờ bao và các cửa cống để “nhái lại” chế độ thuỷ văn của sông Mekong trước đây thông qua việc kiểm soát và điều chỉnh mực nước, dòng chảy bên trong Vườn, bên cạnh những giải pháp thuận thiên để thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng phục hồi của cả khu vực bên ngoài vùng đệm của Vườn”, ông Hoàng Việt, Giám đốc Chương trình Nước của Tổ chức WWF - Việt Nam chia sẻ.  

    Được sự hỗ trợ của Quỹ Coca-Cola Foundation, từ tháng 3/2022, WWF - Việt Nam phối hợp với VQG Tràm Chim đã tiến hành một loạt các nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp cải thiện việc điều tiết nước trong VQG ở mùa khô và mùa mưa một cách tối ưu và phù hợp với nhịp điệu của dòng chảy sông Mekong trước đây. Các giải pháp đã được đưa vào dự thảo Chiến lược quản lý thuỷ văn và gửi tới các chuyên gia độc lập và cơ quan sở ban ngành liên quan của tỉnh Đồng Tháp để tham vấn ý kiến. 

    Trong năm 2023, dự án đã giảm độ cao hoặc dỡ bỏ một số đoạn đê đất trong một số tiểu khu trong Vườn, như tiểu khu A1, A4 và A5, để tăng khả năng trao đổi và lưu thông nước, giúp phục hồi sinh cảnh tự nhiên, đặc biệt là đã phục hồi được 50ha đồng cỏ năng kim - nguồn thức ăn chính của Sếu đầu đỏ mỗi khi chúng về Tràm Chim.      

    Song song với việc đó, trong năm 2023, VQG Tràm Chim đã phối hợp cùng WWF - Việt Nam tăng cường công tác giám sát mực nước và chất lượng nước trong mùa lũ. 4 máy đo mực nước mặt tự động đã được bổ sung thêm tại tiểu khu A2, A3, A4, A5. Các chỉ số thu được từ việc đo đạc về mực nước, các chỉ tiêu môi trường nước (pH, DO, EC), thành phần của nước sẽ được dùng trong công tác quản lý về đa dạng sinh học. (Ví dụ pH thấp thì ảnh hưởng đến cá, mực nước tại các thời điểm khác nhau phản ánh sức khoẻ của hệ sinh thái).

    “Việc đo đạc, đánh giá, nghiên cứu mực nước và cơ chế thuỷ văn trong thời gian vừa qua là tiền đề khoa học để VQG đưa ra những hoạt động can thiệp cụ thể để quản lý bền vững hệ sinh thái đất ngập nước Tràm Chim”, ông Hiệp nhận định.

  

   Máy đo mực nước mặt tự động ở VQG Tràm Chim                                   Anh Hiệp, cán bộ VQG trao đổi với WWF-Việt Nam

                                                                                                                        về công tác quản lý giám sát nước ở Tràm Chim

    Con người sống hài hoà với thiên nhiên

    Anh Hiệp là cán bộ của VQG Tràm Chim được 17 năm. Anh vẫn còn nhớ Tràm Chim của 17 năm trước, dân cư xung quanh thưa thớt, đi 100 - 200 mét mới có 1 nhà dân. Ngày nay, VQG Tràm Chim được bao quanh bởi một cộng đồng dân cư đông đúc, gồm khoảng 50.000 người dân. Đa phần mọi người phụ thuộc sinh kế vào hoạt động canh tác sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, bắt cá) tại vùng đệm xung quanh VQG.  Một số hộ khó khăn, sinh kế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên đất ngập nước bên trong vùng đệm của VQG. Ước tính hơn 100 hộ dân tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái ở Tràm Chim.

    “Phát triển sinh kế và du lịch ở các xã vùng đệm sao cho mang lại lợi ích cộng đồng đồng, xây dựng các mô hình nông nghiệp đảm bảo sinh kế cho người dân, đồng thời đóng góp cho công tác bảo tồn hệ sinh thái Tràm Chim là một thách thức mà VQG đang nỗ lực giải quyết, ông Hiệp chia sẻ.

    Một trong những giải pháp “thuận thiên” mà WWF và VQG Tràm Chim triển khai thực hiện ở khu vực vùng đệm của Vườn là phục hồi các cánh đồng là vùng ngập lũ trước đây nhằm cải thiện chất lượng đất, nhờ việc gia tăng hàm lượng phù sa, dinh dưỡng lắng đọng trên các cánh đồng, giúp nâng cao năng suất, từ đó cải thiện thu nhập của người nông dân. Giải pháp này sẽ đồng thời giúp bồi đắp bề mặt của Đồng bằng sông Cửu Long từ phù sa, trầm tích của sông Mekong để bù hoàn cho sự sụt lún tự nhiên của vùng đồng bằng và sụt lún nhân tạo do các hoạt động của con người như khai thác nước ngầm và khai thác cát vượt quá khả năng bù hoàn của tự nhiên hiện nay.

    Từ tháng 8 đến tháng 12/2022, VQG Tràm Chim phối hợp cùng WWF - Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu sự vận chuyển và lắng đọng phù sa, trầm tích sông Mekong. Các mẫu nước ở 4 khu vực triển khai mô hình canh tác mùa lũ ở các xã vùng đệm của VQG Tràm Chim đã được thu thập và phân tích, từ đó đưa ra các nghiên cứu cải thiện chất lượng nước từ các mô hình nông nghiệp mùa lũ. Tháng 6/2023, dự án sẽ mở rộng mô hình canh tác nông nghiệp mùa lũ để chuyển dịch dần các mô hình canh tác lúa vụ 3 hiện nay thành các mô hình canh tác “thuận thiên", hướng tới phục hồi phần lớn các cánh đồng lũ Đồng Tháp Mười khi xưa.

    “Nếu chúng ta thấy được sự kết nối không thể thiếu giữa con người với thiên nhiên, cuộc sống của con người phụ thuộc vào thiên nhiên là điều tất yếu, thì điều chúng ta cần phải làm là tìm ra những giải pháp để con người có thể chung sống hài hoà với thiên nhiên, đảm bảo thiên nhiên được bảo vệ và sinh kế người dân được ổn định”, ông Hoàng Việt - Giám đốc Chương trình Nước - WWF Việt Nam nhận định.  

    Trong thời gian qua, WWF và VQG Tràm Chim đã hỗ trợ những sáng kiến của cộng đồng để phát triển sinh kế mùa lũ mà không ảnh hưởng lớn tới thiên nhiên thông qua việc cung cấp cá giống với lưới chắn cho người dân nuôi thuỷ sản trên các cánh đồng ngập lũ, hay hỗ trợ người dân khai thác cỏ năng ống trong VQG để ủ kiệu, một loại đặc sản của địa phương.

Người dân cắt cỏ năng ống để ủ kiện

    Trong thời gian tới, VQG phối hợp cùng với WWF - Việt Nam và chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ một số hộ dân ở xã vùng đệm có nhu cầu chuyển đổi vùng lúa vụ 3 sang mô hình sinh kế canh tác phù hợp hơn với mùa lũ. VQG phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Nông tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật giúp các hộ dân trong quá trình thực hiện các mô hình sinh kế và tính toán hiệu quả để nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó, cũng hướng dẫn người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý, vừa giúp BVMT lại ko làm ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng. 

    Song song với việc hỗ trợ sinh kế, VQG Tràm Chim tích cực đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao ý thức người dân trong việc BVMT, thông qua các sáng kiến được đề xuất và triển khai bởi Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên ở các xã Phú Đức, Tân Công Sính, Phú Thọ và thị trấn Tràm Chim, như sáng kiến về truyền thông, các chiến dịch làm sạch môi trường. 12  buổi truyền thông về BVMT và thu gom rác đã được tổ chức tại 5 xã và 1 thị trấn với 720 lượt người tham gia. Bộ tài liệu về bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước và BVMT nước ở trong và xung quanh VQG Tràm Chim đã được xây dựng để phát cho 1.000  học sinh và giáo viên tại 6 trường trung học cơ sở, phòng Giáo dục và VQG Tràm Chim. 35 giáo viên tại 6 trường trung học cơ sở được tập huấn về lồng ghép giáo dục môi trường trong các chương trình ngoại khoá. Trên 1.500 học sinh Trung học cơ sở ở 6 trường của huyện Tam Nông đã được tham gia chương trình ngoại khoá, tìm hiểu về VQG Tràm Chim và tầm quan trọng của việc bảo tồn vùng đất ngập nước và các mô hình phân loại rác thải. 

    Theo nắng ấm, Sếu về!

    Hàng năm, mỗi khi con nước sông Mekong rút đi, củ năng kim cựa mình trong đất, bà con vùng Tràm Chim lại chung niềm mong ngóng, chờ đợi sếu đầu đỏ, loài chim mang phước lành và là biểu tượng của Đồng Tháp trở về. Không phụ lòng mong mỏi của bà con Đồng Tháp, sau 2 năm vắng bóng, sếu đã về lại Tràm Chim vào ngày 7/3/2024.

    “Chúng tôi đang kiểm tra các trang thiết bị PCCC cho diễn tập đốt cỏ chủ động thì thấy 4 cá thể sếu bay qua ngang tầm mắt rồi từ từ hạ cánh khuất vào ven tràm. Khoảng 30 phút sau, đàn sếu tung cánh bay lên bầu trời, lạng vòng quanh rồi bay hướng về khu A4. Tôi công tác ở Tràm Chim đã hơn 20 năm, từ nhỏ tôi cũng thường xuyên thấy sếu về trên các cánh đồng. Năm nay gặp sếu, giống như lại người thân của tôi vậy”, anh Nguyễn Trọng Hiếu, nhân viên phòng quản lý bảo vệ và PCCCR (QLBV), người có duyên may gặp sếu, xúc động kể lại.

    Đồng nghiệp của anh Hiếu thuộc phòng QLBV, anh Lê Thanh Sơn chia sẻ: “Bất ngờ đàn sếu bay vượt qua đầu chúng tôi rồi từ từ đáp xuống. Mừng vui không biết cách nào tả xiết. Hàng ngày của chúng tôi đều cố gắng phục hồi sinh cảnh sống của sếu. Sếu về là thành quả mà chúng tôi đã nỗ lực trong mấy năm qua”.

    Theo chân các cán bộ VQG Tràm Chim, chúng tôi đi men theo đường mòn dẫn tới các khu vùng lõi nơi sếu có khả năng sẽ xuất hiện. So với các năm trước, năm nay VQG Tràm Chim mang một vẻ đẹp mới sống động và nhộn nhịp hơn rất nhiều. Các tán rừng tràm xanh đầy sức sống, khoẻ mạnh vươn lên trong nắng, hàng trăm cá thể trích cồ, mòng két, cùng với cò ốc, cò lạo, gà lôi nước … ồn ào tụ tập kiếm ăn trên các ao, đìa cá còn lại trên cánh đồng sau khi nước rút. Hệ sinh thái đông đúc, đa dạng của Đồng Tháp Mười trước đây dường như đã trở lại nguyên vẹn. Rất lâu rồi người Tràm Chim mới được thấy cảnh tượng chim về hàng đàn nhộn nhịp như vậy. 

    Sự thay đổi tích cực của hệ sinh thái Tràm Chim trong mùa khô năm nay là kết quả của quyết định áp dụng phương án điều tiết nước và phục hồi sinh cảnh đồng cỏ. Đã hơn 10 năm, các khu vực đồng cỏ trong vùng lõi mới được ở trong trạng thái khô ráo do trước đó luôn phải giữ nước để phòng chống cháy rừng. Việc điều tiết nước sau khi lũ rút trong VQG đã trả lại sinh cảnh nguyên thuỷ của khu vực Đồng Tháp Mười 6 tháng mùa khô, 6 tháng ngập nước đã mang đến hiệu quả rõ rệt. 

    “Số lượng chim di cư về lại Tràm Chim năm nay nhiều hơn rất nhiều so với các năm trước đây. Nước rút tạo ra các vũng cá làm thức ăn cho các loài chim, đồng thời tạo môi trường sống tốt nhất cho các loài thực vật như cây tràm, cây lúa ma, hoàng đầu ấn, đặc biệt là cỏ năng kim, thức ăn ưa thích của chim sếu, có thể phát triển và tạo củ”, ông Cao Thái Phong, PGĐ VQG Tràm Chim, chia sẻ. 

    Xả nước vùng lõi là một quyết định táo bạo của VQG Tràm Chim, do đồng khô, cỏ cháy dưới nắng nóng Nam bộ có thể dẫn đến cháy rừng. Đây cũng là nguyên nhân trong 10 năm vừa qua, VQG phải giữ nước để đảm bảo an toàn PCCCR. Để khắc phục nguy cơ cháy không kiểm soát, cũng như giảm khối lượng thực bì, tạo điều kiện cho sếu dễ tiếp cận và tìm thức ăn, VQG đã lên phương án trục đồng cỏ xung quanh rừng tràm (từ 40 - 60 m) tạo khoảng trống để hạn chế cháy lan vào rừng tràm.

    Từ nguồn vốn do Quỹ Coca-Cola Foundation tài trợ thông qua WWF - Việt Nam, đầu năm 2023, Vườn đã tiến hành điều tiết mực nước tại khu A4. Đến tháng 5/2023, Vườn triển khai đốt cỏ giảm thực bì, cày, xới… phục hồi sinh cảnh năng kim. Kết quả, ghi nhận vào tháng 1/2024, cỏ năng kim đã phục hồi khoảng 22 ha, củ năng to và chắc, tinh bột đầy, có chiều hướng phát triển thêm trên diện rộng. Bên cạnh đó, hoa hoàng đầu ấn cũng phục hồi lên đến 12 ha ngay tại khu vực năng kim phát triển. Nếu Sếu về thời điểm này có thể dễ tiếp cận và tìm thức ăn. Năm 2024, theo Kế hoạch phục hồi sinh thái, đến nay Vườn đã triển khai đốt chủ động hơn 260 ha đồng cỏ tại các khu vực A1, A5.

    Theo ông Hoàng Việt, Quản lý chương trình Nước ngọt, WWF - Việt Nam: “VQG Tràm Chim là một hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của Đồng Tháp Mười, là một điểm di trú quan trọng không thể thiếu trong vòng đời của các loài chim di cư trong đường bay Đông Á - Úc Châu. Đây là khu vực các loài chim có thể tìm kiếm thức ăn, nước uống, là nơi trú ẩn an toàn để nghỉ ngơi, đặc biệt là duy trì sức khỏe sinh sản của loài. Sự tồn tại và phát triển của nhiều loài chim di cư như Sếu đầu đỏ, Giang sen, Quắm đầu đen, Già đẫy… phụ thuộc rất nhiều vào vào hệ sinh thái của Tràm Chim. Sự suy thoái và suy giảm của các hệ sinh thái đất ngập nước của Tràm Chim có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với quần thể chim di trú toàn cầu và cuộc sống của người dân địa phương”. 

Đồng cỏ - nơi cư ngụ và cung cấp thức ăn cho các loài chim ở Tràm Chim

    Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, hệ sinh thái nhạy cảm của VQG Tràm Chim và Đồng Tháp Mười vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn từ việc thay đổi dòng chảy sông Mekong từ thượng nguồn, biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế không bền vững và ý thức BVMTchưa đầy đủ từ một số dân cư vùng đệm. 

    “Phục hồi và bảo tồn thiên nhiên là công việc đòi hỏi sự bền bỉ và kiên nhẫn. Chúng tôi rất trân trọng các đối tác, nhà tài trợ và đặc biệt là WWF và Công ty Coca-Cola đã đồng hành với Tràm Chim từ những năm 2007 cho tới nay. Việc đàn sếu trở về đã chứng minh các sáng kiến và giải pháp phục hồi sinh cảnh mà VQG và WWF đang thực hiện là hướng đi đúng để bảo tồn hệ sinh thái Tràm Chim. Chúng tôi hy vọng WWF và các đối tác yêu thiên nhiên sẽ tiếp tục đồng hành cùng VQG trong các công tác bảo tồn phục hồi thiên nhiên, cũng như truyền thông nâng cao nhận thức và hỗ trợ phát triển sinh kế cộng đồng cư dân vùng đệm. Tôi tin rằng, khi tất cả cùng nỗ lực, chúng ta có thể bảo lưu toàn vẹn hệ sinh thái Đồng Tháp Mười cho các thế hệ mai sau”, ông Cao Thái Phong, PGĐ VQG nói với chúng tôi.

    Tới tháng 3/2024, đã có 4 cá thể sếu quay về Tràm Chim. Ngoài ra VQG còn ghi nhận nhiều loài chim di cư quý hiếm rất quan trọng trong hệ sinh thái ĐNN Tràm Chim như giang sen (Cò lạo Ấn Độ): 120 cá thể, quắm đầu đen: 10 cá thể, già đẫy: 1 cá thể và hàng ngàn cá thể mòng két mày trắng trong cùng thời điểm. 

    Sếu đầu đỏ phương Đông là loài lớn nhất trong 15 loài Sếu trên thế giới. Chúng rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường. Con trống trưởng thành cao khoảng 150 - 180 cm, sải cánh từ 220 - 250 cm, trọng lượng trung bình 8 - 10 kg. Chúng có chế độ ăn tạp, có thể ăn rễ, củ cây, côn trùng, động vật giáp sát và một số loài thú có vú nhỏ. Với số lượng suy giảm nhanh chóng trên toàn cầu, loài chim quý hiếm này đang ở bên bờ vực tuyệt chủng.

    Hội Sếu quốc tế (ICF) ước tính năm 1990 sếu đầu đỏ phương Đông có khoảng 1.100 con và được duy trì trên dưới 900 con đến năm 2002. Sau đó suy giảm khoảng 1% mỗi năm, cho đến năm 2013 còn khoảng 850 con. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến 2019, sếu đầu đỏ suy giảm đến 72%, chỉ còn 234 con. Và năm 2020 ước tính chỉ còn 179 con.

Nguyễn Xuân Thắng

(Nguồn dữ liệu và ảnh của WWF)

Phạm Ngọc Mai

WWF-Việt Nam

Phạm Đình

Ý kiến của bạn