Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 09/01/2025

Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

01/08/2023

    Ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Theo đó, việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và tương thích với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương và hài hòa với yêu cầu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đời sống của người dân. Khoáng sản là tài nguyên hữu hạn; việc khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản phải được thực hiện trên cơ sở thăm dò, đánh giá tổng thể các yếu tố về trữ lượng, tài nguyên và chất lượng các loại khoáng sản, năng lực khai thác, chế biến và nhu cầu sử dụng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và yêu cầu về nguồn khoáng sản dự trữ quốc gia. Quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch các loại khoáng sản; khuyến khích các thành phần kinh tế có kinh nghiệm và năng lực về chế biến, khai thác khoáng sản để đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; cân đối hợp lý, hiệu quả giữa xuất khẩu, nhập khẩu khoáng sản, ưu tiên đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Phát triển lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

    Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững. Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.

    Quy hoạch cũng đặt mục tiêu đối với một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng trong giai đoạn 2021 - 2030, cụ thể:

    Khoáng sản bô-xít: Việc thăm dò, khai thác phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu ra đến sản phẩm alumin); lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án thăm dò và khai thác phải đủ năng lực thực hiện đồng bộ các dự án từ khâu thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường, đặc biệt cần lưu ý phương án thải và xử lý bùn đỏ bền vững, hiệu quả. Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để tái chế bùn đỏ. Các dự án sản xuất nhôm mới bằng công nghệ điện phân phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, trong đó khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

    Khoáng sản titan: Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản titan với lộ trình và quy mô hợp lý phù hợp với từng giai đoạn, từng bước hình thành các tổ hợp công nghệ mỏ - tuyển, cụm công nghiệp chế biến khoáng sản titan đồng bộ với hạ tầng. Các dự án titan ven biển có giải pháp đảm bảo cân đối nguồn nước cho sản xuất và nhu cầu dân sinh, phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tập trung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư khai thác, chế biến titan đồng bộ với các sản phẩm chế biến sâu (pigment, dioxit titan, titan kim loại, zircon cao cấp, monazit...).

    Khoáng sản đất hiếm: Phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải gắn với dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%, khuyến khích sản suất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO), công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thu hồi tối đa các khoáng sản có ích đi kèm, đảm bảo môi trường, an toàn về phóng xạ.

    Khoáng sản niken, đồng, vàng: Khai thác quặng niken, đồng, vàng phải đi kèm dự án đầu tư chế biến một cách đồng bộ, hiệu quả, bền vững và thu hồi tối đa các khoáng sản đi kèm và đảm bảo môi trường.

    Khoáng sản crômit: Khai thác crômit phải có dự án khai thác, chế biến thu hồi tối đa các khoáng sản đi kèm niken, coban, bentonit.

    Khoáng sản sắt: Nghiên cứu cấp phép thăm dò, khai thác quặng sắt cho các đơn vị có kinh nghiệm, năng lực về chế biến, khai thác quặng sắt để chế biến khoáng sản limolit, hematit, sắt nghèo, khoáng sản sắt laterit vùng Tây Nguyên, quặng sắt trong cả nước tạo ra sản phẩm quặng sắt chất lượng để sử dụng cho lò cao của các cơ sở gang thép trong nước.

    Khoáng sản apatit: Phát huy tối đa nội lực, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ứng dụng tuyển apatit loại II, loại IV và nghèo, sản xuất thuốc tuyển. Tập trung đẩy mạnh đầu tư khai thác, tuyển, chế biến apatit loại II, loại IV nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên.

    Đối với những khoáng sản khác như đồng, vàng, chì, kẽm...: Quản lý tốt tài nguyên, khai thác, khâu chế biến phải sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, đảm bảo an toàn và môi trường, thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản để đáp ứng nhu cầu trong nước, cấp phép thăm dò, khai thác gắn với địa chỉ chế biến sâu. Để đồng bộ công tác quản lý nhà nước, các dự án khai thác mỏ, dự án đầu tư chế biến bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng, chì, kẽm, sắt phải được cơ quan quản lý nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản cho ý kiến trước khi cấp phép.

    Theo Quyết định, Bộ TN&MT có nhiệm vụ đẩy mạnh điều tra cơ bản các loại khoáng sản tại các vùng có triển vọng như: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên và ven biển, đặc biệt khoáng sản phân bố ở phần sâu. Khoanh định, bổ sung khu vực các loại khoáng sản chưa huy động trong quy hoạch vào danh mục khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy hoạch khoáng sản, đảm bảo dự án khai thác khoáng sản sử dụng công nghệ tiên tiến, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và phải gắn với dự án chế biến sâu. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư trong quản lý hoạt động khoáng sản; chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, tình hình hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp, dự án sau khi cấp phép. Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai để tăng hiệu quả kinh tế - xã hội các dự án khai thác khoáng sản như: chính sách giải phóng mặt bằng, chính sách sử dụng đất sau khai thác khoáng sản. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác, chế biến các loại khoáng sản xử lý nghiêm theo quy định đối với các dự án không tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Chủ trì xây dựng, cập nhật, chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu về trữ lượng, tài nguyên các loại khoáng sản, tình hình hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp, dự án sau khi cấp phép.

Trần Tân

Ý kiến của bạn