Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Phê duyệt Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ

04/01/2024

    UBND tỉnh vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ, sử dụng công nghệ đốt rác phát điện với hình thức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhằm xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp thông thường nếu nhà đầu tư có nhu cầu, với công nghệ đốt rác phát điện; chất thải thứ cấp (tro xỉ) sau khi xử lý được tái sử dụng, tái chế, góp phần giảm chôn lấp chất thải, cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏecộng đồng và phát triển đô thị bền vững.

    Theo đó, Dự án có diện tích đất dự kiến sử dụng là 100.401 m2, được thực hiện tại ô A5 và ô A6, Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn; công suất thiết kế 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, đêm (có phát điện với công suất phù hợp); tiến độ thực hiện Dự án không quá 2 năm.

    Dự án có phạm vi phục vụ cho TP. Quy Nhơn; thị xã An Nhơn (huyện Tuy Phước); xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) và sẽ gia tăng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt dựa trên nhu cầu thực tế, mở rộng phạm vi phục vụ. Dự kiến, tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án là 1.500 tỷ đồng. Đây là chi phí đầu tư xây dựng thực hiện (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng), Nhà nước giao mặt bằng sạch và tổ chức đầu tư hạ tầng đến hàng rào của Dự án.

Khu vực triển khai Dự án

    Về chi phí xử lý rác thải, UBND tỉnh Bình Định quy định không quá 430.000 đồng/tấn (đã bao gồm thuế VAT và các chi phí xử lý tro bay, tro xỉ, chất thải thứ cấp hình thành từ quá trình tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt). Chi phí trên được ổn định trong vòng 3 năm đầu kể từ khi nhà máy đưa vào vận hành chính thức. Sau 3 năm, Bình Định sẽ cập nhật, điều chỉnh tăng giá với tần suất tăng giá là 2 năm/lần (hệ số giá tăng được tính theo chỉ số CPI trung bình của 2 năm trước đó).

    UBND tỉnh Bình Định cho biết, lộ trình tăng giá này là lộ trình tăng giá tối đa, khuyến khích các nhà đầu tư có lộ trình tăng giá theo hướng tiết kiệm hơn cho ngân sách Nhà nước. Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường (nếu có), nhà đầu tư thực hiện theo hợp đồng thỏa thuận với các chủ nguồn thải.

    Đối với nhà đầu tư, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu xây dựng nhà máy phải sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý triệt để mùi hôi, tro bụi, không yêu cầu phân loại rác tại nguồn; máy móc, thiết bị, dây chuyền xử lý phải đảm bảo đầu tư mới, chưa qua sử dụng.

Chí Viễn

Ý kiến của bạn